Yêu thương và bình an

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 734 | Cập nhật lần cuối: 8/31/2023 1:28:06 AM | RSS

“Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện.

Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà.

Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em“.

(2 Cor 13,11)

Bằng tình yêu, thánh Phaolô đã dõi theo sự phát triển của cộng đoàn Côrintô: ngài đã thăm viếng và nâng đỡ cộng đoàn trong những giây phút khó khăn.

Với lá thư này là lúc ngài phải bênh vực mình về những lời cáo buộc của những người rao giảng khác, vì đối với họ, cách hành xử của thánh nhân đáng nghi ngờ: đó là ngài không cho phép trả công cho việc truyền giáo của mình, không nói theo kiểu hùng biện, không trình thư giới thiệu để bênh vực quyền bính của mình, tuyên bố là hiểu và sống sự yếu đuối của mình theo ánh sáng của Chúa Giêsu.

Vậy mà khi kết thúc lá thư, thánh Phaolô trao cho các tín hữu Côrintô lời kêu gọi đầy tin tưởng và hy vọng.

“Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện.

Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà.

Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.

Đặc điểm đầu tiên ta thấy ngay là những lời khuyên của thánh nhân dành cho toàn thể cộng đoàn, như là nơi ta có thể trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa. Tất cả sự mỏng dòn của con người gây khó khăn cho việc hiểu biết lẫn nhau, việc thông tin trung thành và thành thực, sự đồng tâm tôn trọng những khác biệt về kinh nghiệm và tư tưởng, đều có thể được chữa khỏi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa hòa bình.

Thánh Phaolô đề ra một số cách xử sự cụ thể và nhất quán cho những đòi hỏi của Tin mừng: đó là hướng đến việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa dành cho mỗi người và tất cả mọi người, như anh chị em với nhau; mang đến cộng đoàn tình yêu an ủi của Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận được; săn sóc lẫn nhau bằng cách chia sẻ những nguyện vọng sâu xa nhất; đón nhận nhau bằng cách cống hiến và lãnh nhận lòng xót thương và tha thứ; nuôi dưỡng sự tin tưởng và lắng nghe.

Đó là những chọn lựa tuỳ vào sự tự do của chúng ta, đôi khi chúng đòi hỏi lòng can đảm trở nên “dấu chỉ chống báng” đối với tâm thức hiện hành.

Vì vậy thánh tông đồ cũng khuyên nên khuyến khích nhau trong nỗ lực này. Điều quan trọng đối với thánh nhân là gìn giữ và làm chứng, trong niềm vui, giá trị vô sánh của hiệp nhất và bình an, trong đức ái và sự thật. Tất cả luôn luôn được đặt nền trên đá tảng của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đồng hành với dân Người.

“Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện.

Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà.

Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.

Để thực hành Lời Sống này, như thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy nhìn vào mẫu gương và tình cảm của Chúa Giêsu, Đấng đã đến mang cho chúng ta sự bình an trọn vẹn của Người (x. Ga 14,27). Vì niềm bình an đó không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, tranh cãi, chia rẽ, thương tích. […] mà là sự sống và niềm vui tràn đầy, là ơn cứu độ cho toàn thể con người, là sự tự do và tình huynh đệ trong yêu thương giữa tất cả các dân tộc. […] Và Chúa Giêsu đã làm gì để ban cho chúng ta ơn bình an “của Người“? Người đã trả giá bằng chính mạng sống mình. […] Người đã đặt mình ở giữa hai bên, đã nhận lấy cho mình những hận thù và chia rẽ, đã bạt đổ những bức tường chia cách các dân tộc (x. Eph 2, 14-18).

Đối với chúng ta, việc xây dựng hòa bình đòi hỏi một tình yêu mạnh mẽ, có khả năng mến yêu cả người vô ơn, có khả năng tha thứ, vượt trên sự thù nghịch, mến yêu quê hương người khác như quê hương mình. […] Hòa bình còn đòi buộc chúng ta có tấm lòng và cái nhìn mới để mến yêu và thấy nơi tất cả mọi người như những ứng viên của tình huynh đệ đại đồng. […] Ông Igino Giordani viết: “Điều ác nảy sinh từ tâm hồn con người và “để loại bỏ nguy hiểm chiến tranh thì cần phải loại bỏ tinh thần hiếu chiến, bóc lột và lòng ích kỷ từ đó đưa đến chiến tranh: cần phải xây dựng lại lương tâm” (C. Lubich, Lời Sống tháng 1, 2003).

Bonita Park là một khu vực thuộc Hartswater, một đô thị miền quê tại Nam Phi. Cũng như tại mọi nơi ở nước này, vẫn còn tồn tại những hậu quả của chế độ kỳ thị chủng tộc, nhất là trong lãnh vực giáo dục: học lực của những người trẻ thuộc các nhóm da đen và lai thì thấp hơn của các nhóm chủng tộc khác, với rủi ro kéo theo là bị gạt ra lề xã hội.

Dự án “Nhịp cầu” (the Bridge) được lập ra để tạo nên một trung gian giữa các nhóm chủng tộc khác nhau trong khu vực, nối liền những khoảng cách và những khác biệt văn hóa, và lập ra một chương trình sau giờ học và một nơi chung: một nơi gặp gỡ giữa các văn hóa khác nhau, cho các thiếu nhi và người trẻ. Cộng đồng tỏ ra rất ước muốn làm việc chung: anh Carlo đã tặng chiếc xe tải nhỏ của anh để đi lấy gỗ làm bàn học và ông hiệu trưởng trường tiểu học gần đó tặng sách vở, đang khi nhà thờ thuộc Giáo hội Cải cách tặng năm mươi chiếc ghế. Mỗi người đã góp phần của mình để làm cho nhịp cầu giữa các văn hóa và chủng tộc mỗi ngày một vững chắc hơn (x. https://www.unitedwordproject.org/sudafrica-un-ponte-tra-cuture).

Letizia Magri cùng với nhóm Lời Sống