Phép lịch sự trong giao tiếp tiếng Anh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4275 | Cập nhật lần cuối: 6/15/2015 9:46:46 AM | RSS

Phép lịch sự được tạo dựng dựa trên sự đánh giá của một cộng đồng văn hóa, vậy nên nó có tính chuẩn mực và tính lịch sử. Phép lịch sự được sử dụng để duy trì các mối quan hệ xã hội, tránh xung đột, tôn trọng thể diện của đối tượng tham gia giao tiếp.

Theo Lakoff (1973), “Lịch sự chính là sự giảm thiểu xung đột trong giao tiếp, lịch sự nhiều khi là sự nhân nhượng tuyệt vời: người ta coi trọng nó hơn cả sự rõ ràng, minh bạch, nhằm tránh những điều phiền toái, bực mình”. Ông đã đưa ra hai nguyên lý về khả năng ngữ dụng (pragmatic competence) trong giao tiếp đó là: nguyên lý diễn đạt rõ ràng (be clear) và nguyên lý lịch sự (be polite).

Nguyên lý diễn đạt rõ ràng gồm bốn qui tắc: lượng, chất, quan hệ và cách thức.

  • Lượng (quantity): thông tin đưa ra phải thỏa mãn nhưng không nhiều so với yêu cầu của hội thoại .
  • Chất (quality): không nói những điều mình tin là không đúng và thiếu căn cứ.
  • Quan hệ (relation): những điều nói ra phải có liên quan đến hội thoại.
  • Cách thức (manner): diễn đạt rõ ràng, khúc chiết, không tối nghĩa, không mập mờ.

Nguyên lý lịch sự bao gồm ba qui tắc: không áp đặt, để ngỏ sự lựa chọn, thể hiện tình bằng hữu.

* Không áp đặt (do not impose): là qui tắc lịch sự phù hợp với các tình huống mà ở đó có sự khác nhau về quyền lực và địa vị giữa các tham thể. Không áp đặt có nghĩa là không đưa ra hoặc không thỉnh cầu về những quan điểm riêng tư, tránh đề cập đến đời sống riêng, tránh sử dụng tiếng lóng, thổ ngữ, ngôn từ cảm xúc hay thô tục.

Những ví dụ sau bằng tiếng Anh thể hiện mức độ lịch sự tăng lên theo hướng giảm dần sự áp đặt nhờ các ngôn từ “trợ giúp”.

a. Make a corn bread for me! (Làm cho tôi một chiếc bánh từ bột ngô!)

b. Could you make a corn bread for me? (Bạn có thể làm cho tôi một chiếc bánh từ bột ngô được không?)

c. I wonder if you could do me a favour to make a corn bread for me? (Tôi phân vân liệu bạn có thể cho tôi một đặc ân là làm một chiếc bánh từ bột ngô được không?)

* Để ngỏ sự lựa chọn (offer options): là phép lịch sự không theo qui thức (informal politeness). Nó phù hợp với những tình huống mà ở đó những tham thể có địa vị và quyền lực tương đương nhưng không có quan hệ gần gũi với nhau. Ví dụ, mối quan hệ giữa hai người lạ nhưng lại cùng trên một hàng ghế máy bay hay trong một cuộc hội thảo. Để ngỏ sự lựa chọn có nghĩa là để người nghe tự đưa ra quyết định của mình, tránh được những áp đặt từ người nói. Cụ thể, để người nghe tự suy diễn trước lời đề nghị và cầu khiến của người nói. Trong qui tắc này, cách nói hàm ý, giảm nhẹ hay rào đón sẽ được sử dụng. Chẳng hạn, thay vì nói “Bật lò sưởi lên.” (Turn the heating system on) bằng cách nói “Thời tiết hôm nay lạnh ghê, mặc áo len mà vẫn rét” (Although I’m wearing a sweater, it is still cold). Thay vì nói “Mở cửa ra.” (Open the door) bằng cách nói “Ở đây ngột ngạt thế.” (It is stuffy in here). Hay “Bật đèn ở phòng ăn lên” bằng cách nói “Phòng ăn tối thế” (It is very dark in the dining room).

* Thể hiện tình bằng hữu (Make the other person feel good- be friendly/ Encourage feeling of Cammaraderie): dùng trong giao tiếp bạn bè, trong quan hệ thân hữu. Điều này có nghĩa, những tham thể có thể giao tiếp với nhau về mọi chủ đề như: cuộc sống riêng tư, trải nghiệm cá nhân, công việc, cảm xúc,…). Từ đó, thể hiện sự tin cậy và quan tâm lẫn nhau.

Rõ ràng, ba qui tắc nguyên lý lịch sự đề cập ở trên làm người nghe cảm thấy thoải mái và được tôn trọng. Chúng dường như phù hợp với những nơi mà sự riêng tư, không áp đặt và tự do hành động được đề cao.

Theo quan điểm lịch sự của Leech (1983), để bù đắp những hao tổn, bất lợi do lời nói gây ra đối với người nghe, người nói phải sử dụng nguyên lý lịch sự như sau: giảm tối thiểu cách nói không lịch sự và tăng tối đa cách nói lịch sự.

Phép lịch sự được thể hiện bằng sáu phương châm:

- Khéo léo (Tact Maxim): giảm tối thiểu điều thiệt và tăng tối đa điều lợi cho người nghe (Minimize hearer’s cost, maximize hearer’s benefit).

- Hào hiệp (Generosity Maxim): Giảm tối thiểu điều lợi cho ta và tăng tối đa điều lợi cho người nghe (Minimize your own benefit, maximize your hearer’s benefit).

- Tán thưởng (Approbation Maxim): Giảm tối thiểu việc chê, và tăng tối đa việc khen với người nghe (Minimize hearer’ dispraise, maximize hearer’s praise).

- Khiêm tốn (Modesty Maxim): Giảm tối thiểu việc tự khen và tăng tối đa việc tự chê (Minimize self- praise, maximize self-dispraise).

- Tán đồng (Agreement Maxim): Giảm tối thiểu sự bất đồng và tăng tối đa sự tán đồng (Minimize disagreement between yourself and others; maximize agreement between yourself and others).

- Cảm thông (Sympathy Maxim): Giảm tối thiểu sự ác cảm và tăng tối đa sự cảm thông (Minimize antipathy between yourself and others; maximize sympathy between yourself and others).

Theo Brown & Levinson (1987, tr.128), lịch sự có nghĩa là “những người tham gia hội thoại phải khéo léo, tránh xúc phạm đến thể diện người đối thoại với mình cũng như cố gắng giữ thể diện cho bản thân”. Theo các tác giả, phép lịch sự trong giao tiếp liên quan đến thể diện của người nói và người nghe. Thể diện được định nghĩa là “Hình ảnh của bản thân trước người khác” (The public self-image). Họ đã phân biệt hai loại thể diện: thể diện dương tính (positive face) và thể diện âm tính (negative face).

- Thể diện dương tính: được phản ánh trong việc mong muốn được giao kết, được tán đồng, được tôn trọng và được đánh giá bởi người khác.

- Thể diện âm tính: được phản ánh trong việc tự do hành động (have freedom of action), không bị áp đặt bởi người khác (not to be imposed on by others).

Brown & Levinson (1987, tr. 69) đã đưa ra năm chiến lược tăng dần mức độ lịch sự sau:

Đe dọa thể diện: bằng lối nói gần không có hành động bù đắp (without non- redressive action). Đây là cách nói thẳng không kèm theo các phương tiện làm “mềm” khác như: “Don’t say more”(đừng nói thêm nữa); “That is enough” (đủ rồi); “Why are you still standing here?”(Tại sao anh vẫn đứng ở đây?); “Go out of here”(Đi ra khỏi đây); Why do you have to stand infront of the TV? (Sao anh phải đứng trước TV thế?)

- Lịch sự dương tính: bằng lối nói gần có hành động bù đắp (with redresive action). Đây là biểu thức ngôn ngữ thể hiện sự tôn vinh thể diện của người nghe, cùng lúc tăng thể diện người nói: Ví dụ:

+ “You look sad. Is there anything I could do for you?” (Trông bạn có vẻ buồn. Liệu tôi có thể giúp gì cho bạn không?)

+ “You are the most talented girl in our group (Bạn là cô gái tài năng nhất trong nhóm).

+ “How skillful you are!” (Bạn khéo tay thật!)

+ “What a handsome man!” (Người đâu mà đẹp trai thế!)

- Lịch sự âm tính: sử dụng biểu thức ngôn ngữ nhằm tránh những hành độngđe dọa thể diện, không xâm phạm lãnhđịa riêng của người nghe. Dùng cách nói “Đánh quanh bụi rậm”, gián tiếp hay phiếm chỉ. Ví dụ:

+ “This… can be understood that…” (Có thể hiểu rằng…).

“This statement can be understood that, it is possible in the future or at any time, the government will obviously let the exchange rate change and freely drop after the changes of the market” (Bài phát biểu này có thể hiểu rằng, có khả năng trong tương lai, hay bất kì vào lúc nào, Chính phủ sẽ mặc nhiên để cho tỷ giá biến động và rơi tự do theo các diễn biến của thị trường). (Thời báo kinh tế)

+ “It is supposed that…” (người ta cho rằng…)

“It is supposed that the company’s marketing strategies is unsuccessful” (Người ta cho rằng, các chiến lược tiếp thị của công ty không thành công)

+ “Oh! I took the book by mistake. There wouldn’t be any chance of sharing the book with you would there?” (Oh,tớ mang nhầm sách. Chắc tớ không có cơ hội để học chung cuốn sách với bạn phải không?)

- Nói gián tiếp/ nói xa:

Ví dụ, thay vì nói“Lau dọn bếp đi” (Clean up the kitchen) bằng cách nói “Bếp rất bừa bộn” (The kitchen is in a mess).

- Không thực hiện đe dọa thể diện

Nội dung vừa trình bày được lập thành một sơ đồ tóm tắt như sau:

Phép lịch sự trong giao tiếp tiếng Anh

Như vậy, nếu người tham gia giao tiếp (người nói) thực hiện hành động lời nói mà không phổ biến ở nền văn hóa khác, có nghĩa là họ đã đe dọa đến thể diện của người nghe. Chẳng hạn, trong nền văn hóa Việt Nam, khi muốn bày tỏ sự quan tâm của mình với người khác, người ta thường hỏi những câu hỏi cá nhân như:

- Bác đã xơi cơm chưa? (Have you had your meal yet?

- Mức lương của bạn là bao nhiêu? (What rate of salary do you get?)

- Tại sao bạn không xây nhà bốn tầng? (Why is not your house built with four floors)

- Ai là trụ cột trong gia đình bạn? (Who is the breadwinner in your family?)

Trái lại, trong nền văn hóa Anh, hỏi những câu hỏi cá nhân có thể đe dọa đến sự riêng tư của người nghe.

Tương tự, người Anh ít khi nói hoặc phản đối trực tiếp một vấn đề nào đó. Ví dụ, khi nói ai đó chưa đúng, họ không nói “Bạn sai rồi!”(You are wrong) thay vào đó “Dường như có sự hiểu lầm ở đây.” (There seems to be a misunderstanding) hay “Bạn sẽ không nhận được đơn đặt hàng vào tuần này” (You won’t get the order this week) thay vào đó “Tôi e rằng có sự chậm chễ với đơn đặt hàng của bạn” (I’m afraid there has been a delay with your order). Dưới đây là những ví dụ về lịch sự và kém lịch sự trong giao tiếp tiếng Anh:

Less polite (Kém lịch sự)

Polite (Lịch sự)

Sit down, please (Mời ngồi)

Eat some of this food (Hãy ăn món này đi).

No, I’m sorry (Không, tôi xin lỗi).

Stop here, I’m very busy now (Dừng lại ở đây, hiện tôi rất bận)

Hi, how are you? (gặp lần đầu). Chào, bạn có khỏe không?

Go straight to the main point, please (Hãy đi thẳng vào vấn đề chính).

Do you have a business card/ Give me your business card? (Bạn có danh thiếp không?/ Cho tôi danh thiếp của bạn?)

Who are you? (Bạn là ai?)

Why is that? (Tại sao lại vậy?)

Take/ have a seat, please (Xin mời ngài ngồi)

How about trying some of this food (Mời bạn hãy thử mónăn này)

I’m afraid I can’t (Tôi e rằng, tôi không thể)

That’s an interesting question. We will come back to that later (Đó là một vấn đề thú vị. Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề này sau).

Good morning, it is a great pleasure to meet you. (Xin chào, thật vinh dự được gặp ngài)

Could we get back to the main point, please? (Chúng ta có thể quay lại vấn đề chính được không?)

Do you mind if I take your business card? (Có phiền không nếu tôi xin danh thiếp của bạn?)

May/ Could I ask/ have your name? (Tôi có thể biết tên bạnđược không?)

Could you clarify a little bit, please? (Bạn có thể làm rõ hơn một chút được không?)

Tóm lại, để giữ thể diện cho người nghe hoặc cả hai, cần tránh sựđe dọa thể diện trong quá trình giao tiếp. Những chiến lược lịch sựtích cựcnên được sử dụng để cuộc giao tiếp diễn ra hiệu quả.

Kết luận

Những nền văn hóa khác nhau có thể có các cách khác nhau trong việc sự dụng ngôn ngữ và văn hóa giao tiếp. Để thực hiện một hoạt động giao tiếp thành công, ngoài việc tuân thủ theo một số chuẩn mực nhất định, người tham gia giao tiếp nên chọn những mẫu ngôn ngữ phù hợp với ngôn cảnh tình huống và ngôn cảnh văn hóa để không làm mất thể diện của người nghe, đồng thời người nói cũng trở thành người tham gia giao tiếp khéo léo và có kỹ năng.

REFERENCE

1. Brown, P & Levinson, S.C. (1987). Politeness – Some Universals in Language Usage, CUP. Cambridge.

2. Lakoff, R.T. (1973). The Language of Politeness. Department ofLinguistics, University of Chicago, Chicago.

3. Leech,G.N. (1983). The Principlesof Pragmatics. Longman, NewYork.

Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – GV Khoa Ngôn ngữ & VHQT

Nguồn: huc.edu.vn