Lịch sử Cứu độ (5)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3413 | Cập nhật lần cuối: 5/4/2015 10:22:55 AM | RSS

(tiếp theo)

Chương IV: Sự chia rẽ vương quốc - Các tiên tri trước thời kỳ lưu đày

SỰ CHIA RẼ VƯƠNG QUỐC

Salômôn (đọc Các Vua I, các chương 1-11)

Salômôn, con trai của Batshêba, được chọn làm vua thể theo quyết định trên giường lâm chung của Đavít, người anh của Salômôn là Ađônyah thì không được chỉ định. Salômôn tiếp tục công việc Đavít bỏ dở. Triều đại ông đã nổi tiếng lẫy lừng về sự vinh quang phú quý… Có biệt tài về những đường lối thế tục, ông đã bước vào thị trường thương mại quốc tế và đem lại sự phồn vinh cho Yêrusalem. Hàng trăm chiếc xe trận đã tậu được với hàng ngàn con ngựa. Di tích những chuồng ngựa đã được tìm thấy tại thành Mêgiđô trong cuộc khai quật tối tân chứng tỏ rằng điều mô tả trong sách Các Vua I 10, 26 không phải là những lời có tính cách yêu nước quá đáng”

“Salômôn tậu dàn xe cộ và ngựa: ông có 1400 cỗ xe và 12.000 con ngựa; ông dồn chứa trong các thành để xe và gần bên vua ở Yêrusalem”.

Lương thực chi dụng trong nhà của ông mỗi ngày là “30 gánh bột tinh lúa miến và 60 gánh bột mì, 10 bò béo nẫy và 20 bò chăn ngoài đồng, 100 dê cừu, không kể hươu nai, hoa, cúc cu nuôi béo”. (III V 4,22-23)

Chúng ta đọc thấy rằng nữ hoàng Saba đã phải kinh ngạc khi trông thấy: “sự thịnh soạn nơi bàn ông, chỗ ở của triều thần, hàng ngũ quân hầu và y phục của họ, các quan chước tửu của ông, cùng những lễ thượng hiến ông dâng tiến nơi nhà Yavê”. Sự giàu sang phú quý của ông tiêu biểu cho các triều đình thời xưa, và trái ngược hẳn với sự đơn giản của thủ đô vua Saul; đó là chưa nói gì đến sự nghèo đói cùng cực mà Môsê và dân chúng phải trải qua nhiều năm trong sa mạc, thời kỳ xuất hành. Sự phồn vinh này che đậy một câu chuyện đáng thương tâm về những sưu cao thuế nặng mà người bình dân trong mỗi thị tộc phải gánh chịu. Câu chuyện ngàn đời về người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo lại càng nghèo mạt là một thực tế hàng ngày trong suốt đời vị vua quá xa hoa này.

Mặc dầu quá say mê sự phù phiến thế trần, vua Salômôn cũng có góp phần vào lịch sử cứu độ và vào sự phát triển tôn giáo Môsê, trong đó ơn cứu độ được tiềm tàng. Trong khoảng thời gian bảy năm (khoảng 960-953 trước Thiên Chúa giáng sinh), ông dồn sức lực vào việc xây cất một đền thờ cho Thiên Chúa, trên sân đạp lúa của Arauah mà Đavít, cha cua ông đã mua trước kia… Vật liệu hảo hạng nhất đã tìm được: gỗ bá hương cao vút của sứ Liban, phía Bắc. Vua xứ này tên là Khiram, đã gửi những người thợ tài khéo nhất của ông đến để giúp xây cất. Đền thờ rất đơn giản về hình thể: nó hình chữ nhật, không có gì là lớn đối với tiêu chuẩn thời nay, độ 60 xích chiều dài, 20 xích chiều rộng. Nó được chia làm ba phần chính: một tiền đình, một chính diện và một hậu tẩm, nơi cực thánh. Khám Giao ước được đặt vào giữa cảnh thâm u của hậu tẩm. Khi đã được đặt vào hậu tẩm rồi và khi đám mây chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa đã bao phủ trên nó, thì Khám Giao ước trở thành một vật cao quý nhất trong nơi thánh thiện nhất trên thế giới. Chỉ một mình thượng tế mới được phép vào chốn thâm cung của nó, một năm chỉ được một lần mà thôi, vào dịp lễ xá tội được cử hành cách trọng thể.

Nghi lễ thờ phụng chung quanh Khám đã có dưới thời Đavít trước kia, được cải thiện cho hoàn hảo hơn. Thánh Kinh nói:

Lịch sử Cứu độ (5)

1. Khám và Kêrubim 2. Bàn thờ tế lễ 3. Hương án 4. Bánh lễ

5. Bể nước bằng đồng để các vị tư tế thanh tẩy, cũng có 10 bể nước khác để rửa lễ vật.

“Các Lêvi ca sĩ, tất cả nhóm Asaph, Hêma, Giơđuđun, các con cái và anh em họ mặc lụa là đứng sẵn với chũm chọe, đàn sắt, đàn cầm, ở phía Đông tế đàn và bên cạnh họ là 120 tư tế thổi loa. Vật khi tất cả như một, họ thổi loa, ca háy, đồng thanh cất tiếng ngợi khen cảm tạ Đức Chúa, và trổi tiếng loa, chũm chọe và nhạc khí mà ngợi khen Đức Chúa”. (Ks 2, 5,12-13)

Những nghi thức bên ngoài của tôn giáo Môsê cứ như thế mà phát triển. Những nghi thức đó cũng có thể trở thành kiểu cách bên ngoài mà thôi (đó là mối nguy hiểm mà mọi tôn giáo đều gặp) nhưng nó chứng tỏ lòng ao ước của vua cũng như của dân chúng muốn dâng lên Thiên Chúa cái đẹp của ca nhạc và nghi lễ. Tính cách thiêng liêng của Salômôn, vị vua thuộc dòng dõi Đavít và là con của Thiên Chúa được nổi bật qua đoạn văn mô tả sự dâng hiến Đền thánh như sau:

“Khi Salômôn đã nguyện xong với Đức Chúa tất cả lời khấn nguyện van xin ấy, thì ông đứng dậy khỏi trước tế đàn Đức Chúa, nơi ông quỳ gối và giương tay lên trời, đoạn ông đứng mà chức lành lớn tiếng cho toàn thể đoàn hội Israel…

Ngày ấy vua đã tác thánh khoảng giữa tiền đình trước Nhà Đức Chúa. Ở đó, ông đã thượng hiến đồ cúng và dàn mở lễ tế kỳ an…” (I V 8,54-55, 64)

Trong khung cảnh đó, Salômôn hành động như một tư tế hơn là một vị vua, nói cho đúng hơn, ông đã hành động như một vị vua có tính cách tư tế đang ở một địa vị đặc biệt giữa Thiên Chúa và loài người, địa vị đó đã được ban cho các vua dòng dõi Đavít qua lời tiên tri Natan. Trong mỗi trường hợp như thế, chắc là dân chúng đã tự hỏi: phải chăng chính Salômôn là vị vua, con của Thiên Chúa, là kẻ đã được hứa ban cho một vương quốc vừa vĩnh cửu vừa phổ bác.

Salômôn cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của tôn giáo Môsê do những lời khôn ngoan ông đã nói và đã viết. Truyền thống Thánh Kinh nhấn mạnh nhiều về sự khôn ngoan sâu xa của ông, và những câu cách ngôn ông đã phát biểu.

“Ông khôn ngoan hơn tất cả mọi người trong thiên hạ, hơn Êtan, Ezrakhi và Hêman, hơn Kalrol và Datđa, con của Makhôl. Tên ông vang đến tất cả các dân xung quanh. Ông cũng đã truyền 3000 cách ngôn, và thi ca của ông tính đến 1005 bài”. (III V 4,31-32). Theo Linh mục Nguyễn Thế Thuấn thì I V 5,11-12).

Nhiều câu cách ngôn của Salômôn chắc chắn là đã được truyền lại xuyên qua nhiều thế kỷ kế tiếp, và đã tới tay chúng ta dưới hình thức “sách Cách ngôn” và những Thánh vịnh.

Tuy vậy, vị vua con của Thiên Chúa, con người khôn ngoan và hòa bình này, đã kết liễu bằng một bộ mặt tôn giáo bi thảm, bị xấu hổ thẹn thùng vì tính say mê sắc dục vô độ của ông. Các bà vợ và hầu thiếp của ông đếm được hàng chục, hàng trăm. Nhiều bà thuộc ngoại giáo, và họ mang theo sự tôn thờ những vị thần tà giáo của họ. Việc Salômôn chấp nhận cách thụ động những thể thức ấy chính là đầu mối sự tội của ông. Và cuối cùng, ông đã thật sự tham gia vào việc sùng bái các tà thần đó.

“Vua Salômôn yêu nhiều gái ngoại bang, công chúa của Pharaô, các con cái Moab, Ammon, Eđom và Hít-tít… Salômôn trắn tríu yêu thương chúng nó. Ông có 700 thê thất và 300 hầu thiếp, và chúng đã làm siêu lạc lòng ông. Khi Salômôn đã già thì các vợ ông làm xiêu lòng ông theo các thần khác. Lòng ông không còn đơn thành với Yavê Thiên Chúa của ông, như lòng của Đavít cha ông, Salômôn đã đi theo Astoret của dân Siđôn, Milkom, đồ tởm của dân Ammon… Bấy giờ Salômôn đã xây cao đàn cho Kamosh, đồ tởm của Moab trên núi phía Đông Yêrusalem. Ông cũng làm như thế cho tất cả các vợ ngoại bang, những người muốn huân yên tế lễ cho các thần của họ”. (III V 11,1-8)

Thiên Chúa không làm ngơ trước thái độ khinh thường này của vị vua, con cái của Ngài và hình phạt chẳng bao lâu đã xuất hiện. Vương quốc hùng cường và phồn thịnh của Salômôn chỉ tồn tại ít lâu sau khi ông chết:

“Bởi đã nên thế ấy nơi ngươi và nhươi đã không giữ Giao ước của Ta và các luật điều Ta đã truyền dạy ngươi, Ta sẽ giựt lấy vương quyền của ngươi… Song Ta, sẽ không làm thế vào ngày đời ngươi, nhân vì Đavít cha ngươi, nhưng Ta sẽ xé nát khỏi tay con ngươi. Có điều là Ta sẽ không xé nát tất cả nước, Ta sẽ ban cho con ngươi một chi tộc vì Đavít Tôi Tớ của Ta, và vì Yêrusalem Ta đã chọn”. (I V 11,11-13)

Thế rồi Salômôn chết, khi đã già và hư hỏng, vương quốc phồn thịnh và tội lỗi của ông gần như bị tiêu tan.

Sự ly khai (đọc III Vua 12,1-33)

Sự thống nhất của vương quốc Salômôn bị tiêu tan ít lâu sau khi ông chết vào khoảng 932 trước Thiên Chúa giáng sinh. Người kế vị là Rôbôam, con ông, hãy còn trẻ tuổi và có rất ít sự khôn ngan lẫy lừng của vua cha. Chính tại thành Sikem ở phía Bắc, đã được cung hiến để tưởng nhớ các vị tổ phụ, là nơi bùng nổ vấn đề về tài chính, một vấn đề vốn đã âm ỉ từ thời Salômôn hãy còn sống. Đó là vấn đề liên quan đến sưu dịch mà Salômôn bắt mỗi chi tộc phải đóng góp để có đủ tài chính và công nhân đáp ứng cho các chương trình xây cất vĩ đại của ông.

Lịch sử Cứu độ (5)Khi Rôbôam lên ngôi, người ta hy vọng rất nhiều ở một chính sách dịu dàng hơn và nhất là được giảm bớt sưu thuế. Bên cạnh lòng ước muốn cải cách ấy còn một dòng thác sâu xa hơn, đó là sự ganh tỵ cổ truyền giữa miền Nam và miền Bắc. Mối ganh tỵ này đã nằm yên dưới triều đại của Đavít và đã bắt đầu khuấy động lại dưới thời Salômôn, bây giờ trở thành hiển nhiên khi Rôbôam đến Sikem để dự nghi lễ tấn phong. Có người cho rằng những sắc thuế nặng nề của Salômôn không đánh trên chi tộc Giuđêa ở miền Nam. Nếu đúng như thế, thì những chi tộc ở miền Bắc đã phải chịu tất cả cái gánh tài chính nặng nề cho những chương trình của Salômôn. Vậy những chi tộc miền Bắc yêu cầu vị vua trẻ tuổi Rôbôam giảm bớt sưu thuế. Rôbôam không phải là một con người khôn lanh về chính trị, và ông tỏ ra dửng dưng trước những yêu cầu của thời đại và nộ khí của dân chúng, thay vì giảm bớt sưu thuế, ông tuyên bố sẽ tăng thêm. Và ông đã tăng sưu thuế. Dưới sự lãnh đạo của Yêrôbôam, một người đã từng phục dịch vua Salômôn, thuộc chi tộc Ephraim (dĩ nhiên là người miền Bắc), toàn thể miền Bắc nổi dậy chống miền Nam và đòi ly khai. Những thị tộc miền Bắc đã phá vỡ sự thống nhất với những tiếng la ó:

“Nào ta có phần nào với Đavít?

Không khoản nào nơi Isai!

Israel hỡi! hãy lui về lều!

Hãy liệu lấy nhà ngươi, hỡi Đavít!”

Rôbôam chỉ còn làm vua trên một phần vương quốc của cha ông và ông nói ông chỉ kiểm soát được chi tộc Yuđa và một số phần tư thuộc các chi tộc Benjamin và Simêon. Công trình chính trị của Saul, Đavít và Salômôn đã bị đổ nát và dân Israel sẽ không bao giờ còn được biết một vương quốc thống nhất gồm cả 12 chi tộc dưới triều đại 3 vua đầu tiên của họ.

Một trong những hành động đầu tiên, một hành động nguy hiểm nhất mà Yêrôbôam đã thực hiện trong vương quốc của ông ở miền Bắc (thường gọi là Israel, để phân biệt với vương quốc Yuđa ở miền Nam) là làm cản trợ sự sùng mộ của dân chúng đối với Yêrusalem thủ đô miền Nam về phương diện tôn giáo. Ông nhận định rằng sự hiện diện của Đền thờ và Khám sẽ luôn luôn là dịp lôi kéo các chi tộc miền Bắc thống nhất với miền Nam. Bởi đó, ông xây cất những Đền thờ riêng, một ở Đan về phía cực Bắc của xứ ông và một ở Bêthel, không xa Yêrusalem bao nhiêu. Ông hy vọng rằng bất cứ khách hành hương nào từ vương quốc của ông định lên Yêrusalem để viếng Đền thờ và Khám Yavê, cũng sẽ bị quyến rũ dừng hẳn ở lại Bêthel. Tại Đan và Bêthel ông đều cho dựng lên những con bê vàng (chắc chắn là những tượng bằng gỗ thếp vàng). Điều này không phải hoàn toàn vì mục đích bái sùng ngẫu tượng. Những con bê chắc là có ý định tiêu biểu cho ngai Yavê và tượng trưng cho quyền năng của Ngài, nhưng không thể nào làm cho dân chúng nghĩ đúng như thế, bởi vì con bê cũng còn tượng trưng cho tà thần Baal của dân Canaan, vị thần của sự sinh sản đông đảo. Quả nhiên, chẳng bao lâu nhiều người đến bái lạy trước những con bê vàng, không phải vì coi như là biểu hiệu ngai của Thiên Chúa vô hình của Israel, song họ coi như là biểu hiệu hữu hình của vị thần sinh sản đông đảo. Yêrôbôam đã mở đầu cho một tập quán tôn giáo nguy hiểm nhất. Nhờ đó, ông đã ngăn chặn được dân chúng của ông, không để họ đi hành hương đến Yêrusalem, nhưng cũng vì thế, ông đã gieo mầm mống sự phản bội sau này của Israel đối với Thiên Chúa chân thực của mình. Tuy nhiên, sự phản bội này sẽ không phải là không bị chống đối. Nhưng vị tiên tri của Thiên Chúa được vào lịch sử Israel ở miền Bắc và Yuđa ở miền Nam, để yêu cầu phải ăn năn trở lại và để mang đến một sứ điệp thiêng liêng rất sâu xa.

Các tiên tri trước thời kỳ lưu đày: Tiên tri của Israel

Phần nhiều nghe nói đến tiên tri, người ta hay nghĩ ngay đến một người nói trước việc vị lai, một người có tầm mắt nhìn rất xa. Hiểu như thế tức là chưa phân biệt rõ ràng nhiệm vụ của vị tiên tri. Đúng thế, ở một vài trường hợp rất ít, họ cũng nói trước những việc vị lai, nhưng thường nói một cách bóng gió huyền bí, nhưng nhiệm vụ chính của họ là đem đến một sứ điệp tinh thần đúng lúc và rất rõ ràng cũa Thiên Chúa, đến cho vua và dân chúng. Họ là phát ngôn viên của Thiên Chúa, những sứ giả của Ngài truyền lại những lời của Thiên Chúa và yêu cầu dân chúng thời đó hãy ăn năn trở lại. Sứ điệp của họ chỉ nhằm vào thời đại của họ mà thôi, nhưng chân lý và tầm quan trọng của nó ngày nay vẫn còn có giá trị. Môsê là một tiên tri. Thật vậy, ông là sứ giả vĩ đại nhất của Thiên Chúa, trước thời Chúa Giêsu ra đời. Nhưng kỷ nguyên của các tiên tri, một khoảng thời gian chừng 900 năm, từ khoảng 1050 trước Thiên Chúa giáng sinh đến 150 trước Thiên Chúa giáng sinh, thật sự bắt đầu với Samuel và sự chỗi dậy của vương quyền. Tiên tri và vương quyền gần như cùng chỗi dậy chung với nhau và cả hai đều có sự liên hệ chặt chẽ trong nhiều thế kỷ, lý do là một trong những nhiệm vụ chính của tiên tri là khuyên răn và cảnh cáo vua. Đó là một nhiệm vụ bội bặc, bởi vì phần đông các vị vua ở miền Bắc (Israel) cũng như ở miền Nam (Yuđa) không phải là những người biết kính sợ Thiên Chúa và biết hoan nghênh sứ điệp của Thiên Chúa. Câu nói: “phần thưởng dành cho vị tiên tri” có một giọng điệu mỉa mai chua chát ngay từ lúc lịch sử tiên tri khởi đầu, bởi vì các tiên tri hay bị đau khổ rất nhiều vì sứ mệnh của họ. Họ bị đánh đập, tù đày, sỉ nhục, gông cùm, nhận sâu xuống bùn, nhưng chỉ có một điều làm cho họ im lặng, đó là sự chết và thường thường họ bị giết một cách tàn bạo. Chúng ta đã thấy Samuel đem đến sứ điệp của Thiên Chúa truất phế Saul; và Natan đã can đảm khiển trách vào mặt Đavít về tội âm mưu giết người với Batshêba. Những cuộc chạm mặt như thế là điển hình cho mối quan hệ giữa các tiên tri và các vua kế tiếp.

Không phải sự hoạt động của các tiên tri chỉ hạn chế nơi các vua mà thôi. Nhiều người khác nữa cũng cảm thấy sức mạnh của sứ điệp Thiên Chúa. Có vị đã nói (lớn tiếng và rõ ràng) những lời phản đối các vị tư tế đã phản bội chức vị linh thiêng của mình bằng sự tham ô và bái sùng ngẫu tượng; phản đối những người giàu giày xéo bóc lột người nghèo, và phản đối cả những người nghèo có lối sống lang thang sa đọa không mục đích, chẳng khác nào những con cừu đi theo những người chăn hư đốn. Các tiên tri lên tiếng nói với mọi người: vua, tư tế, kẻ có tước quyền, người giàu có, kẻ nghèo hèn. Tính cách linh thiêng, mạnh mẽ trong những lời giáo huấn của họ đã góp phần rất lớn cho tôn giáo Môsê và còn thúc đẩy tiến hơn nữa lên thời kỳ cứu độ, trong đó con người sẽ được cứu rỗi bằng việc thờ phụng Thiên Chúa trong tâm thần và trong chân lý.

Trước khi nói về một ít vị tiên tri quan trọng hơn thời kỳ trước lưu đày, thiết tưởng cũng nên tóm lược nhanh chóng những điều giáo huấn tổng quát của họ. Những lời sấm truyền cũng như những lời giảng dạy của các tiên tri thường tập trung vào những điểm sau đây:

Sự thánh thiện trong tâm hồn. Một trong những lời thiên khải của các tiên tri (điều cần thiết cho ta ngày nay cũng như cho chính thính giả Hippri ngày xưa đã được nghe lần đầu tiên) là phải có một tôn giáo thực trong tâm hồn, một tôn giáo đặt nền tảng trên sự yêu mến Thiên Chúa và vâng phục Ngài. Trong suốt thời kỳ náo loạn của các tiên tri, dân Israel tin tưởng quá tuyệt đối ở giá trị của những nghi lễ bên ngoài. Tâm hồn họ không muốn thờ phượng Thiên Chúa bằng cách vâng thánh ý Ngài hằng ngày, bởi đó, họ trấn an lương tâm bằng cách tăng thêm nhiều bàn thờ và lễ tế. Họ phỏng đoán cách thê thảm là những việc này có thể kéo xuống lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa. Sự chuộng hình thức thối nát, khô khan đã đâm rễ trong một thời kỳ khá lâu. Tiêu biểu nhất cho sự phản đối cái tôn giáo giả tạo chỉ vụ bề ngoài như thế là những lời lên án của tiên tri Yêrêmia.

“Yavê các cơ binh, Thiên Chúa của Israel phán thế này: hãy cải thiện đường đi nước bước cùng các hành vi của các ngươi, và Ta sẽ để cho các ngươi lưu lại chốn này. Đừng tin cậy nơi những lời dối trá rằng “Đền thờ của Đức Chúa! Đền thờ của Đức Chúa! Đền thờ của Đức Chúa chính là đây!” Phải, nếu các ngươi cải thiện đường đi, nước bước cùng hành vi của các ngươi; nếu giữa đồng bào với nhau, các ngươi thi hành công lý; nếu các ngươi không áp bức khách ngụ cư, mồ côi, quả phụ; nếu các ngươi không đổ máu vô tội ở chốn này; nếu các ngươi không đi theo các thần khác để mà phải khốn vào thân, thì Ta sẽ để các ngươi lưu lại chốn này, trên đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi, từ đời đời cho đến đời đời”. (Yeremia 7,3-7)

Lịch sử Cứu độ (5)

Tiên tri Amos

Chỉ thờ phụng một Thiên Chúa chân thật. Các tiên tri thường xuyên chỉ trích sự bái sùng ngẫu tượng ở thời đại của họ “Ta là Yavê Thiên Chúa của các ngươi… Ngoài Ta ra, các ngươi không được có vị thần nào khác”. Đó là giới răn khẩn thiết nhất của thời đại ấy. Ngay cả một vài vị vua tốt như Êzêkia và Yôsia cũng chỉ thành công rất giới hạn trong những chiến dịch bài trừ sự sùng bái ngẫu tượng thời đó. Nhiều người Israel đã dâng con của họ làm của lễ bị thiêu sinh mà tế lễ vị thần tà giáo Mêlot, pho tượng giống như hình người của vị thần này quả thật là một lò lửa khổng lồ. Dọc theo mấy cách tay giơ lên của nó, xuyên qua cái ngực mở ra của nó và vào trong bụng có lửa cháy bừng bừng của nó, người ta ném những nạn nhân vô tội để tế lễ tà thần. Yêrêmia đã nói rằng: “ngay cả nơi tà áo Yuđa cũng tìm thấy máu hạng người bần cùng vô tội”. (Yeremia 2, 34)

Sự tôn thờ Baal và “nữ hoàng thiên cung” cũng phản nghịch không kém, và lại càng phổ biến hơn nữa. Nền tảng của nó là sự tuần hoàn hằng năm của thiên nhiên. Bởi vì thiên nhiên trông như ngủ yên dưới cái nắng ác nghiệt của mùa hè và sống lại với những trận mưa về cuối mùa thu, người ta đã đặt ra một huyền thoại để giải thích tại sao lại có sự thay đổi giữa các mùa như thế. Theo huyền thoại này thì Baal, vị thần của sự sinh sản đông đúc bị chết vào mùa nắng ráo và đến mùa thu thì được bà vợ của ông ta làm cho hồi sinh. Rồi cuộc làm tình của họ đã làm cho thiên nhiên sinh sôi nảy nở sau những trận mưa. Những người tin tưởng ở huyền thoại này thì muốn tôn thờ hai vị thần nam và thần nữ của mình bằng cách bắt chước họ mà làm tình, để hy vọng là chính mình cũng được phúc sinh sản đông đúc như là thiên nhiên vậy. Xuyên qua sự bắt chước làm tình như thế, dân chúng nghĩ rằng mình mới tiến gần những vị thần đa tình của mình hơn, và mới bảo đảm được sinh nhiều con cái và ruộng đất được phì nhiêu. Vì sự tôn thờ này mà đĩ điếm đầy dẫy và sinh ra nhiều nghi lễ rất sỗ sàng, thô tục. Quả là liều thuốc độc cho đời sống tôn giáo trong các vương quốc của dân Israel. Các tiên tri luôn luôn chỉ trích vấn đề này nhưng không được hiệu quả thiết thực nơi thính giả. Các ngài đã khẩn khoản yêu cầu họ, đe dọa họ và khóc lóc trước mặt họ để xin họ hãy trở lại và hãy trung thành với một Thiên Chúa độc nhất mà thôi, hãy tôn thờ Ngài bằng cách tuyệt đối vâng phục thánh ý Ngài vì Ngài là Thiên Chúa thật của thiên nhiên.

Sự công bằng xã hội. Đây cũng là một đề tài khác của các tiên tri mà có thể áp dụng cho thời nay. Sự sa hoa của các đền đài dinh thực đã được xây cất trên sự bất công đối với công nhân và sự hối lộ của các thẩm phán trong những phiên tòa công khai tại các cửa thành. Những người buôn bán thời đó thường sử dụng những hình thức lừa gạt đê tiện nhất, dùng cân lường không chính xác (thời đại chúng ta không phải là không có), để khách hàng phải trả tiền nhiều hơn món hàng nhận được. Người nghèo, người cùng khổ, người bạch đinh, theo lời các tiên tri, rất quan trọng đặc biệt trước mặt Thiên Chúa. Khốn cho ai không biết đối xử với những kẻ ấy như “những người nghèo khó của Thiên Chúa”. Đề tài này được nhiều tiên tri nhắc tới, nhất là Amos, “vị tiên tri của nhiệm vụ con người đối với đồng loại”.

“Đức Chúa đã phán thế này: Vì ba tội ác của Israel và vì bốn tội, Ta sẽ không hối lại, bởi chúng bán người lành với giá bạc, và kẻ khó với một đôi dép. Nghèo nàn chúng chà đầu đất bụi, và chúng uốn cong đường lối kẻ hèn…” (Amos 2,6-7)

Khốn cho những kẻ tráo đổi công lý thành khổ ngải và lẽ ngay chính, thì hất nhào xuống đất. Cho nên: nhân vì các ngươi bắt nghèo hèn è cổ nộp tô và thu lúa bóc lột nó, nên các người xây nhà đá mà sẽ không được ở. Các ngươi trồng vườn nho sang quý mà sẽ không được uống rượu. Phải, Ta biết tội ác các ngươi nhiều, các ngươi quá phạm cũng lắm; chúng bắt nạt người ngay, nhận quà hối lộ, nơi công môn hất quyền kẻ khó…” (Amos 5,7-12)

“Hãy nghe điều này, hỡi quân chà đạp kẻ khó, và muốn chà đạp những người khiêm tỵ trong xứ, các ngươi nói: Bao giờ ngày sóc qua đi để ta bán lúa? Bao giờ hưu lễ mới xong để Ta mở hàng? Ta bóp nhỏ đấu đơn và thêm nặng quả cân, và làm sái cái cân giả mạo. Ta tậu lấy người nghèo bằng giá bạc và kẻ khó với một đôi dép. Lúa quét bỏ, ta cũng bán đi”. (5 Amos 8,4-6)

Việc khởi đầu này của các tiên tri về vấn đề công bình đối với người nghèo khó chẳng khác gì một bản tuyên ngon các mối phúc thật thời kỳ Chúa Kitô chưa ra đời. Vừa kêu gọi công bình và từ thiện, vừa đề cao kẻ nghèo khó là những người được Thiên Chúa yêu thương cách riêng.

Sự thánh thiện trong tâm hồn, sự phụng thờ một Thiên Chúa chân thật độc nhất, sự công bình đối với người nghèo khó đó là những đề tài chính của các tiên tri của Thiên Chúa. Các vua, các tư tế, các kẻ quyền quý giàu sang cũng như mọi tầng lớp nhân dân khác đều là thính giả của họ. Nhưng về phần cá nhân của những vị tiên tri đó như thế nào, họ là ai và thuộc hạng người nào? Tiêu biểu nhất và quan trọng nhất trong vai trò chống lại vương quốc mạnh mẽ của sự tội, đó là các tiên tri Êlia, Êlisa, Amos, Hôsê, Ysaia, Mica và Yêrêmia.

(còn tiếp)

Neam M. Flanagan, CSM

Nguyên tác: Salvation History,

“Lịch sử Cứu độ”, tr. 61-75.

-------------------------------------
* Bài liên quan:

Lịch sử Cứu độ (1)

Lịch sử Cứu độ (2)

Lịch sử Cứu độ (3)

Lịch sử Cứu độ (4)