Thần học đời tu trong 50 năm qua (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2847 | Cập nhật lần cuối: 12/9/2014 8:03:55 PM | RSS

Nhân Năm đời sống thánh hiến, Ban biên tập xin giới thiệu bài viết (đăng trong hai kỳ) mang tính lịch sử về thần học đời tu để bạn đọc hiểu biết cùng xây dựng mối hiệp thông giữa giáo dân và tu sĩ, trong kinh nguyện cũng như hoạt động tông đồ.

* * *

Dưới một phương diện nào đó, có lý để quả quyết rằng thần học về đời sống thánh hiến mới được thành hình sau công đồng Vaticanô II. Thật vậy, tuy từ lâu rồi đã có nhiều sách được viết về đời sống trọn lành, về việc thực hành các nhân đức, về việc tuân giữ ba lời khấn dòng ..., nhưng đó là những khảo luận mang tính luân lý hoặc tu đức, chứ không đụng đến những câu hỏi căn bản: đời tu trì Ki-tô giáo bắt nguồn từ đâu? Đời sống tu trì có gì khác biệt đời sống Ki-tô hữu không? Sự thánh hiến của các tu sĩ có gì khác với sự thánh hiến của bí tích rửa tội không? Đời tu trì có thuộc về cơ cấu của Hội thánh không?

Đã có nhiều giải đáp cho các câu hỏi vừa nêu. Trong bài này, chúng tôi chỉ giới hạn vào việc nghiên cứu các văn kiện của Giáo hội, khởi đi từ công đồng Vaticanô II, được khai mạc cách đây 50 năm. Chúng tôi đã có dịp trình bày nội dung của các văn kiện ấy[1], nhưng lần này chúng tôi muốn chú ý đến bối cảnh lịch sử của chúng. Phải nhận rằng trong khoảng thời gian nửa thế kỷ, nhiều tư tưởng đã được chín mùi nhờ những cuộc nghiên cứu học hỏi, nhưng thiết tưởng không nên bỏ qua hoàn cảnh xã hội đã đặt ra những vấn đề mà Tòa thánh tìm cách giải quyết. Chắc hẳn lối tiếp cận lịch sử như vậy sẽ giúp ích nhiều cho các độc giả ở Việt Nam, bởi vì chúng ta thường đọc các bản văn nhưng không mấy quan tâm đến xuất xứ của chúng.

Dựa theo cha Pier Giordano Cabra[2], chúng ta có thể lấy 5 điểm mốc: 1/ Những năm tiền công đồng. 2/ Công đồng Vaticanô II. 3/ Những năm canh tân và khủng hoảng sau công đồng. 4/ Thượng hội đồng giám mục 1992. 5/ Bước sang thiên niên kỷ mới. Khỏi nói ai cũng biết, khi nói đến bối cảnh xã hội của các văn kiện Tòa thánh, chúng ta hiểu về khung cảnh của các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ, và mãi đến thập niên 80 của thế kỷ XX, mới thấy nổi lên tiếng nói của Mỹ châu latinh.

I. NHỮNG NĂM TIỀN CÔNG ĐỒNG

Tựa đề “canh tân đời tu” của Sắc lệnh Perfectae caritatis của công đồng Vaticanô II dễ gây cảm tưởng là trước đó đời tu trì đang xuống dốc hoặc đã cằn cỗi, giống như tình trạng vào thời công đồng Trentô. Sự thực không hẳn như vậy. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, từ sau đệ nhị thế chiến, đời tu đang phát triển mạnh mẽ, và có uy tín trong xã hội và Giáo hội. Mỗi khi Giáo hội cần mở một dự án nào, dù là một kế hoạch toàn quốc hay chỉ là một thí điểm truyền giáo, thì lập tức đến nhờ các dòng tu: hoặc là kêu gọi một dòng tu đã hiện hữu, hoặc thiết lập một dòng mới nếu cần. Dòng tu bảo đảm tính cách bền vững cho công tác nhờ sự dấn thân tận tụy của các phần tử, và xét về tài chánh thì cũng ít tốn kém. Các bạn trẻ muốn dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội cũng tìm được nơi các dòng tu môi trường thuận tiện để hoạt động: giáo dục, y tế, truyền giáo. Thực vậy, các trường học, các bệnh viện của Giáo hội đều do các tu sĩ đảm trách; rồi còn nói gì đến các vùng truyền giáo xa xôi?

Đó là nhìn từ bên ngoài. Bên trong các dòng, đời sống tu trì đồng nghĩa với kỷ luật nghiêm nhặt, tạo ra những con người được đào tạo chuyên môn và sẵn sàng lên đường đến bất cứ nơi nào được bề trên sai đi. Thập niên 50-60 là thời phát triển đời tu, điển hình qua việc xây cất nhiều cơ sở huấn luyện. Hồi ấy thần học đời tu tương đối đơn giản. Đời tu được quan niệm như là con đường nên trọn lành. Trong Hội thánh có hai con đường: con đường của các giới răn và con đường các lời khuyên. Con đường giới răn cần thiết để được rỗi linh hồn; con đường lời khuyên dẫn đến sự trọn lành. Sự phân biệt này dựa theo đoạn văn Tin mừng về chàng thanh niên giàu có: anh đã giữ hết các điều răn của Chúa, nhưng vẫn còn thiếu một cái để nên trọn lành, đó là bán hết tài sản để theo Chúa (Mt 19,20-21). Các dòng tu được định nghĩa như là “viện trọn lành” Institutum perfectionis), không những vì gồm những phần tử đã cam kết nên trọn lành qua việc tuyên khấn ba lời khuyên Tin mừng, nhưng còn là nơi đào tạo các tín hữu muốn nên thánh nhờ các “linh đạo” gắn liền với các dòng tu. Ít ai mường tượng một quan điểm khác về con đường nên thánh. Ít ai lường được những diễn biến trong khoảng thời gian ngắn của công đồng và những năm kế tiếp.

II. CÔNG ĐỒNG VATICAN II

A. Bối cảnh

Công đồng Vaticanô II tượng trưng cho cao điểm của sự phát triển các dòng tu, nhưng cũng đánh dấu sự suy giảm sĩ số tại Âu-Mỹ. Phải chăng công đồng là nguyên nhân của sự sa sút? Có người đã nghĩ như vậy, cách riêng là phái bảo thủ của đức cha Marcel Lefèvre. Nhưng đó là lập luận giản lược, bởi vì hai hiện tượng đứng kề sát nhau không hẳn là có liên hệ nhân quả với nhau. Nguyên nhân của sự giảm sút ơn gọi dòng tu không phải là tư tưởng của công đồng, nhưng còn do những yếu tố khác nữa, đôi khi ở bên ngoài phạm vi thần học. Chúng ta có thể kể đến hai yếu tố xem ra có tác dụng mạnh đối với đời tu trì trong hậu bán thế kỷ XX: a) sự phát triển thần học về giáo dân; b) những biến chuyển xã hội.

1. Tiền bán thế kỷ XX

Giáo hội chứng kiến sự phát triển của các phong trào giáo dân. Thật là một dấu chỉ thời đại: Giáo hội đang cần đến các giáo dân để đáp ứng cho những đòi hỏi mới của thời đại, cách riêng trong những lãnh vực mà các giáo sĩ và tu sĩ không thể hiện diện. Tại công đồng, các phong trào giáo dân đã đặt lên những câu hỏi về chỗ đứng của họ trong Giáo hội. Hình ảnh kim tự tháp của Giáo hội đã lỗi thời. Như chúng ta đã biết, công đồng đã trình bày Giáo hội như là Dân Thiên Chúa, trong đó các tín hữu cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa tùy theo những đặc sủng được ban để xây dựng cộng đoàn. Vai trò của các giáo dân trong cơ cấu phẩm trật của Giáo hội đã được nhiều tác giả bàn tới; nhưng có lẽ ít người tìm hiểu hệ luận của thần học giáo dân đối với các tu sĩ. Như đã nói, trước đây, các giáo dân được coi như là những tín hữu “tầm thường” (đi theo con đường các giới răn) khác với các tu sĩ, những người đi theo đường trọn lành của các lời khuyên. Cần phải thay đổi hình ảnh đó. Tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi nên trọn lành. Nhưng nói như vậy thì còn gì là đặc trưng của các tu sĩ nữa?

2. Những biến chuyển xã hội

Xã hội Tây phương đã biến chuyển nhanh chóng trong hậu bán thế kỷ XX. Xã hội đã được “thoát ly” khỏi nhiều khuôn mẫu cổ truyền, kể cả những khuôn mẫu của truyền thống Kitô giáo. Nhiều hoạt động và dịch vụ (giáo dục, y tế), trước đây nằm trong tay các dòng tu, nay có thể được đảm nhận bởi những thường dân mà không đến động lực tôn giáo[3]. Sự thay đổi văn hóa cũng khiến cho những sự “từ bỏ” của đời tu trở nên cam go nếu chưa nói là vô nghĩa. Trong một xã hội đề cao hưởng lạc, tự do, thì những lý tưởng mà đời tu đề ra bị xem như không thích hợp với sự phát triển nhân bản. Thật là trớ trêu: đang khi về phía thần học, các giáo dân không muốn bị đối xử như hạng tín hữu “tầm thường”; còn trên thực tế, không mấy ai thích “vươn lên” những lý tưởng cao thượng mà chỉ an phận với những tiện nghi mà trần thế cống hiến.

B. Tư tưởng của Công Đồng

Công đồng đề cập đến các tu sĩ trong hai văn kiện: Hiến chế tín lý Lumen gentium (chương VI) và Sắc lệnh về việc canh tân đời tu Perfectae caritatis. Những điểm căn bản của thần học đời tu:

1. Đời tu có một chỗ đứng ở trong cơ cấu của Giáo hội. Đời tu không nằm trong cơ cấu phẩm trật, nhưng thuộc về cơ cấu đặc sủng liên quan đến sự thánh thiện của Hội thánh. Sự phân biệt giữa các giáo dân và các giáo sĩ dựa trên cơ cấu phẩm trật do Chúa Giêsu thiết lập. Sự phân biệt giữa những người tuyên giữ những lời khuyên phúc âm và những người tín hữu khác dựa theo cơ cấu đặc sủng của Hội thánh, cũng do ý định của Chúa Giêsu. Thật vậy, các lời khuyên phúc âm là hồng ân của Thiên Chúa và biểu lộ lối sống của Chúa Giêsu.

2. Đời tu được quan niệm như là việc duy trì lối sống của đức Kitô, của đức trinh nữ Maria, của các thánh tông đồ, và của những ai đã “từ bỏ mọi sự” để hiến thân cho Chúa. Hội thánh có sứ mạng làm cho Chúa Kitô hiện diện trên thế giới, và đời tu nằm trong sứ mạng này.

3. Các lời khuyên Phúc âm giúp cho các tín hữu đi theo đức Kitô “sát hơn pressius), “dễ hơn” (facilius), “tự do hơn” (liberius) và bởi vì diễn tả sự tận hiến cho Chúa “cách sâu đậm hơn” (intimius), cho nên đời tu biểu lộ sự siêu việt của Nước Thiên Chúa. Thực vậy, những cái “hơn” này không phải là duyên cớ để kiêu căng tự mãn, nhưng là để phục vụ đắc lực hơn và quảng đại hơn.

4. Đời tu trở thành dấu chỉ hùng hồn của Nước Thiên Chúa và những thực tại mai hậu.

5. Sắc lệnh Perfectae caritatis đã đề ra nhiều nguyên tắc cho việc canh tân đời tu. Hai nguyên tắc căn bản là: a) trở về nguồn (đi theo đức Kitô và dự án nguyên thủy); b) cập nhật hóa theo những đòi hỏi của thế giới hiện đại.

III. NHỮNG NĂM SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Công đồng bế mạc năm 1965. Giai đoạn tiếp đó, từ 1965 đến 1994 (Thượng hội đồng giám mục về đời sống thánh hiến) đã chứng kiến nhiều thăng trầm của xã hội cũng như của đời tu. Nhiều khuynh hướng thần học đời tu ra đời. Chúng ta có thể phân chia thành từng thập niên để cho dễ quan sát.

A. Thập niên 60: Thời canh tân

1. Bối cảnh

Các dòng tu bắt tay vào việc canh tân hiến pháp, dựa theo các chỉ thị của công đồng. Nhưng đây cũng là thời kỳ sôi động trong xã hội Tây phương, thường được mệnh danh là “tục hóa”. Xã hội được tổ chức theo những tiêu chuẩn phàm tục, không cần quy chiếu về thần linh và tôn giáo nữa. Con người được đặt làm trung tâm vũ trụ, với khuynh hướng tự lập chủ quan, không cần dựa theo những quy tắc khách thể, hoặc áp đặt từ bên ngoài.

Không lạ gì mà nhiều tổng hội canh tân hiến pháp đã đưa đến những kết quả bất ngờ: nhiều dòng tu bị phân hóa giữa hai khuynh hướng “bảo thủ” và “cấp tiến”. Khẩu hiệu “cấm ra lệnh cấm” mà các cuộc biểu tình sinh viên hô lên năm 1968 cũng đã để lại dấu vết trên nhiều bản hiến pháp được duyệt lại vào giai đoạn này.

2. Thần học

Về phía Tòa thánh, nhằm hướng dẫn các cuộc canh tân, đức Phaolô VI đã ban hành tự sắc Ecclesiae sanctae (1966) có tính cách pháp lý và tông huấn Evangelica testificatio (1971) đậm nét thần học và tu đức.

Như đã nói trên đây, thần học hệ thống về đời tu mới ra đời từ công đồng Vaticanô II, với những mối băn khoăn khác nhau. Xưa kia, văn chương về đời tu trì tìm những dường hướng để nên thánh. Ngày nay, thần học về đời tu phải trả lời cho những câu hỏi khác.

* Các câu hỏi đặt ra:

a) Một câu hỏi đầu tiên được đặt ra liên quan đến căn cước của đời tu. Trước đây, đời tu được định nghĩa như là bậc trọn lành; đời tu được ví như “hoàng đạo” để nên thánh. Ngày nay, ơn gọi nên thánh được mở rộng ra cho hết mọi người; như vậy đời tu còn ý nghĩa gì nữa không? Dĩ nhiên, nếu các giáo dân cũng được kêu gọi nên thánh, thì ắt là họ sẽ nên thánh theo đường lối riêng chứ không phải là bằng ba lời khuyên phúc âm.

b) Thần học về giáo dân thường nêu bật rằng ơn gọi của họ là nên thánh giữa đời. Điều này có nghĩa là “đời” (trần thế) không phải là xấu xa như người ta vốn nghĩ xưa nay! Các đan sĩ hồi thế kỷ IV đã chẳng “bỏ đờ fuga mundi) đi tu bởi vì họ nghĩ rằng đời là xấu xa đấy ư? Nhưng nếu đời không xấu, thì tại sao đi tu?

Có lẽ những câu hỏi vừa nêu đã gây không ít hoang mang cho các tu sĩ, và đã trở thành lý do để một số tu sĩ xin tháo lời khấn, hoặc đã khiến cho đời tu mất đi nét quyến rũ độc đáo của nó.

* Trả lời

Đứng trước câu hỏi về căn cước đời tu, các tác giả chia thành nhiều khuynh hướng:

- Có người muốn khởi đi từ ơn gọi nên thánh chung cho tất cả mọi tín hữu, để đến kết luận là ơn gọi đời tu không có gì độc đáo hết. Ơn gọi tu trì chẳng qua chỉ diễn tả vài sự nhạy bén đặc biệt đứng trước vài tình huống thời đại, và do đó, nó mang dấu ấn của lịch sử.

- Có người muốn trung thành với công đồng Vaticanô II và truyền thống. Đành rằng ơn gọi nên thánh đặt nền tảng trên bí tích rửa tội, và là chung cho hết mọi tín hữu, nhưng có nhiều đường lối khác nhau để nên thánh. Nếp sống tu trì, dựa trên ba lời khuyên phúc âm, tượng trưng cho một đường lối đặc biệt để nên thánh. Đại diện cho khuynh hướng này là Karl Rahner, Hans Urs von Balthasar.

Tông huấn Evangelica testificatio của đức Phaolô VI muốn mở ra muốn hướng mới, khi nêu bật vai trò “chứng tá” của đời tu. Các tu sĩ phải đặt mối ưu tư hàng đầu là tìm cách đưa sứ điệp Tin mừng vào giữa lòng thế giới càng ngày càng không cảm thấy cần đến ơn cứu độ (số 52).

Thần học đời tu trong 50 năm qua (1)

B. Thập niên 70: Thời dấn thân

1. Bối cảnh

Chúng ta có thể nói đến bối cảnh ngoài xã hội và trong Giáo hội

a) Xã hội

Bầu khí của thập niên 70 sôi sục vì những phong trào chính trì: “Chính trị là tất cả, và tất cả là chính trị”. Giới trẻ tin rằng bằng các hoạt động chính trị, họ có thể làm thay đổi cơ cấu xã hội và giải quyết các vấn đề cấp bách của nhân loại.

b) Giáo hội

Các dòng tu tiếp tục công cuộc canh tân mà công đồng đã yêu cầu, với những kết quả đôi khi trái ngược với dự tính ban đầu.

Có những dòng từ bỏ các hình thức hoạt động cố cựu (trường học, bệnh viện) để dấn thân vào những hoạt động chuyên nghiệp, hoặc với danh nghĩa cá nhân, hoặc tại các giáo xứ hay hội đoàn, phong trào. Mặt khác, vào thời này, các phong trào giáo dân cũng nở rộ, ra như ganh đua với các dòng tu cổ truyền xét về hiệu năng tông đồ. Chính từ bối cảnh này mà nảy ra thần học về đặc sủng.

Tuy nhiên, một nhân tố mới đã xuất hiện tại châu Mỹ Latinh. Tiếp theo Hội nghị các giám mục của lục địa này (CELAM) tại Medellin và Puebla, các tu sĩ cương quyết dấn thân trên đường “phục vụ ưu tiên cho người nghèo”: họ tiến về ngoại ô của các thành phố, xen lẫn giữa những khu ổ chuột của dân nghèo; họ rút lui ra khỏi thế giới quyền lực để hướng về những thành phần bị bỏ rơi. Dĩ nhiên không phải tất cả mọi tu sĩ đều lựa chọn con đường đó. Có người đã tóm tắt tình trạng của các tu sĩ tại lục địa cách dí dỏm như sau: “tất cả cho người nghèo, đa số với người nghèo, thiểu số như người nghèo”. Dù sao, nhiều dòng tu đã chọn lựa phục vụ người nghèo (cách riêng trong lãnh vực giáo dục), và đã có những tu sĩ đã bị sát hại khi đứng lên bênh vực quyền lợi của người nghèo. Chủ trương của các tu sĩ châu Mỹ Latinh đã tác dụng không nhỏ đến thần học Âu-Mỹ đang loay hoay với vấn đề tục hóa của xã hội.

2. Thần học

Bối cảnh vừa nêu trên đây đã góp phần vào việc nảy sinh hai luồng thần học vào giai đoạn này: thần học ưu tiên lựa chọn người nghèo vàø thần học đặc sủng.

a) Thần học và linh đạo ưu tiên chọn lựa người nghèo.

Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã đứng lên bênh vực những kẻ bị áp bức. Từ tiền đề này, các tu sĩ cũng phải đặt lại vấn đề đi theo Chúa Kitô trong khung cảnh lục địa Mỹ châu latinh, nơi mà cảnh nghèo đói đang thống trị. Từ đó, các tu sĩ phải lựa chọn một hướng hành động: “rời bỏ thế giới người giàu để về thế giới người nghèo, ngõ hầu gặp Chúa Kitô”. Mặc dù có những người chịu ảnh hưởng thuyết mác-xít về việc phân chia giai cấp, nhưng nói chung sự dấn thân của các tu sĩ vẫn tiếp tục tuy chủ nghĩa cộng sản đã mất sự quyến rũ ở châu Âu.

b) Thần học và linh đạo về đặc sủng

Thần học này hình thành từ việc trở về nguồn để tìm hiểu ý định của vị sáng lập khi duyệt lại Hiến pháp. Nói đến đặc sủng của một hội dòng là nói đến căn cước của dòng theo như ý định của vị sáng lập, nhìn trong mối tương quan với đức Kitô và với Thánh Linh: mỗi hội dòng ra đời do Thánh Linh thúc đẩy, nhằm thiện ích của Giáo hội và xã hội. Thần học về đặc sủng đã được gợi lên do tông huấn Evangelica testificatio, và được đưa vào áp dụng cụ thể trong văn kiện Mutuae relationes (1978) về tương quan giữa các giám mục và tu sĩ. Hai nguyên tắc căn bản được đề ra: thứ nhất, các tu sĩ cần hội nhập vào giáo hội địa phương dựa theo đặc sủng của minh (nghĩa là các giám mục phải tôn trọng đặc tính của mỗi dòng); thứ hai, các tu sĩ cần chấp nhận kế hoạch mục vụ của giáo phận (nghĩa là các tu sĩ phải tôn trọng giám mục).

Năm 1980, Bộ Tu sĩ xuất bản hai tài liệu liên quan đến sự dấn thân chính trị và xã hội của các tu sĩ: Các tu sĩ và việc thăng tiến con người và Chiều kích chiêm niệm của đời tu. Tu sĩ cần phải được trang bị với đời sống tâm linh vững chắc khi ra hoạt động xã hội.

Thần học đời tu trong 50 năm qua (1)

C. Thập niên 80: Trở về cuộc sống cá nhân và nội tâm

1. Bối cảnh

a) Văn hóa xã hội

Sau những năm tập trung vào những vấn đề công bằng xã hội, Tây phương quay về với đời tư, những vấn đề cá nhân và gia đình. Đây là thời đăng quang của chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa cá nhân, chống lại chủ nghĩa xã hội, và được đánh dấu với việc sụp đổ bức tường Bá-linh, biểu tượng cho sự sụp đổ các ý thức hệ.

b) Giáo hội

Tình hình đời tu trên thế giới lên xuống không đồng đều: tại các nước Âu-Mỹ, con số tiếp tục sụt giảm, còn mạn Nam bán cầu thì con số gia tăng. Nhiều dòng tu ở Tây phương bị cám dỗ muốn đầu tư nhân lực sang các lục địa khác để tuyển mộ ơn gọi, nhưng không đạt được kết quả như lòng ao ước.

Có lẽ cũng do ảnh hưởng của bối cảnh văn hóa xã hội, người ta nhận thấy rằng bản chất đời tu không nằm ở các hoạt động hoặc hiệu năng, nhưng là ở sự dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa. Nói khác đi, người ta tái khám phá chiều kích huyền nhiệm của đời tu.

Bộ giáo luật được ban hành năm 1983 đã thay đổi từ ngữ: thuật ngữ “đời tu” (vita religiosa) được đổi thành “đời thánh hiến” (vita consecrata) hầu có thể bao gồm các dòng tu, các tu hội đời, các ẩn sĩ và những hình thức khác. Sau đó, cơ quan giáo triều phụ trách đời tu cũng được đổi tên: từ CRIS (Congregazione per i Religiosi e gli Istituti Secolari) sang CIVCSVA (Congregazione per gli Istituti di Vita Consacrata e le Società di Vita Apostolica).

2. Thần học về sự thánh hiến

Việc suy tư thần học chuyển hướng từ những khía cạnh lịch sử sang hạt nhân của đời tu. Điều này làm nổi bật chiều kích hướng thượng, nghĩa là nhìn trong tương quan với Thiên Chúa. Trong nguyên ngữ la-tinh, từ consecratio bao hàm hai chuyển động: một đàng là chuyển động đi xuống, ám chỉ tác động yêu thương tuyển chọn về phía Thiên Chúa (“thánh hiến”); một đàng là chuyển động đi lên, ám chỉ tác động về phía con người (“tận hiến”). Các tác giả chú trọng đến chuyển động thứ hai nhiều hơn, và định nghĩa bản chất đời tu như là việc dâng hiến toàn thân cho Chúa để đáp lại một tiếng gọi đặc biệt.

Chúng ta nhận thấy sự chuyển hướng trong những suy tư thần học về đời tu. Vào thập niên 60, người ta đào sâu những nền tảng Kinh thánh của việc sequela Christi (đi theo Chúa Kitô). Sang thập niên 70, các cuộc nghiên cứu xoay sang đề tài charisma (đặc sủng), chú ý đến vai trò của Thánh Linh qua những tác động nhằm xây dựng Giáo hội và xã hội. Qua thập niên 80, người ta dồn vào chủ đề consecratio , nêu bật ba yếu tố: thứ nhất, tác động thánh hiến của Thiên Chúa; thứ hai, hành vi của con người đáp lại tiếng gọi bằng cách dâng hiến toàn thân cho Chúa bằng cách tuyên giữ các lời khuyên phúc âm; thứ ba, sự can thiệp của Giáo hội làm môi giới cho việc thánh hiến. Như vậy, sự tận hiến tu sĩ trở thành một dấu chỉ và bí tích của sự tận hiến của toàn thể dân Thiên Chúa. Đời tận hiến nhắc nhở Hội thánh về ơn gọi đặc trưng của mình là hiền thê của đức Kitô, hoàn toàn trao hiến cho Người. Thần học về sự tận hiến nhấn mạnh rằng ơn gọi tiên vàn nằm ở chỗ thuộc trọn về Chúa (trước khi nghĩ đến các hoạt động khác vì Chúa).

D. Thập niên 90: Hướng đến tổng hợp

1. Bối cảnh

- Bên ngoài xã hội, một đàng xem ra trào lưu tục hóa vẫn tiến mạnh, nhưng đàng khác lại nổi lên những giáo phái hoặc “tôn giáo mới”.

- Bên trong Giáo hội, đứng trước sự giảm sút số tu sĩ, người ta tìm những phương thức mới ngõ hầu tiếp tục các hoạt động tông đồ. Trong bối cảnh này, vấn đề hợp tác với các giáo dân được đặt ra.

2. Thần học

Đừng kể tông huấn Vita consecrata đúc kết các thành quả của Thượng hội đồng giám mục bàn về đời thánh hiến (1994) sẽ nói dưới đây, có hai hiện tượng đáng ghi nhận.

a) Vài tác giả đề xướng việc “tái thiết lập” đời tu (refundatio) . Theo họ, hình thức đời tu cổ truyền đã lỗi thời rồi, hoặc đã hoàn tất sứ mạng lịch sử của nó. Đã đến lúc phải sáng chế một kiểu mẫu mới. Thế nhưng nếu ai hỏi: kiểu mẫu ấy như thế nào, thì chắc là khó nói.

b) Trong một não trạng thời đại thiên về cá nhân chủ nghĩa, Tòa thánh phát hành văn kiện Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn , để trả lời cho những khó khăn gặp thấy trong việc canh tân các cộng đoàn. Nên biết là văn kiện được phát hành vào năm 1994, nhưng đã được thảo luận ngay từ thập niên 80 [4].

(còn tiếp)

Lm. Giuse Phan Tấn Thành

Nguồn: www.daminhvn.net

------------------

[1] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh VI. Những hình thức tu trì Kitô giáo, Rôma 2006, chương XII. Các văn kiện Giáo hội từ công đồng Vaticanô II, trang 189-201. Các văn kiện đời tu được xuất bản thành hai tập: Theo Chúa Kitô, tập I: từ công đồng cho đến Vita consecrata (Học viện Đaminh 1999), tập II: những văn kiện kế tiếp (Học viện Đaminh 2006).

[2] Pier Giordano Cabra, La vicenda teologica della vita religiosa dopo il Vaticano II, in: Credereoggi 27 (2007) n.157, p.7-21. Id. Tù, ¡Sìgueme!. Curso breve de vida consagrada, Madrid 2005, pp. 85-119. Xem thêm Bruno Secondin, Per una fedeltà creativa. La vita consacrata dopo il Sinodo, Milano 1995.

[3] Nên biết là đa số các hội dòng nữ được thành lập trong hai thế kỷ XVIII-XIX nhắm phục vụ những người bệnh tật già lão và các trẻ em thất học, vào thời buổi mà các thành phần ấy bị bỏ rơi. Sang thế kỷ XX, các bệnh viện và trường học do chính quyền nắm giữ.

[4] Huấn thị về việc đào tạo các tu sĩ Potissimum institutioni được ban hành vào năm 1990, nhưng đã được soạn thảo từ thập niên 70. Văn kiện này thu thập những kinh nghiệm và suy tư thần học từ sau công đồng cho đến bộ giáo luật 1983.