Thần học đời tu trong 50 năm qua (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2436 | Cập nhật lần cuối: 1/2/2015 11:39:09 AM | RSS

(tiếp theo)

IV. TÔNG HUẤN VITA CONSECRATA

Ngày 25/3/1996 đức thánh cha Gioan Phaolô ban hành tông huấn Vita Consecrata (viết tắt VC) đúc kết những cuộc thảo luận của Thượng hội đồng giám mục bàn về đời sống thánh hiến và sứ mạng trong Hội thánh và thế giới [5].

Nên biết là trong thời gian nhóm họp (2-29/10/1994), các nghị phụ không chỉ tranh luận về thần học đời tu, nhưng còn lượng định cuộc canh tân đời tu mà công đồng Vaticanô II khởi xướng. Một sự kiện là con số tu sĩ đã giảm sút. Tại sao? Có người cho rằng tại vì thiếu can đảm để thực hiện những cuộc thay đổi thích ứng với thời đại. Ngược lại, có người cho rằng tại vì các tu sĩ đã bị tục hóa. Như vậy, cả hai ý kiến này đều gặp nhau ở chỗ các dòng tu đã phản bội công đồng, hoặc bất cập (quá rụt rè) hoặc thái quá (nhiễm mùi đời)! May thay, đó chỉ là lập trường của một thiểu số; đa số các nghị phụ đã trân trọng những gì đã thực hiện, bất chấp những hoàn cảnh bất lợi. Đó cũng là cái nhìn của đức thánh cha Gioan Phaolô II, chấp nhận những điểm tích cực và tiêu cực của những năm qua, và thúc đẩy tiếp tục việc canh tân, đặc biệt lưu ý đến chiều kích tâm linh.

Tông huấn trình bày căn cước của đời sống thánh hiến như là “làm hiện thực nếp sống của đức Kitô”, một tư tưởng đã được công đồng Vaticanô II nói đến (LG 44). Tuy nhiên, văn kiện cũng múc lấy nhiều tư tưởng mới từ truyền thống tâm linh và thần học của Đông phương cũng như Tây phương. Điểm mới mẻ nhất có lẽ là du nhập “con đường tuyệt mỹ” của Thiên Chúa (via pulchritudinis) qua bức họa Chúa hiển dung. Bằng vẻ đẹp của mình, Đức Kitô thu hút những kẻ được phép chiêm ngắm cuộc hiển dung: ơn gọi nảy sinh từ sự hấp dẫn của Chúa khi nhìn ngắm “người đẹp nhất trên đời”. Hành trình của người tu sĩ là một cuộc khám phá “từ cái đẹp này sang cái đẹp khác”, dưới sự hướng dẫn của Thánh linh là “vẻ đẹp vĩnh cửu”. Đời sống tâm linh bị thu hút bởi vẻ đẹp, vẻ đẹp có sức lôi cuốn và làm biến đổi cuộc sống. Ngoài bức họa Chúa hiển dung, văn kiện còn sử dụng nhiều bức họa khác, qua chân dung của thánh Phêrô, đức Maria Nazareth, cô Maria làng Bêtania.

Giáo-hội-luận của văn kiện mang đặc tính thông hiệp, với những vòng tay mỗi lúc một nới rộng, từ cộng đoàn huynh đệ lên tới hội dòng, từ cộng đoàn hội dòng mở rộng đến giáo hội địa phương và giáo hội phổ quát. Đặc biệt, sự thông hiệp bắt nguồn từ Thiên Chúa tam vị.

Chúng ta hãy khảo sát nội dung thần học và linh đạo của văn kiện.

Thần học

Tông huấn được chia làm ba phần: Confessio Trinitatis, Signum fraternitatis, Servitium caritatis.

1/ Phần thứ nhất nặng về đạo lý thần học, một thứ thần học kết hợp với huyền nhiệm và cuộc sống.

a) Một câu hỏi được các nghị phụ nêu lên trong kiến nghị (propositio ) số 3 liên quan đến căn cước của đời sống thánh hiến và mối tương quan với các hàng ngũ khác trong Giáo hội. Tông huấn trả lời: trong Giáo hội có ba hàng ngũ (status vitae): các giáo dân là những người được thánh hiến trong bí tích thánh tẩy để sống Tin mừng giữa đời; các giáo sĩ còn được thánh hiến bằng bí tích truyền chức thánh để tiếp tục tác vụ của các thánh tông đồ trải qua dòng thời gian; các tu sĩ khi chấp nhận sống ba lời khuyên phúc âm thì được thánh hiến cách đặc biệt để làm hiện thực nếp sống của đức Kitô. Tuy tất cả ba hàng ngũ đều bày tỏ vài khía cạnh của mầu nhiệm đức Kitô, nhưng mỗi hàng ngũ có một nét đặc thù: đặc tính của các giáo dân là đem men Tin mừng vào các thực tại thế trần; các giáo sĩ chuyển thông các hồng ân cứu độ; các tu sĩ đi theo Chúa Kitô dâng hiến toàn thân để chăm lo “những công việc của Cha” và phục vụ anh chị em.

b) Các lời khuyên phúc âm được trình bày trong viễn ảnh Tam vị, nằm ở phấn thứ nhất mang tựa đề Confessio Trinitatis (tuyên xưng Chúa Ba ngôi). Đây là một lối tiếp cận mới mẻ. Các lời khuyên phúc âm diễn tả việc “đi theo đức Kitô”, dẫn ta đến cuộc sống thân tình với Người. Nhưng chính khi sống tương quan với đức Kitô mà khám phá rằng Người luôn luôn sống trong tương quan với Chúa Cha và Thánh Linh. Như vậy ba lời khuyên Tin mừng vừa có chiều kích Kitô-luận vừa có chiều kích Tam vị (VC 22).

c) Sứ vụ (missio) cũng có tầm quan trọng trong cấu trúc của đời sống thánh hiến. Thánh hiến và sứ vụ gắn chặt với nhau: Thiên Chúa thánh hiến một người nhằm trao cho họ một sứ vụ: sứ vụ diễn tả sự tận hiến cho Thiên Chúa để thi hành chương trình cứu độ dành cho nhân loại. Những hình thức khác nhau của đời sống thánh hiến đáp ứng với sứ vụ đa dạng của Hội thánh theo dòng lịch sử. Vì thế, đặc sủng của mỗi dòng cũng cần được phân tích dưới ba khía cạnh: tận hiến, tình huynh đệ cộng đoàn, sứ vụ đặc thù của dòng. Sứ vụ này cần được đối chiếu với những thách đố của thời đại, và tìm cách đáp ứng dựa theo tiêu chuẩn: “trung thành sáng tạo” (fidelitas dynamica, creativa).

2/ Những câu hỏi thực tiễn

Phần thứ nhất không thiếu những ưu tư thực tiễn, và hai phần còn lại cũng không thiếu những suy tư đạo lý.

- Đời sống thánh hiến còn hợp thời nữa không? Đời sống thánh hiến có tương lai không? Ngay từ đầu, tông huấn đã rảo qua các hình thức tu trì từ các thế kỷ đầu tiên cho đến nay. Những hình thức mới không xóa bỏ hình thức cũ, nhưng bổ xung cho những hình thức hiện hữu (VC số 12). Dựa theo bức họa xức dầu thơm ở Betania (VC 104), tông huấn quả quyết rằng đời thánh hiến có giá trị trường tồn: đời thánh hiến không những chỉ có một lịch sử để mà thuật lại, nhưng còn có một lịch sử để mà xây cất (VC 110).

- Dù sao, đời thánh hiến không thể bỏ qua vai trò của mình trong lịch sử hôm nay. Những thách đố của thời đại đòi hỏi một lời giải đáp thỏa đáng. Điều này đòi hỏi một sự phân định của cộng đoàn để nhận ra điều Thiên Chúa muốn hôm nay. Trong phần thứ ba, tông huấn đã gợi lên vài suy tư về việc cập nhật các hình thức hoạt động dựa theo đặc sủng của các dòng tông đồ.

- Mặt khác tông huấn cũng nhắc nhở rằng ba lời khuyên phúc âm bao hàm nhiều giá trị “phản văn hóa” (VC 87-92), trái ngược với não trạng thế gian. Cần tìm ra những dấu chỉ nào để trưng bày những giá trị Tin mừng cho thế giới hôm nay.

- Tông huấn đã dành các số 57-59 để bàn về vai trò của các nữ tu, nghĩa là những người phụ nữ tận hiến, trong thời đại mà các phụ nữ ý thức hơn về phẩm giá của mình.

B. Linh đạo

Từ “linh đạo” có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Dù nói gì đi nữa, không thể nào nói đến “linh đạo” (spiritualitas) mà không nói đến Thánh Linh (Spiritus).

Tông huấn nhắc đến nhiều thứ “linh đạo” khi phân tích nhiều khía cạnh của tác động Thánh Linh: trong cuộc đời của người được Chúa gọi, trong đặc sủng của các hội dòng, trong các dấu chỉ thời đại. Chúng tôi chỉ muốn lưu ý đến hai phạm vi:

- Đời sống tâm linh. Văn kiện bàn đến những phương thế cổ truyền để nuôi dưỡng đời sống tâm linh: lời Chúa, phụng vụ ... Người tu sĩ cần múc lấy sức mạnh từ các nguồn ấy để sống đời chứng tá cho Tin mừng, chiến đấu chống lại sự dữ, và dấn thân cho công cuộc truyền giáo.

- Linh đạo hiệp thông. Đề tài hiệp thông được bàn cách riêng trong phần thứ hai, đi từ sự hiệp thông trong cộng đoàn, mở rộng đến sự hiệp thông trong hội dòng, giữa các hội dòng, trong giáo hội địa phương, đến Giáo hội phổ quát. Từ kinh nghiệm sống động về hiệp thông, các tu sĩ trở thành những người kiến tạo hiệp thông. Lịch sử cho thấy các dòng tu mang một niềm thao thức truyền giáo, phục vụ các nhu cầu của toàn thể Giáo hội (VC số 47).

V. BƯỚC SANG THIÊN NIÊN KỶ MỚI

Có lẽ cần chờ một thời gian nữa mới có thể lượng định đầy đủ những thành quả của tông huấn Vita consecrata . Trong phần cuối cùng của bài này, chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu hai văn kiện của Tòa thánh ban hành trong thập niên đầu của thế kỷ XXI.

A. Tái khởi hành từ Đức Kitô

Khởi đầu thiên niên kỷ mới, qua tông thư Novo millennio ineunte đức thánh cha Gioan Phaolô II đã mời gọi toàn thể giáo hội hãy can đảm ra khơi: “Duc in altum ” (Lc 5,4). Đáp lại lời mời ấy, Bộ Đời sống thánh hiến đã xuất bản huấn thị “Tái khởi hành từ đức Kitô” (2002), chú trọng đặc biệt đến đời sống tâm linh. Văn kiện gồm bốn phần.

Phần thứ nhất điểm qua những đường hướng áp dụng tông huấn VC. Phần thứ hai kêu gọi hãy can đảm đương đầu với những thử thách và thách đố với cái nhìn đức tin và lòng tín thác vào ơn Chúa, Đấng tỏ hiện nơi sự yếu đuối của con người (2Cr 12,9). Vài thách đố được trưng ra: cuộc sống tâm linh tầm thường, thói trưởng giả, não trạng tiêu thụ, cơn cám dỗ muốn đạt hiệu năng, muốn thể hiện bản thân hơn là thi hành kế hoạch của cộng đoàn (số 12). Những thách đố này đỏi hỏi phải nhìn lại ý nghĩa của đời tu: đây là trách nhiệm của các bề trên cũng như của mỗi người, qua việc đào tạo thường xuyên để thấm nhuần những tâm tình của đức Kitô (VC 65). Phần thứ ba nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống tâm linh (vita spiritualis), nghĩa là sống theo Thánh Linh, bằng cách tái khởi hành từ đức Kitô, chiêm ngắm khuôn mặt của đức Kitô dưới nhiều dạng thức, trong đó cần nói đến: Lời Chúa mà ta đón nhận qua việc cầu nguyện, Thánh Thể, thập giá (cá nhân, cộng đồng, thể chế và xã hội), những hình dạng nghèo khó thời nay (về vật chất/ luân lý, tinh thần). Trong khung cảnh này, cần đề cao linh đạo hiệp thông: giữa các đặc sủng cũ và mới, với các giáo dân, với các mục tử. Phần thứ bốn kêu gọi hãy làm chứng nhân cho tình thương, cách riêng qua việc phục vụ nhân phẩm trong một xã hội vô nhân đạo, thông đạt chân lý (qua việc giáo dục), đối thoại (với các giáo hội ngoài công giáo, các tôn giáo, những người vô tín ngưỡng).

Quyền bính và vâng phục

Năm 2008, Bộ Đời sống thánh hiến phát hành huấn thị mang tựa đề: “Sự phục vụ của quyền bính và vâng phục”. Tương quan giữa quyền bính và vâng phục trở thành phức tạp do những thay đổi về quan điểm ở ngoài xã hội cũng như trong Giáo hội. Theo mẫu gương của đức Kitô là tôi tớ vâng phục, văn kiện muốn trợ giúp quyền bính thi hành sự phục vụ trong ba điểm: phục vụ các cá nhân (phần I), xây dựng cộng đoàn huynh đệ (phần II), sống hiệp thông trong sứ vụ chung (phần III).

Hai văn kiện này không mang lại điều gì mới cho thần học đời tu nếu hiểu thần học theo nghĩa là suy tư hệ thống. Nhưng nếu hiểu thần học theo nghĩa là thần học tâm linh, thì hai văn kiện này đào sâu hơn khía cạnh huyền nhiệm của đời tu: chiêm ngắm dung nhan của đức Kitô, đi tìm Chúa, lắng nghe tiếng Chúa qua tiếng nói của bề trên và của Giáo hội.

KẾT LUẬN

Chúng tôi cố gắng trình bày bối cảnh của các văn kiện của Giáo hội về đời tu trong 50 năm qua. Đây chỉ là một vài nét phác họa, chứ không đi vào các chi tiết ngóc ngách. Dĩ nhiên khi nhìn lại bối cảnh văn hóa xã hội của các văn kiện, người ta không khỏi đặt lên câu hỏi: có mối tương quan chặt chẽ giữa bối cảnh và các văn kiện hay không? Phải chăng các văn kiện là con đẻ của bối cảnh?

Dù muốn dù không, đứng trước sự giảm sút con số tu sĩ ở Âu-Mỹ, một câu hỏi nữa được nêu lên: hiện tượng này có liên hệ gì đến các nền thần học về đời tu không? Phải chăng sự suy giảm là hậu quả của vài quan điểm thần học lệch lạc? Ngược lại, một thần học lành mạnh về đời tu (cũng như những hội nghị, hội thảo, diễn văn, tham luận) có đủ sức làm thay đổi tình hình không?

Do những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Giáo hội Việt Nam đã đứng bên lề những bối cảnh xã hội đã phân tích trên đây. Con số ơn gọi tu trì vẫn tiếp tục gia tăng, trái ngược với khuynh hướng chung trên thế giới. Tuy nhiên, thiết tưởng điều đáng băn khoăn không phải là liệu con số sẽ sụt giảm như các nước Âu Mỹ hay không, cho bằng: liệu cái “phẩm” có đi đôi với cái “lượng” hay không?

Để kết thúc, vì đang đụng đến số lượng, thiết tưởng nên tóm lược một bài nghiên cứu thú vị của cha Giancarlo Rocca về tình hình những hội dòng trong 50 năm qua . Hằng năm, niên giám Tòa Thánh đăng thống kê số các tu sĩ của các dòng trên thế giới, nhưng khó lòng biết được có bao nhiêu dòng mới ra đời và bao nhiêu dòng bị khai tử. Tác giả sưu tầm văn khố của Bộ Tu sĩ và đã thu thập những con số như sau.

1/ Khai sinh

- Từ năm 1960 đến 1970: Bộ Tu sĩ đã cho phép thành lập 117 hội dòng.

- Từ năm 1970 đến 1980: 75 hội dòng

- Từ năm 1981 đến 1990: 102 hội dòng

- Từ năm 1991 đến 2000: 139 hội dòng

- Từ năm 2000 đến 2009: 36 hội dòng

Tổng cộng: 469 hội dòng, trong số này có 136 tu hội đời. Đa số các hội dòng ra đời ở Mỹ châu latinh và đặc biệt là tại Á châu (Nên ghi nhận là cho đến năm 1988, việc thành lập các hội dòng tại miền truyền giáo do Bộ Loan báo Tin mừng cấp giấy phép chứ không phải do Bộ Tu sĩ).

2/ Sát nhập

Theo giáo luật, một hội dòng có thể chấm dứt hiện hữu không chỉ vì bị giải tán nhưng còn vì bị sát nhập vào một hội dòng khác, dưới hai dạng “fusio” và “unio”

Trong dạng fusio: một hội dòng được sát nhập vào một hội dòng khác; trong dạng unio, tất cả các hội dòng cùng tan biến để sinh ra một hội dòng mới.

a) Fusio. Từ năm 1960 đến 2009, 245 hội dòng đã tan biến sau khi sát nhập với hội dòng khác, trong số này nước Pháp dẫn đầu với hơn 50 hội dòng.

b) Unio. Tiến trình này đã đưa đến sự tan biến của 125 hội dòng, và nước Pháp dẫn đầu với chừng 70 hội dòng. Những unio nối tiếng hơn cả là của các Sisters of Mercy (27 hội dòng) Soeurs de l’Alliance (7 hội dòng).

Tổng cộng là 370 hội dòng đã biến mất.

3/ Các cộng đoàn mới

Trên đây chúng ta đã nói đến sự khai sinh các hội dòng mới, theo những khuôn khổ của bộ giáo luật (dòng tu, tu hội đời, tu đoàn tông đồ). Ngoài ra còn có hiện tượng các “cộng đoàn mới”, một thuật ngữ bao hàm nhiều dạng thức khác nhau. Có thể là một cộng đoàn (đan viện) muốn duy trì kỷ luật cổ điển về phụng vụ (trước đây theo đức cha Marcel Lefèbvre và nay xin hiệp thông với Giáo hội); có thể là một cộng đoàn hỗn hợp cả nam cả nữ, người độc thân cũng như đã lập gia đình; có thể là một phong trào giáo dân nhưng duy trì đời sống chung, vv ... Thẩm quyền phê chuẩn những cộng đoàn mới không những thuộc về Bộ Đời sống thánh hiến mà còn thuộc về Hội đồng Tòa thánh về giáo dân.

Trong vòng 50 năm qua, đã xuất hiện 800 “cộng đoàn mới” (xem: Primo censimento delle nuove comunità , a cura di G. Rocca, Roma, Urbaniana University Press, 2010) rải rác trong 40 quốc gia, đứng đầu là Hoa kỳ (trên 200), Ý (200), Pháp (161), Canada (47), Brasil (44), Tây ban nha (20). Trong số 800 cộng đoàn này, đã có 80 cộng đoàn “biến mất”. Điều này không khó hiểu trong lịch sử dòng tu.

4/ Giải tán

May thay, những trường hợp giải thể không nhiều lắm, đếm chưa hết mười đầu ngón tay. Trên thực tế, nhiều hội dòng thay vì nhận sắc lệnh giải thể thì đã tìm cách sát nhập với hội dòng khác (fusio hay unio), như đã nói trên đây.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành

Nguồn: www.daminhvn.net

--------------------------------------------------------

[5] Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã mang lại nhiều đóng góp cho thần học đời tu, đặc biệt là tông huấn Redemptionis donum (suy niệm về huyền nhiệm thánh hiến), và loạt bài huấn giáo về đời sống thánh hiến vào ngày thứ tư hằng tuần từ cuối tháng chín năm 1994 đến cuối tháng ba năm 1995.