Thần học Hy lạp: Ba Ngôi Một Chúa (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3294 | Cập nhật lần cuối: 6/2/2015 8:11:53 AM | RSS

NỘI DUNG

I. Phương hướng của thần học Hy lạp

II. Ưu thế của quan điểm Hy lạp

III. Khúc mắc trong quan điểm Hy lạp và nỗ lực giải quyết

IV. Perichoresis : Ba Ngôi tương hướng, tương giao, tương hiệp và tương tại

DẪN NHẬP

Với Công Đồng Vatican II, Giáo Hội khám phá lại gia tài rất lớn của mình. Giáo Hội không những chỉ thừa kế kho tàng tư tưởng thần học Tây phương, mà còn được ảnh hưởng các Giáo phụ Hy lạp Đông phương.

Ở đây, chúng ta không dừng ở các sự kiện lịch sử đã chia cắt Giáo Hội. Nhưng chúng ta sẽ nỗ lực tìm hiểu thần học Hy lạp, đặc biệt trong lãnh vực mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, để múc lấy những chất dinh dưỡng phong phú và bổ sung cho thần học La tinh.

Chúng ta bắt đầu bằng nhận định của một nhà lịch sử thần học :

“Mỗi giai đoạn thần học có một đặc tính riêng. Dù tất cả chân lý mạc khải đều được dạy dỗ trong Giáo Hội, mỗi giai đoạn vẫn có những nét nổi bật rõ hơn.

Riêng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, trong những năm hậu Công đồng Nicea, giáo lý được nhấn mạnh trực tiếp và nhiều nhất là sự Ngang Bằng Bản Thể giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng trong giai đoạn trước đó, người ta nhấn mạnh nhiều hơn đến sự khác biệt cụ thể giữa các ngôi vị thần linh và ưu vị đặc biệt của Thiên Chúa Cha” (Ginoulhiac, Histoire du dogme cath, 1. VIII, c.1).

I. PHƯƠNG HƯỚNG CỦA THẦN HỌC HY LẠP

Giống như trường hợp người Dothái, ý niệm đầu tiên về Thiên Chúa của người kitô-hữu hướng họ tới một chủ vị cụ thể, thực tiễn, cá nhân. Chủ vị đó là Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất, vĩnh cửu, vô hạn, tuyệt đối, hoàn hảo, quyền năng.

Chủ vị đó là Cha. Vì Người là Cha, Người có một Vị Con. Người ban cho Vị Con này tất cả bản thể của mình. Do đó. Chúa Con có cùng một bản thể với Chúa Cha, không phải chỉ có bản thể giống như Cha, nhưng có cùng một bản thể, vì sự hoàn hảo kỳ diệu của hành vi nhiệm sinh.

Chúa Cha còn có một Thần Khí phát xuất từ Người và nhận lãnh trọn vẹn bản thể thần linh nơi Người. Thánh Thần ấy phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con và có cùng một bản thể với Chúa Cha và Chúa Con.

Một ít người khẳng định vội vã và hàm hồ rằng thần học Công giáo, vì chịu ảnh hưởng triết học Hy lạp, càng ngày càng trở nên trừu tượng và xa rời Kinh Thánh.

Trong trường hợp thần học Hy lạp về Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta không thể nói như vậy. Thần học Hy lạp thực ra rất cụ thể và gần gũi với Kinh Thánh. Thần học không khởi sự từ một Bản thể Thần Linh Tuyệt Đối, tổng quát và trừu tượng. Thần học đã không bắt đầu từ “Tuyệt-đối-thể” của triết học, từ một thiên tính hay thần tính, để từ đó diễn dịch ra các ưu phẩm như trong Thượng đế học. Nhưng thần học đã khởi sự từ một Đấng cụ thể, một chủ thể cá vị mà Mạc khải luôn luôn nhắc tới, đó là Thiên Chúa, là Thiên Chúa Giavê của người Do Thái, và là Thiên Chúa Cha của người Kitô hữu. Từ Thiên Chúa chủ vị này, thần học đã lần lượt nói đến các Ngôi Vị khác. Và khi nói đến các Ngôi vị khác, tín lý khẳng định là các Ngôi vị ấy có cùng một bản thể với Thiên Chúa Cha.

Nói cách khác, ý tưởng đầu tiên không phải là bản tính thần linh “chứa đựng” trong các Ngôi vị, nhưng là các Chủ vị có cùng một bản thể thần linh. Hai điều này vừa hoàn toàn như nhau, vừa rất khác biệt. Nôải dung chân lý vẫn là một, nhưng nhìn từ hai quan điểm đối ngược nhau. Và hai quan điểm đối ngược này đã đưa tới hai phương hướng thần học khác nhau, không thể dung hợp một cách cẩu thả, nhưng có thể bổ sung và làm giàu cho nhau.

Cách nhìn Hy lạp về Ba Ngôi miễn trừ cho thần học rất nhiều công việc. Thần học không phải nỗ lực phân tích tác động của Yếu Tính thần linh để giải nghĩa các nhiệm xuất. Thần học chỉ nhìn ngắm các Ngôi vị và tương quan hữu cơ giữa các Ngài. Thần học dừng lại ở từng Ngôi vị, và suy niệm sự giàu có của từng Ngôi vị. Ngôi vị Chúa Cha có “mọi sự” và Ngài ban “tất cả” chính mình Ngài cho Chúa Con, và Chúa con chuyển giao lại cho Chúa Thánh Thần.

Thần học Hy lạp không chú trọng trước tiên tới Duy Nhất tính của Bản thể Thần Linh. Đó là một ý niệm đến sau.

Cả Ba Ngôi đều có cùng một bản thể. Vì sao ?

Bởi vì Chúa Cha là Bản Thể Thần Linh, khi ban chính mình cho Chúa Con, ban trọn vẹn bản thể mình, nên Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha. Các “nhiệm xuất” không phát sinh từ bản thể duy nhất, nhưng bản thể duy nhất là kết quả của các nhiệm xuất.

Để chứng minh, chúng tôi trích dẫn Giáo phụ Gioan Đamascênô, người đã thực hiện trọn vẹn nhất tổng hợp thần học theo quan điểm Hy lạp :

“Chúa Cha hiện hữu do chính mình. Mọi sự Ngài có đều không do ai khác. Ngài là Nguồn Suối, là Khởi Nguyên của bản thể và cách thế hiện hữu của các Ngôi Vị. Tất cả những gì Chúa Con và Chúa Thánh Thần có, kể cả Bản Thể, là do Chúa Cha. Nếu Chúa Cha không hiện hữu, không có Chúa Con, cũng chẳng có Chúa Thánh Thần. Nếu Chúa Cha không có một điều gì thì Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng chẳng có. Chính nhờ Chúa Cha, nghĩa là vì Chúa Cha hiện hữu mà Chúa Con hiện hữu và Chúa Thánh Thần hiện hữu. Chính nhờ Chúa Cha mà Chúa Con và Chúa Thánh Thần có tất cả những gì các Ngài có, nghĩa là bởi vì Chúa Cha có tất cả những điều đó, chúng ta hãy trừ ra sự “bất khả thụ sinh”, việc “Làm Con” và sự “Nhiệm Xuất”. Ba Ngôi Chí Thánh chỉ phân biệt nhau qua những đặc tính Ngôi vị ấy thôi. Các Ngài phân biệt mà không phân chia, không phải do bản thể, nhưng do đặc tính riêng của mỗi Ngôi Vị” (De Fide Orthodoxa, 1. I, c.VIII).

Khác với hình ảnh tam giác, thường dùng trong thần học La tinh để giải thích tương quan giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, hình ảnh nên dùng để giải thích quan điểm Hy lạp là con đường thẳng khởi sự từ Chúa Cha, thông qua Chúa Con, và kết thúc ở Chúa Thánh Thần. Tất cả thần tính phát sinh từ Chúa Cha “hình thành” Chúa Con và lôi cuốn Chúa Con “hình thành” Chúa Thánh Thần. Điểm kết thúc của vận hành theo đường thẳng là Chúa Thánh Thần. Công thứùc được sử dụng thường xuyên là “bởi Cha, qua Con và trong Thánh Thần”.

II. ƯU THẾ CỦA QUAN ĐIỂM HY LẠP

Phương hướng của thần học Hy lạp có rất nhiều ưu điểm.

Cái nhìn Hy lạp sinh động và chủ vị hơn quan điểm La tinh. Thần học Hy lạp đối lập Ngôi vị với Bản thể. Ngôi vị “có” Bản thể. và Bản thể ở trong Ngôi vị. Do đó việc Chúa Cha sinh ra Chúa Con không được coi như sinh hoạt thuộc về bản thể thần linh, nhưng là một hành vi trao ban. Chúa Cha trao ban chính mình cho Chúa Con, và Chúa Con nhận lãnh sự sống từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần cũng lãnh nhận từ Chúa Cha qua Chúa Con. Các hành vi cơ bản này khác với trường hợp các hành vi xảy ra giữa con người với nhau vì là những hành vi vĩnh cửu thiết lập các Ngôi Vị.

Thần học Hy lạp khẳng định một cách vững chãi “bản thể không sinh ra và cũng chẳng được sinh ra” (D 804). Quan điểm này tránh được ý niệm “Bản tính thần linh” trừu tượng chung cho cả Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng không vì thế mà thiếu sự duy nhất. Vẫn có một Bản thể duy nhất nhưng bản thể luôn luôn được quan niệm trong một Chủ vị sở hữu, hoặc là Ngôi vị ban phát, hay là Ngôi vị đón nhận. Bản thể vẫn là một, dù thuộc về nhiều “sở hữu chủ”, giống như kho tàng trong tay người cho và trong tay người nhận vẫn là một.

Thánh Athanasiô, để chống lạc giáo Ariô, không sử dụng những phạm trù tổng quát và trừu tượng, nhưng dùng những chữ rất cụ thể rút từ Kinh Thánh như : có, cho, ban, nhận, lãnh…

“Mọi sự Cha Ta có đều là của Ta” (Ga 5,26). Như Cha có sự sống trong chính mình thế nào, Ngài cũng cho Con có sự sống trong chính mình như vậy.

… Chúng ta phải nói rằng Chúa Cha có từ đời đời. Vậy phải chăng là phi lý khi dám bảo rằng Chúa Con không hiện hữu từ đời đời, vì chính Chúa Con đã khẳng định “Cha có sao, Con có vậy” ? Ngôi Lời đáng tin cậy. Điều Người nói là đã lãnh nhận, Người sở hữu từ đời đời và lãnh nhận từ Chúa Cha. Chúa Cha sở hữu nhưng không lãnh nhận từ ai khác, Chúa Con sở hữu nhờ lãnh nhận từ Chúa Cha” (Contra Arianos, orat. III, 36).

Trong ý niệm “sở hữu” và “ban phát”, Athanasiô gói ghém duy-nhất-tính Bản thể cùng với sự tương tại sinh động giữa các Ngôi Vị Thần Linh :

“Khi đã ban tất cả cho Chúa Con, Chúa Cha sở hữu một cách mới mẻ trong Chúa Con. Và khi Chúa Con sở hữu, Chúa Cha lại được sở hữu. Thần tính của Chúa Con là thần tính của Chúa Cha, như thể Chúa Cha cai quản mọi loài trong Chúa Con” (ib.).

Khi suy niệm về Tạo Dựng và các công trình khác của Thiên Chúa, tư tưởng các Giáo phụ Hy lạp liên hệ tức thời tới các Ngôi Vị hành động. Chúa Cha tạo dựng mọi sự nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Lược đồ đường thẳng lại đưọỉc áp dụng cho việc tạo dựng. Công trình tạo dựng phát xuất từ Chúa Cha, hình thành qua Chúa Con, và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần. Nói theo kiểu thánh Cyrilô thành Giêrusalem : “Chúa Cha ban mọi ơn lành qua Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Cathéchèse XVI,24).

Có thể phân biệt rõ ràng vai trò của các Ngôi Vị trong việc tạo dựng. Vai trò của Chúa Cha là ra lệnh vì Người là Nguồn Suối làm phát sinh cả công trình tạo dựng. Các Ngôi Vị khác “vâng phục”, thi hành sáng kiến của Chúa Cha. Các Đấng giống như những cánh tay và bàn tay của Chúa Cha.

Chúa Con là Minh Trí và là Quyền Năng của Chúa Cha, do đó, Ngài là Đấng kiến tạo vũ trụ. Thánh Thần hoàn tất, kết thúc mọi công trình của Chúa Cha. Ngài là nơi các tạo vật đạt tới trật tự, an nghỉ và hoàn hảo. Vì thế, chính ở trong Ngài mà mọi sự được chu toàn, từ vẻ đẹp thiên nhiên đến vẻ đẹp tinh thần, từ sự hoàn hảo thể lý đến lòng đạo đức thánh thiện. Theo lời thánh Athanasiô, “chính Chúa Cha làm mọi sự và ban cho mọi sự nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần” (ad Serapion III,5).

Trong công trình tạo dựng, mỗi Ngôi Vị đều hành động, nhưng công trình vẫn duy nhất, vì chỉ có một Cội Nguồn là Chúa Cha, và chỉ có một sự hoàn tất trong Chúa Thánh Thần.

Để chống lạc giáo Ariô, các giáo phụ thế kỷ IV nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh đồng bản thể giữa Ba Ngôi Vị, nhưng vẫn tiếp tục gán cho mỗi Ngôi Vị một hành động riêng.

“Trong công trình tạo dựng, hãy ngắm nhìn Nguyên Nhân Cội Nguồn của mọi tạo vật, đó là Chúa Cha ; Nguyên Nhân Hành Động là Chúa Con ; Nguyên Nhân Hoàn Tất là Chúa Thánh Thần…

Đừng gán cho tôi ý tưởng này là : Ba Ngôi vị là Ba Nguyên Lý, hoặc hành vi của Chúa Con không trọn vẹn. Chỉ có một “Nguyên Lý” hữu thể tác động qua Chúa Con và hoàn tất trong Thánh Thần. Đừng bảo rằng hành động của Chúa Cha, là Đấng làm nên mọi sự trong tất cả, không hoàn hảo ; hoặc Chúa Con để cho Thánh Thần làm trọn công việc của Ngài. Chúa Cha không cần Chúa Con, vì Người có thể hành động một mình, nhưng Người muốn hành động nhờ Chúa Con. Chúa Con cũng thế, Ngài không cần trợ giúp, vì Ngài cũng hành động như Chúa Cha, nhưng Chúa Con muốn hoàn tất nhờ Thánh Thần…

Hãy nhìn nơi Ba Ngôi : Vị Chúa ra lệnh, Ngôi Lời tác thành và Thánh Thần củng cố…” (Basilius, Lib. de Spiritu Sancto, c. XVI, 38).

Thánh Gioan Damascênô tóm tắt giáo lý của các giáo phụ Hy lạp về sự phân biệt giữa Ba Ngôi một cách cô đọng và rõ ràng :

“Tất cả những gì phù hợp với Khởi Nguyên, với Nguồn Suối, với Đấng Sinh Ra, chỉ phù hợp cho Chúa Cha. Tất cả những gì phù hợp với Đấng từ Khởi Nguyên mà ra, với Quyền Năng, Ý Muốn, Minh Trí, chỉ phù hợp với Chúa Con. Tất cả những gì phù hợp với Đấng từ Khởi Nguyên, Đấng Nhiệm Xuất, Đấng Biểu Lộ, Đấng Hoàn Tất, chỉ phù hợp cho Chúa Thánh Thần” (De Fide Orthodoxa, lib.I).

Tóm lại, thuận lợi lớn nhất của thần học Hy lạp là trực tiếp đềâ cập tới các Ngôi Vị Thiên Chúa trong những vấn đề vũ trụ và nhân sinh. Khi nói đến tạo dựng, quan phòng, cứu cánh tối hậu… chúng ta dễ dàng nghĩ tới các Ngôi Vị một cách cụ thể. Thay vì dùng cách nói tổng quát và trừu tượng như “Thiên Chúa quan phòng”, chúng ta có thể nhắc lại lời Đức Giêsu trong Phúc Âm: “Cha các ngươi biết các ngươi cần gì”. Thay vì nói : “Chúa không muốn các ngươi lỗi đức thanh sạch”, chúng ta nhớ tới lời của Phaolô : “Các ngươi không biết thân xác các ngươi là chi thể của Đức Kitô ?… là Đền thờ của Thánh Thần sao ?”

Thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ là một phần của thần học tín lý, và là phần khô khan, trừu tượng, khó hiểu nhất, nhưng trở thành “nền tảng” cho mọi phần khác của thần học, và hiện diện trong mọi phần khác. Không một chân lý đức tin nào mà không liên hệ tới Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta nhìn mỗi thực tại trong tương quan, hoặc với Chúa Cha, hoặc với Chúa Giêsu, hoặc với Chúa Thánh Thần, hoặc với cả Ba Ngôi Thiên Chúa.

Giống như Đức Kitô, người kitô-hữu nghĩ tới Chúa Cha một cách rất tự nhiên, dễ dàng và có một ý thức cụ thể và sinh động về vai trò của Chúa Thánh Thần.

(còn tiếp)

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc

Nguồn: www.simonhoadalat.com