Tội lỗi - Trình bày về tội cho người hôm nay (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3826 | Cập nhật lần cuối: 4/17/2015 8:34:51 AM | RSS

(tiếp theo)

IV. Bài tường thuật của trường phái Giavítta về sự quá phạm (St 2, 25 – 3, 19)

Bài tường thuật này bắt đầu từ câu 25 bằng cách lưu ý rằng người đàn ông và người đàn bà trần truồng nhưng không cảm thấy xấu hổ. Truyền thống Giáo hội lâu nay vẫn thắc mắc không biết trong trình thuật ấy có liên tưởng đến vấn đề tính dục không. Nhờ các nhà thần học không lên tiếng mà có người đã dám quả quyết rằng tội nguyên tổ chính là một tội liên quan đến tính dục. Đọc lại trình thuật trên đây bắt ta phải tránh những khẳng định hồ đồ đó! Nếu vậy, phải hiểu việc ‘trần truồng’ trong trình thuật ấy thế nào? Trước hết, phải lưu ý rằng trần truồng tự nhiên gợi cho ta một cái gì yếu đuối: người trần truồng là người bị tước mất mọi vũ khí. Vì thế, không phải là vô nghĩa khi Tân ước giới thiệu Đức Giêsu, Ađam mới, một người hoàn toàn vô tội, hết lòng lắng nghe tiếng Chúa, đã chết trần truồng trên thập giá, tới mức phải phó thác tất cả cho quyền năng Chúa Cha. Tuy nhiên, theo tôi, ta cũng có thể đọc đề tài trần truồng ấy theo một nhãn quan khác. Quả thế, St 2 giới thiệu cho chúng ta người đàn ông và người đàn bà không hề xấu hổ với nhau dù trần truồng. Điều ấy có nghĩa là họ biết sự khác biệt về giới tính giữa họ với nhau và họ phải lệ thuộc nhau. Chính điều đó bắt họ phải nghĩ tới sự bất lực và thân phận thụ tạo của mình. Quả thật, giới tính ai cũng có thể ý thức điều này rất dễ dàng là một trong những môi trường đặc biệt cho ta kinh nghiệm thế nào là lệ thuộc, là giới hạn, vì qua tính dục ta thấy mình bị người khác thu hút và mình không phải là tất cả nhân loại. Làm đàn ông là phải nhìn nhận mình không thể là đàn bà, và ngược lại. Sự giới hạn mà tính dục nhắc nhở cho ta hẳn Ađam và Eva đã thấu hiểu (c. 25), nhưng đồng thời đó cũng là một thử thách, vì qua đó giấc mơ được toàn năng của ta đã bị giới hạn. Bởi vậy chỉ cần một yếu tố nhỏ xíu thôi thử thách ấy cũng lập tức trở thành một cơn cám dỗ. Chút xíu đó con rắn, loài vật tinh ranh nhất, đã tìm cách đưa vào. Nó đem những khía cạnh nảy sinh từ những dấu vết mà thế giới hỗn hợp thuở khai sinh còn để lại nơi ta mà lòe mắt người đàn ông và người đàn bà ấy, như sau này Satan sẽ làm với Đức Giêsu (Lc 4).

Con rắn đến gặp người đàn bà trước. Nhiều người tự hỏi tại sao lại ngỏ lời với người đàn bà trước, chứ không với Ađam. Có người cho đó là do ảnh hưởng của một xã hội có khuynh hướng đề cao nam giới như xã hội của tác giả viết thuật trình này. Điều đó không phải là không có thể xảy ra. Nhưng tôi thiết tưởng tốt hơn nên coi chi tiết đó là một cách trình bày đúng theo logíc của bản văn. Quả thế, thuật trình về sự sáng tạo giới thiệu của người phụ nữ là chóp đỉnh công trình sáng tạo, vì hành vi sáng tạo của Thiên Chúa chỉ thật sự hoàn thành khi Eva được dựng nên. Vì thế, nếu phạm tội là làm hạ cấp công trình sáng tạo thì theo logíc quá trình ấy phải bắt đầu từ chóp đỉnh của công trình sáng tạo tức là người phụ nữ, rồi dần dần mới đụng đến các thành phần khác của thế giới thụ tạo…

Như thế, con rắn sẽ cám dỗ người phụ nữ phạm tội trước. Muốn vậy, nó sẽ bóp mép lệnh cấm căn bản của Thiên Chúa bằng cách gán cho lệnh cấm ấy những mức độ đòi hỏi mà Tạo hóa không đòi buộc. “Thiên Chúa đã phán: các ngươi không được ăn tất cả các loại cây trong vườn” (c. 1b). Như thế là gián tiếp bảo rằng Thiên Chúa tạo hóa mà con người hằng ao ước là một Thiên Chúa hay làm cụt hứng một cách tàn nhẫn, vì từ nay mọi trái cây đều bị cấm, có nghĩa là sẽ không có ước vọng nào của họ được thỏa mãn hết. Cơn cám dỗ của con rắn với Eva theo tôi là một cơn cám dỗ mà tôi thường gặp thấy trong kinh nghiệm mục vụ của mình. Biết bao lần tôi được dịp gặp gỡ những người, nhất là các tu sĩ nam nữ, có cảm tưởng như mình đang phải sống trước mặt một Thiên Chúa hay làm mình cụt hứng. Chẳng hạn, mới đây có một nữ tu nói với tôi: “Chúa đã tạo nên con với những ước muốn dục tính, nhưng Ngài lại cản không cho con thỏa mãn với những ước muốn ấy qua lời khấn độc thân. Chúa đã tạo nên con với những ước muốn chiếm hữu, nhưng Ngài lại cản không cho con thỏa mãn những ước muốn ấy qua lời khấn nghèo khó. Chúa đã tạo nên con với những ước muốn chỉ huy, nắm quyền, nhưng Ngài lại cản không cho thỏa mãn ước muốn ấy qua lời khấn vâng phục. Chúa đã tạo nên con với bản năng gây hấn, nhưng Ngài lại cản không cho thỏa mãn bản năng ấy khi đòi con phải sống hiền lành theo Tin mừng, phải yêu thương thù địch, phải đưa cả má trái khi bị người ta vả má phải. Dứt khoát Thiên Chúa là một nhân vật có tính bạo dâm vì đã tạo nên con với những ước muốn nhưng lại không cho con thỏa mãn chúng”. Nghe những lời lẽ này, ta có dịp thấy lại chiến thuật của con rắn ngày xưa là phóng đại những lệnh cấm của Thiên Chúa. Thật vậy, cám dỗ thường xuất hiện khi ta phóng đại những lệnh cấm ấy. Tôi nói phóng đại vì trong thực tế để suy nghĩ tiếp về thí dụ tôi vừa nêu ra trên đây, Chúa không bao giờ cấm thực hành tính dục, quyền bính, tiền bạc, sự tự vệ. Người chỉ đòi chúng ta không được lạm dụng tính dục, quyền bính, tiền bạc, sự tự vệ và tất cả chỉ vì hạnh phúc của chúng ta.

Bây giờ ta hãy tiếp tục đọc lại thuật trình của sách Sáng thế. Trước những lời bóng gió của con rắn, người phụ nữ bắt đầu a dua theo âm mưu của con rắn; bà cũng phóng đại lệnh cấm của Thiên Chúa khi nói: “Thiên Chúa bảo chúng tôi: các ngươi không được ăn trái cây biết lành biết dữ và không được đụng đến trái cây ấy”. Thế nhưng Chúa đâu có cấm họ sờ mó trái cây ấy (St 2, 17). Trong phản ứng của Eva ta thấy lại một quy luật tâm lý rất cổ điển: khi muốn phạm luật, người ta thường có khuynh hướng nhấn mạnh hơn tới lệnh cấm để che đậy sự lỗi phạm của mình. Làm thế để tự bảo vệ mình, một cách khá là ngụy tín. Thế nhưng chính khi không còn thành thật với ước muốn của mình, người ta đã vô tình đẩy sự vi phạm của mình đi xa hơn mình tưởng.

Tội lỗi - Trình bày về tội cho người hôm nay (3)Lúc này người phụ nữ chẳng còn lưu ý tới những hậu quả nghiêm trọng kèm theo những lệnh cấm của Thiên Chúa. Con rắn bảo: “Ông bà sẽ không chết. Nhưng vì Thiên Chúa biết rằng ngày nào ông bà ăn trái này, mắt ông bà sẽ mở ra, ông bà trở nên như thần thánh biết lành biết dữ”. Con rắn quả là đã bắt được đúng điều căn bản: Mọi tội lỗi đều bắt đầu từ chỗ không nghe theo Lời Chúa. Điều nó đề ra cho ông bà ở đây là họ sẽ được mở mắt thấy mọi sự bằng cách thôi không tin vào lời Đấng Tạo hóa nữa. Đây là một cám dỗ rất quen thuộc trong Kinh Thánh: cám dỗ con người thôi đừng tin vào Lời Chúa nữa để được thấy. Vì tin là buông mình theo lời của người khác, là chấp nhận không biết một cách nào đó. Ngược lại, chỉ đòi thấy là chỉ tin vào sự hiện diện có tính cách sự vật của người khác. Thế nên Gioan đã không ngần ngại tuyên bố: “Phúc cho ai không thấy mà tin” và đã liên kết đức tin với điều trông thấy khi kể chuyện ông đi đến mộ Đức Giêsu và thấy… một sự trống rỗng (Ga 20, 8). Một điều đáng lưu ý là trong câu chuyện kể lại việc quá phạm của Ađam và Eva, tác giả liên kết lời hứa cho thấy hết với lời hứa cho biết toàn diện hay lời hứa cho được làm chủ được mọi lệnh cấm.

“Mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ trở thành thần thánh”. Một lần nữa người ta được hứa hẹn sẽ có sức mạnh vạn năng của thần thánh. Satan rủ con người bước ra khỏi than phận loài người, tiến vào kiếp siêu nhân, một sự thần hóa giả mạo phi nhân. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, sẽ lật ngược nỗ lực không ngừng ấy của loài người tội lỗi, bằng cách chấp nhận trở thành người và vì tình thương chấp nhận chết để liên đới với những con người bị khai trừ khỏi xã hội (Lc 4,1-13, Pl 2,6-11). Sự lật ngược ấy, Đức Giêsu sẽ nhắc lại cho các môn đệ Emmaus hiểu (Lc 24, 16).

Sau cùng, người phụ nữ đã đầu hàng cơn cám dỗ. Bà lợi dụng sự liên đới giữa mình với người đàn ông để lôi kéo ông cũng từ bỏ không tin vào Lời Chúa nữa. Lúc ấy mắt họ mở ra (c.7). Nhưng có thể nói mắt họ mở ra để thấy sự giới hạn của mình thật to lớn, sự bất lực hoàn toàn của mình không thể thực hiện những hứa hẹn của thế giới xa xưa hằng ám ảnh họ: ‘họ mới biết mình đang trần truồng’. Tưởng rằng vi phạm lệnh cấm là được mở mắt thấy sự toàn năng của mình, nhưng ngược lại nó chỉ cho họ thấy có sự khác biệt giữa hai bên. Sự trần truồng được nhắc tới trong trình thuật này nhằm diễn tả điều đó. Quả thật, như đã nói ở trên, biết mình trần truồng trước phái tính kia là biết có sự khác biệt hoàn toàn về tính dục giữa hai bên, biểu lộ qua sự khác biệt bên ngoài giữa hai thân xác. Thế nhưng nếu biết chấp nhận lệnh cấm là giúp hai người sống thoải mái tự nhiên với sự khác biệt ấy (St 2, 25) thì ngược lại tội lỗi làm hai người không muốn nhìn nhận sự khác biệt ấy, dù ý thức rõ điều đó. Đây là một cách hiểu câu 7b: “Họ mới kết lá vả làm khố che thân”. Làm như thể cứ che đi thì không còn khác nhau về tính dục nữa! Cặp vợ chồng đầu tiên ấy như muốn nói: “Chúng tôi quá biết hai chúng tôi khác nhau về tính dục, nhưng ta hãy che đậy điều ấy đi để không còn thấy sự giới hạn mà nó làm chúng tôi nhớ tới”. Tương tự như thế, mỗi người chúng ta khi phạm tội vũ trụ nói: “Tôi quá biết con người bị giới hạn. Tôi dứt khoát chỉ là loài thụ tạo: Nhưng dầu sao tôi vẫn có thể trở thành Chúa, còn nếu như không thể được thì ít là tôi sẽ che giấu đi sự giới hạn của mình”.

Nhân tiện tôi cũng xin mở ngoặc lưu ý các bạn là việc mở mắt của hai ông bà ở đây cũng sẽ diễn ra trong một câu chuyện khác của Kinh Thánh mà ai cũng biết, đó là câu chuyện của hai môn đệ Emmaus (Lc 24). Hai môn đệ này cũng cứ loay hoay trong giấc mơ của mình là mơ được vạn năng, vì theo họ, Đức Giêsu sẽ là người giải quyết hết mọi sự như trong một phép lạ. Thế mà Đức Giêsu ấy đã phải chịu chết và thất bại. Rồi Đức Giêsu ấy hiện ra nhắc nhở họ (bằng các giải thích sách Luật và các ngôn sứ) lệnh cấm của Thiên Chúa buộc mọi người phải chấp nhận sự giới hạn của mình. Chỉ sau khi kéo họ lưu ý tới Lời Chúa như thế, Đức Giêsu mới mời họ ăn, như Satan đã mời Ađam và Eva ăn. Tuy nhiên thay vì ăn là một cách vi phạm lệnh cấm của Thiên Chúa, Người đã giúp hai môn đệ Emmaus biến cái ăn ấy thành nơi gặp gỡ Nước Trời. Mắt họ mở ra nhưng mở ra để thấy sự khác biệt cơ bản giữa Thiên Chúa và loài người. Ngay sau đó Đức Giêsu lập tức biến mất để làm họ đừng quá cậy dựa vào điều mắt thấy. Một lần nữa thấy Đức Giêsu là đồng thời nhận ra sự thiếu hụt, trống trọi để từ đó phải lấy đức tin bù lại.

Để kết thúc phần giải thích trình thuật về sự quá phạm của Ađam và Eva, ta hãy nhìn xem những hậu quả của tội. Vì tội phá hỏng sự hài hòa giữa điều khác và điều giống, nên lãnh vực nào (lẽ ra trong đó có sự phối hợp hài hòa giữa cái khác và cái giống) cũng đều trở nên xấu xí do do tội lỗi ấy gây ra. Chẳng hạn từ nay sự khác biệt giữa ta với Thiên Chúa trở nên tai hại, khó chấp nhận vì Ađam và Eva bỗng trở nên sợ Thiên Chúa (St 3, 8). Cần phải được cải tạo giáo dục lại, con người mới hiểu được đã yêu Thiên Chúa trọn vẹn thì không còn sợ hãi nữa (1Ga 4, 18). Cũng thế, từ nay sự khác biệt giữa người đàn ông và người đàn bà trở nên tai hại, khó sống. Thật thú vị khi đi theo logíc của câu chuyện: Trước đây người đàn bà đã coi người đàn ông, xương sườn của Ađam, là nguồn gốc của mình. Nhưng từ nay, tội lỗi làm hỏng cả mối quan hệ giữa người đàn bà với nguồn gốc đó: câu 16b cho thấy người đàn bà sẽ phải chịu đựng sự cậy quyền của người đàn ông và sẽ thấy thật khó sống mối quan hệ với con cái mình, dù mình cũng là một trong những nguồn gốc của chúng. Người đàn ông biết nguồn gốc mình là ở đất. Nhưng quan hệ giữa người đàn ông với đất đai cũng trở nên khó sống vì theo câu 17 sau khi phạm tội, người đàn ông phải vất vả chịu đựng việc lao động với đất đai.

Như vậy, như tôi đã nói, tội là một sự phá hỏng cơ cấu của thế giới, một hình thức làm xuống cấp công trình sáng tạo. Chính vì thế, tội lúc nào cũng vừa là sự xúc phạm đến Thiên Chúa vừa là sự xúc phạm đến con người và vũ trụ.


V. Tổng kết: Vài hệ luận rút ra từ việc giải thích (St 2-3) trên đây

- Mọi tội lỗi đều bắt đầu từ chỗ không chú ý lắng nghe Lời Chúa. Điều này thấy rõ qua thái độ của Eva khi đứng trước những đề nghị của con rắn. Chính vì thế, sau này Tân ước khẳng định: “Nếu anh em không muốn sa chước cám dỗ, thì hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 26, 41). Vì cầu nguyện là không ngừng làm cho mình nhớ tới những kỳ công Chúa đã thực hiện. Còn tỉnh thức là đặt mình trong tư thế luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận Lời Chúa.

- Nguồn gốc của tội thường nằm ở chỗ bóp méo những ý định của Thiên Chúa, nghĩa là thường là do sự dối trá. Thánh Gioan sau này còn dám khẳng định: “Ma quỷ là cha đẻ của sự dối trá” (Ga 8, 44). Bóp méo những ý định của Thiên Chúa về con người là để mình bị lôi kéo vi phạm luật Chúa, vì như đã nói trên đây, lúc đó người ta coi Thiên Chúa như một nhân vật chỉ muốn con người chết, đang khi kỳ thật lúc nào Ngài cũng muốn con người sống.

- Tội là một hành vi đi tắt bằng cách sử dụng những trung gian nhân loại. Ta có thể thấy rõ điều này khi đọc lại thuật trình về 3 cơn cám dỗ của Chúa Giêsu (Lc 4). Cám dỗ thứ nhất là muốn tiết kiệm lao động hay không cần lao động mà vẫn có bánh ăn. Cám dỗ thứ hai là muốn tiết kiệm thời gian, không muốn mất giờ: Theo Satan, Đức Giêsu có thể có được mọi thứ ngay lập tức nếu chịu quỳ lạy Satan. Và cám dỗ thứ ba là muốn tiết kiệm hay muốn khỏi chết và thất bại: Satan cho Đức Giêsu biết rằng Ngài có thể không bị chết khi nhảy từ nóc đền thờ xuống. Cả 3 cám dỗ này đều xuất phát từ một giấc mơ hằng ám ảnh mọi người chúng ta. Đó là mơ tái tạo lại thế giới nguyên thủy, mà trên đây tôi đã có dịp minh họa bằng hình quả trứng.

- Cuối cùng, tội nào cũng là hành vi biểu lộ ý muốn làm xuống cấp công trình sáng tạo, nghĩa là muốn làm người khác thay đổi thay vì cứ tôn trọng sự khác biệt của họ, muốn lùi về lại với tình trạng bất phân định thuở ban đầu. Như thế, tội là hành vi chon vùi sự hòa điệu của thế giới. Và bởi đó, tội là nguồn đẻ ra biết bao sự trục trặc làm cho con người phải đau khổ. Nếu vậy, tội nào cũng đưa cái chết vào trong thực tế. Không hẳn lúc nào cũng là cái chết về mặt sinh vật. Nhưng là cái chết trong những quan hệ nhân bản. Và do đó, tội là một hành vi xúc phạm đến ý định của Thiên Chúa: Người chỉ muốn thấy con người sống sung mãn.


- Tội nào cũng là hành vi biểu lộ ước vọng muốn vượt qua thân phận thụ tạo để tìm cho được sức mạnh vạn năng. Tai hại hơn là đôi khi người ta còn dùng chính Lời Chúa một cách sai lạc để thực hiện điều đó. Như trong cám dỗ của Đức Giêsu ở Lc 4, 10: Satan dùng lời Thánh vịnh 91 để thúc Đức Giêsu tránh né những giới hạn của con người, nhất là tránh né cái chết.


- Nếu dựa vào St 2-3, ta sẽ thấy trong các khuynh hướng ăn sâu vào con người chúng ta luôn luôn có một cái gì đó rất tốt để giúp cho các cám dỗ được nảy sinh. Đặc biệt là qua 3 ước muốn sau đây:


Trước hết là ước muốn ở miệng, muốn tiêu thụ. Đây là một điều đáng cho ta suy nghĩ vì chúng ta đang sống trong một xã hội mệnh danh là xã hội tiêu thụ, làm cho ta có cảm tưởng rằng hạnh phúc là do ta có được những của cải để làm thỏa mãn các khát vọng của mình. Nếu vậy, thuật trình trên đây của sách St đúng là một lời chỉ trích tổ chức xã hội của chúng ta ngày nay.


Thứ đến là muốn thấy và muốn biết. Đây cũng là những ước muốn ám ảnh con người hiện nay. Đây chỉ là một dấu hiệu cho thấy điều đó: Ngày nay ta rất hay nghe dân chúng nói ‘điều đó chưa rõ lắm’. Làm như con người không thể sống hạnh phúc được nếu không được tận mắt nhìn thấy. Thế mà theo tư tưởng của khoa nhân loại học và tư tưởng của Kitô giáo, sống còn là tin vào người khác, vượt trên những bằng chứng hiển nhiên, sống là biết lắng nghe dù không hiểu biết.


Cuối cùng, muốn nghe, nhưng chỉ muốn nghe những gì khuyến khích ta đi tìm sự vạn năng. Ở đây, một lần nữa Kinh Thánh lại lật ngược những khuynh hướng tự nhiên của chúng ta, khi cho thấy rằng trước hết phải lắng nghe Lời Chúa và Lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy lắng nghe những người thấp bé nhất trong xã hội, những người bị khai trừ khỏi xã hội. Lời ấy đã được đúc kết lại trong mối phúc thứ nhất: “Phúc cho những ai nghèo khó”.

- Cứ như St 2 và 3 mô tả, đành rằng khi phạm tội con người tỏ ra có một khả năng phá hoại rất lớn. Nhưng rốt cuộc, đó cũng chỉ là khả năng có hạn vì trong câu chuyện huyền thoại đó con người không phải là nguồn gốc duy nhất của sự dữ. Trước mặt con người đã có con rắn, một tạo vật của Thiên Chúa, kẻ đã bóp méo lệnh cấm của Thiên Chúa. Nói như thế có nghĩa là sách St cũng công nhận con người có phần nào không hiểu được sự dữ. Sự dữ vẫn mang tính chất phi lý. Nhưng nếu không còn phi lý thì sự dữ có còn là sự dữ nữa không?


VI. Cuối cùng, phải hiệu tội nguyên tổ như thế nào?

1. Chữ “tội”, hiểu theo nghĩa chặt, là một hành vi tự ý đoạn tuyệt với Thiên Chúa, và vì thế không hợp lắm để chỉ tình trạng bẩm sinh của hết mọi người. Truyền thống Hy Lạp cũng không dùng kiểu nói ‘tội thọ sinh’ (‘péché originé’, với ‘péché originant’, là tội của Tổ tông, sinh ra tình trạng tội lỗi của ta). Vì thế, theo gương các nhà thần học Công giáo nghiêm túc nhất, chúng ta chỉ dùng chữ ‘tội’ theo nghĩa loại suy để chỉ tình trạng bẩm sinh của mọi người.


2. Hiển nhiên ta không được quan niệm tội thọ sinh hay tình trạng tội bẩm sinh như một thứ vết nhơ hay như một dấu vết di truyền qua đường sinh đẻ, dù tự nhiên ta vẫn thấy quan niệm như thế có ích phần nào!

3. Khi phạm tội, mọi người ngày nay đều thấy lại nơi đó đôi chút kinh nghiệm của Ađam và Eva ngày xưa, được mô tả trong St 3. Nói khác đi, tội tác sinh (‘péché originant’) hay hành vi tội lỗi của Ađam và Eva như đang diễn lại nơi mỗi người chúng ta. Nhưng khác với những người nguyên thủy, chúng ta phạm tội từ một tình huống khác, đó là khi sự dữ đã thành hình rõ rệt trong xã hội, do tội của những người đi trước chúng ta.

4. Ngày nay, nhiều nhà thần học (như Schoonenberg) gọi tội thọ sinh là tình trạng bất lực căn bản của hết mọi người khi sinh ra, bất lực để định hướng cuộc đời mình bằng cách có một sự lựa chọn căn bản phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Tình trạng bất lực ‘có tính cơ cấu’ này phát sinh do con người không bao giờ sống cô độc một mình. Ngay trong cơ cấu căn bản của mình, ai cũng đòi phải lệ thuộc một mạng lưới phức tạp gồm những quan hệ xã hội khác nhau. Thế mà trong mạng lưới làm nên con người đó đã có tội lỗi. Thứ tội này, thánh Gioan gọi là ‘tội thế gian’ (Ga 1, 30; 1Ga 5, 19). Như vậy theo giáo lý về tội nguyên tổ, nếu nhìn thế giới theo đúng logíc của nó, vì toàn bộ tội lỗi của nhân loại và dĩ nhiên của cả Tổ tiên nhân loại trong đó, thế giới ấy không còn hướng về Đấng Tạo hóa và tiếng gọi Tình yêu của Người một cách tự nhiên nữa. Cụ thể (Thánh giá Đức Kitô nhắc ta điều này) là cứ theo logíc của một thế giới đã bị ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ như thế, người ta sẽ luôn luôn tìm cách lên án người vô tội, khai trừ người bạc phận và tệ hơn nữa, dùng Lời Chúa để làm vong thân con người bằng cách kéo con người ra xa Thiên Chúa thật.

Tuy nhiên, ta đừng quên rằng theo thánh Phaolô đằng sau sự liên đới của mọi người trong tội còn có một điều quan trọng hơn là mọi người đều liên đới với nhau trong ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Nhờ Ađam mới là Đức Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần, Người đã ban cho ta, mọi người đều có thể định hướng trở lại để quay về với đúng kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch duy nhất của khả năng nhân bản hóa mọi sự. Vì thế, Phaolô xác tín rằng: Quyền năng của Đức Kitô mạnh hơn quyền năng gây ra chết chóc của tội lỗi: “Ở đâu tội càng nhiều, ở đấy ân sủng càng chan chứa” (Rm 5, 20), “ôi thần chết, chiến thắng của ngươi đâu?” (1Cr 15, 55).

5. Có thể xem khái niệm ‘tội thọ sinh’ (tình trạng tội bẩm sinh) đồng nghĩa với một khái niệm đang phổ biến hiện nay là tội tập thể không? Tôi xin thú nhận là tôi chưa thấy rõ vấn đề ấy. Tuy nhiên có thể trả lời vừa có vừa không.

- Có, nếu hiểu ‘tội thọ sinh’ là một cơ cấu chi phối con người trong xã hội. Theo nghĩa này, tội thọ sinh là thân phận chung, là tình trạng tội lỗi chung, nghĩa là tình trạng con người khước từ Thiên Chúa và vì thế chính bản thân mình bị vong thân. Tình trạng ấy mỗi lúc lại trầm trọng thêm do những hoàn cảnh tội lỗi của mỗi cá nhân trong một cộng đoàn hay xã hội nào đó.

- Không, nếu hiểu ‘tội thọ sinh’ là một tình trạng có từ khi mới sinh ra. Để tránh mơ hồ có thể gây hại, ta phân biệt: Tội tập thể trước hết là một hành vi đoạn tuyệt với Thiên Chúa của cả một tập thể vào một thời điểm nhất định nào đó trong lịch sử. Chẳng hạn, khi cả một tập thể nọ cố tình không chịu tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống lại một hình thức phân biệt chủng tộc, đấy chính là tội tập thể. Trong trường hợp này, có thể nói tội tập thể là mặt trái của sự hiệp thông các thánh, mỗi người đồng lõa để quay về với sự vong thân của cộng đoàn. Đó là trường hợp dân Israel thờ bò vàng ngày xưa (Xh 32). Tuy nhiên, đừng quên rằng nếu là một hành vi phạm tội, tội tập thể không bao giờ có, khi cá nhân đã không đích thân đưa ra một quyết định nào đó tự mình. Như thế, nếu hiểu cho chặt, tội tập thể luôn luôn là do các tội cá nhân kết hợp lại, dù tội tập thể không phải là tổng cộng các tội cá nhân, và có mặt một cách đặc biệt trong xã hội. Vì thế không thể dùng khái niệm tội tập thể để phủ nhận hay làm gia tăng quá đáng trách nhiệm bản thân của mỗi người. Nhìn nhận có tội tập thể là đồng thời nhìn nhận những trách nhiệm riêng của mỗi người trong việc tạo ra tội ấy. Nếu vậy khi dạy giáo lý và cử hành các nghi thức sám hối, phải cố gắng tránh gây ngộ nhận đó bằng cách hãy chọn những từ ngữ khác nhau để nói về những hành vi kéo theo trách nhiệm của cá nhân hay của cộng đoàn (hoặc và của cộng đoàn), và để nói tới những tình trạng chung do các hành vi ấy gây ra. Mỗi Kitô hữu phải phân biệt rõ ràng điều đó để có thể nhận định về lòng trung thành của mình đối với Chúa.

Chương III: Quan điểm Kitô giáo về tội

Trong phần cuối cùng này chúng ta sẽ xem xét vài điểm mốc rít ra được khi nhìn tội theo quan điểm Kitô giáo. Tuy nhiên, để có thể nắm được nét độc đáo của quan niệm đó, và để tránh những sự lẫn lộn có thể có giữa các hình thức tội, trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu khái quát nguồn gốc sinh ra ý thức về tội. Lúc đó ta sẽ thấy rõ khái niệm tội là một khái niệm rất độc đáo, và chỉ có ý nghĩa đầy đủ khi xét trong quan hệ của con người với Thiên Chúa.

I. Vài suy nghĩ về ý thức tội

Ý thức về tội là gì? Đó là một thực tế bên trong tâm lý làm cho lương tâm ta có cảm tưởng như bị một sức mạnh gì đó đè nặng, ta cảm thấy như có một vết thương do sự hối hận dày vò gây ra và có cảm tưởng như đang đứng trước một tòa án nội tâm chờ nghe xét xử và chịu phạt. Chính vì thế, ý thức về tội luôn luôn có kèm theo một tiếng gọi nội tâm kêu mời ta sửa chữa. Các nhà tâm lý học, nhất là các nhà phân tâm, rất lưu ý tới nguồn gốc phát sinh ra ý thức về tội. Một số người đã cho biết ý thức ấy có một nguồn gốc rất xa xưa: Ý thức ấy có liên hệ với những cảm giác dễ chịu hay khó chịu mà đứa bé nào cũng cảm thấy sau khi chào đời được ít tháng. Tuy nhiên, nhiều vị khác cho rằng ý thức ấy chỉ có khi con người biết rằng mình đã không đáp lại một ước muốn của người khác, một ước muốn có giá trị như một mệnh lệnh, một quy luật. Trong trường hợp đó, ý thức về tội chẳng qua chỉ là một hình thức biểu hiện sự lo âu vì chẳng những không còn được đối tượng của mình yêu thương mà thậm chí còn bị công kích nữa. Một nhà phân tâm nổi tiếng là bà Mélanie Klein đã tiến hành các nghiên cứu của mình theo chiều hướng đó. Theo bà, ý thức về tội bắt đầu xuất hiện là do đứa trẻ vừa khao khát chiếm lấy mẹ vừa sợ bị trả thù.


Còn Freud cho rằng ý thức về tội chỉ có mãi sau này, khi đứa trẻ bước vào thời kỳ mặc cảm Oedipe. Trong thời kỳ này (từ 3 đến 6 tuổi) đứa trẻ bước vào một trò chơi rất phức tạp: Quan hệ với cha mẹ vừa yêu thương vừa chống đối nó. Sự xuất hiện của người cha và những lời cấm đoán của ông làm đứa trẻ hiểu rằng nó phải vĩnh viễn rời bỏ đối tượng yêu thương đầu tiên của mình, tức là mẹ nó. Sự cấm đoán căn bản của người cha đó, cùng với nhiều sự cấm đoán khác của cha mẹ và văn hóa, sẽ được đưa sâu vào nội tâm đứa trẻ, làm thành một hệ thống giám sát mà Freud gọi là siêu ngã. Hệ thống này hoạt động theo hai cách. Trước hết như một tòa án sẵn sàng kết tội; và như một lý tưởng đề ra cho đứa trẻ. Nếu vậy, theo Freud, tội chẳng qua chỉ là nỗi lo sợ khi đứng trước cái siêu ngã đang tìm hết cách đè nén xuống các ước muốn bị các nhà giáo dục cấm đoán hay các ước muốn không xứng đáng với lý tưởng hoàn hảo đã được đề ra. Như thế, ý thức về tội là một cách cho thấy nỗi lo lắng về hình phạt cũng như lo sợ bị người yêu bỏ rơi.


Có nhiều điểm trong lý thuyết này đáng ta lưu ý.


Trước hết, Freud nhận xét có thể có ý thức về tội một cách vô thức: một kiểu nói hơi lạ vì làm sao đã có cảm thức hay ý thức mà còn vô thức? Thật vậy, đương sự có ý thức về một ‘vết thương day dứt’ nơi tâm hồn mình hay một sự khó chịu nào đó trong tâm lý. Nhưng đương sự không ý thức rằng sự khó chịu ấy là do tội mình. Thậm chí trong những trường hợp tâm bệnh, nhiều người bị ‘vết thương’ ấy dày vò đã cố tính làm một hành vi phạm pháp chỉ nhằm mục đích làm sao để thấy được nguyên nhân đã khiến mình bất an. Lúc đó, thật ngược đời, tình trạng có tội lại là nguyên do đưa đến tội!


Thứ đến, ý thức về tội có chiều kích xã hội ở chỗ văn minh xã hội thường lợi dụng tình trạng con người tự chống đối mình để bảo vệ sức mạnh của xã hội trong chừng mực có thể chấp nhận được. Đây là điều có lẽ ta hay thấy trong cuộc sống: chính áp lực xã hội đã góp phần làm tăng ý thức về tội nơi ta và như thế đã quay tính gây hấn của ta chống lại ta thay vì hướng ra ngoài.


Sau cùng, đây cũng là điều quan trọng đối với những suy tư của ta về tội, tình trạng lo âu về tội không trực tiếp hướng ta tới người khác nơi chính bản thân họ. Mà đúng hơn, nó phản ánh một cuộc xung đột trong chính nội tâm của ta. Có thể nói, tình trạng có tội như đang diễn ra trước tiên, giữa tôi và chính bản thân tôi. Chính vì thế, các nhà tâm lý cũng như các bậc thầy tu đức thường lưu ý: Trong ý thức tội hay tình cảm hối hận vẫn còn khá đậm dấu vết của sự tự ái.


II. Tội: Một ý niệm thần học

Đặc điểm của ý thức về tội như vừa mô tả hệ tại ở chỗ đó là một thực tại thuần túy bên trong tâm lý, nghĩa là tha nhân (anh em tôi hay Thiên Chúa) chỉ xuất hiện trong ý thức đó dưới hình thức là một đối tượng đã được đưa vào nội tâm, không cần biết bên ngoài tha nhân ấy có hiện hữu thật sự không.

Quan điểm của Kitô giáo về tội đi ngược hẳn quan niệm vị kỷ ấy (lấy cái tôi làm trọng tâm). Quả thế, Mạc khải dạy rằng tội không phải là ‘chuyện’ giữa tôi với bản thân tôi, mà là một thực tại có đụng chạm trước tiên tới “Người khác”: Người khác này là chính Thiên Chúa. Như vậy, ý niệm tội là một ý niệm thần học đúng nghĩa. Tội là một thực tại có Chúa làm trung tâm (theocentrique), hay đúng hơn, là một thực tại đẩy Chúa ra khỏi trung tâm (théo-excentrique), vì khi phạm tội nếu ta tìm cách đẩy Chúa ra khỏi trung tâm. Ta hãy giải thích điều này.

A. Tội là đối tượng của mạc khải

Tội là một thực tại liên hệ đến quan hệ của ta với Chúa. Nói cách khác, giả như không có Thiên Chúa thì cũng không có tội đúng nghĩa, mà chỉ có những lỗi đi ngược lại các đòi hỏi luân lý, là những con đường giúp người ta làm cho mọi sự trở nên nhân bản.

Như vậy, phải coi tội như một sự xâm phạm tới quan hệ giữa Thiên Chúa và ta, một hành vi cản trở ta tiếp nhận chính Chúa như Người muốn hiến dâng cho ta được sống. Vì thế, tự bản chất tội là đối tượng của mạc khải. Như vậy, nếu ta chỉ biết Thiên Chúa trọn vẹn trong cội nguồn và chóp đỉnh của Mạc khải tức là trong Ngôi Lời nhập thể, thì hiển nhiên ta cũng chỉ biết tội đầy đủ khi nhận biết Đức Giêsu Kitô. Rốt cuộc, hiểu được mức trầm trọng của tội và nắm được sự thật về Đức Kitô là hai việc đi đôi với nhau. Nói đến tội là ta lập tức nhớ tới một Nhân vật khác, một phía khác ta tận gốc , một Thiên Chúa không thể định tên định tuổi, một Thiên Chúa ghen tỵ với mọi ngẫu tượng mà con người đặt lên thay Ngài.


Trong Cựu ước, người ta đã mau chóng nhìn tội qua một phạm trù rất căn bảm, một phạm trù cho thấy rất rõ phí người bên kia: Đó là phạm trù Giao ước. Theo Kinh Thánh, phạm tội là không chịu trở về với Giao ước của Giavê, dù biết đó là nguồn hạnh phúc của nhân loại, và là hành vi tôn vinh Thiên Chúa rất đẹp. Có liên quan với một tha nhân (= nội dung của ý niệm tội), điều đó còn được Cựu ước diễn tả qua nhiều hình ảnh vay mượn ở những kinh nghiệm của con người về sự thân mật gần gũi với người khác như kinh nghiệm cha con hay mẹ con và đặc biệt, kinh nghiệm vợ chồng.


Thử đọc một vài bản văn Kinh Thánh: Is 64,7-8 mô tả tội là một sự vô ơn của con đối với một người cha hằng ưu ái mình; Is 49, 15 giới thiệu Thiên Chúa là một nhân vật có một tình yêu như của ba mẹ không thể nào quên đứa con mình đã mang nặng đẻ đau; Hs 2 trình bày tội là sự bất trung đối với tình yêu của một người chồng hết mực yêu thương. Như vậy, ngay từ trong Cựu ước, tội đã ám chỉ một sự xâm phạm tới quan hệ yêu thương giữa hai nhân vật có thể bị xúc phạm.


Dòng suy tư này sẽ được Tân ước lấy lại và khai triển. Trong Tân ước, rốt cuộc Thiên Chúa đã được gọi đích danh là Tình yêu. Nếu vậy, tội rõ ràng là sự xúc phạm đến Chúa, lang quân của Giáo hội, xúc phạm đến Thiên Chúa Tình yêu. Như thế, chỉ khi nhìn trong ánh sáng tình yêu (điều này, ta chỉ làm được do ơn Chúa Thánh Thần) ta mới thấy hết tầm mức của tội với những hậu quả xa nhất của nó. Tội đúng là đối tượng của mạc khải. Tuy vậy, có điều lạ là ta không bao giờ hiểu biết về tội một cách đầy đủ cả. Điều này có nghĩa gì?

B. Ta không bao giờ hiểu biết đầy đủ về tội

Một trong những vấn nạn làm các Kitô bận tâm nhất là: Làm sao biết mình đã phạm tội? Đây là một trong những điều nghịch lý lớn nhất trong thần học về tội. Thật vậy, tôi chỉ có thể là tội nhân khi tôi khước từ giao ước với Thiên Chúa, một cách tự do và sáng suốt, khi tôi cố tình và biết rõ mình đang đặt một ngẫu tượng thay thế Chúa. Thế nhưng, truyền thống cũng luôn luôn khẳng định rằng hành vi tội lỗi nào cũng bị chi phối bởi một hay hai hình thức ngộ nhận về phía chủ thể phạm tội. Và đây chính là sự nghịch lý: Một đàng tôi phải biết mình đang phạm tội thì mới gọi là có tội; nhưng đàng khác, tầm hiểu biết của tôi về tội thật giới hạn, không bao giờ đầy đủ cả. Ta hãy tìm hiểu hai hình thức ngộ nhận và nghịch lý do chúng kéo theo.

a. Ngộ nhận phần nào về những hậu quả do tội tôi mang lại và về tầm mức nặng nề khách quan của tội ấy.

Như tôi vừa nói, tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa bằng cách xúc phạm đến tạo vật của Người. Vì thế theo logíc chỉ mình Thiên Chúa mới biết Người đã bị xúc phạm ở chỗ nào, thế nào và tới mức nào. Nói thế có nghĩa là anh em tôi và Thiên Chúa giữ một phần hiểu biết về tội của tôi.

Thử lấy một thí dụ để thấy rõ hơn những điều ta vừa nói. Giả sử trong khi thuyết trình, tôi muốn công kích một thính giả đang có mặt tại chỗ, bằng cách cố tình đưa ra một lời giễu cợt ác ý nhằm làm người ấy đau khổ, nhưng người ấy lại không chú ý lắng nghe tôi. Rõ ràng ở đây tôi đã phạm tội vì tôi đã cố tình làm khổ người khác. Thế nhưng, có thể lúc tôi buông lời chế giễu, đương sự không hề chú ý và vì thế rất ít cảm thấy bị xúc phạm. Ngược lại, nếu như lời giễu cợt ấy rơi đúng một vùng tâm lý hết sức nhạy cảm, đánh thức dậy những kinh nghiệm bị khiển trách đã từng xô đẩy và vùi dập người ấy hồi còn nhỏ, thì quả thật sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể trong nhân cách của người ấy, một điều nằm ngoài dự đoán của tôi. Và như vậy, phần nào tôi đã không nắm hết tầm mức nghiêm trọng khách quan của hành vi tội lỗi mình vừa làm. Chỉ người bị xúc phạm bởi hành vi ấy mới có thể cho tôi biết mình đã bị thương tổn tới mức nào.


Như thế, nếu xúc phạm anh em tôi là đã xúc phạm đến Chúa, thì xét cho cùng chỉ Thiên Chúa, Đấng bị ‘tổn thương’ trong kế hoạch yêu thương của mình, mới có thể biết đầy đủ về tội của tôi. Bởi vậy, Phaolô đã nói: “Chỉ có Chúa là Đấng xét xử tôi” (1Cr 4, 4), dù Phaolô biết rằng ‘lương tâm tôi không khiển trách tôi điều gì’.


Chính vì thế, ta chỉ có thể hiểu hết tầm mức của tội qua trung gian Giáo hội, nơi cưu mang Lời Chúa. Lời Chúa vốn là lời “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi; xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 12). Sau này chúng ta sẽ trở lại với vấn đề vai trò của Mạc khải trong việc khám phá ra tội. Tuy nhiên, ngay bây giờ ta có thể lưu ý là cộng đoàn Giáo hội cũng đóng một vai trò khá quan trọng trong việc khám phá đó. Vai trò ấy thường được thể hiện qua hai chức năng tuy liên hệ với nhau chặt chẽ nhưng không hoàn toàn đồng nhất với nhau:


- Chức năng ngôn sứ. Chúng ta đã có một thí dụ khá rõ về chức năng này qua câu chuyện thời danh kể lại việc ngôn sứ Nathan dùng một dụ ngôn nhỏ để giúp Đavít nhận ra tội mình (2S 1, 2). Tuy đã phạm tội nặng vì đẩy tình địch vào chỗ chết hầu có thể ngoại tình với vợ người ấy, nhưng Đavít không hề cảm thấy mình có tội. Phải nhờ đến lời lẽ của ngôn sứ Nathan, ông mới khám phá ra hết tầm mức nặng nề của tội mình đã phạm.


Các ngôn sứ sẽ luôn luôn phải thi hành chức năng cật vấn ấy trước đám dân Israelvà các vua chúa đã chai lì trong tội. Ngày nay, giữa một xã hội có khuynh hướng lẫn lộn lòng từ tâm thương xót với việc cho phép dễ dãi, ta rất cần đọc lại một số đoạn Cựu ước đanh thép, như Ed 3,17-19 chẳng hạn, trong đó Thiên Chúa bảo ngôn sứ Êdêkien: “Êdêkien, này Ta đặt ngươi làm kẻ trông coi Israel. Nếu ngươi không cảnh cáo người dữ từ bỏ tội ác, chính người dữ ấy sẽ chết, nhưng Ta sẽ đòi máu người ấy nơi ngươi”. Tất cả chúng ta hiện nay, do phép Rửa tội, đã được đặt làm người ‘trông coi’ cộng đoàn Kitô hữu và cộng đoàn nhân loại. Vì thế chúng ta có bổn phận thi hành chức năng ngôn sứ dưới một hình thức nào đó và phải là người loan báo Lời Chúa với tất cả những đòi hòi của Lời ấy, một Lời vừa kêu gọi mọi người quy tụ lại vừa thôi thúc người ta hoán cải. Dĩ nhiên, nếu không muốn gây hại hơn là làm phúc, ta phải loan báo Lời tiên tri ấy với một tâm hồn khiêm tốn và nhất là phải uyển chuyển trình bày tùy theo mỗi tình huống cụ thể. Nếu không, thay vì giải thích và thôi thúc người ta tìm về một tương lai mới, Lời ấy lại đè bẹp họ bằng không biết bao nhiêu là đòi hỏi vô phương thực hiện (cf. X. The1venot, ‘L’aide non directive, une démission éthique?’, trong cuốn ‘Repères éthiques pour un monde nouveau’, Salvator, 1972, pp. 110-122).


- Việc sửa sai huynh đệ (Lc 17, 3; Mt 18,15-17).


Điều này đã được mô tả rõ ràng trong Tân ước: “Nếu anh em ngươi phạm tội, hãy sửa chữa nó”. Bởi vì tội nào cũng xâm phạm tới Thân thể của Đức Kitô, tức là Giáo hội. Thế nên, cộng đoàn có quyền và có bổn phận phải cho các thành viên của mình biết những cung cách sống bị cho là tội lỗi của họ có thể đang cản trở Dân Chúa trong nỗ lực đón nhận Nước Trời. Ở đây, dĩ nhiên cũng phải suy nghĩ cẩn thận về cách sửa sai huynh đệ, kẻo việc ấy làm tổn thương hay thậm chí làm hỏng cả những con người đó. Một số người đã sa ngã vào những tội bất trung đối với các lời cam kết của mình rất có thể đã cải tà quy chánh, nếu trước đó họ gặp được một anh chị em giúp họ thấy rõ vấn đề hơn và ăn năn hối cải. Mỗi người chúng ta phải tự hỏi xem mình đã thực hiện việc sửa sai huynh đệ thế nào và có bao giờ từ chối làm việc này không.


b. Ngộ nhận về mức độ trách nhiệm của mình


Tội lỗi - Trình bày về tội cho người hôm nay (3)Muốn hiểu tại sao phải nêu ra hình thức ngộ nhận thứ hai này, ta cần nhớ lại quan điểm của Kinh Thánh về con người, có nhiều điểm rất trùng hợp với suy tư triết học hiện nay. Thật vậy, Kinh Thánh phân biệt tâm hồn với những hành động của con người. Tâm hồn là nơi đưa ra những lựa chọn quyết định (Mt 22, 37; 1Cr 7, 37) và gặp gỡ Chúa (Mt 13, 19). Tuy là một ‘nơi’ kín đáo, nhưng rất quan trọng vì điều hay điều dở đều xuất phát từ đó: “Tự lòng con người phát ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống” (Mt 15, 19). Tâm hồn hướng bên nào, điều đó được biểu lộ qua những hành động. Tuy nhiên, không có một hành động nào cũng như dù tổng cộng hết các hành động, ta cũng không thể diễn tả hết những gì chất chứa trong tâm hồn. Như thế, tâm hồn và hành động đi đôi với nhau, nhưng vẫn khác nhau và không thể đồng hóa cái này với cái kia một cách trọn vẹn.


Nói theo triết học căn bản hiện đại, tâm hồn là nơi để cho khả năng tự do của ta đưa ra sự lựa chọn tận căn theo hay chống lại Thiên Chúa, một sự lựa chọn lôi kéo con người chúng ta một cách toàn diện như một đơn vị thống nhất. Thế nhưng sự lựa chọn tận căn ấy chỉ được thể hiện ra ngoài qua những hành vi cá biệt; những hành vi này không thể nào diễn tả hết sự tự do lựa chon căn bản của ta. Sự tự do trong tâm hồn con người đặt nền tảng cho các hành vi cá biệt, được diễn tả qua các hành vi đó, nhưng đồng thời cũng vượt lên trên những hành vi ấy.


Theo tôi, phân biệt tâm hồn với hành động như thế sẽ giúp ta hiểu sự phân biệt của Tân ước giữa tôi và các tội. Chẳng hạn thánh Gioan hầu như luôn luôn nói đến tội ở số ít (hamartia). Thậm chí ngài còn quả quyết (1Ga 3, 4): “Phạm tội tức là chống lại luật Chúa” (anomia), nghĩa là kiêu ngạo khước từ Chúa, khước từ Thiên Chúa cứu độ mình. Còn Phaolô, phỏng theo các tác giả đương thời, ưa đưa ra danh sách các tội (1Cr 6, 10). Thế nhưng, ngài cũng cho biết rằng tất cả những tội ấy đều là hậu quả của một tội duy nhất là cố tình từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa Tạo hóa má trên nguyên tắc ai cũng có thể nhận ra (Rm 1,18-31 và 5,12-17). Phaolô còn nhấn mạnh tới chữ tội theo nghĩa này, đến nỗi coi đó như một sức mạnh đã được nhân cách hóa.


Khi tâm hồn ai đó đã bị sức mạnh của tội lỗi uốn nắn, hay nói cách khác qua sự lựa chọn căn bản của mình, người đó đã quay lưng với Thiên Chúa, thì Truyền thống Kitô giáo nói kẻ ấy đã phạm ‘tội nặng’. Đây cũng là trường hợp duy nhất đáng gọi là tội. Còn chữ tội trong kiểu nói ‘tội nhẹ’ đã được dùng theo nghĩa loại suy: Đó là một sự tùng phục thánh ý Chúa nhưng chưa trọn vẹn hay là một sự dừng lại trên đường tiến về với Tạo hóa chứ chưa hẳn là đoạn tuyệt với Người. Đa số các Kitô hữu ngày nay cảm thấy khó chịu với kiểu nói ‘tội nặng’ hay ‘tội nguy tử’ (péché mortel), vì thế ta cũng nên suy nghĩ qua về kiểu nói này.


Theo ý tôi, nếu nói chuyển với những người có khả năng hiểu và tiếp nhận kiểu nói ấy một cách bình tĩnh, không lo lắng thái quá, thì có lẽ phải dùng kiểu nói ấy, vì hay lý do:


- Một lý do rút ra từ Truyền thống. Đành rằng mấy chữ ‘tội nặng’, ‘tội nguy tử’, ‘tội nhẹ’ không có y nguyên, như vậy trong Thánh Kinh, nhưng trong Thánh Kinh thật sự có phân biệt giữa hai loại tội. Chẳng hạn theo Phaolô, có những tội loại ta ra khỏi Nước Chúa (Gl 5, 19tt; 1Cr 6, 9tt). Cũng thế, thánh Gioan bảo rằng từ chối yêu thương là đã chấp nhận ở lại trong sự chết (1Ga 3, 15). Còn Đức Giêsu thì phân biệt cái dằm với cái đà trong mắt người này, người kia. Nhân khi nói về việc thứ tha các lỗi phạm, người cũng bảo phải cầu xin điều đó mỗi ngày như trong kinh ‘Lạy Cha’. Nếu vậy thì những lỗi phạm này hẳn không trầm trọng lắm! còn Truyền thống phụng vụ, giáo phụ và thần học rất minh bạch: trái với một số quan điểm giáo lý lệch lạc, Truyền thống luôn khẳng định rằng không phải tội nào cũng giết chết quan hệ giữa ta với Thiên Chúa, nghĩa là có những tội không nặng bằng những tội khác, có những tội nhẹ.


- Lý do thần học: Tội là biểu hiện trong thực tế một năng lực giết chết. Như tôi đã nói nhiều lần, quan hệ giữa ta với Thiên Chúa bị giết chết, điều ấy luôn được biểu lộ qua sự tan vỡ trong các quan hệ của con người với nhau.


Rốt cuộc, phải chăng sở dĩ chúng ta từ chối không muốn dùng hai chữ tội nặng hay tội ‘nguy tử’, là vì chúng ta đang nô lệ một ý thức hệ nổi bật trong xã hội ngày nay, đó là tìm cách che giấu sự chết? Một câu hỏi ít ra rất đáng cho ta suy nghĩ!


Sau khi suy nghĩ qua về vấn đề tội nặng, ta hãy trở lại với vấn đề của mình, đó là ta có nắm rõ tầm mức sâu xa của trách nhiệm mình đang phải chịu không. Như đã nói, về mặt này ta cũng luôn luôn ngộ nhận. Quả thế, tôi chỉ có thể biết những hành động bên ngoài của mình. Những hành động này lại là kết quả của cả hai thứ một trật: Tự do của tôi và những hoàn cảnh sinh lý, tâm lý, xã hội đang chi phối tôi một cách sâu xa. Tôi không bao giờ hiểu được một cách chắc chắn tuyệt đối tâm hồn tôi đang hoàn toàn tiếp nhận và khước từ Nước Chúa. Vì tôi không tài nào phân biệt được cách chính xác trăm phần trăm cái nào là do những hoàn cảnh chi phối mình, cái nào là do tôi đã tự do quyết định.


Nói như thế, tôi chỉ nhắc lại giáo lý rất cũ của Truyền thống mà thánh Tôma đã tóm tắt như sau: “Không ai biết được một cách chắc chắc mình đang sống trong ân sủng hay không” (S. Th. La.Iiae, 112, 5) (cf. 1Cr 4, 4). Công đồngTrentocũng lấy lại giáo lý đó (Dz 1534. FC, 568): “Không ai có thể biết một cách chắc chắn không thể sai lầm rằng mình đã được ơn Chúa”. Một vị thánh lớn như Jeanne d’Arc cũng đã hiểu rõ điều đó nên mới trả lời cho những kẻ tố cáo mình: “Quý vị hỏi tôi có đang sống tình trạng ân sủng không à? Tôi xin thưa: Nếu có thì xin Chúa tha cho tội kiêu ngạo của tôi, nếu không thì xin Chúa hãy cho tôi được như vậy”.


Như vậy, muốn phê phán tội ta nặng nhẹ tới mức nào, ta đành phải có lời giải thích về những hành vi cá biệt của mình. Những hành vi này sẽ được coi là những dấu hiệu ám chỉ tình trạng cỉa tâm hồn ta. Thánh Tôma đã không ngần ngại dùng từ ngữ ‘ức đoán’ để chỉ sự hiểu biết của ta về tội lỗi. Ngài nói: “Một người có thể nghĩ rằng mình đang sống trong ân sủng khi thấy mình đang tìm được hạnh phúc nơi Thiên Chúa”.


Nếu vậy, đi vào cụ thể, làm sao đánh giá mức nặng nhẹ của tội mình đây? Trước khi đưa ra vài dấu chỉ cho biết mình đang mắc tội, theo tôi vài điểm mốc sau đây có thể giúp ta làm việc này:


Nếu những hành vi tội lỗi tôi đã làm là những hành vi tự nó hay theo khách quan là nặng hay nếu đó là những hành vi như tôi đã làm với khá nhiều tự do, thì rất có thể tâm hồn tôi lúc đó đã xa cách Chúa nhiều hay như các sách giáo lý ngày xưa thường nói, tôi đã không còn ‘sống trong tình trạng ân sủng’ nữa. Trong những trường hợp đó tôi biết chắc (sực chắc chắn theo luân lý) mình đã phạm tội nặng, đã phạm tội ‘chết được’, mình đã ao ước và đã thật sự giết chết quan hệ của mình với Chúa.


Ngược lại, một Kitô hữu cảm thấy ‘mũi nhọn của ý chí mình’ – một kiểu nói của các nhà tu đức – vẫn cắm sâu nơi Thiên Chúa, nói cách khác, một Kitô hữu cảm thấy cuộc sống của mình, xét trong toàn bộ, xét trong sự lựa chọn căn bản, vẫn phù hợp với Tin Mừng; những Kitô hữu ấy có quyền tự hỏi phải chăng những ‘sa ngã’ thường xuyên của mình về một điểm nhất định nào đó (một điểm mình tỏ ra yếu đuối thật sự) đã là những lời từ chối tình yêu Thiên Chúa một cách nghiêm trọng. Trong những trường hợp này, họ có thể tin chắc (chắc chắn theo luân lý) rằng những sa ngã ấy chỉ là những khuyết điểm, chứ không là tội đúng nghĩa, vì xét cho cùng trong những hành vi đó sự tự do sâu xa của họ chưa tham gia thật. Quả thế, không dễ gì lúc nào cũng phạm tội ‘đáng chết’, bởi vì tình yêu Thiên Chúa luôn ‘làm việc’ nơi những người vẫn giữ được sự lựa chọn căn bản tốt đẹp của mình. Vì thế, theo tôi, cuộc đời của những Kitô hữu biết cầu nguyện, liên kết với Giáo hội và vẫn nỗ lực sống yêu thương có lẽ có rất ít tội nặng. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý hai điểm:


a. Lưu ý thứ nhất dựa vào một đoạn trích trong văn kiện ‘Persona humana’ của Tòa thánh đề cập tới khoa đạo đức tính dục (số 10), ban hành năm 1976. Văn kiện này đã có lý khi nhắc lại rằng dù ‘sự lựa chọn căn bản xét cho cùng mới là cái xác định tình trạng luân lý của một người, nhưng sự lựa chọn căn bản ấy có thể vị thay đổi hoàn toàn do những hành vi cá biệt, và thông thường sự việc ấy được chuẩn bị trước bằng những hành vi hời hợt hơn. Dù sao, đừng cho rằng một hành vi cá biệt thôi không đủ để phạm tội nặng. Vì thế, theo văn kiện này, ‘người ta phạm tội nặng không phải chỉ khi nào hành vi của mình xuất phát từ lòng khi bỉ trực tiếp đối với Tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, mà cả khi vì một lý do nào đó người ta cố tình và tự nguyện lựa chọn một điều đã lệch lạc và sai hỏng nặng nề’. Như vậy, bản văn này nhắc ta nhớ rằng có những hành vi quan trọng (có thể các định ngày tháng dễ dàng) tới mức liên hệ sâu xa tới sự lựa chọn căn bản của ta và báo hiệu sự lựa chọn của ta đã bị thay đổi.


b. Điểm thứ hai cần nhớ là ta không bao giờ đoạn tuyệt với Thiên Chúa cũng như giao hảo thân mật với Thiên Chúa một lần là xong.


Về điều này, nên nhớ lại một lời Cựu ước: “Nếu người công chính bỏ sự công chính của mình mà làm điều ác (…), người ta sẽ không còn nhớ tất cả những sự công chính kẻ ấy đã thực hành nữa” (Ed 18, 24). Ngược lại, ‘nếu người gian ác từ bỏ tất cả những tội mình đã phạm (…), nó sẽ không phải chết.


Khi khẳng định con người không bao giờ đoạt được cả điều tốt lẫn điều xấu một lần vĩnh viễn, những câu Kinh Thánh ấy đã bảo vệ ta khỏi thái độ Pharisêu và tham vọng muốn trở thành kẻ vạn năng về tội ác. Lời Chúa đã đánh tan tận gốc mọi toan tính kiêu ngạo muốn mình được hoàn thiện ngay tức khắc (như Thiên Chúa) hay được xấu xa ngay lập tức (như ma quỷ). Phải, ta luôn luôn có khả năng phạm tội và hón cải, đó là một lời nhắc nhở rất hay về thân phận hữu hạn của ta!


Để kết luận, vì hai sự hiểu lầm trên đây có ảnh hưởng đến tội lỗi chúng ta, nên ta thường thấy thật không thỏa đáng lắm khi đòi dò xét cho tới cùng trách nhiệm của con người trong tội. Đôi khi việc dò xét này cũng có lợi cho những người phạm tội: nó giúp những người ấy phân tích kỹ lưỡng hơn những động cơ đã dẫn họ tới chỗ phạm tội, nhất là giúp họ dám chịu trách nhiệm chính bản thân mình hay anh em mình. Nhưng thông thường hơn, công việc dò xét ấy, sự nhận định phê phán về tầm mức tội lỗi của một hành vi phản ảnh thái độ tự ái của đương sự: đương sự tìm cách tự hào trong tình trạng khốn nạn và hèn hạ của mình, hay thậm chí tìm cách bào chữa cho mình trước mặt Chúa. Đàng khác, thái độ ấy gián tiếp cho thấy đương sự nhìn Thiên Chúa thế nào? Đó là một Thiên Chúa rất giống với Thiên Chúa của Cain hay của các thẩm phán tại các phiên tòa, tìm đủ cách để vạch ra trách nhiệm của con người hầu áp dụng các hình phạt đã được tiên liệu trước trong các bộ luật hình sự!

Trong Tin Mừng, đọc lại những lần Đức Giêsu gặp gỡ các tội nhân và tha thứ cho họ, ta thấy rõ Đức Giêsu dường như không bận tâm lắm tới việc xưng thú chi tiết tội lỗi. Chẳng hạn khi tha tội cho người bại liệt hay cho người đàn bà ngoại tình, hoặc cho một phụ nữ tội lỗi đến lấy dầu thơm xức chân Chúa. Đối với Người, điều quan trọng không phải là kể lể chi tiết các tội, mà là tâm hồn của tội nhân có nhận ra Người là Đấng thương yêu, Đấng có thể giải thoát ta nhờ tình thương của người không.

(còn tiếp)

Xavie Thévenot

Les péchés, que peut-on en dire?, Salvator, 1983, tr. 29-52.

Nguồn: nhipcautamgiao.net

------------------------------------------------------

* Bài liên quan:

Tội lỗi-Trình bày về tội cho người hôm nay (1)

Tội lỗi-Trình bày về tội cho người hôm nay (2)