Truyền thống Gia đình Việt Nam và những giá trị Kitô giáo (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2579 | Cập nhật lần cuối: 11/10/2014 11:26:10 AM | RSS

I. Vấn Đề “Truyền Thống” trong bối cảnh hiện đại

1. Đòi hỏi từ cuộc sống

Đứng trước những thách thức của cuộc sống hiện tại với những xáo trộn, thậm chí đảo lộn về các giá trị trong hầu hết các lãnh vực, từ nhân bản cho đến đạo đức, tinh thần, vấn đề “Truyền Thống” lại được nhắc đến như nền tảng cần thiết hay ít nhất như qui chiếu căn bản giúp ổn định trật tự cũng như định ra phương hướng cho đời sống của xã hội cũng như của mỗi gia đình. Một nét đặc trưng của thời “hậu hiện đại” (khôi phục lại giá trị của Truyền Thống trước cơn khủng hoảng mất định hướng – Charles Taylor, Gadamer) hoặc thời “hậu-cách mạng”, nỗ lực khôi phục lại những giá trị “truyền thống”, sau một thời muốn xóa bỏ mọi tàn tích…

Văn kiện của Giáo Hội toàn cầu, Giáo Hội tại Á Châu cũng như Giáo Hội tại Việt Nam cũng không ngừng nhắc đến các “giá trị truyền thống”, đặc biệt là “Truyền Thống Gia Đình” như một yếu tố thiết yếu để củng cố và phát triển đời sống con người trong thế giới hiện đại, một thế giới mà mọi vấn đề đều mang hai chiều kích căn bản : cá vị và phổ quát, mỗi con người và mọi con người. Nói khác đi, không thể phát triển con người nếu không trở lại với những giá trị đã góp phần tạo nên lịch sử tinh thần của nhân loại và đàng khác, đặt trong viễn tượng Đức Tin Kitô Giáo cũng như từ những kinh nghiệm lịch sử, con người cần phải được nhìn nhận và phát triển vừa theo chiều kích cá vị, nghĩa là phẩm vị của từng con người cụ thể, vừa theo chiều kích phổ quát, nghĩa là tất cả nhân loại. Chính trong bối cảnh này mà “gia đình” trở thành như “chìa khóa” cho hiện tại và tương lai của con người.

“Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã tóm tắt những giá trị văn hóa Á châu bằng những nét như: yêu thích thinh lặng, và chiêm niệm, đơn giản, hòa hợp, ly thoát, bất bạo động, cần cù, có kỷ luật, sống thanh đạm, khao khát học tập và tìm tòi triết lý…Nổi bật giữa những nét đặc trưng ấy là giá trị gia đình luôn được đề cao. Quả thế gia đình chính là chiếc nôi sản sinh những vĩ nhân và các anh hùng dân tộc. Gia đình đã từng là cột trụ chống đỡ cho quê hương đất nước trong những thời kỳ khó khăn. Gia đình chính là nơi chuyển đạt những giá trị nhân bản qua các thế hệ…” (Đề Cương số 5, trg. 19)

“Đời sống gia đình Việt Nam đang trải qua nhiều biến đổi. Mô hình truyền thống về gia đình đang lỏng lẻo dần…Trước những tiêu cực đó…Giáo Hội vẫn minh định gia đình là Giáo Hội tại gia và là nền tảng của Giáo Hội và Xã Hội.” (Đề Cương, số 39, trg. 65).

2. Khái niệm “Gia Đình” và “Truyền Thống”

Dù kiểu nói “Truyền Thống - Gia Đình” không phải là khó hiểu, nhưng có lẽ chúng ta cũng nên minh định rõ hơn ý nghĩa của nó trên bình diện khái niệm, bởi lẽ “gia đình” cũng như “truyền thống” có thể mang những ý nghĩa khác nhau tùy theo bình diện hoặc tùy theo viễn tượng mà chúng ta muốn đặt vào.

* Gia đình

Bình diện “nhân sinh” : Gia đình là một cộng đồng hình thành hết sức “tự nhiên”. Thật vậy, con người tự nhiên là con người sinh ra, lớn lên và kết thúc đời sống trong mối liên hệ gia đình. Trên bình diện tự nhiên, gia đình nhất thiết là giới hạn, thậm chí là đóng kín. Liên hệ tự nhiên là liên hệ máu mủ, không ai khác có thể xen vào.

Bình diện “nhân văn và nhân linh” (culturel – spirituel) : Gia đình không chỉ theo nghĩa tự nhiên. Lập gia đình là cả một công trình mang chiều kích nhân linh, nghĩa là phải xây dựng và kiến tạo giữa trên những giá trị nền tảng về nhân bản cũng như về đạo đức. Tuy nhiên, gia đình trên bình diện nhân văn – nhân linh, có thể phát triển theo hai hướng, khép kín hoặc rộng mở. Gia đình là một cộng đồng “khép kín” khi nó chỉ dừng lại ở “gia đình mình” hay “gia tộc” của mình. Gia đình khép kín có thể mang ý nghĩa tích cực (vì gia đình, vì danh dự gia đình) nhưng cũng có thể mang ý nghĩa tiêu cực, chỉ biết đến gia đình mình và do đó trở thành một thứ “ích kỷ tập thể” (Đề Cương số 5, trg. 20). Đây có lẽ là điểm đáng để suy nghĩ nhất, bởi lẽ, gia đình trong truyền thống Á châu cũng như Việt Nam thường khép kín hơn là rộng mở : vun vén tất cả cho gia đình, gia tộc hay dòng tộc của mình. Danh dự, danh giá, vị thế, uy thế đều ở đó và cả động lực sống, động lực vươn lên cũng là ở đó.

Tuy nhiên, gia đình “có thể” là một khái niệm rộng mở, hay “thăng hoa” đến mức bao trùm cả nhân loại qua kiểu nói “gia đình nhân loại”. Nói là “có thể” vì đây vừa là viễn tượng đẹp nhất cho nhân loại, nhưng đồng thời phải hết sức dè dặt, bởi lẽ trong suốt dòng lịch sử, nhân loại không thiếu những ý thức hệ rao giảng về một cộng nhân loại đẹp như là “gia đình”, thế nhưng thực tế cho thấy, “tương lai ca hát” đó thường kết thúc với bi kịch, nếu không muốn nói là thảm kịch chỉ vì không kết hợp nổi hai cấu tố hết sức tương phản trong gia đình : tôi và chúng ta. Nhân loại đến hôm nay vẫn đứng trước hai nguy cơ đối nghịch : hoặc cá nhân cực đoan (egoisme/esprit tribal) hoặc tập thể cực đoan (collectivisme). Quả thực, gia đình “tự nhiên” có khả năng kết hợp cách rất “tự nhiên” hai cấu tố đó : mỗi thành viên trong gia đình là “độc đáo và độc nhất”. Cha mẹ, con cái, anh em, mỗi người đều có một chỗ đứng bất khả thay thế. Khác với mọi thứ cộng đồng khác, chỉ trong gia đình mới có lối nhìn nhận về con người vì chính người đó (vì là cha, là mẹ, là con…) chứ không bằng điều gì khác (tài năng, sở hữu, danh vị), đến nỗi, thành viên càng yếu kém thì càng được thương yêu, chăm sóc. Đàng khác, mỗi người trong gia đình đều cảm thấy “gia đình mình” mới là chính yếu, mới lớn hơn tất cả và cần phải được giữ gìn, bảo vệ. Gia đình – xét như một toàn thể – trở thành lẽ sống, động lực sống cho mỗi thành viên trong gia đình. Nói khác đi, chính trong “cuộc sống” gia đình, “không khí gia đình” mà các chiều kích “duy nhất” và phổ quát”, “cá vị và cộng đoàn” (personne/communauté) có được mối tương quan hỗ tương trọn vẹn nhất và đúng nghĩa nhất.

Như thế tất cả vấn đề là, làm sao có thể chuyển từ một “gia đình tự nhiên” vốn khép kín sang một gia đình nhân loại, có khả năng ôm lấy mọi con người, không tiên thiên loại trừ ai? Những phân tích trên đây không nhằm giải đáp cho bằng làm sáng tỏ một điều : nếu truyền thống gia đình của chúng ta là một truyền thống “khép kín”, nghĩa là nói cho cùng, quan tâm hàng đầu vẫn là “mình”, gia đình, gia tộc, dòng tộc hay thậm chí dân tộc “của mình” thì việc nhắc lại truyền thống gia đình như một yếu tố xây dựng hiện tại và định hướng cho tương lai là không đủ, cả cho xã hội lẫn giáo hội.

Truyền thống Gia đình Việt Nam và những giá trị Kitô giáo (1)

* Truyền Thống

* “Truyền thống” theo nghĩa là “Traditum”: đây có lẽ là nghĩa “thông thường” nhất. Thông thường vì nghĩ đến truyền thống là người ta nghĩ ngay đến một số “điều” (nội dung) quá khứ để lại, chẳng hạn là kho tàng về khôn ngoan minh triết, các nghi thức, lề thói, hay nói một cách khái quát hơn là những gì thuộc về “văn hóa” của một cộng đồng hay một dân tộc. Tuy nhiên, “Truyền Thống” hiểu theo nghĩa này mới dừng lại ở khía cạnh “bên ngoài”, mới chỉ là những gì được “truyền khẩu” hoặc được ghi thành văn và là đối tượng của “ý thức”. Khôi phục lại “truyền thống” theo nghĩa này nói cho cùng vẫn là dễ dàng, vì chỉ cần thu thập lại, in lại và quảng bá các “tài liệu” (documents, archives) là đủ !

* “Traditum” còn có thể hiểu một cách sâu xa hơn theo nghĩa tác động của truyền thống trong lịch sử (Traditio/Wirkungsgeschichte): “La culture…c’est ce qui demeure dans l’homme lorsqu’il a tout oublié” (Édouard Herriot, Notes et maximes inédites, Paris, Hachette, 1961, p.46). “Truyền Thống là những gì còn “lưu lại” nơi con người sau khi đã quên đi tất cả”. Nói như thế cũng có nghĩa là, truyền thống phải là điều ghi sâu nơi trong tâm thức cũng như trong cuộc sống mỗi người chứ không chỉ nằm trên bình diện ý thức. Theo nghĩa này, truyền thống không là đối tượng của ý thức cho bằng là cái đã góp phần kiến tạo nên ý thức. “Truyền thống” đề ra những giá trị hay nói đúng hơn tạo ra cả một bầu khí tinh thần, và bầu khí đó chi phối cách sâu xa lên cách suy nghĩ, cách sống, cách hành xử của con người dù con người đó có ý thức hay không ý thức. Truyền thống là một thứ “tinh thần khách thể” (Hegel), hay một thứ “chân trời” (Gadamer) bao trùm và chi phối lên ý thức con người. Vì là hữu thể lịch sử, nghĩa là luôn định vị trong thời gian, trong chuỗi nối tiếp các thế hệ, con người không bao giờ sống và suy nghĩ từ số 0. Nói theo kiểu của Gadamer : “Lịch sử không thuộc về chúng ta cho bằng là chúng ta thuộc về lịch sử […] Chính vì thế mà những “pré-jugé” (định kiến, conscience passive) của cá nhân tạo nên thực tại lịch sử của cá nhân đó hơn là những “jugement” (phán đoán, conscience active, reflexive) của anh ta” (x. H.-G. Gadamer, Vérité et Méthode, du Seuil, Paris, p. 298). Vì thế suy nghĩ về truyền thống là suy nghĩ về những gì đang tác động lên cách sống, cách hành xử của chúng ta hơn là tìm lại những “tài liệu cổ”.

* “Truyền Thống” theo nghĩa “Transmission”

Con người là hữu thể lịch sử, do đó chỉ có thể khẳng định mình trong hiện tại cũng như hướng tới tương lai nhờ đối thoại với quá khứ. Thật vậy, truyền thống không chỉ là một nội dung mà còn là một tương quan năng động giữa (người) thông truyền (transmetteur) và người nhận lãnh (receveur). Theo nghĩa này, “Traditum” không thể hiểu như một thứ “quyền lực” vô hình của quá khứ áp đặt lên hiện tại nhưng như một kho tàng mà con người hiện tại với tất cả tự do và trách nhiệm có thể kín múc những gì cần thiết cho cuộc sống.

Điều này có nghĩa là, nếu con người hiện tại không còn thấy “Truyền Thống” đem lại ý nghĩa (make sense) hay không còn thấy đó như là điều quí giá cho cuộc sống thì “Truyền Thống” tự nó sẽ tiêu vong. Viên ngọc mà không còn ai muốn tìm kiếm thì không còn thực sự là viên ngọc nữa. Hơn nữa, một cộng đồng xây dựng trên truyền thống không còn tôn trọng những giá trị mà truyền thống chứa đựng thì chính cộng đồng đó cũng sẽ rã tan. Chúng ta đừng quên rằng, một trong những chức năng chính của truyền thống là qui tụ và xây dựng cộng đoàn (qui tụ những con người cùng chia sẻ cùng một giá trị). Một dân tộc không còn gìn giữ những giá trị kiến tạo nên dân tộc đó (bản sắc) hay một cộng đoàn kitô hữu không còn lưu giữ những giá trị làm nên cộng đoàn kitô hữu thì khó có thể nói đến tương lai của dân tộc hay cộng đoàn như thế.

II. Truyền thống gia đình Việt Nam

Từ những phân tích trên về “gia đình” và về “truyền thống”, chúng ta có thể nói gì về “Truyền Thống Gia Đình Việt Nam” ?

1. Xét theo nghĩa “Traditum” : những giá trị truyền thống về gia đình mà cha ông để lại, qua ca dao tục ngữ, qua các tập tục lề thói… quả thực rất đẹp và phong phú, nhưng vẫn có điều, đó vẫn là vấn đề lớn đối với chính người việt nam. Dù rất hãnh diện về văn hóa, về bản sắc dân tộc của mình, nhưng những công trình thu tập, nghiên cứu, phổ biến cho đến nay vẫn hết sức rời rạc, manh mún. Muốn hiểu về truyền thống gia đình, về văn hóa việt nhiều khi phải nhờ đến những tài liệu, công trình nghiên cứu của người ngoại quốc! Đó là chưa kể, ký ức về truyền thống, về văn hóa của chính người việt đang dần dần mai một trong tâm trí các thế hệ trẻ.

2. Xét theo nghĩa “lịch sử tác động” (Wirkungsgeschichte) của truyền thống lên cuộc sống thực thì có thể nói rằng : tuy vẫn còn lưu giữ một số những giá trị truyền thống như lòng hiếu thảo, lòng kính trọng đối với người khác, hiếu hòa, nhường nhịn, thương người như thể thương thân, “lá lành đùm lá rách”, lòng hiếu khách, hòa nhã, “một sự nhịn chín sự lành”… (x. Đề Cương, số 5 Thực Trạng Văn Hóa, trg. 19), nhưng do nhiều tác động trên bình diện chính trị, xã hội, cũng như sự thay đổi về cấu trúc xã hội (đô thị hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa) những giá trị đó ngày càng mờ nhạt, nếu không muốn nói là chỉ còn trong sách vở hơn là trong thực tế: gia đình ngày càng phân tán, cuộc sống trở thành nơi dành dật, tranh đoạt, làm sao để vinh thân phì gia, bất chấp tất cả…

3. Có thể rút ra hai điều từ thực trạng xã hội Việt Nam hiện tại: một đàng có lẽ các giá trị truyền thống không còn đủ sức thuyết phục (thiếu nền tảng vững chắc), không còn tác động bao nhiêu đến cuộc sống mỗi người cũng như của cả xã hội và đàng khác, chính những giá trị truyền thống của chúng ta cũng cần phải được đón nhận với óc biện phân, phản tỉnh (esprit critique) vì nếu không được nâng cao, biến đổi, những giá trị đó không còn đủ trả lời cho những thách đố của hiện tại và tương lai. Thật vậy, như đã nói trên, truyền thống gia đình việt nam nói chung khép kín hơn là rộng mở, nghiêng về danh dự, và quyền bính hơn là tôn trọng con người vì nhân phẩm của họ. Điều này ảnh hưởng lên mọi lãnh vực, từ bình diện nhân bản cho đến lãnh vực trí thức, tinh thần. Đơn cử cụ thể: người ta đối xử rất khác nhau tùy theo người bị đối xử thuộc gia đình, gia tộc hay dòng tộc của mình hay không (esprit tribal, nhất thân nhì thế), hoặc tùy theo “địa vị” của người đó trong xã hội. Đi học thì nghĩ đến bằng cấp, nghĩa là danh dự cho bản thân và gia đình hơn là mong đáp ứng lại những nhu cầu hay đòi hỏi của xã hội hay của con người nói chung. Học thì phải trường nổi tiếng nhất, điểm tốt nhất, bằng cao nhất… và như thế là…mãn nguyện cho mình cũng như cho cả “tông ti họ hàng”! Xây nhà thì phải nổi nang nhất, thậm chí khác biệt nhất, bất kể cộng đồng chung quanh ra thế nào. Làm sạch nhà mình bằng cách quét rác sang nhà người khác! Cứ xem người việt xây nhà thì biết quan niệm của họ về gia đình cũng như về cộng đồng xã hội!

Ở điểm này có lẽ chúng ta nên có cái nhìn quân bình và công bình hơn đối với truyền thống gia đình trong các xã hội Âu Mỹ vốn chịu ảnh hưởng sâu xa của văn hóa kitô giáo. Những giây phút quây quần, xum họp gia đình, hoặc những dịp nhớ đến người thân, đối với họ vẫn là điều hết sức thiêng liêng (Noel, đầu năm dương lịch, sinh nhật) và đàng khác, cách thức đối xử của họ trong gia đình dựa trên sự tôn trọng nhiều hơn là quyền bính. Con cái tôn trọng cha mẹ và ngược lại cha mẹ tôn trọng con cái. Con cái trách cứ cha mẹ ngay cả về những giá trị căn bản như : tôn trọng sự thật, tôn trọng công ích, tôn trọng môi trường… là chuyện bình thường! Đàng khác, môi trường gia đình truyền thống của Việt Nam khó tạo ra những con người biết sống tự lập, chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. GS Michael Douglass (Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa, ĐH tổng hợp Hawaii, Mỹ), trong bài phỏng vấn về thiết kế đô thị (Hà Nội) trên vietnam net ngày 4/11) : “một điểm khác biệt nữa của Việt Nam là các bạn có thể xin tiền của bố mẹ, anh chị…để mua sắm một căn nhà rất sang trọng. Bạn sự dụng những mối quan hệ truyền thống theo cách không thể có ở các nước phương Tây!”.

(còn tiếp)

Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm

Nguồn: giaolyductin.net