Truyền thống Gia đình Việt Nam và những giá trị Kitô giáo (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2449 | Cập nhật lần cuối: 11/11/2014 9:26:53 PM | RSS

(tiếp theo)

III. Truyền thống gia đình việt nam trong mối tương quan với các giá trị căn bản của kitô giáo

1. Xét một cách tổng quát, truyền thống (văn hóa) Việt Nam nói chung và đặc biệt là truyền thống gia đình Việt Nam có sự tương hợp căn bản với các giá trị Kitô giáo. Thật vậy, những đức tính nền tảng như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, hay các nguyên tắc ứng xử dựa trên “tình nghĩa”, trên chữ Tâm…cho thấy truyền thống người việt rất gần với Tin Mừng, nếu không muốn nói là một “lối mở” hay một “dẫn nhập” hết sức phù hợp và hài hòa với các giá trị Tin Mừng. Đàng khác, mối tương quan giữa cha mẹ với con cái cũng như tương quan giữa các thế hệ không chỉ dừng lại trên bình diện đạo đức mà còn mở ra với chiều kích tôn giáo (thờ ông bà). Dù không bao giờ đồng hóa hay lẫn lộn Tổ Tiên với “Ông Trời”, người việt coi mối tương quan giữa các thế hệ là vô cùng thiêng liêng. “Người chết nối linh thiêng vào đời” ! (Trịnh Công Sơn).

2. Vậy, liệu những Giá Trị theo Tin Mừng có thể mang lại điều gì (gìn giữ, nâng cao - Aufhebung) cho truyền thống gia đình việt nam ? Vì là một vấn đề quá rộng lớn, chúng ta tạm giới hạn ở ba khía cạnh căn bản : ý thức cá vị (personne) – ý thức cộng đồng – ý thức trách nhiệm. Có thể coi đây là những giá trị tinh thần căn bản nhất mang chiều kích gia đình mà kitô giáo đem lại cho nhân loại. Thật vậy, cấu trúc căn bản của niềm tin kitô giáo là “cấu trúc gia đình” : trong chính mầu nhiệm Thiên Chúa [Cha Con và Thánh Thần] cũng như trong Nhiệm Cục Cứu Độ [để mọi người trở nên con của Thiên Chúa và trở thành anh em một nhà]. Trong viễn tượng đó, mỗi người đều là duy nhất, đều đáng được thương yêu và tôn trọng vì chính phẩm giá của họ [cá vị] đồng thời mọi người được kêu gọi nên một trong mọi sự [cộng đoàn], đến nỗi, không một điều gì xảy ra với con người (cộng đoàn, nhân loại) mà lại không đụng chạm sâu xa đến mỗi người (Gadium et Spes: không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ). Chính vì một gia đình như thế mà con người được kêu gọi sống với tất cả trách nhiệm của mình, trách nhiệm với bản thân; trách nhiệm với tha nhân và trách nhiệm với cộng đồng (nhân loại).

3. Ý thức về nhân vị (nhân phẩm/nhân quyền) : Tuy thường nói đến chữ “Nhân” chữ “Nghĩa”, nhưng trong thực tế, cách nhìn nhận cũng như cách đối xử “truyền thống” của người việt chịu ảnh hưởng sâu xa của mối tương quan gia đình theo nghĩa hẹp. Gia đình theo “nghĩa hẹp” nhấn mạnh trước hết đến mối liên hệ máu mủ, huyết thống. Vì thế mà những gì liên hệ đến gia đình, dòng tộc thì lấy làm trọng còn những gì hoặc những ai không ở trong mối liên hệ đó thì không “lấy làm điều”, nghĩa là có thể dửng dưng, không cần quan tâm đến. Mối liên hệ “thân, thế”, “con cha, cháu ông” chi phối lên mọi lãnh vực trong xã hội và trở thành lời biện minh, thậm chí là biện chính cho hành động hay cách cư xử có khi rất bất công, bất chính đối với người khác. Nói khác đi, người ta đối xử với nhau không qui về “nhân phẩm”, “nhân quyền” của mỗi một con người, mà thường dựa trên mối liên hệ “thân, thế”. Còn trong chính gia đình thì sự kính trọng thường lấn át sự tôn trọng, quyền bính làm mất đi khả năng lắng nghe, đối thoại, nghĩa là một tương quan hai chiều giữa Chồng – Vợ; Cha – Con; Anh – em… Sự thuận hòa, êm ấm trong gia đình nhiều khi được bảo đảm hay duy trì bằng khả năng “nhắm mắt”, “chịu đựng cho xong” hơn là bằng những khả năng khác…

Tôn trọng con người trước hết và sau hết là vì chính nhân phẩm, nhân quyền của họ, dù là trong hay ngoài gia đình, đó là điều mà đức tin kitô giáo có thể đóng góp cho truyền thống (văn hóa) việt.

4. Ý thức cộng đồng : cũng vì quá nghiêng về gia đình theo nghĩa khép kín nên ý thức cộng đồng hết sức lu mờ, chưa thực sự trở thành ý thức “truyền thống” của người Việt. Tất nhiên, “gia đình khép kín” ở đây có thể áp dụng cho những quan niệm mang tính chất cục bộ, địa phương và ngay cả là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nét đặc trưng của lối quan niệm này là sự phân biệt triệt để giữa “mình” (ta !) và những gì “không thuộc về mình” (gia đình, dòng tộc, địa phương, dân tộc), hệ quả đương nhiên của nó là luôn luôn có những điều hoặc những kẻ bị loại trừ, bị đẩy ra ngoài lề, hoặc không được quan tâm, tôn trọng chỉ vì không thuộc mối liên hệ đó. “Không có bãi rác nào lớn như ở Việt Nam”! Một kiểu trào phúng có hơi thái quá nhưng cũng nói lên phần nào sự thật: vun vén cho mình, còn cái gì của ai khác thì mặc kệ. Cần phải thêm rằng, lối quan niệm chật hẹp này không chỉ tác hại ngoài xã hội mà còn ngay cả trong lòng giáo hội…

Một ý thức về “cái chung” vượt trên mọi “cái riêng”, ý thức về cộng đồng, ý thức về xã hội vượt trên mọi lợi ích, lợi lộc cá nhân, dòng tộc, một ý thức rộng mở và bao dung nhất lại không phải là điều mà chúng ta đang hết sức cần để xây dựng xã hội cũng như giáo hội?

5. Ý thức trách nhiệm : đây là điều kiện thiết yếu để xây dựng con người (chủ vị) và cộng đồng (chung). Trách nhiệm, trong truyền thống Kitô giáo nhấn mạnh trước hết đến trách nhiệm cá nhân (chịu trách nhiệm về hành động cũng như cuộc sống của mình – câu chuyện Adam và Evà) trách nhiệm đối với tha nhân (như hình ảnh của chính Chúa – câu chuyện Abel và Cain, so St 9, 6 với với St 1,27, theo chú giải của Rabbi Jonathan Sacks cũng như của E. Levinas) và cuối cùng trách nhiệm đối với cả tạo dựng (Giao ước với Noê St 9, 8-16). Một chủ đề quá lớn, ở đây chúng ta chỉ đừng lại một vài khía cạnh liên hệ đến truyền thống gia đình việt nam.

* Trách nhiệm cá nhân: phải nhận rằng, “truyền thống” gia đình việt nam không mấy thuận lợi cho ý thức trách nhiệm cá nhân. Cha mẹ hết lòng vì con, nhưng rất ít khi giúp con trưởng thành về trách nhiệm. Kinh nghiệm của nền văn hóa khác (Âu, Mỹ) : tuổi 18 là phải tự lo liệu lấy cuộc sống, dù cha mẹ thừa sức để tiếp tục bao bọc, hoặc cha mẹ giầu có đi nữa thì cũng chỉ chia vừa đủ để con có thể tự lập. Một khía cạnh khác, khi con cái sai trái thì cha mẹ thường tìm mọi cách để bảo vệ, bao che! Một trong những lý do chính có lẽ là vì…danh giá hay danh dự gia đình! (Âu Mỹ: con hư thì phải làm cho nó hiểu ra trách nhiệm của mình).

* Trách nhiệm với tha nhân: người việt không thiếu lòng vị tha, thương yêu, đồng cảm, đặc biệt qua các biến cố (chiến tranh, thiên tai). Thế nhưng trong “đời thường” và nhất là qua những gì đang xảy ra hằng ngày trong xã hội việt nam hôm nay, có lẽ phải nói rằng, người việt chưa có truyền thống đối xử với tha nhân với sự nhạy cảm, tế nhị, tôn trọng. Lời chào, lời biết ơn, lời xin lỗi rất hiếm, đó là chưa kể những lời chửi rủa, nhục mạ, chỉ vì người ta “dám đụng đến mình”, bất kể là đúng hay sai, bất kể người đó là ai… Và thái độ dửng dưng, khoanh tay đứng nhìn, hay “tò mò đến coi” thảm kịch của người khác (tai nạn, bạo lực gia đình, bạo lực học đường) đến mức không thể hiểu nổi…

* Trách nhiệm cộng đồng: khi xây dựng cộng đồng hay những công trình cộng đồng, điểm qui chiếu thông thường trong xã hội việt nam vẫn là “lợi lộc” hay “tiếng tăm, danh giá” cho bản thân hoặc gia đình hơn là ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Tất nhiên, nhu cầu “được nhìn nhận” là nhu cầu căn bản của con người, nhưng khi quá nhấn mạnh đến nó và nhất là trở thành động cơ chính yếu cho mối tương quan với cộng đồng thì việc đóng góp trở thành chuyện “ban tặng” thay vì là trách nhiệm. Điều người ta thường lãng quên hay chưa ý thức đủ đó là tầm quan trọng của cộng đồng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi cá thể trong cộng đồng. Cũng dễ hiểu bởi lẽ cũng chỉ gần đây nhân loại mới khám phá ra tầm quan trọng của môi trường, môi sinh cũng như mối tương tác giữa hành động của con người với môi trường sống của mình. Gìn giữ, bảo vệ, cùng chịu trách nhiệm về một bầu khí trong sạch lành mạnh là điều cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của mỗi sinh vật, mỗi cá thể. Giữ gìn thiên nhiên không phải là chuyện con người “ban tặng” cho thiên nhiên cho bằng là bảo vệ chính điều kiện sống của mình. Quả thực, người việt chưa có truyền thống coi cái chung là quan trọng, lại thêm căn bệnh thâm căn cố đế là bệnh “sĩ diện, hư danh” nên cái gọi là tinh thần chung, ý thức chung, làm việc chung là điều hết sức khó, khó đến mức trở thành như nét “đặc trưng” hay một thứ “bản tính” của người việt chúng ta trên mọi lãnh vực!

Truyền thống Gia đình Việt Nam và những giá trị Kitô giáo (2)

IV. Thay cho lời kết

Truyền Thống như viên ngọc quí ẩn sâu dưới ruộng. Không tha thiết tìm kiếm thì không bao giờ tìm thấy.

Truyền Thống như hạt giống gieo vào lòng đất, không vùi sâu thì mãi trơ trọi một mình, không bao giờ lộ ra mầm sống.

Truyền thống cần đến một mảnh đất tốt, nghĩa là phải chuẩn bị kỹ lưỡng và chăm sóc từng ngày.

Truyền thống không phải là câu chuyện của một thời, không là ý thức một ngày, cũng không phải là phong trào ai muốn khơi lên cũng được. Truyền thống cần đến những bàn tay biết đón nhận và gieo vãi, biết chờ đợi và hy vọng.

Số phận của hạt giống là không bao giờ được thấy cành lá hay bông hạt. Nhưng cánh đồng có chín vàng thì cũng từ khởi đầu rất nhỏ nhoi và vô cùng thầm lặng…

Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm

Nguồn: giaolyductin.net

-------------------

Truyền thống Gia đình Việt Nam và những giá trị Kitô giáo (1)