Cái nhìn "vượt thời gian" của thánh Phanxicô về BT Thánh Thể (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3260 | Cập nhật lần cuối: 11/11/2014 1:20:38 PM | RSS

(tiếp theo)

4. Thánh Phanxicô sống Bí tích Thánh Thể

Chúng ta có thể xem xét mối tương quan thân mật của thánh Phanxicô và mầu nhiệm Thánh Thể trong cuộc đời thánh Phanxicô theo ba cách thức chính yếu, mà ngài đã sống sau khi hoán cải và được ngài nhắc lại trong Di Chúc.

4.1. Rước lễ thường xuyên

Trong một bối cảnh mà mọi người đang xa rời Bí tích Thánh Thể và xem đó như một biểu tượng để thờ lạy, thì thánh Phanxicô lại có một sự kết hợp mật thiết và gần gủi với Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa. Điều này thể hiện qua việc ngài thường xuyên tiếp rước Mình Thánh Chúa: “Theo ngài (thánh Phanxicô) sẽ là một sự xúc phạm lớn đến với Bí tích này nếu không tham dự tất cả mọi ngày ít nhất một thánh lễ. Chính ngài rước lễ thường xuyên và lòng sùng mộ của ngài lôi cuốn được nhiều người” [31]. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy thái độ này của thánh Phanxicô có liên quan đến quy định của Công đồng Latêranô IV (mà ngài đã tham dự) là xưng tội một năm ít là một lần và rước lễ trong Mùa Phục Sinh, để chỉnh đốn lại tình trạng các tín hữu bỏ không rước lễ [32].

Đây là một việc làm trông có vẻ rất bình thường với chúng ta hôm nay, nhưng trong thời đại thánh Phanxicô, Giáo Hội khuyên rước lễ trong Mùa Phục sinh, nghĩa là việc rước lễ không có tính thường xuyên và việc làm của thánh Phanxicô đã thực sự đi ngược lại cảm thức của các Kitô hữu thời ngài để sống tinh thần của Công đồng. Cách thức thực hành này mãi tới mấy thế kỷ sau Giáo Hội mới mời gọi con cái mình thực hành trong đời sống đức tin. Giáo huấn của Công đồng Vatican II dạy: “Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham giữ thánh lễ hoàn hảo hơn, bằng cách sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Máu Chúa trong cùng một Hy lễ đó” [33]. Gần đây, Huấn thị Bí Tích cứu chuộc cũng nhấn mạnh thêm việc rước lễ khi tham dự thánh lễ: “Chắc chắn thật là tốt nếu những ai tham dự thánh lễ nên rước lễ trong buổi cử hành đó, miễm là họ hội đủ mọi điều kiện cho phép họ rước lễ” [34].

Chính hành vi thường xuyên tiếp rước Mình Thánh Chúa mà thánh Phanxicô đã có một mối dây tình yêu thân thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Từ đây, xuất phát lòng tin mạnh mẽ của ngài vào các Nhà Thờ, nơi có Chúa Giêsu hiện diện trong nhà tạm.

4.2. Lòng tin vào các Nhà Thờ

Thánh Phanxicô có một lòng tin mãnh liệt vào các nhà thờ, vì ngài tin rằng ở đó có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể Điều này được ngài đề cập đến trong Di chúc: “Chúa đã ban cho tôi lòng tin mạnh mẽ đối với các nhà thờ, vì thế tôi cầu nguyện một cách đơn sơ rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con thờ lạy Chúa trong hết mọi nhà thờ trên hoàn cầu. Chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng cây Thánh giá mà cứu chuộc thiên hạ” [35]. Sau khi thánh Phanxicô nhắc đến nhà thờ và thánh giá thì ngài nói đến linh mục và phép Mình Thánh Chúa, vì thế chúng ta tin chắc rằng ở đây thánh Phanxicô nói đến Chúa Giêsu Thánh Thể [36].

Từ chỗ tin vào sự hiện diện của Chúa trong các nhà thờ, thánh Phanxicô khuyên các tín hữu năng viếng các nhà thờ và tôn trọng các linh mục vì các ngài là thừa tác của Bí tích Thánh Thể: “Chúng ta phải năng đi viếng các nhà thờ, tôn kính và quí trọng các giáo sĩ, không phải vì bản thân các ngài bao nhiêu vì các ngài có thể là những người tội lỗi, nhưng chính là vì thánh chức và nhiệm vụ của các ngài đối với Mình và Máu rất thánh của Đức Kitô mà các ngài dâng hiến trên bàn thờ, nhận lấy và ban phát cho kẻ khác. Tất cả chúng ta phải biết chắc rằng: không ai có thể được cứu độ nếu không phải là nhờ các lời thánh thiện và Máu của Chúa Giêsu Kitô mà các giáo sĩ đọc, rao giảng và ban phát.” [37].

Đây là một lời khuyên thể hiện lòng tin tưởng của thánh nhân vào Chúa Giêsu Thánh Thể trong các nhà thờ. Mãi về sau nó mới trở thành một việc làm đạo đức được phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội. Chúng ta biết, ngay từ lúc sinh thời, thánh Phanxicô đã xin Đức Giáo hoàng cho phép những ai đến viếng nhà thờ Đức Bà các Thiên thần (của Dòng) thì được ơn đại xá. Ngày nay hành vi đạo đức này đã được Giáo Hội nhìn nhận và phổ biến khắp nơi. Việc viếng Thánh Thể hay viếng nhà thờ đã trở thành một hành vi đạo đức bình dân mang tính thường xuyên của các Kitô hữu trên khắp thế giới.

4.3. Lòng tin vào các linh mục

Tiếp theo lòng tin vào các nhà thờ, thánh Phanxicô đề cập đến lòng tin vào các linh mục như những người có quyền truyền phép và trao ban Mình Máu Thánh Chúa cho người khác. Đây là một biểu hiện lòng tin của ngài vào Bí tích Thánh Thể.

Trong Di chúc ngài nói lên thái độ tùng phục các linh mục một cách mau mắn: “Dù tôi có khôn ngoan như Salômon, nếu tôi gặp các linh mục thấp kém ở thế gian này, tôi cũng không muốn giảng dạy trong giáo xứ của các ngài, nếu các ngài không chấp thuận” [38]. Sở dĩ thánh Phanxicô kính mến các linh mục là vì những lý do khác nhau:

Thứ nhất, ngài nhận thấy Chúa Kitô hiện diện trong các linh mục, dù cho cuộc sống của các vị ấy không xứng đáng: “Tôi muốn kính sợ, yêu mến và quý trọng các ngài cũng như tất cả các linh mục khác như là tôn chủ của tôi. Tôi không muốn xem xét tội lỗi của các ngài; vì tôi nhìn thấy Con Thiên Chúa hiện diện nơi các ngài” [39].

Kế đến, thánh Phanxicô nhìn con người của linh mục qua chức vụ cử hành Bí tích Thánh Thể và ban phát Lời Chúa: “Hỡi anh em linh mục, xin hãy nghĩ đến chức vụ cao trọng của anh em và hãy sống thánh thiện vì Thiên Chúa là Đấng thánh thiện. Thiên Chúa đã trọng đãi anh em hơn mọi người vì chức vụ ấy” [40].

Từ đó, chúng ta nhận thấy, thánh Phanxicô có một lòng tin mạnh mẽ vào các linh mục. Lòng tin này bắt nguồn từ lòng tin của ngài vào Bí tích Thánh Thể. Đây là một quan điểm đi ngược lại với lịch sử nước Ý lúc bấy giờ: có nhiều người đã nổi dậy chống các linh mục bất xứng [41].

Thần học của Vaticanô II cũng đã nhấn mạnh vai trò của linh mục trong Thánh Thể qua Sắc lệnh đời sống linh mục: “Nhờ thừa tác vụ của các linh mục, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn tất vì kết hiệp với Hy tế của Chúa Kitô, Đấng Trung gian duy nhất; hy tế này nhờ tay các linh mục, nhân danh Giáo Hội, hiến dâng một cách bí tích và không đổ máu trong bí tích Thánh Thể, cho tới khi Chúa lại đến. Chính việc tế lễ này là điểm nhắm tới và hoàn tất của tác vụ linh mục” [42].

* Tóm lại, niềm say mê Chúa Kitô trong phép Thánh Thể đã kết tinh trong các thực hành rất cụ thể và sống động nơi thánh Phanxicô từ nhiều thế kỷ trước. Tinh thần này của của ngài ngày hôm nay Giáo Hội lại hết mực quan tâm và mời gọi con cái mình ý thức và thực hành:

“Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu đừng tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng nhờ hiểu thấu đáo mầu nghiệm mầu nhiệm đó qua nghi lễ và kinh nguyện sao cho họ tham dự hoạt động thánh cách ý thức, thành kính và linh động, cho họ được đào luyện bởi Lời Chúa, được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa” [43].

III. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH

Cái nhìn của thánh Phanxicô về Bí tích Thánh Thể trải rộng trong các Di cảo của Ngài. Việc ta “lục lọi” trong các tác phẩm đó để tìm kiếm những “viên ngọc ẩn dấu” là một việc làm khó khăn không chỉ riêng ai, vì sự tinh tế và nhạy bén của ngài về Thánh Thể luôn mang tính vượt thời gian. Và như thế càng tìm kiếm chúng ta càng thấy tư tưởng của ngài “ẩn hiện’ trong các quan điểm thần học của Công đồng Vatican II và các nhà thần học hậu Công đồng.


1. Những “tia sáng” trong bầu trời âm u

Đặt quan điểm và cách thực hành niềm tin của thánh Phanxicô vào trong bối cảnh Giáo Hội Rôma thời Trung cổ, người viết nhận thấy đức tin của thánh Phanxicô đối với Bí tích Thánh Thể là một cuộc “cách mạng” thần học về bí tích này. Sống trong một thời đại mà mọi người đang có những quan điểm lạc xa với Thánh Thể, lòng tin và sống Bí tích Thánh Thể một cách trung thành và sáng tạo của thánh Phanxicô là một cái nhìn táo bạo, mang tính “vượt thời gian” về mầu nhiệm Thánh Thể của Chúa Kitô.

Chúng ta biết, các tín hữu và các giáo sĩ thời bấy giờ có khuynh hướng tách rời Bí tích Thánh Thể ra khỏi lịch sử chung của ơn cứu độ, hoặc vì chỉ thấy vị Chúa vinh quang để thờ lạy và chiêm ngắm, hoặc vì chỉ nhìn thấy bí tích này như một thứ lương thực thiêng liêng giúp cho cá nhân tiến bộ trên đàng nhân đức, nhưng lại không thấy hay ít thấy chiều kích hy lễ và chiều kích hiệp thông của Bí tích Thánh Thể [44]. Và như thế, cách hiểu và sống Bí thích Thánh Thể của thánh Phanxicô như những “tia sáng” hiếm hoi trong bầu trời Trung cổ âm u. Nhưng những tia sáng đó lại có sức lan toả mãnh liệt vào trong thâm sâu của lòng người, và nó như đang cưu mang một niềm hy vọng vào một buổi bình minh rực rỡ của thần học về Bí Tích Thánh Thể.

2. Một “bình minh” ló rạng

Có thể nói, với Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, một văn kiện đầu tiên của Vaticanô II, Giáo Hội đã kết liễu một kỷ nguyên, khi kêu gọi thay đổi phụng vụ cách triệt để hơn bất cứ một cuộc thay đổi nào trong bốn thế kỷ trước đó. Từ đó, quan điểm thần học về Phụng vụ nói chung và Thánh Thể nói riêng được quan tâm, suy tư và cải tổ, để trở thành “thực tại thần linh” sống động và uyển chuyển trong đời sống đức tin của các tín hữu. Sự đa dạng hoá đã trở thành luồng gió mát xua tan những ngột ngạt của sự đồng nhất trong phụng vụ vốn là một nguyên tắc cứng nhắc trong Giáo Hội trước đó.

Trong Thánh Thể, sự canh tân đã xuất hiện: “Thánh lễ bằng tiếng La tinh đã được dịch sang các ngôn ngữ hiện đại, phụng vụ bắt đầu đơn giản và hiện diện hơn, có tính Kinh Thánh và tạ ơn hơn, nhấn mạnh đến các bài đọc Kinh Thánh và việc hiệp lễ hơn là việc truyền phép. linh mục được khuyến khích đồng tế, và giáo dân được mời gọi tham gia” [45]. Công đồng đã nhấn mạnh các chiều kích khác nhau của Thánh Thể. Trong số đó, chiều kích hy tế và chiều kích hiệp thông (tham gia) của Bí tích Thánh Thể, điều mà thánh Phanxicô đã tin và đã sống từ hơn 800 năm trước, lại là những điểm nhấn của Công đồng Vaticanô II trong các văn kiện khác nhau như đã nói ở trên.

Dẫu biết rằng những chiều kích căn bản này của Bí tích Thánh Thể đã được các Kitô hữu tiên khởi tuyên nhận và sống; các Giáo phụ đã ít hay nhiều bàn đến, nhưng thánh Phanxicô không phải là một nhà thần học đúng nghĩa, ngài không khảo cứu nhiều về thần học và chắc rằng ngài không trực tiếp làm việc trên các tài liệu này. Hơn nữa, trong một bối cảnh mà người ta có nhiều lối giải thích sai lệch về Bí tích Thánh Thể, mà ngài vẫn giữ được những “hạt ngọc” tư tưởng rất gần với quan điểm của thần học hiện đại về Bí tích Thánh Thể. Sự gặp gỡ mang tính “kỳ ngộ” giữa niềm tin yêu và sống của thánh Phanxicô vào Thánh Thể và quan niện của thần học hiện đại không phải là một sự tình cờ, nhưng do cả hai cùng có chung một nguồn liệu vô cùng quan trọng là Kinh Thánh. Đây cũng là điều dễ hiểu khi thánh Phanxicô là một tâm hồn được thấm nhuần Kinh Thánh, đến nỗi những lời nói của ngài luôn mang dáng dấp lời Kinh Thánh; còn xu hướng thần học Bí tích nhất là Thánh Thể sau Công đồ Vaticanô II lại nỗ lực trở về nguồn Kinh Thánh và Giáo Phụ để tìm lại kinh nghiệm thuở ban đầu.

Có thể nói, “bình minh” của Bí tích Thánh thể đã chiếu soi vào đời sống các Kitô hữu hôm nay từ cột mốc quan trọng của Công đồng Vatican II; và nó đã có một sức lan toả diệu kỳ làm tươi mát đời sống tâm linh của bao người. Và như thế, một cách nào đó tư tưởng của vị thánh nghèo đã gợi hứng cho những nỗ lực của Giáo Hội trong khi tìm về cội nguồn của Bí tích Thánh Thể trong Kinh Thánh và Giáo phụ.

IV. KẾT LUẬN

Từ việc tìm hiểu tư tường của thánh Phanxicô về Bí tích Thánh Thể, người viết nhận thấy rằng: Sự bén nhạy của thánh Phanxicô về Bí tích Thánh Thể là kết quả của một tâm hồn say mê Đức Kitô cho đến lúc được đồng hình đồng dạng với Ngài khi nhận năm dấu thánh vào năm 1224.

Hơn nữa, ngài cũng đã được thấm nhuần sâu xa giáo huấn truyền thống của Giáo Hội mà ngài đã tiếp nhận qua Phụng vụ, qua Phúc Âm, nhất là Tin Mừng Gioan. Thánh Phanxicô luôn đặt Bí tích Thánh Thể trong toàn bộ lịch sử cứu độ và coi bí tích ấy như là sự tiếp nối của biến cố Nhập Thể và vẫn hiện tại hóa trong đời sống của chúng ta nhờ Bí tích Thánh Thể:

“Ý Chúa Cha là Chúa con hiển phúc và vinh quang mà người ban cho chúng ta và đã sinh ra cho chúng ta (đây là mầu nhiệm nhập thể), lấy máu mình mà hy tế và lễ vật đâng trên bàn thờ thập giá (mầu nhiệm cứu chuộc bằng cây thập giá), Không phải vì bản thân Người, chính nhờ Người mà vạn vật được tạo thành (đây là công cuộc tạo dựng), nhưng vì tội lỗi chúng ta. Người đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người. Chúa Cha cũng muốn tất cả chúng ta được Chúa con cứu độ và tiếp nhận Con của Người với tâm hồn tinh tuyền và thể xác thanh sạch (đây là ơn cứu độ nhờ Bí tích Thánh Thể”.

Mầu nhiệm Thánh Thể dường như đã thấm nhập và sinh hoa kết trái trong con người thánh Phanxicô năm nào, giờ đây “bàng bạc” trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II. Và đến lượt mình, nó lại thấm nhập, bén rễ và sinh hoa kết quả trong đời sống của mọi thành phần Dân Chúa trong thế giới hôm nay.

Thiết nghĩ, việc tìm hiểu quan điểm cùa thánh Phanxicô về Bí tích Thành Thể là dịp thuận tiện giúp chúng ta hiểu biết hơn về một con người đã có những cái nhìn “vượt thời gian” về mầu nhiệm Thánh Thể; và như thế ngài trở thành một mẫu gương tuyệt vời về cách hiểu, cách cảm và cách sống bí tích Tình Yêu cho chúng ta hôm nay.

Hơn nữa, việc làm này cũng giúp chúng ta đào sâu quan niện thần học của Giáo Hội ngày nay về Thánh Thể. Ngõ hầu Thánh Thể trở thành một nguồn mạch sức sống mới tuôn chảy trên cuộc đời chúng ta và mở ra cho chúng ta một chân trời mới trong hành trình sống và loan báo tình yêu và niềm hy vọng của Bí tích Thánh Thể cho thế giới hôm nay, như lời mời gọi của Đức Bênêđictô: “Chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau hân hoan sánh bước, lòng đầy ngạc nhiên, đến gặp Thánh Thể để có thể cảm nhận cũng như loan báo cho người khác sự thật về những Lời Chúa Giêsu đã nói khi Người từ biệt các môn đệ: ‘Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’”.

Quang Huyền, OFM

Nguồn: hocvienthanhthe.com

--------------------------------

[31] 2Cel 201.

[32] Nguyễn Văn Khanh, Sđd, tr 329.

[33] PV 55.

[34] Thánh bộ Phượng Tự và Bí Tích, Huấn thị Bí tích Cứ chuộc, năm 2004, số 83.

[35] Thánh Phanxicô, Di chúc (Dc), 4.

[36] X. Nguyễn Văn Khanh, Sđd, tr 334.

[37] 2TTh 33-35.

[38] Dc 7.

[39] Dc 9-9.

[40] TTd 23.

[41] X.Nguyễn Văn Khanh, Sđd, tr 341.

[42] LM 2.

[43] PV 48.

[44] Nguyễn Văn Khanh, Sđd, tr 342.

[45] Nguyễn Đức Thông, Kết duyên, Sđd, tr 268.

[46] 2TTh 11-14, (Chú giải thêm của Nguyễn Văn Khanh.)

[47] Sacramentum Caritatis, Sđd, số 97.