Một định nghĩa và linh đạo cho gia đình công giáo tại châu Á

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1225 | Cập nhật lần cuối: 12/31/2017 5:14:38 AM | RSS

MỘT ĐỊNH NGHĨA VÀ LINH ĐẠO

CHO GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO TẠI CHÂU Á

  1. Dẫn Nhập

Bài trước tôi đã trình bày Sứ Điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XIII (2012), khuyến khích các giáo hội tại châu Á chọn tân Phúc âm hóa bằng thực hiện ba cuộc đối thoại với những người theo các nền văn hóa, với những người theo các tôn giáo kỳ cựu và với những người nghèo chiếm đa số . Lý do là vì người công giáo tại Châu Á chỉ là thiểu số : 3% của dân số châu Á, sống chung với những người theo các nền văn hóa và tôn giáo, mà đa số là người nghèo. Rồi Liên Hội Đồng Giám mục Á châu đã suy tư và chọn lựa để tân Phúc âm hóa Châu Á bằng tiến hành ba cuộc đối thoại nói trên. Tuy nhiên, Bản Tin Hiệp Thông số 98 của HĐGM Việt Nam trang 103 cho biết: “Trong quá khứ, vì hoàn cảnh riêng, Hội Thánh Việt Nam ít liên lạc với những Văn phòng của Liên HĐGM Châu Á”… Nhưng may thay, cũng trong Bản Tin Hiệp Thông số 98, trang 22 có đăng bản dịch Sứ Điệp của Liên HĐGM Châu Á lần thứ XI, 20.11.2016, với chủ đề là “Gia đình công giáo tại Châu Á, giáo hội tại gia của người nghèo thi hành sứ vụ thương xót”. Bản dịch này do Văn phòng HĐGMVN thực hiện, dài 40 trang giấy, khổ 14 x 20, đọc lướt qua thôi cũng mất hơn một giờ đồng hồ. Việc dịch để đăng Sứ điệp của Liên HĐGM Châu Á là dấu chỉ Giáo hội Việt Nam đã quan tâm đến hoạt động của Liên HĐGM Châu Á để liên lạc và thông tin.

1. Đọc lướt qua, tôi thấy ngay một điểm làm tôi tâm đắc đó là bản gốc tiếng Anh viết: “Family – Missionary Disciple”, Văn phòng dịch là: “Gia đình – môn đệ được sai đi”; - “The whole church is missionary”, Văn phòng dịch: “Toàn thể Hội thánh phải mang tính thừa sai”, - “The catholic family is by identity a missionary disciple”; Văn phòng dịch là “Gia đình Công giáo tự căn tính là môn đệ được sai đi”. Đang khi đó nhiều bản dịch từ lâu nay như: của Giáo hoàng học viện, của Từ điển công giáo 500 từ, của Sách giáo lý GHCG (số 850), của Phaolô Phạm Xuân Khôi vẫn dịch không đúng là: “giáo hội tự bản chất là truyền giáo”, hoặc “môn đệ truyền giáo”…

2. Ngoài ra có ba chỗ độc giả cần lưu ý trong bản dịch của Văn phòng, để hiểu cho thật đúng:

  1. Bản gốc số 3 viết: “The family is the focal point of evangelization” thì Văn phòng dịch lần 1 ở số 3 là “cứ điểm của phúc âm hóa”, lần 2 ở số 22 cũng dịch là “cứ điểm”, lần 3 ở số 44 thì lại dịch là “tâm điểm”. Mà “cứ điểm” thì Tự Điển Việt Nam dịch là “vị trí phòng ngự có công sự vững chắc”, hoặc “chỗ làm điểm tựa”. Còn Từ Điển Pháp Việt thì dịch “focal point” là “tiêu điểm”, nghĩa là điểm hội tụ chùm tia hình nón hình thành sau khi khúc xạ”, hoặc “nơi tập trung cao độ các hoạt động khác nhau và từ đó tỏa ảnh hưởng lớn ra các nơi khác”. Cái nào đúng ở đây?
  2. Bản gốc số 22 viết: “Missio is the birthright of the catholic family”, Văn phòng số 22 dịch là “Sứ vụ là giấy khai sinh của gia đình công giáo”, Từ điển Pháp Việt dịch “The birthright” là “quyền được sở hữu, hoặc đặc quyền mà một người có khi sinh ra”. Còn “birth certificate” mới là giấy khai sinh…?
  3. Bản gốc số 58 E. Family in Mission of Mercy, Sent by the Holy Spirit”, và chín dòng nữa dẫn đến linh đạo của hiệp thông, thế mà Văn phòng đã bỏ quên không dịch và in cả đoạn này.

3. Thực ra tôi không có ý học hỏi bản văn Sứ Điệp mà chỉ muốn giúp độc giả hiểu biết hai điều then chốt sau đây:

  • Một định nghĩa táo bạo về gia đình công giáo tại Châu Á.
  • Một linh đạo hiệp thông cho gia đình công giáo tại Châu Á.

Hai điều này đức Hồng y Telesphore Toppo đặc sứ của đức giáo hoàng Phanxicô tại đại hội Liên HĐGM Châu Á đã có dịp chia sẻ và “mời gọi các giám mục công giáo tại Châu Á biết cảm thương và lắng nghe tiếng kêu của các gia đình với một lòng kiên nhẫn thần thánh, bằng cách tháp tùng họ trong cuộc chiến đấu của họ và những nỗi khó khăn của họ. Những ai có liên hệ trong việc mục vụ gia đình phải ra khỏi vùng tiện nghi của các thể chế, bởi vì các gia đình là niềm hy vọng của chúng ta và là những tác nhân tốt nhất trong việc phúc âm hóa và biến đổi”.

(còn tiếp)

Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ 2017