Chứng nhân: Suy niệm TM CN Lễ Chúa Thăng Thiên

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 779 | Cập nhật lần cuối: 10/9/2019 1:33:18 PM | RSS

"Chính anh em là chứng nhân về những điều này"

I. Dẫn vào phụng vụ

Trong các vụ án do tòa đời xét xử thì người đứng ra làm chứng cho sự việc đã xẩy ra được gọi là nhân chứng tức người làm chứng. Vai trò của nhân chứng rất quan trọng, nhiều khi mang tinh quyết định cho kết quả vụ án, nhất là khi ngoài nhân chứng còn có cả vật chứng liên quan tới tội phạm.

Trong Đạo mọi tín hữu đều phải là những người làm chứng cho những điều họ tin. Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định như vậy: ”Chính anh em là chứng nhân về những điều nầy”.Những điều này là sự việc (hay Mầu Nhiệm) Đức Giêsu đã chịu khổ hình và đã phục sinh từ cõi chết. Nói rõ hơn mọi Kitô hữu phải là chứng nhân về Mầu Nhiệm Thương Khó và Phục Sinh & Lên Trời của Đức Giêsu Kitô.

II. Lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng (Lc 24,46-53)

46Khi ấy Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48Chính anh em là chứng nhân về những điều này. 49"Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống."

50Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. 51Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. 52Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, 53và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

III. Suy niệm và tìm hiểu Lời Chúa trong Tin Mừng

1. Muốn làm nhân chứng cho sự việc (hay đúng hơn cho Mầu Nhiệm) chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, người tín hũu phải biết rõ sự việc (hay đúng hơn Mầu Nhiệm) chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Biết rõ sự việc ấy bằng mắt thấy tai nghe, bằng cảm nghiệm thiêng liêng, bằng hiểu biết và xác tín cá nhân.

2. Nhưng vì các Kitô hữu ngày nay không sống cùng thời Đức Giêsu nên chúng ta không thể biết rõ sự việc (hay Mầu Nhiệm) chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô bằng mắt thấy tai nghe mà chúng ta chỉ có thể biết rõ sự việc (hay Mầu Nhiệm) ấy bằng cảm nghiệm thiêng liêng, bằng hiểu biết và xác tín cá nhân dựa trên nền tảng Thánh Kinh và Thánh Truyền là nguồn Mạc Khải Kitô giáo chinh thống.

3. Để giúp các tín hữu làm chứng nhân cho Mầu Nhiệm chết và phuc của mình Chúa Giêsu đã hứa ban Thần Khí Chúa cho các Tông Đồ: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống" (là Thần Khí Chúa). Vì Thần Khí Chúa chẳng những bảo đảm cho những cảm nghiệm thiêng liêng cũng như sự hiếu biết và xác tìn của các Kitô hữu là chính xác mà Thần Khí Chúa còn đảm bảo cho chứng tá của họ là đáng tin cậy và có sức thuyết phục.

Chứng nhân: Suy niệm TM CN Lễ Chúa Thăng Thiên

IV. Sống sứ điệp Lời Chúa trong Tin Mừng

1. Công Cuộc Truyền Giáo của Giáo Hội Việt Nam: Nhìn vào bề mặt hay bề ngoài của Giáo Hội Việt Nam nhiều người, giáo sĩ có giáo dân có, hài lòng và hãnh diện với cơ sở vật chất bề thế ở khắp nơi, với số linh mục, chủng sinh, tu sĩ và tu sinh đông đảo, với số các hội đoàn công giáo tiến hành đủ mọi giới, mọi thành phần. Nhưng nếu kiểm tra và suy nghĩ về hoa trái của Công Cuộc Truyền Giáo thì chúng ta sẽ không còn tự tôn tự tin nữa, vì số lương dân gia nhập Hội Thánh Chúa vẫn là số rất khiêm tốn, nhất là số những người thực sự được thuyết phục để nhập đạo thì chỉ là số rất ít trong số những người trưởng thành chịu phép Rửa Tội mỗi năm.

2. Nguyên nhân của sự yếu kém trong Công Cuộc Truyền Giáo: Sở dĩ có sự yếu kém trong Công Cuộc Truyền Giáo là vì đại đa số giáo dân Việt Nam còn sống đạo một cách hời hợt, không xác tín, không dấn thân, không biết cách và không có khả năng làm chứng. Đời sống đức tin của người tín hữu được tóm kết vào ba việc cốt yếu: Mộ Đạo, Hiều Đạo và Hành Đạo. Phần đông giáo dân Việt Nam là những người rất Mộ Đạo những lại rất ít Hiểu Đạo và càng ít Hành Đạo! Ít Hiều Đạo và ít Hành Đạo nên không chinh phục được anh chị em lương dân. Điều đó quá lôgích, còn kêu ca gì nữa.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội