Con Thiên Chúa hằng sống tự hóa ra không

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 263 | Cập nhật lần cuối: 6/26/2021 7:45:43 AM | RSS

Chuyến đi khứ hồi từ lòng Cha trên Trời (Ga 1,1-18) qua lòng Mẹ dưới đất (Lc 1,26-38) – xuống tận lòng đất (Mt 22,40) trước khi trở về trong lòng Cha (Ga 13,1)

Dẫn nhập

Năm nay Lễ Truyền Tin – mừng bước khởi đầu của màu nhiệm Nhập Thể mà thư Philipphê 2,6-7 diễn tả là : “Từ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Người đã tự hóa ra không, mang lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”, diễn ra ngay trước Lễ Lá, đưa chúng ta vào Tuần Thánh, để chiêm ngắm, cảm nghiệm, theo Người xuống tận đáy của chuyến đi xuống rồi theo Người trong chuyến trở lên vinh quang trong lòng Cha. Đây là chuyến đi khứ hồi của Con Thiên Chúa thi hành sứ mạng vì chúng ta:
Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuông thế…”

Trước hết cũng nên đọc lại đoạn đầu thư Hipri và một dụ ngôn trong sách Tin mừng để giúp chúng ta thấy tại sao Thiên Chúa lại đi tới chỗ sai chính Con Một Yêu Dấu xuống làm người như lời cuối cùng ngỏ với loài người chúng ta.

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; 2nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử . Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. 3Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. 4Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu. (Hr 1,1-4).

Đoạn này nói đến địa vị trổi vượt của Con Thiên Chúa, vượt trên các ngôn sứ và chuyến hành trình “khứ hồi của Người” với sứ mạng tẩy trừ tội lỗi; đồng thời cho biết đây là thời sau hết của mạc khải, vì Thiên Chúa đã nói Lời cuối cùng, Thiên Chúa không còn ai khác để sai đến và cũng không còn lời nào khác để nói với chúng ta.

Người đầu tiên được Thiên Chúa ngỏ lời là Ápraham, ông đã tin lời Thiên Chúa, đã không tiếc gì với Thiên Chúa, nên ông đã thành “bạn” của Thiên Chúa.

Hơn 400 năm sau Thiên Chúa đã nói với dòng dõi ông qua một người là Môsê, nhưng Môsê cũng không làm theo đúng ý Thiên Chúa, tuy Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn dạy dỗ và sử dụng ông để chuyển đạt Luật của Giao Ước cho dân. Nhưng trí nhớ của họ chẳng bền và các ngẫu thần mà Ápraham đã từ bỏ một lần dứt khoát, thì họ vẫn bị hấp dẫn và cũng không nhận Thiên Chúa là nơi nương tựa duy nhất như tổ phụ Ápraham, mà vẫn thích dựa vào các thế lực chính trị chung quanh.

Sách Đệ Nhị Luật ca tụng Môsê: Trong Ítraen, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Môsê, người mà ĐỨC CHÚA biết rõ, mặt giáp mặt . 11ĐỨC CHÚA đã sai ông thực hiện mọi điềm thiêng dấu lạ tại nước Ai cập, phạt Pharaô cùng tất cả bề tôi và cả nước. 12Ông Môsê đã biểu dương tất cả sức mạnh bàn tay ông và gây tất cả nỗi kinh hoàng lớn lao trước mắt toàn thể Ítraen. (34,10-12)

Thư Hipri không ngần ngại so sánh Môsê với Chúa Giêsu để cho thấy Chúa Giêsu hơn hẳn Môsê thế nào?

Do đó, thưa anh em là những người trong dân thánh, những người được hưởng chung ơn gọi bởi trời, anh em hãy ngắm nhìn Đức Giêsu là Sứ Giả, là Thượng Tế , là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin. 2Người trung thành với Đấng đã đặt Người lên chức vụ đó, cũng như ông Môsê đã trung thành khi thi hành chức vụ đối với toàn thể nhà Thiên Chúa . 3Như người làm nhà đáng tôn vinh hơn chính ngôi nhà, thì Đức Giêsu cũng được coi là đáng tôn vinh hơn ông Môsê. 4Quả thật, nhà nào cũng phải có người làm ra, và Đấng làm ra mọi sự là Thiên Chúa. 5Ông Môsê đã trung thành khi thi hành chức vụ đối với toàn thể nhà Thiên Chúa, với tư cách là tôi tớ để làm chứng về các điều Thiên Chúa sẽ phán truyền. 6Còn Đức Kitô thì trung thành với tư cách là người Con đứng đầu nhà Thiên Chúa. Mà nhà Thiên Chúa là chính chúng ta, miễn là chúng ta giữ vững đến cùng lòng tin tưởng và thái độ hiên ngang về niềm hy vọng của chúng ta. (Hr 3,1-6).

Tại sao Thiên Chúa đã đi đến giải pháp cuối cùng là sai chính Con Một đến làm người để nói với chúng ta như lời cuối cùng? Tin Mừng Mátthêu cho câu trả lời bằng dụ ngôn những người làm vườn nho:

Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác : “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho ; chung quanh vườn, ông rào giậu ; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 34Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. 35Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. 36Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. 37Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta” 38Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” 39Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. 40Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” … (Mt 21,33-38; xin mời đọc tiếp trong sách Tin Mừng)

Hành trình Con Thiên Chúa đến cắm lều giữa chúng ta trong Tin Mừng theo thánh Gioan

Trong Tin Mừng thứ tư, lời tựa tả cho chúng ta cuộc khởi hành từ trong lòng Cha, nơi Người vẫn ở từ đời đời, đến làm người, “cắm lều giữa chúng ta”, với sứ mạng “kể ra cho chúng ta biết về Cha.” Để hiểu ý nghĩa hai câu vắn vỏi này, phải so sánh với sách Xuất Hành. Sau vụ “Con bê bằng vàng” (chương 32), ông Mô-sê có sáng kiến dựng một cái Lều bên ngoài trại:

Ông Môsê lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý ĐỨC CHÚA thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. 8Mỗi khi ông Môsê ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Môsê cho đến khi ông vào trong Lều. 9Mỗi khi ông Môsê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Môsê. 10Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình. 11ĐỨC CHÚA đàm đạo với ông Môsê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau. Rồi ông Môsê trở về trại ; nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giôsuê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó. (Xh 33,7-11). Thiên Chúa chấp nhận sáng kiến của ông[1].

Suốt dọc sách Tin Mừng thứ tư này, Người nhắc đi nhắc lại rằng Người từ nơi Chúa Cha đến để thi hành ý muốn của Cha, nói lời của Cha và làm các việc của Cha. Đó là cách thức Người kể ra cho chúng ta biết về Cha: Người là sự hiện diện hữu hình của Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha… Những lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình mà nói: nhưng Cha ở trong Thầy làm những việc của Người. Hãy tin Thầy! Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 14,9-11). Trong thư thứ nhất, thánh Gioan sẽ nói:

Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. 2Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. 3Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người. 4Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. (1Ga 1,1-4).

Niềm vui của người kể và niếm vui của người nghe được trọn vẹn, vì cả hai bên cùng được “hiệp thông với Chúa Cha và vời Đức Giêsu Kitô, Con của Người”. Chúa Cha sai Con đến với chúng ta vì mục đích ấy. Người viết ra kinh nghiệm của mình cũng vì mục đích ấy.

Khi kể về bữa ăn cuối cùng giữa Thầy Trò, Tin Mừng thứ tư kể cho chúng ta bước khởi hành cuộc hành trình của Con trở về trong lòng Cha:

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng(13,1).

Người từ Cha mà đến cũng vì yêu, Người về với Cha cũng vì yêu. Người kể điều cuối cùng về Cha bằng lời nói và việc làm. Trong thư I, thánh Gioan sẽ tóm lại bằng Danh Mới của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu.

Trong sách Xuất Hành, sau vụ dân thờ hình tượng con bê bằng vàng, ông Môsê đã xin và Thiên Chúa đã tha cho dân, rồi trao cho ông hai tấm bia Thiên Chúa tự tay khắc luật Giao Ước để đem xuống cho dân, nhưng xuống tới chân núi, thấy cảnh gai mắt, ông lại nổi giận và tự tay đập vỡ hai bia đá, coi như tự tiện phá bỏ Giao Ước của Thiên Chúa, lại tuyên bố thánh chiến tiêu diệt những kẻ bị cọi là thủ phạm (Xh 32,14-29). Sau đó ông nhận ra mình chưa biết đường lối của Thiên Chúa, chứng tỏ mình chưa biết Thiên Chúa, tuy đã được vào trong đám mây với Thiên Chúa, nên ông cầu xin:

“Nếu quả thật con đã được nghĩa với Ngài, xin khấng tỏ cho con biết đường lối của Ngài, để con biết Ngài, và được nghĩa với Ngài.” (33,12).

Thiên Chúa truyền cho ông tự tay đẽo hai tấm bia đá giống hai tấm bia của Thiên Chúa mà ông đã tự tay đập vỡ dưới chân núi rồi tự tay vác lên núi, không cho ai đi theo để giúp ông như lần trước. Lần này Thiên Chúa đến cho ông biết đường lối của Thiên Chúa:

ĐỨC CHÚA ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là ĐỨC CHÚA. 6ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, 7giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.”

Vậy thì Thiên Chúa là Đấng nhân hậu từ bi, nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ. Thiên Chúa sẽ trừng phạt, mà khi Thiên Chúa ra tay trừng phạt thì trừng phạt ba bốn đời cơ. Nhưng muốn thấy Thiên Chúa trừng phạt thế nào thì chịu khó chờ sau muôn ngàn thế hệ, chứ không phải như ông đã trừng phạt tức thì theo cơn nóng giận.

Con Thiên Chúa đến làm người mới cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu, và đã ban chính Con Một cho loài người, để làm “Con Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian”.

Con đường mà Con Thiên Chúa đã đi khi từ trong lòng Cha đến với chúng ta, rồi từ giữa chúng ta về lại trong lòng Cha là đường lối của Thiên Chúa mà Môsê đã xin Thiên Chúa cho ông biết để ông biết Thiên Chúa.

Con đường ra khỏi thế giới này là cái chết. Con Thiên Chúa đã không được cất lên trời trên cỗ xe và ngựa bằng lửa như Elia (2V 2,11), mà đi chung con đường của anh chị em mình, nhưng đặc biệt hơn. Người không có chỗ để nằm mà trút hơi thở cuối cùng và không có thân nhân vuốt mắt, cũng không có “bốn tấm dài hai tấm ngắn”, và một ngôi mộ đào cho mình như người Việt Nam. Người ra đi trên một cây gỗ su xi mà chính người phải tự mình vác lên một ngọn đồi ở ngoài cổng thành Giêrusalem để lính Rôma treo Người lên đó. Tin Mừng thứ tư thì nói “ở giữa hai người khác”, còn các Tin Mừng nhất Lãm thì nói “giữa hai kẻ gian phi” hoặc “hai tên trộm cướp”.

Người tiếp tục đến cùng con đường “hóa ra không” ngay trong thân phận con người. Người bị lột hết, không chỉ áo sống mà cả phẩm giá con người. Nhờ một người môn đệ ẩn danh, nhưng quyền thế và giàu có là Giôxép Arimathê, bây giờ mới xuất đầu lộ diện để gặp thẳng Philatô, xin lãnh xác Thầy để mai táng, Người mới khỏi bị quăng xuống hố như những từ tù bị án xử treo lên cây gỗ. Cuộc mai táng vội vàng vì là chiều ngày dọn Chiên Vượt Qua để ăn mừng lễ. Nhưng ông cũng kịp đi mua một tấm vải mới để liệm (Mc 15,46). Một môn đệ ẩn danh quyên thế khác là Nicôđêmô đem một trăm cân một dược trộn với trầm hương tới. Hai ông tẩm liệm theo đúng tục lệ Do Thái. Chúa đã sinh làm người Do Thái, chết như một tên tội phạm nhưng được mai táng như một người Do Thái. Chúa không có phần mộ dành sẵn cho mình, được đặt vào ngôi mộ của ông Giôxép.

Thế là cuộc mai táng nối lại với lúc Chúa sinh ra. Không có chỗ cho Mẹ nằm sinh con, không có chỗ cho Mẹ đặt con mới sinh. Thế mà lại sinh ngay tại Belem, nguyên quán của tổ tiên là Đavít. Không có thân nhân để nhờ vả, không có họ hàng tới viếng thăm, chỉ có mấy con vật tiếp đón, như nhận ra chủ của mình[2], nhường cho cái máng cỏ làm nôi. Mẹ đã mang theo được tấm khăn trong chuyến đi từ Nadarét lên Belem để bọc con mới sinh và đặt nằm trong máng cỏ.

Nằm trong Máng Cỏ, Người đã nói lên ý nghĩa cuộc hành trình của Người: trở nên thức ăn đem sự sống mới cho loài người: SỰ SỐNG CỦA THIÊN CHÚA.

Tin Mừng thứ Tư sẽ giải thích Người trở thành của ăn của uống như thế nào và ta sẽ ăn và uống bằng cách nào.

Trước hết ăn và uống Lời của Người, vì “Lời của Người là Thần Khí và Sự Sống” (6,63). Người là của ăn trở thành sự sống đời đời, vì “Người là Bánh Thiên Chúa ban, Bánh từ trời xuống, Bánh thật: Bánh của Thiên Chúa, là Bánh từ trời xuống và đem sự sống cho thế gian”. Người nói thẳng: “Tôi là Bánh hằng sống sống, từ trời xuống. Ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời. Hơn nữa Bánh tôi sẽ cho, chính là Thịt của tôi để đem sự sống cho thế gian”.

Lời tuyên bố của Người chói tai thính giả trong Hội đường. Nhưng Người không tìm cách giảm nhẹ mà đẩy tới cùng: Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.

Điều bị đảo ngược ở đây là của ăn thức uống hằng ngày trở thành máu thịt của chúng ta, nuôi dưỡng sự sống của chúng ta, còn Máu và Thịt của Người lại biến đổi chúng ta, cho chúng ta chính sự sống của Người:

54Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (6,53-57).

Các Tin Mừng Nhất Lãm sẽ kể cho chúng ta việc Chúa Giê-su tự trao mình làm của ăn và của uống cho chúng ta trong bữa Tiệc Ly dưới hình bánh hình rượu: “Hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em”; “Hãy cằm lây mà uống, chén này là chén Máu của Thầy, đổ ra vì anh em” (Mt 26,26-28; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20 // 1Cr 11,23-25). Để trở thành bánh, lúa mì phải được xay ra và nướng trong lò; để trở thành rượu, trái nho phải được ép lấy nước cốt và để trong thùng cho lên men. Cái chết trên thập giá vừa là cối xay vừa là bồn ép; những đau khổ đau khổ tột cùng suốt cuộc khổ nạn là lò nướng bánh và ngôi mộ là bồn chứa cho nước nho lên men thành rượu. Khi ra khỏi mộ trong phục sinh vinh hiển thì Chúa đã thành Bánh và Rượu để ban sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta.

Hành trình về trong vinh quang của Cha

Con Thiên Chúa đã đến như quà tặng của Tình Yêu mà Cha cho nhân loại để trở thành Anh Cả của chúng ta, chung trọn vẹn thân phận con người với chúng ta (X. Hr 2,5-18). Hành trang Người mang theo xuống trần gian là nguyên khối Tình Yêu của Cha. Người đển kể cho chúng ta biết Cha của Người là Tình Yêu, không chỉ kể bằng lời, nhưng kể bằng việc làm, bằng đời sống và bằng chính mạng sống. Cuối cùng bằng chính sự Phục Sinh để cho thấy Cha là Tình Yêu, mạnh hơn sự chết.

Giuse bên Ai Cập hỏi anh em, khi họ chưa nhận ra ông, về “cha các ngươi”, để cuối cùng nói cho họ biết: đó là cha tôi. Ông giải thích cho anh em: chính là để duy trì sự sống của anh em mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em” (45,5). Anh em vẫn chưa dám tin là ông thật tình tha cho họ, nên sau khi cha chết, họ còn “mạo di chúc của cha” để xin tha, ông giải thích lần nữa:

“Các anh ông Giuse thấy cha mình đã chết thì bảo nhau: “Không khéo Giuse còn hận chúng ta và trả lại cho chúng ta tất cả điều ác chúng ta đã gây ra cho nó!” 16Họ sai người đến nói với ông: “Cha của chú trước khi chết đã truyền rằng: 17Các con hãy nói thế này với Giuse: ‘Thôi! Xin con tha tội tha lỗi cho các anh con, vì họ đã gây ra điều ác cho con.’ Bây giờ, xin chú tha tội cho các kẻ làm tôi Thiên Chúa của cha chú!” Ông Giuse khóc, khi họ nói với ông như thế.

18Các anh ông đích thân đến cúi rạp xuống trước mặt ông và nói: “Này chúng tôi là nô lệ của chú.” 19Ông Giuse nói với họ: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! 20Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo. 21Bây giờ các anh đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cái các anh.” Ông an ủi và chuyện trò thân mật với họ.

Khởi đầu câu chuyện là “Các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh, thì sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu.” (37,4). Khi ông cho anh em biết sự thật về thân thế của mình lần đầu, phản ứng của họ như thế nào?

Ông Giuse nói với anh em : “Tôi là Giuse đây ! Cha tôi còn sống không ?” Nhưng anh em không thể trả lời : thấy mình đối diện với ông, họ bàng hoàng. 4Ông Giuse nói với anh em : “Hãy lại gần tôi.” Họ lại gần. Ông nói : “Tôi là Giuse, đứa em mà các anh đã bán sang Ai cập. 5Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây : chính là để duy trì sự sống của anh em mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em.

Rồi “Ông bá cổ Bengiamin, em ông, mà khóc ; Bengiamin cũng gục vào cổ ông mà khóc. 15ông hôn tất cả các anh và ôm họ mà khóc, sau đó anh em ông nói chuyện với ông” (45,3-5,15). Để ý là ông Giuse khóc, Bengiamin cũng khóc, còn 10 người kia, không ai khóc. Nhưng ít ra họ nói chuyện với ông. Lần cuối khi họ mạo di chúc của cha để xin tha, thì ông an ủi và chuyện trò thân mật với họ, nhưng vẫn không thấy họ thân mật lại với ông.

Rồi ông sai anh em về báo tin cho cha, gởi xe về đón cha và cả gia đình sang Ai cập với ông để tránh nạn đói còn kéo dài và được sống (X. St 45,3-15), hoàn thành sứ mạng cha đã trao cho ông mấy chục năm trước, khi ông 17 tuổi : “Con hãy đi xem các anh con có được yên lành không, xem chiên dê có được yên lành không, rồi đem tin về cho cha.” (37,14). Giuse đã trải qua một hành trình đi xuống, do sự phản bội của anh em, từ địa vị con cưng của Giacóp xuống tận đáy giếng, làm thân nô lệ, rồi xuống tận đáy ngục tù, để cuối cùng lên địa vị thay Pharaô, toàn quyền cai trị nước Ai Cập :

“Sau khi Thiên Chúa đã cho ông biết tất cả những điều ấy, không ai thông minh và khôn ngoan như ông. 40Ông sẽ là tể tướng triều đình của ta, toàn thể dân ta sẽ phục tùng mệnh lệnh của ông ; ta lớn hơn ông chỉ vì ngai vua mà thôi.” 41Pharaô nói với ông Giuse : “Coi đây, ta đặt ông cai quản toàn cõi Ai cập.” 42Pharaô rút nhẫn ra khỏi tay mình và xỏ vào tay ông Giuse, mặc cho ông y phục vải gai mịn, và đeo vào cổ ông chiếc vòng vàng . 43Vua cho ông lên xa giá thứ hai của vua, và người ta hô trước mặt ông : “Quỳ xuống !” Như vậy, vua đặt ông cai quản toàn cõi Ai cập.

44Pharaô nói với ông Giuse : “Ta là Pharaô. Không có lệnh của ông, không ai được cử động tay chân trong toàn cõi Aicập.” (41,39-44).

Con Thiên Chúa từ vinh quang Con Một Yêu Dấu hằng ở trong lòng Cha, tự hóa ra không, xuống mặc lấy thân nô lệ, làm Anh của một loài người phản bội, kể cho chúng ta về Cha của Ngài và do sự phản bội của anh em, xuống tận đáy âm ty, rồi phá tan cả âm ty để giải thoát anh em mình khỏi cõi chết. Trong Tin Mừng thứ tư, sứ điệp Người trao cho bà Maria Mađalêna chuyển cho các môn đệ : "Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.” (20,17)

Ông Giuse thì bảo anh em về báo tin choc ha, và sai xe, ngựa về đón cha với cả gia đình xuống với mình, còn Chúa Giêsu thì nhắn : "Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em". Trước khi xuống tận đáy âm ty, Chúa Giêsu đã xin Cha trong lời nguyện hiến tế :

“Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

Nhưng trước khi họ được vào trong vinh quang, nơi Người đang ở thì họ phải tiếp tục sứ mạng Cha đã trao cho Người :

Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.

Tiếp tục sứ mạng của Người thì các môn đệ cũng sẽ chung thân phận với Người :

Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy"

Nhưng các môn đệ đã được Cha bảo đảm ngay từ bây giờ ; không chỉ nhóm môn đệ đã từng theo Người mấy năm nay, mà cả những ai sẽ nhờ lời các môn đệ làm chứng mà tin vào Người, nghĩa là cả "dòng dõi" sẽ được sinh ra nhờ lời rao giảng :

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta . Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : 23Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

Người bảo đảm không chỉ với lời cầu nguyện của Người, nhưng bằng một sự hiện diện mới :

Thầy nói thật với anh em : Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử : 9về tội lỗi : vì chúng không tin vào Thầy ; 10về sự công chính : vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa ; 11về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

12“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.

Như vậy trong hành trình trở lên với Cha, Chúa Giêsu mang theo một hành trang rất nặng. Ngay khi thấy dấu hiệu chứng tỏ thập giá đã kề bên, một đàng Người khiếp sợ như muống ngọng, nhưng đàng khác Người đã tuyên bố thành quả đạt được nhờ cây thập giá.

Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” 29Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói : “Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo : “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” 30Đức Giêsu đáp : “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! 32Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào

Chúng ta chứng kiến một cảnh gợi lại cảnh ở núi Xinai, Môsê nói, Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm sét (Xh 19,19), khiến dân khiếp sợ :

Khi nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa. 19Họ nói với ông Môsê : “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe ; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất !” 20Ông Môsê bảo dân : “Đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đến là để thử thách anh em và làm cho anh em luôn luôn kính sợ Người, ngõ hầu anh em đừng phạm tội.” 21Dân đứng xa xa, còn ông Môsê thì tiến lại gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự. (Xh 20,18-21)

Tiếng sấm sét ở Xinai nhằm cho dân kính sợ Thiên Chúa, tiếng sấm vang lên ở sân Đền Thờ hôm nay báo giờ phán xét thế gian đã tới. Cuộc phán xét này không phải để tiêu diệt, nhưng để giải thoát loài người khỏi quyền lực của thủ lãnh thế gian là kẻ đã đem tội lỗi và cái chết vào cho loài người khi xúi tổ tiên nghi ngờ Tình Yêu, bất tuân lệnh Thiên Chúa, giơ tay lên cây hái trái cấm trong vườn Địa Đàng.

Hánh trang Chúa Giêsu mang theo trên hành trinh đi lên là phần thưởng, là chiến lợi phẩm Con Thiên Chúa đoạt từ tay thủ lãnh thế gian nhờ cây thập giá, vì Người mạnh hơn, như gười đã nói :

"Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. 21Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. 22Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được." (Lc 11,20-22).

Sách Sáng Thế kể việc Ápraham chất củi lên vai con một yêu dấu lên núi để dâng chính người con ấy làm của lễ toàn thiêu, như Thiên Chúa truyền cho ông. Hai người tôi tớ và con lừa phải chờ ở dưới chân núi. Chỉ có hai cha con cùng đi lên núi. Tới nơi, ông đã lập bàn thờ, xếp củi lên, để lửa sẵn một bên, rồi trói con đặt lên trên và giơ tay cầm lấy con dao để kết thúc cuộc tế lễ. Bấy giờ Thiên Chúa mới ngăn tay ông lại, Người chỉ nhận tấm lòng của ông và trả lại đứa con một yêu dấu cho ông, để đứa con một trở thành dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển (St 22,1-19).

Con Một yêu dấu của Thiên Chúa, thì Người để cho người ta chất cây thập giá lên vai cho Con vác lên núi. Người không chặn tay bọn lính, để mặc chúng lột trần truồng và đóng đinh Con của Người vào cây gỗ su xi, dựng lên một cách thô bạo trước mặt đám đông khách thập phương kéo nhau về Thành Thánh dự lễ Vượt Qua, là lễ kỷ niệm đêm Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Aicập. Con Thiên Chúa bị treo lên cây thập giá, là nhục hình người Rôma dành xử tử nô lệ. Thế là Con Thiên Chúa, vốn ngang hàng với Thiên Chúa, đã đi đến cùng trong hành trình "tự hóa ra không, mang lấy thân nô lệ và vâng lời cho đến nỗi bằng chết và chết trên cây thập giá" (Pl 2, 6-8).

Con Thiên Chúa hằng sống tự hóa ra không

Vẫn theo bài thánh ca trong thư Philípphê Thiên Chúa đáp lại bằng cách siêu tôn Con :

Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu . 10Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ,

muôn vật phải bái quỳ ; 11và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : "Đức Giêsu Kitô là Chúa"

(Còn tiếp)

Linh mục Giuse Nguyễn công Đoan, S.J.

Nguồn: dongten.net

------------------------------

[1] Sau này Thiên Chúa sẽ truyền cho ông hoàn chỉnh cái Lều (Xh 35-40). Trong trình thuật Truyền Tin, Lc 1,28-35 thiên sứ hình ảnh này để giải thích cho Đức Trinh Nữ Maria cách thức Trinh Nữ sẽ thụ thai.

[2] X. Is.1,3