Dù cho sóng to gió lớn... - Suy niệm TMCN XIX TN (A)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 292 | Cập nhật lần cuối: 10/24/2020 6:28:19 PM | RSS

Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi

và sắp chìm xuống nên la lên rằng:"Lạy Thầy, xin cứu con!”

I. Dẫn vào phụng vụ

Đại đa số giáo dân Việt Nam không được dậy cho bìết cách đọc Thánh Kinh nói chung và Sách Tin Mừng nói riêng. Vì thế mà họ không thấy được ý nghĩa phong phú thâm sâu và đầy tính thời sự của các câu chuyện của Thánh Kinh và nhất là Phúc Âm.

Một ví dụ: Câu chuyên của bài Phúc Âm Chúa Nhật XIX Thường Niên Năm A (Mt 14,22-33) cũng như các các câu chuyện khác của Phúc âm có thể được đọc từ nhiều lớp độc giả khác nhau. Trước hết là các độc giả đương thời là chính các môn đệ trong cuộc hay trong biến cố được kể lại. Rồi đến các độc giả của Sách Tin Mừng Mát-tthêu ở thế kỷ đầu Công Nguyên khi Tin Mừng này được viết cho họ. Sau cùng là các độc giả là chúng ta sống ở Việt Nam thuộc thế kỷ XXI là nhũng người mà Tin Mừng cũng có thông điệp riêng mang tính thời sự nóng bỏng.

Chúng ta sẽ đọc và tìm ra ý nghĩa của câu chuyện của Mt 14,22-33 theo ba tầng độc giả kể trên.

II. Lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng (Mt 14,22-33)

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".

III. Tìm hiểu và suy niệm Lời Chúa trong Tin Mừng

1. Ý nghĩa của câu chuyện Mt 14,22-33 với các độc giả thời Chúa Giêsu: Ý nghĩa nhãn tiền là Chúa Giêsu đã có mặt kịp thời để cứu các môn đệ khỏi cơn sợ hãi vì sóng to gió lớn trên biển hồ. Lời trấn an của Chúa Giêsu "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" đã khiến các ông hết sợ hãi bóng ma. Sự có mặt hay hiên diện của Chúa Giêsu trên thuyền đã khiến sóng yên biển lặng và các môn đệ bình an vô sự;

Nhưng câu chuyện còn có một ý nghĩa sâu xa về tín ngưỡng tôn giáo và tâm linh. Theo quan niệm của người Do-thái xưa thì núi là nơi Thiên Chúa ngự, (Thiên Chúa hiện ra với Mô-sê trên núi Xinai. Chúa Giêsu có bải giảng trên núi khi mở đầu sứ vụ rao giảng. Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor. Chúa Giêsu bị chết treo trên núi Sọ). Còn biền là chốn ma quỷ thống trị (Đàn quỷ trong đàn heo lao mình xuống biển). Trong quan niệm ấy việc Chúa Giêsu đi trên biển và khiến gió yên biển lặng có nghĩa là Chúa Giêsu chiến thắng và thống trị ma quỷ và các thế lực thù nghịch.

2. Ý nghĩa của câu chuyện Mt 14,22-33 với các độc giả thời Thánh Mátthêu: Ngoài hai ý nghĩa vừa trình bày câu chuyện Mt 14,22-22 có thêm một ý nghĩa hay thông điệp là những kẻ thù bài Kitô giáo ở thê kỷ thứ nhất không thể làm hại gì được các Kitô hữu khi họ có Chúa Giêsu ở cùng trong tâm hồn và trong cộng đoàn của họ.

3. Ý nghĩa của câu chuyện Mt 14,22-33 với các độc già là Kitô hữu Việt Nam thế kỷ XXI: Đối với các tín hữu Việt Nam chúng ta thời nay, ngoài hai ý nghĩa vừa trình bày, câu chuyện Mt 14,22-22 còn có ý nghĩa này là dù chúng ta phải đương đầu với những thế lực thù nghịch và độc ác đến thế nào đi nữa (như chủ nghĩa vô thần duy vật, chủ nghĩa thực dụng, cách sống vô luần, phá thai, tham nhũng và cuộc sống khó nghèo, bênh tật) thì chúng ta cũng chẳng có gì phải sợ một khi chúng ta đã có Chúa Giêsu Kitô ở cùng trong con thuyền là tâm hồn và cộng đòan Giáo Hội của chúng ta.

Dù cho sóng to gió lớn... - Suy niệm TMCN XIX TN (A)

IV. Thực thi Lời Chúa trong Tin Mừng

1. Hãy nhận ra Chúa Giêsu Kitô trong cuộc đời mình: Đó là việc đầu tiên mà chúng ta phải làm, vì thực sự là Chúa Giêsu luôn hiện diện nơi cõi lòng và cuộc sống của chúng ta. Nhưng rất nhiều giáo dân không biết cách nhận ra Chúa; nhiều giáo dân không quan tâm đến việc khám phá ra Chúa và sống thân mật với Chúa. Trách nhiệm của các linh mục và huynh trưởng trong cộng đoàn là hướng dẫn và giúp đỡ con em mình tạo lập được mối tương quan cá vị, thân thiết và thâm sâu với Chúa Giêsu Kitô!

2. Hãy tin cậy phó thác và kêu cầu sự trợ giúp của Chúa Giêsu Kitô: Đó là việc thứ hai mà chúng ta phải làm. Một khi đã thực hiện được bước thứ nhất (nêu ở trên) thì việc tin cậy phó thác và kêu cầu Chúa Giêsu Kitô trờ thành việc dễ dàng. Một cách hữu hiệu là mỗi ngày chúng ta tập thực hành một Lời Chúa trong Phúc âm.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội