Hãy cứu giúp người hoạn nạn: Suy niệm TM CN XV TN (C)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 602 | Cập nhật lần cuối: 12/22/2019 2:55:29 PM | RSS

Hãy xót thương và cứu giúp người hoạn nạn: Suy niệm TM CN XV TN (C)

“Một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy,

trông thấy và động lòng thương.

Người đó lại gần, băng bó những vết thương,

xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc“

I. Dẫn vào phụng vụ

Truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam là ”là lành đùm là rách”, là ”thương người như thể thương thân”. Truyền thống tốt đẹp ấy rất phù hợp và đồng điệu với giáo lý của Chúa Kitô: ”làm một việc nào đó cho những người bé nhỏ là làm cho chính Chúa Kitô”. Cho dù trong hoàn cảnh phức tạp của xã hội ta hiện nay, có một số người không ra tay cứu giúp người hoạn nạn vì sợ bị rắc rối, phiền nhiễu với các cơ quan chức năng hay với thân nhân nạn nhân, thì tính đạo đức của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam và tính ưu việt của Kitô giáo cũng không vì thế mà suy giảm giá trị. Nói cách cụ thể, xót thương và cứu giúp người hoạn nạn (như người xứ Samaria nhân hậu trong câu truyện mà Đức Giêsu đã kể cho người thông luật) vẫn là những điều/việc mà những người lương thiện nói chung và các Kitô hữu nói riêng, phải thực hiện trong đời sống thường ngày của mình.

II. Lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng (Lc 10,25-37)

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:

"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

III. Tìm hiểu và suy niệm Lời Chúa trong Tin Mừng

1. Mến Chúa yêu người là Lề Luật của Thiên Chúa: Ngay từ trong Cưu Ước giới răn Mến Chúa đã luôn đi cùng giới luật Yêu Người. Chúa Giêsu Kitô chỉ nhắc lại hai giới răn căn bản ấy và làm cho chúng có thêm ý nghĩa và trọng lượng mà thôi. Hơn nữa Chúa Giêsu đã lý luận một cách hết sức sắc bén: “Làm sao anh em yêu mến được Thiên Chúa là Đấng anh em không nhìn thấy khi anh em không yêu thương người anh em sống sờ sờ bên cạnh?” Yêu thương tha nhân là dấu chỉ và bằng chứng của yêu mến Thiên Chúa.

2. Yêu thương tha nhân thì xót thương và cứu giúp những người hoạn nạn: Nếu đời là bể khổ thì trong xã hội số những người khổ sẽ lớn hơn số những người sướng. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói với các tông đồ “người nghèo thì anh em thấy đầy dẫy ngay bê cạnh anh em” Nều gặp người hoạan nạn khốn khó mà chúng ta xót thương và cứu giúp thì chúng ta được xem là những người có lòng nhân từ và vào ngày phán xét chúng ta được xếp bê tay phải Đức Vua và nghe nghe khen thưởng:

"Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng : "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" 40Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25,34-40).

Nếu gặp người hoạn nạn. khốn khó mà chúng ta dửng dưng, thờ ơ không cứu giúp thì chúng ta là những người vô cảm và nhẫn tâm. Vào ngày phán xét chung chúng ta sẽ bị xếp bên tay trái Đức Vua và nghe Người quở trách: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống ; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." 44Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?" 45Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." 46Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời." (Mt 25,41-46).

Hãy cứu giúp người hoạn nạn: Suy niệm TM CN XV TN (C)

IV. Thực thi Lời Chúa trong Tin Mừng

1. Muốn có lòng xót thương và có hành động cứu giúp người hoạn nạn thì trước hết chúng ta phải tập quan tâm đền những người xung quanh, quan tâm đến nhu cầu vật chất và tâm linh của những người ấy và tập mở lòng, mở tay chia sẽ, giúp đỡ những người ấy.

2. Xót thương và cứu giúp những người hoạn nạn: vừa là tình cảm thương người vừa là hành động cụ thể thiết thực cứu giúp người họan nạn, khốn khó. Càng x1t thương và cứu giúp, tâm hồn chúng ta càng ngạy bén và bàn tay chúng ta càng mở rộng. Cuộc sống của chúng ta thêm nhiều ý nghĩa.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội