Nhỏ như hạt lúa hạt cải: Suy niệm TM CN XI TN (B)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 825 | Cập nhật lần cuối: 8/12/2018 12:54:04 PM | RSS

"Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất,

nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất."

I. Lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng (Mc 4,26-34)

26 Khi ấy Đức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."

30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."

33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

II. Tìm hiểu và suy niệm Lời Chúa

1. Trọng tâm của Tin Mừng là tình thương của Thiên Chúa. Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta có một người Cha ở trên trời. Chính Cha đã dựng nên vũ trụ và con người, và muốn ban cho con người và vạn vật được sống và sống dồi dào, nghĩa là sống hạnh phúc đời đời (Ga 17,3).

Thiên Chúa là Cha, và đương nhiên, là một người Cha hằng yêu thương chúng ta là con cái của Ngài. Dầu chúng ta tốt hay xấu, Thiên Chúa vẫn che chở giữ gìn, vẫn mưa hồng ân, và Ngài có thể biến cải sự dữ thành sự lành cho những ai có lòng yêu mến (Lc 6,35-36; Mt 5,43-48; Rm 8,28).

Cha trên trời biết rõ mọi nhu cầu của con cái (Mt 6,6), và hằng nhận lời những ai thành tâm kêu cầu với niềm tin yêu phó thác (7,7-11). Cha mẹ trần gian còn biết cho con cái của tốt lành thì Cha trên trời còn tốt lành hơn nữa, luôn luôn tìm kiếm và tha thứ cho chúng ta là con cái (Lc 15,1-32).

2. Song song với việc mạc khải về Cha, Đức Giêsu rao giảng Nước của Cha hay Nước Trời hay Nước Thiên Chúa. Nước Trời hay Nước Thiên Chúa hay Triều Đại Thiên Chúa không phải là một nơi chốn, một xứ sở trù phú, mà phải hiểu là một tình trạng (status) được sống với Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới tồn tại vĩnh viễn, còn ngoài Thiên Chúa chỉ là hư mất đời đời mà thôi. Đức Giêsu luôn tìm mọi cách, mọi cơ hội để rao giảng về Nước Trời, và Ngài dùng những hình ảnh cụ thể trong đời sống thường ngày để nói về thực tại vô hình ấy. Cách mà Đức Giêsu ưa thích nhất là dụ ngôn. Và trong bài Phúc Âm hôm nay chúng ta đọc hai dụ ngôn về Nước Trời giống như hạt lúa và hat cải là những hạt bé nhỏ nhưng khi chúng mọc lên thánh cây lúa, cây cải thì chúng đem lại kết quả lớn. Nước Trời cũng tương tự như vậy: Lúc đầu nó cũng bé nhỏ không đáng kể nhưng khi nó phát triển nhờ/theo tiềm năng có sẵn thì Nước Trời sẽ trở nên một thực tại lớn lao, thậm chí vĩ đại không ngờ.

3. Điều Đức Giêsu muốn các môn đệ và người nghe hiểu là Nước Trời có sức mạnh nội tại khôn lường. Nước Trời không phải là sản phẩm hay thành quả lao động của con người, mà là công trình của Thiên Chúa (Opus Dei). Vì thế Nước Trời lớn mạnh hay lan tỏa như thế nào là tùy vào hành động của chính Thiên Chúa. Nói thế không có nghĩa là con người không có phần trong Nước Trời. Con người có phần đóng góp của mình vào việc làm cho Nước Trời phát triển và hiện diện trong lòng người và trong mọi môi trường xã hội.

III. Thực thi Lời Chúa

1. Mỗi Kitô hữu được mời đón nhận hay gia nhập Nước Trời. Mỗi Kitô hữu còn được mời đóng góp vào việc mở rộng Nước Trời trong tâm hồn mình và trong các môi trường xã hội. Mỗi khi giá trị của Nước Trời được thể hiện trong tâm hồn và cuộc sống của mình hay của người khác là dấu hiệu Nước Trời được mở rộng đến các nơi ấy.

2. Bài giảng trên núi về Tám Mối Phúc Thật là bản tóm tắt các giá trị của Nước Trời hay nói cách cụ thể hơn là những lối sống của các công dân Nước Trời: ”Phúc cho ai có......” Các giá trị của Nước Trời là công lý và tình thương, là bác ái và từ bi, là đón nhận và thứ tha, là sống có trách nhiệm và bao dung, là sống tinh thần nghèo khó và yêu chuộng hòa bình v.v...

IV. Cầu nguyện với Lời Chúa

(Đọc chậm rãi 3 lần)

Lạy Cha chúng con ở trên trời,

Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng,

Nước Cha trị đến,

Ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như ở trên trời. Amen.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội