Sống theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần - SNTM CN CTT hiện xuống

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 840 | Cập nhật lần cuối: 8/13/2021 8:30:24 AM | RSS

SỐNG THEO SỰ THÚC ĐẨY CỦA CHÚA THÁNH LINH

Trong cuộc sống chúng ta, biết bao nhiêu tiếng mời gọi, thúc giục, hối thúc chúng ta suy nghĩ, quyết định và hành động. Nào trong chúng ta, ít nhiều cũng đã cảm nhận lời xúi giục, mời mọc chạy theo đam mê, thói quen không lành mạnh, hoặc nhắm mắt đưa chân sa vào tội lỗi, quay lưng lại với tiếng Chúa tha thiết thầm thĩ nơi lương tâm tốt lành, thánh thiện…!

Khi chúng ta chịu phép Thanh tẩy, đặc biệt lãnh nhận Bí tích Thêm sức, chúng ta được đầy tràn Thánh Thần, được biểu lộ qua bảy ơn thiêng, mười hai hoa quả ân sủng Thánh Linh. Thế nhưng, thời gian cứ trôi, thân xác cũng như đức tin chúng ta lớn dần lên, nhưng thật sự chúng ta đã-đang-sẽ sống theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần chưa? Đây là điều chính yếu và cấp bách! Và muốn sống theo ơn Chúa Thánh Linh, tiên vàn chúng ta phải biết phân định giữa Thần Khí chân lý và những gì không thuộc về Thần Khí.

Khi mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (hoặc còn được gọi là Lễ Ngũ Tuần), thì chúng ta hoà quyện vào mùa xuân thánh ân của Giáo hội. Vì nhờ Ngài, Giáo hội ngày càng được mở rộng, được sinh sôi nẩy nở, được trở nên chứng tá kiên vững trước mặt toàn dân. Nếu Thần Khí đích thật sẽ không bao giờ đi ngược lại lời truyền dạy của Đức Giêsu Kitô; hơn thế, Ngài sẽ chẳng nói điều khác ngoài tất cả những gì mà Đức Giêsu đã rao giảng và hoàn tất. Trên hết, Ngài không làm nảy sinh sự rối bời, mâu thuẫn, gây chia rẽ trong cộng đoàn Kitô hữu; thay vào đó, Ngài luôn xây dựng niềm hiệp thông, khơi dậy lòng mến, sự tha thứ cho nhau, và luôn biết khiêm hạ vâng phục Giáo hội, cùng với Huấn quyền của Giáo hội.

Những năm gần đây dấy lên biết bao nhiêu phong trào tự cho mình được đặc sủng Thánh Linh, được ơn mạc khải trực tiếp hoặc gián tiếp từ Thiên Chúa Cha, v.v… nhưng lại gây chia rẽ, bè phái trong cộng đoàn, bất vâng phục Giáo hội qua các Đấng bản quyền sở tại, và tệ hơn, giảng dạy chống lại hoặc đi ngược với Giáo huấn của Giáo hội. Một trong những tội lỗi là đầu mối của biết bao tư tưởng, lời nói, hành động lệch lạc, gây thương tích nơi tâm hồn, đó là: tính kiêu ngạo, thái độ ngạo mạn, kiêu căng. Đây không phải là một tội lỗi mới mẻ gì, mà suy cho cùng, nó đã ẩn tàng và được phơi bày nơi nguyên tổ loài người. Cứ thế, nó âm thầm gieo vào lòng người qua bao thế hệ.

Ở bài đọc I sách Sáng thế, hình ảnh tháp Ba-bel là biểu tượng cho sự tản mác, bất đồng ngôn ngữ, và vì không hiểu nhau nên gây lộn xộn, rối loạn. Hơn nữa, nó còn là hình bóng của tội nguyên tổ, tội kiêu ngạo, tự đặt mình làm ‘ông/bà chúa' cai quản và quyết định mọi thứ, trong khi gạt bỏ Thiên Chúa đích thật ra ngoài cuộc sống, cũng như bất tín bất trung, bỏ quên lời cam kết đã giao ước với Thiên Chúa: Nào, bây giờ chúng ta hãy xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời. Và chúng ta hãy tạo cho ta một tên tuổi, để chúng ta khỏi bị tản lạc ra khắp mặt địa cầu (St 11, 4). Vì kiêu ngạo, kiêu căng mà tình hiệp nhất, gắn kết bị rạn nứt, bị chia cắt; nhưng nhờ Thần Khí Sự thật ngự xuống tràn ngập tâm trí chúng ta, giúp chúng ta hiểu Lời Đức Giêsu truyền dạy, nhớ lại gương Ngài sống hiền lành, khiêm hạ, nên Giáo hội và con cái của Giáo hội (chúng ta) được mời gọi sống theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh. Nhờ đó, Giáo hội không bao giờ lãng quên sứ mệnh loan truyền bình an, bác ái, tha thứ như bài sai mà Đức Giêsu giao phó: “…“nh an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”” (Ga 20, 21-23).

Dựa trên phương cách phân định Thần Khí sự thật, chúng ta không thể nào sống theo ơn Chúa Thánh Linh thúc đẩy, nếu chưa mặc lấy thái độ của một người con thảo với Cha trên trời. Vì nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được gọi Cha chung trên trời là: Abba, Cha ơi! (x. Rm 8, 15). Vậy với ân sủng làm nghĩa tử, chúng ta sống vâng phục, chú tâm lắng nghe, đào sâu đời sống cầu nguyện, gắn kết thân mật với Thiên Chúa giữa bao tiếng gọi rủ rê nơi trần gian, giữa muôn thăng trầm cuộc sống. Dẫu bao phen thất vọng, chán chường, buồn tủi, v.v…, nhưng nhờ Thánh Thần, chúng ta luôn cậy tin và kiên tâm trông đợi (x. Rm 8, 25), bền bỉ chiêm ngắm, tĩnh lặng nguyện cầu: “Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả” (Rm 8, 26).

Sau cùng, Thánh Thần ban cho chúng ta ơn sức mạnh, can đảm, dám ra khỏi ‘chốn loang phòng thoải mái tiện nghi’ của bản thân, mà đến với tha nhân, ngay cả những vùng ven, vùng ngoại biên, vùng xa xôi hẻo lánh. Ân sủng ra đi rao truyền, sống chứng tá cho đức tin này chẳng phải dùng để chiêu dụ người khác biết đến bản thân, hay trở nên lệ thuộc, tôn sùng mình như một đấng vị vọng mang ‘nền văn minh thời đại’ đến, và buộc họ sống đáp đền, biết ơn, trả công cho ta! Đúng hơn, Chúa Thánh Linh nâng đỡ sự yếu hèn ẩn kín trong tâm hồn, trong tư tưởng, trong tâm trí ta, giúp chúng ta trở nên giản dị, đơn sơ, hoạt bát, gần gũi, thân thiện, dễ mến, dễ tương tác với tha nhân. Qua cách sống theo sự thúc đẩy của Ngài, những ai tiếp xúc với chúng ta sẽ dần cảm mến, cảm nhận sự gắn kết tình thân như anh chị em một nhà. Rồi, nhờ tác động âm thầm của Chúa Thánh Linh nơi tâm hồn, họ muốn tiến gần đến Giáo hội, khao khát tìm hiểu Giáo hội, mong mỏi sống với Giáo hội.

Why the Holy Spirit appeared as fire

Lạy Chúa Thánh Linh tình yêu

Xin thắp lên ngọn hoa tiêu lửa mến

Giữa hãi hùng, bao lênh đênh

Đơn sơ, khiêm hạ kết nên lòng thành

Sống theo ơn Ngài khoan ngoan

Sáng soi đưa dẫn, thánh ân tràn đầy. Amen!

Linh mục Xuân Hy Vọng

Nguồn: thanhlinh.net