Suy niệm bài đọc 1 - CN LỄ MÌNH MÁU CHÚA năm A - Sự sống đời đời

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 89 | Cập nhật lần cuối: 7/21/2023 6:45:52 AM | RSS

Sự sống đời đời

BÀI ĐỌC 1 - LỄ MÌNH MÁU THÁNH - Đnl 8, 2-3, 14-16

"Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới."

Bài trích Sách Đệ Nhị Luật

2 Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không.

3 Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra.

14 Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

15 Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống.

16 Trong sa mạc, Người đã cho anh (em) ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh (em) chưa từng biết, để bắt anh (em) phải cùng cực và thử thách anh (em), hầu làm cho anh (em) được hạnh phúc trong tương lai.

Sau bài giảng này, rất nhiều người bỏ Chúa Giêsu ra đi: điều Chúa nói không thể chấp nhận được. Khi ấy Ngài quay sang nhóm Mười Hai và Ngài hỏi họ: «Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao» (Ga 6, 67). Chính lúc ấy thánh Phêrô trả lời: «Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời» (Ga 6, 68).

Đây là điều nghịch lý với đức tin: những lời này đối với loài người không thể hiểu được, thế nhưng những lời ấy làm cho chúng ta sống. Chúng ta nên noi theo con đường thánh Phêrô: sống nhờ những lời ấy, để lời nuôi dưỡng và thấm vào nội tâm chúng ta. Chúng ta không tự cho mình có thể giải thích lời ấy. Đây là một bài học quan trọng: không phải để tìm giải thích trong sách vở về bí tích Thánh Thể; tốt hơn là để Chúa Kitô dẫn chúng ta vào mầu nhiệm sự sống của Ngài.

Có một từ lập đi lập lại trong bài này, đó là sự sống: «Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống» (c. 51). Sách Do Thái nói rõ «… Người nói: ‘Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’» (Dt 10, 9) và chúng ta biết ý Chúa muốn thế gian được sống. Một đời sống như món quà được ban nhưng không: «Bánh tôi sẽ ban tặng». Tất cả đều là quà tặng. Ngôn sứ Isaia đã tiên báo: «Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đavít. » (Is 55, 1-3)

Thứ gì làm cho chúng ta sống, đó là sự hiến thân của Chúa Kitô cho chúng ta, điều chúng ta gọi là sự hy sinh của Ngài. Nhưng cũng không nên hiểu nhầm chữ «hy sinh». Suốt lịch sử Thánh Kinh chúng ta đã chứng kiến những thay đổi, thật sự là một hoán đổi về quan niệm hy sinh. Chúng ta có thể khám phá trong phương pháp sư phạm này nhiều giai đoạn, trải qua nhiều thế kỷ. Một cách tự phát họ nghĩ rằng muốn liên hệ với Thiên Chúa thì phải giết. (Chữ hy sinh theo tiếng Pháp, «sacrifice» bắt nguồn từ đó, gốc Latinh là «sacrum facere», làm điều thánh thiêng). Nghĩ cho cùng họ tưởng rằng muốn vào thế giới của Thiên Chúa là sự sống, là phải trả lại những gì thuộc về Ngài, đó là sự sống, thế thì phải giết.

Trong đoạn đầu lịch sử Thánh Kinh, dân Do Thái thực hiện giống như các dân tộc khác những lễ tế máu với người và súc vật, và từ lúc ban đầu cuộc gặp gỡ Thiên Chúa với dân Ngài chọn. Chính từ ông Ápraham điều ấy bị cấm ngặt. «Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó!» (St 22, 12). Và từ ông Ápraham không bao giờ đặt lại điều cấm ấy. Mỗi lần thấy họ phải tế người, các ngôn sứ lặp lại làm như thế là một điều ghê tởm trước mắt Thiên Chúa. Từ thời ông Ápraham đã như thế, Thánh Kinh mở ra chân trời mới (với lễ tế của Menkixêđê) bằng cách biểu hiện một lễ tế lên Thiên Chúa Tối Cao, chỉ vỏn vẹn dâng lên bánh và rượu (St 14). Thế nhưng họ vẫn thực hiện lễ tế máu trong nhiều thế kỷ nữa. Chúa cần nhẫn nại nhiều với chúng ta; như thánh Phêrô nói: «Một ngày như ngàn năm» (2Pr 3, 8)

Giai đoạn thứ hai, chính Môsê đưa dân tộc của ông bước qua giai đoạn ấy. Trong khi vẫn giữ những nghi thức truyền thống, ông cho những nghi thức ấy một ý nghĩa mới. Kể từ nay điều quan trọng là Giao Ước với Thiên Chúa cứu độ. Sau đó là đến cả một chương trình giáo dục của các ngôn sứ: đối với các ngài, vượt hơn nhiều lễ tế, đó là tấm lòng kẻ tế lễ, một tấm lòng biết yêu thương. Và các ngài không tiếc một lời khắt khe nào dành cho những kẻ bạc đãi anh em mình trong lúc trình diện trước Thiên Chúa, tay mang đầy của tế lễ. Isaia nói: «Tay các ngươi đầy những máu.» (Is 1, 15), (ngụ ý: trước mắt Thiên Chúa, máu súc vật hy tế không che được bàn tay vấy máu anh em bị ngược đãi). Và tiên tri Hôsê có câu bất hủ, Chúa Giêsu sau này lặp lại: «Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ » (Hs 6, 6). Tiên tri Mikha tóm lược bài học ấy một cách tuyệt vời: «Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn. » (Mk 6, 8)

Giai đoạn cuối cùng của phương pháp sư phạm ấy, đó là những bài ca bất hủ của Người Tôi Trung trong sách thứ hai ngôn sứ Isaia. Xuyên qua bốn tài liệu ấy, sự hy sinh thật sự Chúa chờ đợi nơi chúng ta được mặc khải. Hy sinh (làm điều thánh thiêng) là đi vào kết hợp với Thiên Chúa, không phải giết một sinh vật nào; nhưng là sống, và làm cho anh em ta sống để trở thành những người phục vụ họ.

Tân Ước thường giới thiệu Chúa Giêsu như Người Tôi Trung trong sách Isaia. Đời sống Ngài đã được dâng hiến trọn vẹn từ ngày bước vào đời, như sách Do Thái nói. Tất cả cuộc đời trần thế của Ngài là lễ tế hoàn hảo như Thánh Kinh cố gắng khắc sâu vào trí não nhân loại: «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời» (c. 51). Và từ nay, từ sự sống Chúa Kitô ban, chúng ta nhận lãnh chính đời sống của Thiên Chúa. «Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.» (c. 57). Điều hoán cải cuối cùng chúng ta cần phải làm, đó là không làm điều «thánh thiêng» nữa mà lãnh nhận Sự Sống Chúa ban.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân