Suy niệm BĐ 1 - CN XV thường niên - Năm A - Is 55, 10-11 - Lời Chúa hữu hiệu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 70 | Cập nhật lần cuối: 9/17/2023 6:54:24 PM | RSS

Chúng làm cho đất phì nhiêu

Trích sách Tiên tri Isaia.

10 Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,

11 thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

Trong xứ sở chan hòa ánh nắng mặt trời, vạn vật chỉ chờ cơn mưa đầu mùa để đơm hoa, các hình ảnh sách tiên tri Isaia rất biểu đạt: «Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn» (c. 10). Trong bài này vị ngôn sứ áp dụng Lời Chúa. Hiệu quả của Lời Chúa là một đề tài được ưa chuộng trong Cựu Ước, đặc biệt trong sách thứ hai tiên tri Isaia (chương 40-55), bài hôm nay mang cùng ý nghĩa như trong đoạn kết sách Isaia.

Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa nói và Lời Ngài hữu hiệu: «Thiên Chúa phán… Liền có như vậy» (St 1, 6). «Ta đang canh thức để thi hành lời Ta» (Gr 1, 12). Chữ «davar» theo tiếng Do Thái có nghĩa lời nói và sự kiện. Trong lúc vua Salômôn chúc phúc toàn dân với lời sau đây: «Chúc tụng ĐỨC CHÚA, Đấng đã ban cho Ítraen dân Người được nghỉ ngơi, đúng y như Người đã phán, không sai một lời nào trong tất cả những lời tốt lành Người đã dùng ông Môsê, tôi tớ Người, mà phán» (1V 8, 56)

Công hiệu của Lời Chúa không phải đặc thù nơi đức tin Ítraen. Bên Ai cập và Mêsôpôtamia họ tưởng tượng rằng sự tạo dựng vạn vật do lời một vị thần thiêng. Nhưng điều đặc biệt đối với Israel, chúng là “những lời tốt đẹp”, như Salomon đã nói: “Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa nói để mặc khải chính mình, ban sự sống và hạnh phúc cho con cái Người. Thiên Chúa chúng ta không giống như những thần tượng mãi câm nín và không thể làm gì cho chúng ta.”(Có mắt có miệng không nhìn không nói - Tv 115, 5; Thế nhưng giả như có ai kêu, nó chẳng đáp lời, cũng chẳng cứu ai khỏi cơn khốn quẫn - Is 46, 7). Ngài không như con người, thỉnh thoảng quên hoặc không giữ lời hứa của mình. «Thiên Chúa không phải là phàm nhân mà gian ngoa được, cũng chẳng là con người mà phải hối hận. Phải chăng Người nói mà không làm? Hay Người phán mà không thực hiện?» (Ds 23, 19) ; «Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí ĐỨC CHÚA thổi qua. Phải, dân là cỏ: Cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững» (Is 40, 6…8) Hơn nữa xác tín vào lòng tín trung của Chúa với Lời Ngài là cội nguồn của lòng tin Israel. «Không phải vì anh (em) công chính hay vì lòng anh (em) ngay thẳng mà anh (em) sắp được vào chiếm hữu đất của chúng... ĐỨC CHÚA làm như vậy để giữ vững lời Người đã thề với cha ông anh (em), là ông Ápraham, ông Ixaác và ông Giacóp» (Đnl l9, 5)

Vì thế đề tài lắng nghe rất quan trọng trong Thánh Kinh: sở dĩ Chúa nói là vì hạnh phúc của chúng ta, chúng ta chỉ còn biết lắng nghe, Chúa tôn trọng tự do. «Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống» (Is 55, 3). Lời Ngài hữu hiệu. Đó là ý nghĩa đoạn văn này, nhưng phải có một điều kiện duy nhất đó là phải tìm một mảnh đất tốt để lời ấy nảy mầm (Xem Phúc Âm Chúa nhật hôm nay: (Mt 13, 1-23) bài dụ ngôn người gieo giống)

Nếu chúng ta tin vào những câu trước, những câu chúng ta vừa đọc (Is 55, 6-9), điều đặc biệt nhất của Lời Chúa là lời tha thứ và hòa giải: «Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với ĐỨC CHÚA - và Người sẽ xót thương - về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ. Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta» (Is 55, 6-8). Sứ vụ của bài là ở đây «không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc» (c. 10) là sứ vụ loan báo sự tha thứ nhưng không của Chúa, và từ đó là sự hoà giải nhân loại với Ngài: có thể hiểu rốt cục rồi Chúa cũng hoà giải nhân loại với Ngài, vì «Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý» (1Tm 2, 4) … ngay cả khi phải gửi Ngôi Lời đến thế gian: «Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!» (Lc 9, 35)

Đến lượt các môn đệ được sai đi, như những sứ thần của hoà giải: «Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải» (2Cr 5, 18). Như sách Do Thái nói: «Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời» (Dt 1, 1-3) Ngôi Lời không về với Chúa Cha «sẽ không trở về… nếu chưa đạt kết quả» là hoà giải.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân