Suy niệm BĐ1 - CN II Phục sinh - CV 4, 32-35 - Một lòng một ý

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 29 | Cập nhật lần cuối: 4/29/2024 7:52:37 PM | RSS

Họ đồng tâm nhất trí

Bài trích sách Công vụ Tông đồ (Cv 4, 32-35)

32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.

33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.

34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền,

35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu.

Sách Công Vụ Tông Đồ có nhiều chương như thế, có thể nói tóm tắt những gì về đời sống của cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi của Giáo hội. Sau Lễ Ngũ Tuần, bài tóm lược ngắn này miêu tả cho chúng ta biết cuộc sống mới theo Thần Khí Chúa bao gồm những gì.

Điểm thứ nhất được nhấn mạnh là sự hiệp nhất, «32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý». Đức tin chiếu sáng cuộc sống của các tín hữu cách mạnh mẽ vì thế mọi người đều chung một lòng! Nghĩa là đức tin tương quan nhiều đến tâm hơn là trí. Những ai có cơ may chia sẻ chung một đam mê gì - ví dụ như âm nhạc, nghiên cứu khoa học hay thú leo núi - thì biết như thế nào là sự đam mê, có thể trong một lúc nào đó kết hiệp họ cùng một lòng và mang lại cho họ một niềm vui thật sự. Rõ ràng đức tin của những Kitô hữu tiên khởi có tính cách đam mê như thế. Và đức tin này làm nên sự hiệp nhất của họ. Chúa Giêsu đã khẳng định: «35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.» (Ga 13, 35)

Điểm thứ hai được nhấn mạnh trong bài này: sự hiệp nhất được thể hiện thật sự bằng sự chia sẻ với nhau. Ngay từ câu đầu, hai điều này đều không thể tách biệt. «32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.» Sau đó Thánh Luca lại tiếp: «34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền,35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu.Rõ ràng, không thể nói chỉ có một lòng một ý mà để người anh em trong khốn khổ và nhắm mắt trước những nhu cầu của họ. Ở đây Thánh Luca không cho chúng ta một bài học về kinh tế hay một chế độ xã hội hoàn hảo. Ngài muốn đề cập một vấn đề sâu sắc hơn. Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta tận ý thâm sâu của ngài qua câu chính yếu của bài. Chỉ câu này cũng đủ nói lên tầm quan trọng của các câu khác: hai câu tương tự đóng khung ở giữa cho câu chính yếu. Trong toán học gọi là biện hộ bao hàm. Điều này cho chúng ta một bài học thật quý giá.

Câu thứ nhất: «32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung

Câu thứ ba: «34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền,35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu

Hai câu nói về sự phân chia của cải, bao hàm câu trung tâm, chính yếu, đề cập một vấn đề khác hẳn: «33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng

Trên thực tế cấu trúc của bài chứng minh ý tưởng của Thánh Luca về việc phân chia của cải vì tình huynh đệ là một trong những cách minh chứng sự phục sinh của Chúa Kitô, vốn là trọng tâm của đức tin.

Đối với các Tông đồ, sự phục sinh của Chúa Kitô là một sự kiện tuyệt vời đã làm thay đổi tất cả: Chúa Kitô sống lại, và Thánh Thần của Người, quyền năng thương yêu của Người nay chiếm hữu họ «Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.»(c. 33) Sự hiện diện của Thiên Chúa là ân sủng, đó là tình yêu của Chúa trong chúng ta. Các Tông đồ và những ai nhận Phép Rửa đều được tình yêu của Thiên Chúa ngự trị, một tình yêu mãnh liệt đến nỗi có thể biến đổi hoàn toàn chúng ta hầu chúng ta có cách nhìn đổi mới toàn diện các thực tại trong cuộc sống. Có những lúc trong đời một sự kiện vui hay buồn làm đảo lộn mọi ưu tiên của chúng ta. Nhiều việc trước kia không quan trọng, bỗng nhiên có một tầm quan trọng đặc biệt, ngược lại các điều trước kia chúng ta thật quan tâm nay trở thành thứ yếu. Ví dụ như đôi vợ chồng trẻ sẵn sàng hy sinh mọi tự do riêng tư cho đứa con mình vừa mới sinh, hay chúng ta thường nghe một người sống sót sau cơn bệnh hoặc một tai nạn nghiêm trọng nói rằng ngày nay mọi sự đều khác đối với họ.

Đối với những Kitô hữu tiên khởi, Thánh Luca cho biết việc sở hữu những của cải vật chất không còn là ưu tiên nữa. «Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng.» (c. 32) Phải hiểu rõ câu này, có của cải nhưng không coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng bán đi, lấy tiền, phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu. Nói cách khác, họ không cư xử như người có của cải mà như người quản lý những của cải họ có. Phải nhìn nhận đây là một thay đổi lớn trong tâm thức… Nhờ quyền năng của ân sủng! Chúng ta đang ở ngay trong tinh thần của Cựu ước: mọi điều loan báo của các tiên tri đều phải nhằm ý thức hai điều. Điều thứ nhất là những gì ta sở hữu đều do Chúa ân ban, điều thứ hai, mọi người là anh em với nhau.

Thánh Luca lưu ý rằng, ngày nào Kinh Thánh được hoàn tất, khi mọi người có thể sống trong chế độ của Giao Ước Mới mà Cựu ước đã dọn đường chuẩn bị cho chúng ta, thì các tín hữu thực sự đều là anh em… Ngày đó, dĩ nhiên sẽ có một cuộc sống như trong một gia đình: giữa anh em với nhau đều có thể để mọi sự là của chung.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân