Suy niệm BĐ1 - CN III Mùa Chay B - Để được tự do

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 69 | Cập nhật lần cuối: 4/27/2024 7:13:29 PM | RSS

Luật do Môsê đã ban ra

Bài trích sách Xuất hành (20, 1-17)ua

1 Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây:

2 "Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.
3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

4 Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.

5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.

6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.

7 Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh.

9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi.

10 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.

11 Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.

12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

13 Ngươi không được giết người.

14 Ngươi không được ngoại tình.

15 Ngươi không được trộm cắp.

16 Ngươi không được làm chứng gian hại người.

17 Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta."

Chúa phán những lời trên đây trên núi Sinai. Chúng ta còn nhớ tất cả những gì xảy ra từ đầu sách Sáng Thế: cuộc phiêu lưu kỳ diệu của một dân tộc nhỏ tí xíu (không biết có đáng gọi là một dân tộc không nữa?); và ơn gọi của ông Môsê, trước hết Chúa nói: «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập…Ta biết các nỗi đau khổ của chúng…Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập» (Xh3, 7;10). Sau đó là lễ Vượt Qua (Xh 12) và cảnh ra khỏi Ai Cập (Xh 14) kế tiếp là bài ca chiến thắng tuyệt vời, hớn hở vui mừng, có thể gọi là «Bài ca Giải phóng». (Xh 15)

«Tôi xin hát mừng CHÚA, Đấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương. CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng

Có những ngày ít huy hoàng hơn, khó tránh được: những khó khăn đầu tiên trong sa mạc, những hoài nghi đầu tiên, những cuộc nổi dậy đầu tiên chống Môsê, rồi đến chống Thiên Chúa (Xh 16-17), thì đây chúng ta chứng kiến Giao ước Sinai, Chúa phán:

«Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim đại bàng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en» (Xh 19, 4-6)

Kể từ nay, cho mỗi thế hệ, lễ Vượt Qua, - cho đến nay chỉ là một lễ hội nhà nông đầu mùa gặt - sẽ là ngày tưởng niệm thoát khỏi Ai Cập. Còn ngày Lễ Ngũ tuần – cho đến nay cũng là ngày lễ hội nhà nông, cuối mùa gặt - sẽ trở thành một ngày lễ… trao ban lề luật. Điều này đã tiên báo lề luật được đón nhận như thế nào rồi.

Câu thứ hai của bài đọc nói lên cả ý nghĩa của phần sau Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Đây là phần giáo đầu và sau đó có «mười điều răn». Bài này lấy tựa đề là «Mười Điều Răn», là cách dịch không sát nghĩa từ «Decalogue»: theo tiếng Hy Lạp có nghĩa đen là «mười lời nói». Thì mới đúng với thực tế, lý do chính vì câu đầu không phải một điều răn! Một câu giải thích toàn diện, đem lại ý nghĩa cho tất cả bài.

Đặc tính của lề luật Do Thái không phải ở nội dung của nó mà chính ở nền tảng của nó: Đó là sự giải thoát khỏi Ai Cập. Ítraen luôn biết rằng Thiên Chúa, là Đấng giải phóng, chính Ngài thương ban lề luật như con đường tập sống tự do. Sau đây là những gì sách Đệ Nhị Luật đòi hỏi, nên biết rằng sách Đệ Nhị Luật là sách suy niệm hậu nghiệm về những sự kiện trong sách Xuất Hành và những điều giao ước với Thiên Chúa.

«Vậy hôm nay, anh (em) phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh (em) phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh (em); như vậy anh (em) và con cháu anh (em) sau này sẽ được hạnh phúc, và anh (em) sẽ được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), vĩnh viễn ban cho anh (em)» (Đnl 4, 39-40)

Một trong những gì sách Đệ Nhị Luật nhấn mạnh nhất là hạnh phúc hứa cho những ai tuân theo lề luật:

«Mai ngày khi con anh (em) hỏi anh (em) rằng: "Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị? "Anh (em) sẽ trả lời cho con anh (em): "Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pha-ra-ô bên Ai-cập, nhưng ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập...ĐỨC CHÚA đã truyền cho chúng ta đem ra thực hành tất cả những thánh chỉ này và kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, để chúng ta được hạnh phúc mọi ngày và để Người cho chúng ta được sống, như ngày hôm nay. Chúng ta sẽ là người công chính, nếu chúng ta lo đem ra thực hành tất cả mệnh lệnh này trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, như Người đã truyền cho chúng ta.» ( Đnl 6, 20-25)

Chúng ta có thể đọc mỗi điều răn như một công trình giải thoát con người, bởi Thiên Chúa, hay cũng có thể nói một phương pháp thực tập sống tự do cho con người. Đó là ý nghĩa, luật cấm thờ bái bụt thần, để bắt đầu bộ luật: «Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta». Suốt thời gian của Cựu ước, lần lượt các tiên tri đều là những nhà vô địch chống bụt thần. Và tất cả đều phải gặp khó khăn.

Ngày nay cũng thế, có lẽ các vị cũng sẽ rất khó khăn: chung cục lý do bụt thần được định nghĩa là những gì chiếm hữu chúng ta hoàn toàn, để chúng ta trở nên nô lệ: có thể là một giáo phái, nhưng cũng có thể chỉ là tiền của, giới tính, xì ke, ma tuý hay một thứ gì khác, tivi, hay một hoạt động nào đó, cuối cùng chiếm hữu cả tư tưởng chúng ta để làm chúng ta quên lãng tất cả. Nhưng Chúa ghen với sự tự do của chúng ta chỉ vì Ngài yêu quý chúng ta. Ngài muốn chúng ta tự do, điều này không làm lợi ích gì cho Ngài mà cho chính chúng ta. Chỉ vì Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và Ngài yêu chúng ta, Chúa không thể chịu được khi thấy con cái Ngài đi trên con đường sai trái.

«Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ» các tượng hình về Chúa bị cấm tạc vì sẽ không đúng sự thật; hơn nữa không ai có thể chiếm hữu Thiên Chúa. Chúa là «Đấng Rất Khác». Chính chỉ vì tình yêu (nhưng không) Ngài trở nên «Đấng Rất Gần» chúng ta.

«Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương». Cách nói này là cách nói của những tình nhân. Để nói lên tình yêu nồng nàn, đòi hỏi đáp lại đối với dân Ngài. Một tình yêu không có chỗ cho tình địch nào khác.

«Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời» trong tâm thức thời ấy không thể nào thấy có một Thiên Chúa không thưởng phạt. Nhưng bài này nhấn mạnh thật nhiều đến thưởng hơn là phạt «những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời

«Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.»

Chúa đã xưng Tên mình cho con người – theo Thánh Kinh – có nghĩa là Chúa đã mặc khải cho con người. Sẽ thật là quái dị nếu muốn đem món quà tuyệt vời đó ra phục vụ cho sự dữ. Và vì lẽ Chúa không có một tương quan nào với sự dữ, làm như thế là tự cắt đứt tương quan với Thiên Chúa, là tự cầm buộc lấy chính mình. Đó là ý nghĩa của câu «CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng

«Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi.» Ngày sabát dừng hết mọi việc, ngày thứ bảy, ngưng mọi sinh hoạt để dành ngày ấy cho cầu nguyện trong gia đình hay ở nhà thờ, và đọc Lời Chúa. Ngày để tưởng nhớ tới những gì làm cho chúng ta sống, từ thế hệ này sang thế hệ khác, như thể quay về nguồn, để được Thiên Chúa giải thoát lại lần nữa: giải thoát chúng ta khỏi lao động, tiền tài, đấy chỉ là cứu cánh, không phải là chính yếu trong đời. Nếu không cẩn thận những điều đó sẽ biến chúng ta thành nô lệ.

«Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi

Lời dạy này có giá trị cho mọi người: trước hết là để bảo vệ chúng ta khỏi bị cám dỗ bắt con người làm việc bảy ngày trên bảy, kế đó nếu ta không làm việc mà ta buộc người khác làm, hoặc gia súc làm thay cho ta thì chính ta cũng không có tâm trí thích hợp cho cầu nguyện. “Vì trong sáu ngày, ĐỨC CHÚA đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh. Ở đây nghỉ ngày sabát được biện bạch bằng ngày Chúa nghỉ, thật vậy sau sáu ngày tạo dựng thì Chúa cũng nghỉ ngày thứ bảy. (Có thể ở đây để nhắc lại con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.)

Nhưng suy nghĩ cho cùng, ngày sabát còn có nhiều ý nghĩa khác nữa. Sau đoạn này một chút, cũng trong sách Sáng Thế, nêu lên những lý do nhân đạo. «Trong sáu ngày, ngươi sẽ làm công việc của ngươi; nhưng ngày thứ bảy, ngươi sẽ nghỉ, để bò lừa của ngươi được nghỉ ngơi, và để đứa con của nữ tỳ ngươi và người ngoại kiều lấy lại sức» (St 23, 12)

Và sách Đệ Nhị Luật nói tiếp:

«Ngươi hãy giữ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát.» (Đnl 5,12-15) Như thế giữ ngày sabát là nhân danh sự tự do.

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng.”

Các điều răn trước là tương quan với Thiên Chúa. Các điều răn này là tương quan với tha nhân. Lý do cả hai, tương quan với Thiên Chúa và tương quan giữa con người, liên kết chặt chẽ với nhau.

Các điều răn sau cùng có tính cách tiêu cực: đó là những bảng chỉ đường cho đời sống xã hội. Từ đó mỗi người rút ra một kết luận cụ thể, tích cực cho cuộc sống của mình. Cách nào đó, mỗi điều răn là công trình giải thoát cho chính chúng ta và cho tha nhân. Đặc biệt là giải thoát cách nhìn của chúng ta: không ham mê của cải gì không thuộc về ta, chính là con đường giải thoát chúng ta từ nội tâm.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân