Suy niệm BĐ1 - CN III Phục Sinh năm B (Cv 3, 13-15; 17-19) - Đấng ban sự sống

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 30 | Cập nhật lần cuối: 4/29/2024 8:29:46 PM | RSS

"Đấng ban sự sống thì anh em đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại".

Trích sách Tông đồ Công vụ (Cv 3, 13-15; 17-19)

…ông Phê-rô lên tiếng nói với dân: "Thưa đồng bào Ít-ra-en :

13 Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha.

14 Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân.

15 Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng.

17 "Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em.

18 Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình.

19 Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em

Thánh Phêrô nói với đám đông Do Thái «Thưa đồng bào It-ra-en». Ngài nói với họ như những người anh em, nhưng đồng thời, nếu có thể nói, chúng ta thấy rõ ngài không ở cùng bên với họ. Rõ ràng ngài đứng về phía Đức Giêsu Kitô và nói với những người có trách nhiệm trong cái chết của Chúa. «Có trách nhiệm nhưng không có tội». Cũng cùng một đám đông đang nghe ngài nói là những người đang ngỡ ngàng trước những sự việc cực kỳ khác thường mà họ đang chứng kiến.

Chúng ta đang trong đền thờ Giêrusalem, khoảng 3 giờ chiều, giờ cầu nguyện. Tại một trong những cửa có tên gọi là «Cửa Đẹp», một người què dang tay xin người qua lại như anh vẫn làm mỗi ngày từ nhiều năm; trong những người đi qua có Phêrô và Gioan. Phêrô nói với người ăn xin: «Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi» (Cv 3,6). Và, Luca kể tiếp, Phêrô cầm tay phải người què và nâng anh đứng dậy. Liền sau đó anh cảm thấy bàn chân và các khớp chân cứng cáp hẳn lên; và phóc một cái anh đứng dậy. Anh chưa bao giờ đi được, nay bước vào đền thờ, vừa nhảy múa vừa tôn vinh Thiên Chúa.

Hiển nhiên, trước cảnh tượng đó mọi người sẵn sàng lắng nghe những lời giải thích. Phêrô hứng khẩu nói: «Thưa đồng bào Ít-ra-en, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi đã làm cho người này đi lại được, nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi?» (Cv 3,12) Chính Đức Giêsu đã chữa lành cho anh. Trong lời dẫn chứng thực sự, Phêrô tìm cách làm cho những người đối thoại thực hiện một bước quan trọng trong đức tin. Tất cả đều tin nơi Thiên Chúa của các tổ phụ, tất cả đợi chờ Đấng Cứu Thế, tất cả đều biết các lời tiên tri trong Cựu ước. Nhưng làm thế nào để thuyết phục họ nhận ra tất cả những lời tiên tri đó liên quan trực tiếp tới Chúa Giêsu Kitô? Thật ra Phêrô muốn mở mắt những người Do Thái để họ thấy đã thực hiện một «vụ án sai lầm».

Theo Phêrô việc sai lầm là đưa ra toà và đòi xử tử một người vô tội, lại xin tha cho Baraba là kẻ sát nhân, tất cả vì không hiểu biết. Sai lầm là không nhận ra người công chính ấy là Đấng Mêsia. Chính Chúa Giêsu trên thập giá cũng đã cầu nguyện: «Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.» (Lc 23, 34) Cũng phải nhìn nhận rằng sai lầm là phải. Nếu Ngài là Đấng Mêsia của Thiên Chúa, Đấng Thánh, Đấng Công Chính, Hoàng Tử của Sự Sống, thì mọi người phải biết chứ… Ngài phải tỏ ra mình là Đấng Mêsia chứ, nhưng Ngài không bao giờ đưa ra một bằng chứng nào và cái chết còn là một phản chứng cho Ngài. Chắc chắn, nếu vị Thiên Chúa như người ta tin thì Thiên Chúa đã cứu Người khỏi phải chịu đau khổ như thế…

Thánh Phêrô thản nhiên khẳng định: «13 Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su, Đấng mà chính anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là phải tha…» (Cv 3, 13)

Thật ra trong Cựu ước không có đoạn nào quả quyết rõ ràng rằng Đấng Mêsia của Thiên Chúa bị ruồng bỏ, bị kết án oan ức và làm như thế để giải thoát nhân loại. Đấng Mêsia được loan báo dưới hình thức của một vị vua giải thoát dân Ngài, một tư tế ban ơn tha thứ tội lỗi, một ngôn sứ đem lại sự cứu độ của Thiên Chúa, một Con Người vinh quang chiến thắng sự dữ. Trong tất cả những lời loan báo đó đều nói tới sự vinh thắng.

Vẫn còn những “bài ca về Người Tôi Tớ” nổi tiếng này trong sách Isaia, nhưng rõ ràng là những bài ca này hầu như không truyền cảm hứng cho các thượng tế vào thời Chúa Giêsu. Sau đó, tất nhiên đối với các chứng nhân của sự phục sinh của Chúa Kitô, những người có tâm hồn “mở ra để hiểu Kinh Thánh”, như Thánh Luca đã nói ở nơi khác, mọi sự đều sáng tỏ: họ đọc lại những lời tiên tri của Isaia và khám phá lại những bản văn nổi tiếng này đã trình bày Đấng Mêsia dưới hình dạng một Người Tôi Tớ đau khổ; họ xem đó là lời loan báo về những đau khổ và sự vinh hiển của Chúa Giêsu.

Đặc biệt là Bài Ca Thứ tư Người Tôi Trung được ứng dụng một cách hoàn hảo vào cuộc thương khó của Chúa Kitô: «2 Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. 3 Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.» (Is 53, 2-3)

Nhưng cũng trong bài này, Người Tôi Trung cũng được vinh danh: «13 Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng.» (Is 52, 13)

Chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của bài này như thế nào trong sự suy niệm của các Kitô hữu đầu tiên về mầu nhiệm Chúa Kitô. Và chính vì khám phá này mà Phêrô muốn đưa những người Do Thái đang lắng nghe tới sự khám phá ấy và ông nói với họ rằng không bao giờ có gì bị mất cả; luôn luôn có thời gian để sửa chữa sai lầm của công lý, để phục quyền cho người vô tội. Và lòng thương xót của Chúa tuyệt vời ở ngay chính lời cầu nguyện của Đức Kitô áp dụng cho họ: «Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.» (Lc 23, 34). Tôi biết rõ rằng quý vị và những những vị lãnh đạo của quý vị đã hành động vì thiếu hiểu biết … Hãy trở lại, quay về với Thiên Chúa để tội lỗi của quý vị được xoá bỏ.

Tác giả:Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân