Suy niệm BĐ1 - CN IV Mùa Chay B - Thiên Chúa là Thiên Chúa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 41 | Cập nhật lần cuối: 4/29/2024 7:33:57 PM | RSS

"Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc".

Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ hai. (36, 14-16,19-23)

14 Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà ĐỨC CHÚA đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế.

15 ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người.

16 Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến ĐỨC CHÚA bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.

19 Quân Can-đê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giêrusalem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá.

20 Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Babylon ; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba-tư ngự trị.

21 Thế là ứng nghiệm lời ĐỨC CHÚA phán, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng: cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn.

22 Năm thứ nhất thời vua Ky-rô trị vì nước Ba-tư, để lời ĐỨC CHÚA phán qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a được hoàn toàn ứng nghiệm, ĐỨC CHÚA tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau:

23 "Ky-rô, vua Ba-tư, phán thế này: "ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giêrusalem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên. ..!"

Hai sách Sử Niên Biên có thể ví như bộ sách tóm lược lịch sử Ítraen, từ đời vua Đavít đến hết cuộc lưu đày Babylon. Các sách này được cùng tác giả viết các sách Etra và Nêhêmia khoảng 300 năm trước CN. Đề tựa «Sử biên» chỉ có nghĩa phỏng chừng, vì đây không phải một quyển sách có tính cách phóng sự hay lịch sử thật sự. Mục đích của những sách này trước hết nặng phần thần học: tác giả sách, được gọi là «sử biên», không chú trọng lắm đến các sự kiện nhưng đến những bài học rút ra từ những sự kiện ấy (có thể gọi «bài học luân lý» từ câu chuyện).

Đặc biệt hạnh kiểm của mỗi đời vua đều lần lượt được đánh giá theo sự trung tín hay bất trung đối với Luật của Thiên Chúa hoặc có vâng lời các ngôn sứ hay không? Tuy thế, tất cả các sự kiện được liệt kê trong tài liệu được đọc ngày nay hoàn toàn có thật. Đây là triều đại vua Xítkigia: Xítkigia là một trong các đứa con trai của vua Giôsigiahu, có tiếng là thánh thiện và trung tín với Lề Luật. Chính ngài là người đặc biệt khởi sự cải cách thật sự về đạo, và nhờ ngài mà một quyển sách quý được khám phá ra, sau này mang tên là Đệ Nhị Luật. Sau khi vua qua đời, hai đứa con trai của ngài lần lượt lên ngôi thế vì, nhưng cuộc cải tổ đã chấm dứt. Người sử biên chỉ viết vỏn vẹn «Vua đã làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA» (2Nb 33, 2). Trong lúc ấy Pharaô và Nabucôđônôxo tranh quyền bá chủ vùng này. Sau cùng Nabucôđônôxo chiến thắng, vương quốc Giuđa nhỏ bé đã nhiều lần nổi dậy nhưng đều bị đè bẹp.

Từ năm 598 Nabucôđônôxo làm chủ thành Giêrusalem. Ông cướp phá đền thờ; tăng phong rồi hạ chức các vua cốt để hạ gục những người không theo ông, và bắt đầu bắt đi đày hàng loạt người. Sách các Vua quyển thứ II kể rằng tất cả Giêrusalem bị đi đày. Tất cả nhà lãnh đạo, những người giàu có - hết thảy mười ngàn người - tất cả thợ kim khí, thợ ổ khoá và dĩ nhiên tất cả quân nhân, chỉ còn vỏn vẹn những người dân thấp hèn ở lại. Ông đặt Xítkigia làm vua trị vì từ năm 598 đến năm 587. Nhưng vua này chẳng dễ bảo gì hơn những vua khác, đối với Thiên Chúa, đối với các tiên tri của Người và cả đối với đấng tối cao thời ấy là Nabucôđônôxo.

Năm 587, Nabucôđônôxo bao vây lần thứ hai Giêrusalem và đè bẹp cuộc nổi loạn của Xítkigia. Trận vây thành Giêrusalem kéo dài 18 tháng trước khi bị phá hủy hoàn toàn. Phần nhỏ dân còn sống sót bị đi đày. Thông thường cuộc lưu đày sang Babylon được kể khởi đầu vào năm 587. Cuộc lưu đày kéo dài cho đến khi Nabucôđônôxo vua Babylon bị đè bẹp bởi một cường quốc mới của Trung Đông là Iran mà thời ấy còn được gọi là Ba Tư. Chính trị của Kyrô vua Ba Tư, rất thuận lợi cho dân thành Giêrusalem. Một cách dứt khoát, ông giải thoát tất cả những người di dân về bản xứ của họ. Dân Do Thái cũng được hưởng quyền này như mọi dân tộc khác. Không ai ngờ như thế nên người ta thấy đây là bàn tay của Chúa: «22 Năm thứ nhất thời vua Ky-rô trị vì nước Ba-tư, để lời ĐỨC CHÚA phán qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a được hoàn toàn ứng nghiệm, ĐỨC CHÚA tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau:23 "Ky-rô, vua Ba-tư, phán thế này: "ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giêrusalem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên. .. ! » (2Sb 36,22-23)

Thế nhưng tiên tri Giêrêmia đã nói gì? Ngài chỉ nói những gì thuộc vai trò ngôn sứ, nhắc lại không ngừng Lề Luật của Thiên Chúa và đe dọa những hình phạt ghê gớm nhất, nếu họ không hoán cải. Ngài thật thất vọng vì những gì ngài tiên báo đã xảy ra. Đối với tác giả sách Niên Biên tất cả điều ấy đều rõ ràng: Chúa đã nhẫn nại, luôn nhẫn nại, Người đã cảnh báo dân Người như báo cho ai đó đang đi trên bờ vực thẳm, thế nhưng cả dân lẫn vua không ai muốn nghe: «Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà ĐỨC CHÚA đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế» (2Nb 36,14)

Khi đọc lại tiên tri Giêrêmia những lời khiển trách dân chúng nặng nề nhất là việc bóp méo hẳn Đạo Giao ước với Thiên Chúa. Không những không giữ ngày Sabát, mà nhất là rơi vào thờ bụt thần, đó là điều tồi tệ nhất thời bấy giờ. Các điều răn đối với Thiên Chúa bị bãi bỏ…những điều răn đối với người khác cũng bị bãi bỏ. Thiên Chúa thì không bao giờ quên Giao ước. Người luôn luôn là «Thiên Chúa của cha ông», từ thời các tổ tiên, Ápraham, Isaác, Giacóp «ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người

Cũng như Giêrêmia không ngừng cảnh báo: “Nhưng các ngươi lại ỷ vào những lời dối trá vô giá trị.9 Trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương tế thần Ba-an và đi theo các thần lạ các ngươi không biết,10 rồi lại vào nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: "Chúng ta được an toàn! ", sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì?11 Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? Ta, Ta thấy rõ hết - (Gr 7, 9-11)

Không phải vì quyền lợi của Chúa mà Người luôn luôn nhắc lại các điều răn của Người qua các tiên tri. Giêrêmia có câu tuyệt vời sau đây: «19 Có phải chúng xúc phạm đến Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - hay là xúc phạm đến chính mình, làm cho mặt mình phải xấu hổ?» (Gr 7,19)

Có nghĩa là dân được Chúa giải thoát lại rơi vào làm nô lệ cho các thần giả mạo và sa vào các hành động bất xứng với con người tự do: «Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước.» (Gr 2,13)

Mà họ còn cư xử với các ngôn sứ như thế này: «16 …nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người,».

Điều gì phải tới đã tới: Thiên Chúa luôn trung thành với Lời Người, Người hứa hạnh phúc nếu vâng theo các điều răn của Người, và đau khổ nếu bất tuân. Chính vì trung thành với Lời Ngài, bắt buộc cuối cùng Ngài phải hành động: «Khiến ĐỨC CHÚA bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa

Chúng ta ngạc nhiên thấy một đoạn Thánh Kinh rất gần Tân ước rồi mà còn nói tới Thiên Chúa nổi giận. Như con người chúng ta có thể thả xuôi theo cơn giận - thế nhưng bầu khí lúc bấy giờ cần cách nói như thế: nguy hại của bụt thần còn rõ ràng đó. Để đảm bảo đức tin vào Thiên Chúa duy nhất không còn phương pháp nào hơn là trút tất cả trách nhiệm của Thiên Chúa vào mọi sự kiện đó: chẳng những tai hoạ bị lưu đày mà kể cả việc vua Kyrô cho phép trở về Giêrusalem. Ý thức thần học thời ấy chỉ cho phép nghĩ rằng, nếu Người không phải là Chủ của các sự kiện ấy, tức là có những thần khác. Sau này, dần dần thể hiện mặc khải về Thiên Chúa, người ta khám phá rằng những tình cảm như giận dữ, báo thù không thể nào có nơi Thiên Chúa, Đấng «Thật Khác», vì chỉ có một điều nơi Người là Tình Yêu.

Trong lúc chờ đợi người viết Biên Niên cũng có cách xác định được hai điều chính yếu của đức tin. Điều thứ nhất là Chúa là Thiên Chúa của các tổ tiên, mặc cho mọi bất trung của dân Người, và Chúa làm mọi sự để họ không rơi vào vực thẳm. Điều thứ hai là khi họ rơi dưới đáy vực thẳm, Người luôn có cách đem họ ra, vì không có gì mà không thể được đối với Thiên Chúa.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân