Suy niệm BĐ1 - CN IV Phục Sinh năm B (Cv 4, 8-12) - Danh Thánh Giêsu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 20 | Cập nhật lần cuối: 5/2/2024 8:20:01 AM | RSS

Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác

Trích sách Tông đồ Công vụ (4, 8-12)

8 Bấy giờ, ông Phê-rô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: "Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục,

9 hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa.

10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị.

11 Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường.

12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ."

Luca đã cẩn thận làm rõ ngay từ đầu là Phêrô tràn đầy Chúa Thánh Thần khi Phêrô long trọng tuyên bố trước Thượng Hội Đồng, nghĩa là trước toà án. Trước hết, điều này chứng tỏ những gì Phêrô nói đặc biệt quan trọng; thứ hai là phải can đảm lắm mới hành động như thế.

Câu chuyện xảy ra sau khi người què được chữa lành tại Đền thờ Giêrusalem, cạnh Cửa Đẹp. Ngay sau phép lạ đó Phêrô ứng biến một bài diễn từ nói với những người Do Thái: chính Đức Giêsu mà quý vị đóng đinh, đã phục sinh và đã thực hiện phép lạ mà quý vị vừa chứng kiến, qua trung gian là chúng tôi, các tông đồ của Người. Thật ra quý vị đã hành động vì thiếu hiểu biết, và Chúa Giêsu đã tha thứ cho quý vị như được xác thực qua chính lời của Người trên thập giá: «Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm» (Lc 23, 34) - tất cả những gì quý vị phải làm là hãy hoán cải. Bài diễn từ ngắn đó, thật sự đã làm cho một số người hoán cải, thế nhưng cũng có người không thích. Thật dễ hiểu: chính những người đã quyết định kết án tử hình Chúa Giêsu cách đó chẳng bao lâu, nay không muốn ai nói tới chuyện đó nữa.

Luca kể lại: «1 Hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Xa-đốc kéo đến.2 Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giê-su mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại.3 Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều.4 Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn. 5 Hôm sau, các thủ lãnh Do-thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giê-ru-sa-lem.6 Có cả thượng tế Kha-nan, các ông Cai-pha, Gio-an, A-lê-xan-đê và mọi người trong dòng họ thượng tế.7 Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi: "Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?» (Cv 4, 1-7)

Ngày hôm nay chúng ta không thể đo lường được tầm quan trọng của việc ấy vì chúng ta không ở trong bối cảnh đó. Thế nhưng Phêrô thì không thể nhầm lẫn. Trong khung cảnh của cuộc chiến diễn ra mãnh liệt trong suốt Cựu ước chống mọi hình thức tôn thờ ngẫu tượng, ma thuật, phù thuỷ, việc gọi tên một đấng khác ngoài Thiên Chúa cũng giống như cầu khẩn một vị thần khác, tức là rơi vào thờ phượng bụt thần. Điều này đáng tội bị ném đá.

Trừ phi… chính xác là khi cầu khẩn Danh Chúa Giêsu, Phêrô ý thức rằng ngài nói đến chính Thiên Chúa của Ítraen. Tất cả là ở đây, và nội dung bài hôm nay của chúng ta chỉ nói đến điều này.

Luca bắt đầu bằng việc nói là Phêrô đầy Thánh Thần, đó là cách chứng thực những gì ngài sắp nói: thế rồi thánh sử nhớ lại câu hỏi các nhà chức trách hỏi Phêrô và Gioan: «Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?». Cuối cùng thánh sử thuật lại cho chúng ta câu trả lời của Phêrô: «Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục,9 hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa.10 Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị….12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ » ( Cv4, 9-10 ;12)

Phêrô ý thức là đã nêu danh Giêsu, tức là một cách nói Người là «Đấng Cứu Độ», danh hiệu này chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Các tiên tri rất chắc chắn về điều này. Ví dụ, Tiên tri Ôsê: «4 Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi từ khi ngươi còn ở đất Ai-cập. Ngoài Ta ra, ngươi không được biết thần nào khác, chẳng có vị cứu tinh nào khác ngoại trừ Ta.» (Hs 13, 4; 12, 10) Hay Isaia cũng thế: «Há chẳng phải Ta, chẳng phải ĐỨC CHÚA? Ngoài Ta ra, không có thần nào nữa, chẳng có thần công minh cứu độ, ngoại trừ Ta.» (Is 45, 21b)

Điều khẳng định đầu tiên của Phêrô hoàn toàn điên rồ: chính Giêsu là Thiên Chúa. Điều thứ hai ngài còn nói: « 12 Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.» (Cv 4,12). Với người què thì ngài nói: «Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi.» (Cv 3, 6)

Đối với người Do Thái thật khó nghe và không thể chấp nhận được: Danh Thiên Chúa đã được mặc khải cho dân tuyển chọn nhưng tuyệt đối cấm không được nói lên vì tôn kính, bởi vì con người không thể sở hữu Thiên Chúa được.

Các quan tòa thật lúng túng. Một đàng là người què này ai cũng biết - Luca kể cho chúng ta - anh què đã bốn mươi tuổi, được chữa lành và gây ấn tượng mạnh; đàng khác, những thế lực này giảng dạy họ về một Giêsu mà họ nghĩ rằng họ đã loại bỏ.

Luca kể lại: họ nhận thấy nơi hai ông Phêrô và Gioan đầy tự tin, nơi những người vốn ít học, tầm thường trong xã hội, họ rất ngạc nhiên. Họ nhận ra hai ông là những người bạn của Giêsu. Họ nhìn người vừa được chữa lành đứng ngay trước mắt họ mà không có cách nào phản công lại. Họ làm như thường lệ trong những trường hợp như thế, tức là cho hai ông trở về chờ họ biểu quyết. Luca viết: «Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và ta không thể chối được.17 Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy răn đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa.» (Cv 4,16-17)

Nhưng từ nay không còn ai, không có gì có thể làm câm miệng những chứng nhân của Đức Kitô. Điều này nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã phán trước khi từ giã họ về trời: « 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.» (Cv 1, 8)

Lưu ý :

1/- Luca trong bài này viết nhiều lần Gioan luôn bên cạnh Phêrô nhưng Gioan không nói một lời. Mọi sự là do Phêrô chủ động: điều này chứng tỏ các tông đồ hiệp nhất với nhau nhưng Phêrô thực sự là người đứng đầu Giáo Hội sơ khai. Nếu Luca khẳng định thì là vì nó không hề vô ích…

2/ «…không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ» (Cv 4, 12), chúng ta mang chính Danh Chúa Kitô, Danh Người được ủy thác cho chúng ta; do đó trách nhiệm của chúng ta là loan báo ơn cứu độ.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân