Suy niệm BĐ1 - CN V Phục Sinh năm B (Cv 9, 26-31) - Kính sợ Thiên Chúa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 19 | Cập nhật lần cuối: 5/8/2024 2:50:32 PM | RSS

"Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào."

Trích sách Tông đồ Công vụ. Cv 9, 26-31)

26 Khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ.

27 Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào.

28 Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa.

29 Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông.

30 Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.

31 Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.

Chúng ta bước sang một giai đoạn mới của sách Công Vụ Tông Đồ. Cho tới nay Luca kể lại cho chúng ta thời sơ khai của Hội Thánh sau lễ Hiện Xuống. Phêrô và Gioan là trung tâm của câu chuyện. Sau đó là cuộc tử đạo của Têphanô và sự xuất hiện một thanh niên rất trẻ, Saolô thành Tácsô. Trong lúc dân chúng ném đá Têphanô, chính anh là người giữ áo cho mọi người.

Cũng chính Saolô đã trở lại Giêrusalem, một thời gian sau đã hoán cải, rửa tội. Đương nhiên, danh tiếng kẻ bắt bớ của ông đã có trước ông, bởi vì ông không những chỉ bằng lòng với việc việc hành quyết Têphanô. Cho tới một thời gian dài, không mấy ai quên ngài là kẻ thù số một của những Kitô hữu. Thánh Luca kể rằng: «3 Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.» (Cv 8, 3)

Ngài không những hoạt động ở Giêrusalem mà lòng đầy nhiệt huyết xin Thượng Tế một sự vụ lệnh đến Đamát truy lùng và bắt tất cả các Kitô hữu. Dĩ nhiên, khi người ta thấy ngài trở về và tìm cách nhập đoàn với các Kitô hữu thì ai nấy cũng nghi ngờ. «26 Khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ.»

Ai có thể nói là ông không len lỏi vào hàng ngũ để tố cáo mạnh hơn các Kitô hữu? Lạ kỳ thay đó là một người chúng ta gần như quên tên đi, đó là Banaba. Chính ông đóng vai trò cần thiết, làm người cam kết cho lòng ngay của Saolô, và giúp cho Saolô tham dự. Banaba, thật sự không phải là tên thật của ông, tên ông là Giuse và là luật sĩ người Do Thái, quê quán ở đảo Sýp. Rõ ràng ông là người có uy tín trong cộng đồng Kitô hữu vì họ đặt tên ông là Banaba, có nghĩa là người có tài yên ủi… Đó cũng là một lời tán dương rồi! Mọi người cũng biết ông là người bán ruộng của mình, bỏ tiền vào quỹ chung của cộng đồng.

Ông hẳn là một người nồng nhiệt và niềm nở cho nên ông nhanh chóng chấp nhận tin tưởng người vừa mới hoán cải, đó là Saolô. Sách Công Vụ Tông Đồ không nói ông đã đi cùng với Saolô trên đường Đamát, khi được Chúa Giêsu hoán cải. Thế nhưng khi Saolô đến Giêrusalem, ông tin lời nói của Saolô và chấp nhận đứng ra bảo lãnh cho Saolô trước mặt các môn đệ khác: « 27 Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào.»

Liên tiếp hai lần, thánh Luca lập lại: «Ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giêsu.» Kể từ nay, ông phục vụ đức tin Kitô với cùng một mãnh lực và lòng nhiệt thành mà ông đã dùng trước đây để tiêu diệt đức tin ấy. Lý do là đột nhiên mắt ông được sáng ra, và tất cả đối với ông được sáng tỏ: không một giây phút nào ông có cảm tưởng chối từ đức tin của cha ông mình khi trở thành một Kitô hữu; trái lại! Chính vì là người Do thái nên ông mới trở nên là Kitô hữu: niềm mong đợi của người Do Thái trong nhiều thế kỷ đã được thực hiện trong Chúa Giêsu.

Vài năm sau, khi bị kết án thánh Phaolô nói: «22 Được Thiên Chúa phù hộ, cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn tiếp tục làm chứng trước mặt kẻ nhỏ cũng như kẻ lớn; tôi không nói gì khác ngoài những điều các ngôn sứ và ông Mô-sê đã báo trước sẽ xảy ra.» (Cv 26, 22) Thế nhưng mọi người không chấp nhận điều đó. Ngay từ Đamát sau khi ngài được ơn hoán cải, có những người Do Thái muốn giết ngài. Họ canh gác mọi cổng ra vào thành, không cho ngài thoát. Để giải cứu, các môn đệ, đợi đến đêm đặt ngài trong cái thúng, từ trên cao thả ngài thoát qua tường thành.

Ở Giêrusalem cũng thế, sau cuộc thử thách được các Kitô hữu chấp nhận, nay lại phải đối đầu với những người Do Thái. Đối với họ, Phalô là một kẻ phản bội, rơi vào bọn lạc giáo Kitô. Một lần nữa Phaolô bắt đầu nhận thức, dần dần thấy rõ phải chống chọi với những cuộc bách hại, đeo đuổi ngài trong suốt đời truyền giáo: «29 Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hoá Hy-lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông.» (Cv 9,29)

Phải tiếp tục trốn tránh. Các môn đệ khuyên nên cẩn thận, lấy chuyến tàu đầu tiên quay về Tácsô, quê quán của ông phía nam xứ Thổ Nhĩ Kỳ. (Chính ở đây vài năm sau Banaba đến kiếm ông để đem về Antiôkhia bên Siria.)

Tất cả những sự việc này không cản trở sự lớn mạnh của Giáo Hội. Đọc câu sau đây của thánh Luca chúng ta cảm thấy sự thái bình yên ổn: «31 Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.»

Chúng ta tìm lại nơi đây chữ «kính sợ», quen thuộc trong Cựu ước. Một lần nữa, rõ ràng là «kính sợ Thiên Chúa» theo nghĩa Thánh Kinh, không phải là sợ hãi, nó không cản chúng ta tiến lên, không làm chúng ta tê liệt! Thánh Luca còn nói rõ hơn trong kính sợ Thiên Chúa «Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc »… Cụm từ «kính sợ Thiên Chúa» của Thánh Kinh, chỉ là một thái độ trong sự thật, làm cho ta thấy nhỏ bé trước mặt Chúa nhưng được Ngài yêu mến và che chở. Chính đó là suối nguồn của lòng tin của những Kitô hữu thời sơ khai, làm người đương thời của họ ngạc nhiên. Chúng ta còn nhớ, câu chuyện chữa lành người què ở Cửa Đẹp thành Giêrusalem: khi hai thánh Phêrô và Gioan bị đem ra trước toà án, dọa nạt để các ngài im miệng, các quan toà sửng sốt: «13 Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giê-su.» (Cv 4, 13)

Thánh Phaolô không phải là người không có chữ nghĩa. Ông là người theo Pharisêu, và hoàn toàn tuân giữ các điều luật của nhóm trí thức này, được đào tạo theo trường phái Gamalien nhưng lòng vững tin của ngài không vì những lý do ấy, sở dĩ ngài được như thế chỉ vì từ trên đường Đamát ngài được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân