Suy niệm BĐ1 - CN XXI TN A: Chìa khoá nhà Đavít

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 82 | Cập nhật lần cuối: 11/8/2023 1:06:17 AM | RSS

"Ta sẽ để chìa khóa nhà Đa-vít trên vai nó."

Trích sách Tiên tri Isaia (22, 19-23).

19 Đức Chúa phán: "Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ,
Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị.

20 Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta
là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu.

21 Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó,
cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó,
quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó,
nó sẽ là cha đối với cư dân Giê-ru-sa-lem và với nhà Giu-đa.

22 Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Nó mở ra thì không ai đóng được,
nó đóng lại thì không ai mở được.23 Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó."

Chúng ta biết khá rõ mối bất hòa giữa tiên tri Isaia và vua Akhát, với những sấm ngôn bất hủ tiên báo một vị vua nhỏ sắp ra đời, bất ngờ đem lại mọi ước vọng và sẽ cầm quyền. Thì đây vị vua ấy đã được sinh ra, ngài tên Khítkigia, nhưng không vì thế mà ngôn sứ Isaia có thể nghỉ ngơi.

Khítkigia trị vì từ năm 716 (khi vua cha băng hà) đến năm 687 trước CN. Dưới mắt các tác giả Thánh Kinh thì đây là một vị vua tốt lành. Sách thứ hai Các Vua trao tặng ngài lời khen ngợi: "Vua đã làm điều ngay chính trước mắt ĐỨC CHÚA, đúng như vua Đavít, tổ phụ vua đã làm. Chính vua đã dẹp các tế đàn ở nơi cao, đập bể các trụ đá, bổ các cột thờ và đập tan con rắn đồng ông Môsê đã làm, vì cho đến thời đó, con cái Ítraen vẫn đốt hương kính nó" (2V 18, 3-4). Điều này rất đáng được khen ngợi vì ông nhất quyết tranh đấu chống mọi hình thức, phong tục ma tà và thờ lạy bụt thần. Hơn nữa: "Vua đã đặt niềm tin tưởng vào ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ítraen. Sau vua, chẳng có vua Giu-đa nào được như thế, cũng như trước vua chẳng có ai được như vậy. Vua gắn bó với ĐỨC CHÚA, không bỏ Người; vua tuân giữ các mệnh lệnh ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Môsê.7 Vì thế, ĐỨC CHÚA đã ở với vua; vua tra tay làm việc gì thì cũng thành công" (2V 18,5-7)

Lúc ban đầu tốt đẹp! Thế nhưng rồi mọi chuyện trở nên tồi tệ: tuy nhiên cũng phải nói lịch sử thời ấy thường bị xáo trộn. Cha ngài, vua Akhát đã chấp nhận sự bảo trợ của quân Atsua, và suốt triều đại của mình, vua Khítkigia mơ một ngày sẽ tìm lại tự do, có lúc nổi lên chống lại quân Atsua (điều này rất nguy hiểm vì sức mạnh hai bên không cân đối), hoặc nhờ vào thế của Ai Cập, giải pháp này cũng không hơn gì. Thế nhưng, mọi giao ước giữa con người thế nào rồi cũng phải trả giá, vì thế vị ngôn sứ không đồng ý nữa. Ví dụ một ngày nọ, để nộp một số tiền triều cống khổng lồ cho vua Atsua, vua Khítkigia bắt buộc phải nộp: "Tất cả số bạc có trong Nhà ĐỨC CHÚA và trong kho đền vua. Chính vào thời đó, vua Khítkigia đập gẫy các cánh cửa của đền thờ ĐỨC CHÚA, cũng như các khung cửa mà …, vua Giuđa, đã bọc bằng kim khí, lấy nộp cho vua Át-sua." (2V 18, 15-16). Câu truyện ông Engiakim và Sépna nằm trong bối cảnh ấy: hình như trong lúc vua bàn cãi những vấn đề chính trị tiên quyết cho sự tự do tín ngưỡng Ítraen (dưới mắt vị ngôn sứ là điều chính yếu), thì Sépna chỉ quan tâm đến tư lợi, "nhét đầy túi" như ngày nay người ta nói.

Thật lạ lùng, trong Thánh Kinh thường tìm cốt yếu là lời lẽ thần học, một mặc khải của Thiên Chúa, cho chúng ta biết nhiều trình thuật lịch sử, hơn nữa những giai đoạn lịch sử nhiều chằng chịt, và những thủ đoạn trong triều đình, ví dụ trong đó có truyện hai ông Sépna và Engiakim. Bài học đầu tiên rút ra, không tìm Chúa nơi đâu khác hơn là những lúc tối tăm nhất trong đời chúng ta; Ngài sẽ mặc khải, ngày qua ngày trong lịch sử. Chính nơi đây, chúng ta nên học cách nhận ra sự hiện diện của Chúa, tác động của Ngài. Ví dụ trong bài này, Chúa không để vua của Ngài lâu không có người cộng tác tối cần. Ngôn sứ phơi bày những lý do thầm kín của Sépna và loan báo Sépna sẽ bị cách chức: "Người hùng ơi, này đây ĐỨC CHÚA sắp thẳng tay quăng ông đi, sắp túm chặt lấy ông, sắp cuốn, sắp cuộn tròn ông lại, như một quả bóng lăn vào vùng đất mênh mông. Ông sẽ chết tại đó, và chiến xa từng làm cho ông vẻ vang rạng rỡ cũng sẽ nằm tại đó. Ông ơi, ông là mối nhục cho nhà của chủ ông." (Is 22, 17-18) (những chiến xa, những điều làm mất danh dự vua Khítkigia, có lẽ là ám chỉ đến giải pháp chính trị thiên Ai Cập do Sépna đề nghị, điều gây thịnh nộ nơi ngôn sứ Isaia). Nhân đây, ta thấy lời nói nồng nhiệt của ngôn sứ (LND: Isaia) thật đáng khen ngợi, ngài chỉ quan tâm đến những quyền lợi thật sự của dân Chúa chọn. Chúng ta cũng đoán ra vua tuân theo những lời khuyên của vị ngôn sứ và để cho Isaia có thể can thiệp vào việc triều đình.

Trái với vẻ bề ngoài, và ở đây chúng ta chứng kiến một lời an ủi: vị ngôn sứ loan báo Thiên Chúa sẽ can thiệp cho dân của Ngài. Việc này sẽ qua sự truất quyền quan tể tướng xấu của triều đình (Sépna) và thay thế bằng một vị phục vụ dân chúng thật sự (Engiakim). Hết rồi những lo âu, tình trạng bấp bênh, và bất ổn: từ nay sẽ «vững chắc như đinh đóng cột» (c. 23)

Không lạ gì, bài này được chọn như một tiếng vang cho bài Phúc Âm, Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin tại Xêdarê (Mt 16): chúng ta đọc trong bài này sự vững chắc Chúa Giêsu hứa cho Giáo hội Ngài, và hơn nữa, biểu tượng của «quyền lực của chìa khóa» ngay từ Cựu ước: "Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được." (c. 22).

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân