Suy niệm BĐ1 - CN XXVIII TN A - Thiên Chúa thiết đãi dân Người

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 328 | Cập nhật lần cuối: 1/6/2024 4:26:38 PM | RSS

“Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt”

Trích sách Tiên tri I-sa-ia (25, 6-10a)

6 Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.

7 Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước.

8 Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy.

9 Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ."

10 Bàn tay ĐỨC CHÚA sẽ đặt trên núi này mà nghỉ.

Bài này thuộc về sách gọi là «Khải huyền Isaia», gồm bốn chương 24-27, như một thị kiến ngày tận thế. Vị Tiên tri vén màn lên trước (có nghĩa là khải huyền) những sự kiện ngày cuối cùng của lịch sử. Hơn nữa chương 25 được trích trong bài đọc hôm nay bắt đầu bằng lời tạ ơn: «Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Thiên Chúa của con, con suy tôn Ngài, con xưng tụng danh Ngài, vì Ngài thực hiện những kỳ công, những chương trình tự ngàn xưa thật là bền vững.» (25, 1) Ở đây vị Tiên tri đặt mình ngay trong ngày cuối cùng của lịch sử, và vì ngài ngoảnh đầu lại nhìn về quá khứ, ngài nói: «Ngài thực hiện những kỳ công, những chương trình tự ngàn xưa thật là bền vững.»

Những kỳ công ấy, chúng ta biết rõ, rồi đây nhân loại cũng được quy tụ lại, tái lập hòa bình: ngồi chung bàn, dùng chung tiệc, mừng chung lễ hội, đúng là hình ảnh của thái bình: «Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.» (c. 6)

Dĩ nhiên việc gợi lên như thế chỉ để cho nên thơ, mang tính cách biểu tượng: Tiên tri Isaia không tìm cách diễn tả trên thực tế điều gì sẽ xảy ra. Ngài muốn nói với chúng ta «hết rồi, không còn chiến tranh, đau khổ, bất công». Ngài miêu tả mọi dân tộc mừng lễ hội, nhiều người nghĩ rằng chương này được viết trong, hoặc sau khi lưu đày Babylon, vì thế rất dễ hiểu trong bài có những giấc mơ vui lễ với những hình ảnh của cải dư thừa. Không ai biết bài này được viết lúc nào, nhưng rõ ràng, và chắc chắn là trong một giai đoạn khó khăn. Sở dĩ ngài thấy phải nói lên: «Ngày ấy, người ta sẽ nói: ‘Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ’» (c. 9), là vì ngài thấy cần làm cho người đồng hương lên tinh thần! Phải nên hiểu câu trên đây: Này anh em, hãy xem trong một thời gian nữa, anh em sẽ không hối tiếc vì đã cậy trông…và bây giờ để tôi nói cho anh em nghe, ngày cuối lịch sử sẽ như thế nào, sẽ chậm thôi, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ đến một ngày hòa bình vĩnh viễn. Anh em sẽ ngẩng đầu lên. «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. ĐỨC CHÚA phán như vậy» (c. 9)

Đây là câu trung tâm của bài, đối với vị Tiên tri, câu này minh chứng sự lạc quan của ngài, cho dù bất cứ trường hợp nào: «ĐỨC CHÚA phán như vậy». Người ngôn sứ là người hiểu biết, đã trải nghiệm tác động không ngừng Thiên Chúa cứu độ dân Người. Không ai có thể là ngôn sứ (hay chỉ là chứng nhân đức tin) nếu không phải, một cách nào đó, chính mình hoặc tập thể, đã trải nghiệm kỳ công Thiên Chúa.

Thế nhưng dân tộc Ítraen không ngừng được trau dồi đức tin, bằng cách giữ trong ký ức những kỳ công Thiên Chúa. Hơn nữa, bởi vì không bao giờ quên nên họ có thể vượt qua những khoảnh khắc thử thách. Lý do là vì Chúa đã giải thoát họ khỏi xiềng xích Ai Cập, Chúa cũng sẽ tiếp tục giải thoát họ qua nhiều thế kỷ nữa. Thế nhưng xiềng xích tồi tệ nhất của con người là không thể chung sống hòa bình với nhau, thực thi công chính, giữ Giao ước với Thiên Chúa. Nếu Chúa thực hiện đến cùng kỳ công của Người (và Tiên tri Isaia không nghi ngờ gì, Chúa sẽ không làm), sẽ có ngày tất cả các dân tộc sống trong hòa bình và trong trung tín với Giao ước.

Vì vậy câu quan trọng nhất bài này là: «ĐỨC CHÚA phán như vậy»…Câu khó nhất là: «Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần» (c. 8); câu khó nhất… vì câu này có vẻ quá rõ ràng! «Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần»: khi đọc câu này ngày hôm nay, chúng ta có khuynh hướng nghiên cứu câu này với ánh sáng đức tin ở thế kỷ thứ XXI, và gán cho người viết vào thế kỷ thứ IV trước CN, những tư tưởng của chúng ta không phải của người ấy. Dĩ nhiên, chỉ có Chúa mới biết những gì trong đầu Tiên tri Isaia, nhưng chắc chắn chưa phải là một khẳng định về sự phục sinh, theo nghĩa của người Kitô; dân tộc Ítraen đã được mặc khải một cách tiệm tiến trước Chúa Kitô, tin vào phục sinh thân xác, nhưng rất trễ sau này, rất lâu sau khi sách Tiên tri Isaia được thành văn.

Trong phần lớn lịch sử Thánh Kinh, những từ như ‘sự sống’ và ‘sự chết’ không giống cách hiểu ngày nay. Khi nói ‘sự chết’, là cái chết thể lý cá nhân, điều đó sẽ tới với mọi người và làm chúng ta lo lắng. Đối với tín hữu trong Thánh Kinh, sự chết thể lý ấy thuộc về chân trời của chúng ta; điều ấy được tiền định, không thể nào tránh khỏi, nhưng không có gì đáng buồn nếu nó xảy ra bình thường cuối một chuỗi ngày sống dư đầy. Không ai thấy trước, không ai tưởng tượng một không gian nào khác cho nhân loại ngoài trái đất.

Chính trong không gian địa cầu này, sự sống và sự chết nói ở đây không phải là sự chết thể lý: đối với người tín hữu thời ấy, sống hoàn toàn là sống dưới trái đất này trong Giao ước với Thiên Chúa (ngày nay chúng ta nói sống kết hiệp với Chúa). Còn sự chết là sống cắt đứt với Giao ước. Vì thế điều Tiên tri Isaia thấy trước, đó là ngày chúng ta sống bình an với Chúa và với chính mình; các thế lực của thần chết (hận thù, bất công, chiến tranh) sẽ bị tiêu diệt.

Bởi vì ngài chưa thấy gì khác ở chân trời địa cầu, vì thế không lạ gì vị tiên tri cho rằng tương lai là Giêrusalem (đó là ý nghĩa cụm từ ‘Ngày ấy, trên núi này’) bởi vì nơi ấy có sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Nhưng lời hứa cứu độ không dành riêng cho dân tộc Ítraen, bữa tiệc trên núi dành cho mọi người: «Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân… Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.» Từ ngày Chúa Kitô Phục Sinh, không ai cấm chúng ta nói: Tiên tri Isaia không thể tưởng rằng lúc ấy mình nói đúng như thế.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân