Cầu nguyện với những bài hát Taizé (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 17446 | Cập nhật lần cuối: 1/7/2015 6:40:41 PM | RSS

(tiếp theo)

NHỮNG YẾU TỐ CỦA CẦU NGUYỆN THEO KIỂU TAIZÉ

Nơi cầu nguyện

Nơi cầu nguyện rất quan trọng: khi người tham dự bước vào, nơi chốn và cách bài trí nên mời gọi họ có thái độ cầu nguyện. Nếu có thể, cầu nguyện trong nhà thờ thì tốt: đây có thể là dấu chúng ta hiệp nhất với những lời cầu nguyện của cộng đoàn địa phương (giáo xứ) gặp nhau mỗi ngày Chúa Nhật và với Giáo Hội rộng lớn hơn trên khắp thế giới. Tuy nhiên, cũng có thể cầu nguyện trong phòng hoặc ngay ở bên ngoài. Nơi cầu nguyện nên yên tĩnh và đèn không quá sáng. Bất cứ vật dụng nào không cần thiết nên được dời đi trước, để không có gì làm phiền hay làm cho mọi người bị chia trí. Nếu có thể sắp xếp một nơi với một tấm thảm và những dụng cụ hoặc đệm nhỏ để những ai muốn có thể ngồi hoặc quỳ trên nền nhà thì tốt. Đây là dấu của sự đơn giản; chính thái độ của thân thể, quỳ hay ngồi cách đơn giản, có thể đã diễn tả sự cầu nguyện rồi. Những chiếc ghế có thể được đặt ở hai cánh hoặc ở cuối cho những người cần đến. Tốt nhất là cho mọi người nhìn về một hướng, như một lời nhắc nhở chúng ta không tập trung vào bản thân mà vào Chúa Kitô. Trọng tâm có thể là bàn thờ nếu cầu nguyện trong nhà thờ, hoặc một chỗ trong phòng với một vài bức tranh và có thể là một cuốn Kinh Thánh mở. Những cây nến nên đặt ở khu vực trung tâm này: mọi thứ nên được sắp xếp đơn giản, nhưng thật đẹp. Vì kiểu trang nhã này (vd: những bức tranh theo Truyền thống của Chính Thống Giáo) vẫn tốt hơn kiểu trang trí với những bức họa. Có thể hữu hiệu khi xếp nhiều ngọn nến không thẳng hàng ngay lối, giống như những ngôi sao trên trời, hơn là một vài ngọn nến được xếp theo hệ thống. Những dải vải màu (không quá sặc sở) và những bông hoa hoặc những cành cây cũng có thể được sử dụng. Mục tiêu là đẹp và đơn giản.

Nơi cầu nguyện tốt nhất phải sẵn sàng và yên tình trước khi mọi người đến. Nếu có chơi nhạc trước đó, nên chơi nhẹ nhàng để giúp mọi người bước vào cầu nguyện với thái độ bình yên. Cá nhân hoặc người phụ trách âm nhạc cần nhớ mục đích không phải là hòa nhạc: vẻ đẹp của việc ca hát là diễn tả lời cầu nguyện của mọi người tham dự. Trong một nhóm lớn, có thể có một ca đoàn và những nhạc công. Những người này nên nhớ vai trò của họ là hỗ trợ cho lời ca tiếng hát của mọi người. Tốt nhất ca đoàn và nhạc công ẩn mình đi hoặc ngồi sang một bên hoặc ở phía sau để mọi người không bị phân tâm khi cầu nguyện vì nhìn thấy họ. Cũng thế, không có linh mục hay người hướng dẫn cầu nguyện đứng ở phía trước. Dĩ nhiên là cần có người quyết định trước những bài sẽ được hát, thứ tự của những yếu tố khác nhau của việc cầu nguyện v.v... Nhưng trong chính buổi cầu nguyện, không ai đứng ở phía trước (ngoại trừ, nếu muốn, người đọc các bài đọc và chúc lành kết thúc). Những chỉ dẫn về việc sẽ diễn ra, nên giữ ở mức tối thiểu; nếu thực sự cần thiết, chúng nên được thực hiện cách kín đáo và đơn giản từ phía sau hoặc từ giữa cộng đoàn.

Hình thức cầu nguyện

Hình thức cầu nguyện được tạo nên bời những bài hát, một hoặc hai bài đọc ngắn trong Kinh Thánh, thời gian thinh lặng, những lời chuyển cầu, và có thể một lời cầu nguyện được xướng lên.

Có nhiều loại bài hát khác nhau từ Taizé. Hầu hết những bài hát đều ngắn và được cộng đoàn lặp đi lặp lại nhiều lần. Mọi người có thể cùng hát với nhau một giai điệu. Rất tốt, nếu như có những người có thể hát những bè khác. Hầu hết các bài hát được hòa âm bốn bè (nữ cao: soprano, nữ trầm: alto, nam cao; tenor và nam trầm: bass), những bài khác là những luân khúc, trong đó, giai điệu được lặp lại trễ hơn một chút bởi nhóm thứ hai. Cách hát này cần một chút kinh nghiệm. Nếu cách này không quen với người hát, chỉ cần hát các giai điệu chính là đủ. Nhưng nếu có thể hát đuổi, những bài hát lập tức sẽ hay hơn nhiều. Với những bài hát bốn bè, có thể hát hai bè, luôn luôn nên hát bè nữ cao (soprano) và nam trầm (bass).

Nếu nhóm cầu nguyện lớn và có vài nhạc sĩ có kinh nghiệm, một người lĩnh xướng có thể hát một vài câu lĩnh xướng riêng biệt (như thấy trong sách) trong khi cộng đoàn tiếp tục hát bài ca chính yếu. Cũng có một số bài hát, trong khi cộng đoàn hát “Oh….”, người lĩnh xướng sẽ hát những lời khác.

Tất cả những bài hát Taizé có thể hát mà không cần có nhạc đệm, nhưng nên sử dụng phần đệm đặc biệt đã được soạn cho các nhạc cụ khi có thể. Thường thì có ích khi sử dụng một keyboard, organ hay guitar đệm cho những bài hát, để dẫn đạo nhưng không làm cho bài hát trở nên quá chậm hoặc quá trầm. Tuy nhiên, một keyboard không nên chơi quá lớn, lấn át tiếng hát, nếu được nên chơi với âm sắc “cổ điển” (classical) và không quá “phức tạp” (synthetic). Guitar nên rải dấu thay vì dập hợp âm, đề bài hát giữ được tính chất suy niệm. Mục đích của nhạc đệm là hằng trợ giúp và nâng đỡ tiếng hát.

Những loại bài hát khác như Alleluia và Kyrie eleison, đó là những lời tung hô hoặc điệp khúc được hát bởi cộng đoàn giữa những những câu chúc tụng hoặc chuyển cầu. Cộng đoàn Oh hoặc hum giữa những điệp khúc, trong khi người lĩnh xướng thực hiện những câu xướng; bè đệm “Oh” thường thay đổi ở phần cuối trước khi lặp lại điệp khúc. Khi tiếp tục “Oh”, cộng đoàn có thể hiệp thông sâu xa với những lời cầu nguyện được dâng lên. Trong trường hợp kinh thương xót (kyrie eleision), cộng đoàn “hum” trong khi các ý nguyện được xướng lên thay vì hát lên. Nếu cộng đoàn không thề “hum” hay “oh”, có thể chỉ cần hát Alleluia hoặc Kyrie eleison sau những lời nguyện. Tốt nhất là chuẩn bị và đọc trước những lời nguyện. Vì trong khi thinh lặng, mỗi người có thể đến với Chúa và dâng lên Ngài những lời nguyện riêng, nên những lời nguyện tự phát bày tỏ ý nguyện cá nhân là không cần thiết. Cố gắng tránh quá nhiều lời và thời gian thinh lặng quá lâu giữa những lời nguyện.

Những bài hát có ý giúp mọi người dành thời gian sống trước mặt Thiên Chúa. Những bài hát này nên được hát đủ lâu để cho những ý tưởng quay cuồng trong mọi người được lắng xuống và những lời của bài hát thấm vào bên trong: mỗi bài hát thường được lặp lại khoảng từ bốn đến sáu phút. Số lần không cần quy định trước; nhưng vài người – người hát hoặc chơi nhạc – nên được chỉ định để kết thúc một bài hát và bắt đầu một bài hát khác. Việc thời lượng không được ấn định trước giúp mọi người cảm thấy tự do trong cầu nguyện. Nếu người điều khiển cảm thấy bài mọi người đang hát cần tăng cường thì cho hát lâu hơn; khi khác thì có thể chuyển sang một bài hát mới sớm hơn.

Nên quan tâm đến nhịp của những bài hát. Bài hát nghe có vẻ tốt nhất khi chuyển động nhanh, không quá chậm. Cũng rất tốt khi cẩn thận giữ đúng ngần nào có thể trường độ của những dấu nhạc đã được viết. Đôi khi người ta có khuynh hướng thâu ngắn dấu nhạc phải ngân dài hay kéo dài dấu nhạc vắn, hoặc đặt dấu nhấn sai chỗ, như thế làm giảm bớt vẻ đẹp của âm nhạc.

Không có luật nào minh định những bài hát phải được sử dụng vào lúc nào. Lời bài hát hầu hết được trích từ Kinh Thánh; một ít là lời cầu nguyện của các thánh hoặc những nguồn khác. Người chuẩn bị buổi cầu nguyện có thể nhìn vào chủ đề của lời ca cũng như cảm nhận âm nhạc để quyết định hát những bài nào. Đôi khi, có thể nối kết với bài đọc Kinh Thánh. Có được sự đa dạng càng hay – một số bài hát thì êm dịu và nhiều chất suy niệm hơn, một số khác thì vui tươi hơn.

Hình thức kiểu mẫu của cầu nguyện có thể như sau:

Một hoặc hai bài hát mở đầu để giúp mọi người bước vào giờ cầu nguyện.

Thánh Vịnh: mọi người cùng hát Alleluia, xen kẽ với những câu xướng từ thánh vịnh được đọc hoặc hát bởi người lĩnh xướng. Cộng đoàn đáp lại bằng cách hát Alleluia sau mỗi câu xướng. Thông thường, năm bảy câu xướng là được.

Một bài đọc Kinh Thánh: bài đọc không nên quá dài, một đoạn văn có thể được hiều mà không cần giải thích. Nếu quá dài, thì mọi người sẽ khó khăn hơn trong việc suy niệm về ý nghĩa của nó.
Một bài hát khác, nên chọn một bài hát đơn giản.

Thời gian thinh lặng nên kéo dài từ bảy đến mười phút. Nếu mọi người không quen với việc này, nên giải thích trước buổi cầu nguyện. Nếu cần thiết, đến lúc thinh lặng, có thể thông báo một cách đơn giản như “buổi cầu nguyện sẽ tiếp tục với một vài phút thinh lặng.” Mỗi người có thể sử dụng sự thinh lặng như họ muốn: một số suy niệm trên bản văn Lời Chúa vừa đọc; một số khác cầu nguyện riêng trong lòng; một số khác nữa lặng lẽ sống trước mặt Chúa.

Những lời chuyển cầu xen kẽ với hát Kyrie eleison. Bước này giống như Alleluia: những lời chuyển cầu có thể hát bởi người lĩnh xướng hoặc nói. Mọi người đáp lại bằng cách hát Kyrie eleison để làm cho chúng trở thành lời nguyện của mình. Nếu lời chuyển cầu được hát, thì cần được chuẩn bị trước. (Cuối cùng, sau khi các lời chuyển cầu kết thúc, các tham dự viên có thể dâng lời nguyện ngắn của mình, mọi người hát Kyrie eleison sau mỗi lời nguyện. Những lời nguyện này nên ngắn và nói với Thiên Chúa chứ không phải những suy nghĩ và ý tưởng nói với cộng đoàn).

Kinh Lạy Cha, đọc hoặc hát với giai điệu quen thuộc với mọi người.

Dâng một lời cầu nguyện ngắn hoặc đọc lời chúc lành. Ở Taizé, lời chúc lành này sẽ được đọc bởi vị Trưởng Cộng đoàn. Nếu có linh mục hoặc mục sư, thì các vị này sẽ chúc lành cho mọi người.
Buổi cầu nguyện kết thúc với hai hoặc ba bài hát. Nếu như có một số thích ở lại lâu hơn và tiếp tục cầu nguyện bằng cách tiếp tục hát, thì họ đáng được khích lệ. Những buổi cầu nguyện buổi tối tại Taizé thường kéo dài nhiều giờ theo cách này, đến tận khuya.

Chương trình căn bản cho một buổi cầu nguyện có thể được giản lược bằng cách bỏ bớt vài phần (nhưng luôn giữ lại sự thinh lặng); cũng có thể mở rộng bằng cách thêm nhiều bài hát và nếu muốn thêm bài đọc Kinh Thánh thứ hai.

“Cầu nguyện quanh Thánh Giá” và “Cử hành Ánh Sáng Phục Sinh”

Có thể kể thêm hai yếu tố nữa của việc cầu nguyện ở Taizé; đó là “Cầu nguyện quanh Thánh Giá” và “Cử hành Ánh Sáng Phục Sinh”:

“Cầu nguyện quanh Thánh Giá”. Trong khi mọi người hát những bài hát kết thúc buổi cầu nguyện, một ảnh Thánh Giá có thể được đặt trên một tấm đệm trải trên sàn ở giữa nơi cầu nguyện, hoặc ngay phía trước. Những ai muốn có thể đến gần Thánh Giá, quỳ bên cạnh và cúi xuống chạm trán vào Thánh Giá một lúc. Đây là dấu giao cho Chúa Kitô những gánh nặng của chúng ta hay của những người khác. Nó là cử chỉ được các tín hữu Chính Thống tại Nga đề nghị cho cộng Đoàn Taizé trong những năm 1970, và trở thành một phần phụng vụ tối thứ Sáu từ đó cho đến nay.

“Cử hành Ánh Sáng Phục Sinh”. Trong khi hát những bài hát kết thúc buổi cầu nguyện với chủ đề ngợi khen Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, mỗi người thắp sáng một cây nến nhỏ đã được nhận trước đó, trong khi chuyền cây nến cho những người khác. Nếu cầu nguyện trong nhà thờ, nơi có nến phục sinh, thì nến Phục Sinh có thể thắp sáng trước khi bắt đầu buổi cầu nguyện, và lúc cử hành, ngọn lửa từ những cây nến nhỏ đầu tiên được thắp lên từ cây nến Phục Sinh trước khi được chuyền cho mọi người. Nếu có trẻ em ở đó, thì các em sẽ thắp lên những cây nến đầu tiên và mang lửa đến cho mọi người ở những điểm khác nhau trong nhà thờ.

Tại Taizé, cử hành Ánh Sáng Phục Sinh này được tổ chức vào mỗi buổi tối thứ Bảy. Ở những nơi khác, nếu có cuộc gặp gỡ để cầu nguyện trong vài ngày, cử hành Ánh Sáng Phục Sinh sẽ được tổ chức sau ngày cầu nguyện quanh Thánh Giá, nếu có thể thì tổ chức vào tối thứ Sáu và tối thứ Bảy trong Tuần Thánh. Với buổi cầu nguyện diễn ra nhân một cơ hội nào đó, gộp chung cả hai phần thì tốt hơn để không bỏ sót khía cạnh nào của cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Trong trường hợp này, có thể khởi sự cầu nguyện quanh Thánh Giá sau Kinh Lạy Cha hoặc sau phần chúc lành. Khi những người có ý muốn, đã đến cầu nguyện bên Thánh giá, trong khi cộng đoàn hát những bài ca êm dịu, bài hát chủ đề Phục Sinh có thể được hát lên và cây nến được thắp sáng và chuyền đi từ người này đến người khác.

Không nên coi hình thức này như một phương pháp cầu nguyện. Nó không phải là thứ linh đạo đặc biệt, cũng không có ý dùng để thay thế những hình thức hiện có của phụng vụ. Đơn giản là để giúp những người khác nhau cầu nguyện với nhau, có thể linh động khi sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau, và không gây khó khăn cho những người có ít kinh nghiệm về việc cầu nguyện mang tính phụng vụ.

Điểm cuối cần lưu ý là các thầy thuộc cộng đoàn Taizé và các bạn trẻ đến thăm Taizé thuộc những tôn giáo khác nhau, cả Công Giáo lẫn Tin Lành. Thầy Roger, người sáng lập Cộng đoàn Taizé, luôn nhớ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu Kitô cho các môn đệ: “Xin cho họ nên một để thế giới có thể tin”. Hình thức cầu nguyện này có thể mở ra những khả năng cho những cử hành đại kết. Nếu không khơi lên những vấn đề thần học và điều hành gay go, thì các tín hữu thuộc những truyền thống khác nhau có thể khám phá cách rõ ràng hơn họ đều là những người theo cùng một Chúa, Đấng ước muốn hợp nhất các môn đệ của Ngài như một chứng từ về tình yêu của Chúa Cha.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về website www.taize.fr. Những trang “học hát” giúp các bạn nghe riêng từng bè khác nhau. Website cũng bao gồm một danh sách đĩa nhạc được thực hiện tại Taizé hoặc cộng tác với Cộng Đoàn.

Bạn có thể sử dụng mẫu dưới đây để chuẩn bị cho buổi “cầu nguyện với những bài hát Taizé”:

Những bài hát mở đầu :

1) ____________________________________

2) ___________________________________

Thánh Vịnh với Alleluia: Thánh Vịnh ­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­__________

1) _______________________________________

2) _______________________________________

3) _______________________________________

4) _______________________________________

5) _______________________________________

Bài đọc: _______________________________________

Bài hát đơn giản: _______________________________________

Thời gian thinh lặng (7 đến 10 phút)

Những lời nguyện chung, với Kyrie eleison

1) _______________________________________

2) _______________________________________

3) _______________________________________

4) _______________________________________

5) _______________________________________

...

Kinh Lạy Cha

Lời nguyện ngắn hoặc chúc lành: _____________________________________

Những bài hát

1) _______________________________________

2) _______________________________________

3) _______________________________________

...

Cộng đoàn Taizé

Anne Sương chuyển dịch & Lm. Phêrô Hiền hiệu đính
Nguồn: tgpsaigon.net

-----------------------------

Bài liên quan:

Cẩm nang "Cầu nguyện với những bài hát Taizé" (1)