Tuần lễ cầu cho hiệp nhất 2019: Ngày thứ IV (21/1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1888 | Cập nhật lần cuối: 9/10/2019 9:31:09 PM | RSS

Tuần lễ cầu cho hiệp nhất: Ngày thứ IV (21/1)

Hài lòng với cái ta có (Dt 13, 5)

A. Lời mời gọi cho Thánh lễ

Trong ngày thứ tư của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu hôm nay, xin anh em hiệp ý cầu nguyện cho các Kitô hữu, đặc biệt là mỗi thành viên trong cộng đoàn chúng ta không ngừng tìm kiếm sự hiệp nhất yêu thương qua việc không quá bận tâm tìm kiếm những nhu cầu cá nhân, nhưng biết mở lòng quan tâm tới những người xung quanh.

B. Buổi cầu nguyện

1. Lời mời gọi thờ phượng và lời chào (chủ sự):

CS: Chúng ta cùng thờ lạy Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Cha đã lấy sự công minh và lòng thương xót mà bao bọc chở che muôn loài thọ tạo.

CĐ: Chúng con đến thờ lạy Chúa.

CS: Lạy Chúa Giêsu Kitô, thánh giá Chúa mang lại sự công chính và sự sống mới.

CĐ: Chúng con đến thờ lạy Chúa.

CS: Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa đã hướng tâm hồn chúng con biết hành động theo chân lý.

CĐ: Chúng con đến thờ lạy Chúa.

CS: Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em.

CĐ: Và ở cùng cha.

Hát một bài thánh ca phù hợp (mang tính chất quy tụ, hiệp nhất)

2. Hướng ý dẫn vào buổi cầu nguyện (chủ sự):

Anh em thân mến, mỗi người chúng ta được kêu gọi trở nên những chi thể của cùng một Thân Mình Chúa Kitô (x. 1 Cr 12,12-30). Một thân thể thì không thể chia năm sẻ bảy. Các bộ phận trong cùng một thân thể luôn hiệp nhất với nhau. Một bộ phận đau thì các bộ phận khác cũng cảm thấy đau. Đó chính là nguyên lý của sự hiệp nhất.

Với ý hướng đó, trong ngày thứ tư của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi không quá bận tâm tìm kiếm cho mình những nhu cầu cá nhân nhưng biết mở lòng ra với những người xung quanh. Nhờ đó, tình yêu thương hiệp nhất luôn được triển nở nơi môi trường chúng ta đang sống.

3. Lời nguyện thống hối

CS: Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta trước mặt Chúa và xin Người ơn tha thứ để việc thờ phượng của chúng ta được đẹp lòng Chúa.

ND1: (một thừa tác viên có chức thánh đọc)

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Chúa đã chọn chúng con chăn dắt đoàn chiên Chúa. Đức Giêsu, Con Chúa, đã dạy chúng con thực thi sự công chính. Chúng con ý thức rằng trong sứ vụ của mình, nhiều khi chúng con hành xử thiếu công minh với những người mà Chúa đã trao phó cho chúng con: đó là mỗi khi chúng con thiên vị những người thân cận hoặc những người có địa vị xã hội cao; mỗi khi chúng con phớt lờ những người lạ mặt, người nghèo và những người thấp kém nhất trong xã hội; mỗi khi chúng con e sợ phải bảo vệ những người bị áp bức; mỗi khi chúng con sử dụng sai những nguồn lực của giáo hội. Những hành vi này đã làm cho nhiều người rời xa Giáo hội của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con

CĐ: Xin Chúa thương xót chúng con. (câu đáp này có thể đọc hoặc hát)

ND2: (một thành viên trong cộng đoàn đọc)

Lạy Thiên Chúa từ ái, Chúa đã quy tụ chúng con như những thành viên trong đoàn chiên Chúa. Đức Giêsu, Con Chúa, đã truyền dạy chúng con phải yêu mến nhau như dấu chỉ nhận biết chúng con là môn đệ Người. Chúng con thú nhận rằng mình đã chưa sống được như giới luật yêu thương Chúa truyền: đó là mỗi khi chúng con nhìn những anh chị em của các giáo hội khác với ánh mắt địch thù; mỗi khi chúng con thù ghét và chưa sẵn sàng tha thứ cho nhau; mỗi khi chúng con chỉ biết chăm chút vào lợi ích của bản thân; mỗi khi chúng con làm ngơ trước nhu cầu của anh chị em mình; mỗi khi chúng con loại trừ những người không cùng quan điểm với chúng con. Mỗi lần như thế, chính thái độ của chúng con đã dựng lên những bức tường ngăn cách giữa chúng con.

Xin Chúa thương xót chúng con.

CĐ: Xin Chúa thương xót chúng con.

ND3: (một người khác đọc)

Lạy Thiên Chúa từ bi lân ái, Chúa đã giao phó cho chúng con sứ mạng biến ngôi nhà chung của chúng con thành nơi chốn của công bình cho mọi người. Bằng tình thương hải hà, Chúa đã cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất lương, và qua Đức Giêsu, Chúa đã dạy chúng con phải yêu thương không phân biệt một ai. Chúng con thú nhận rằng mình đã chưa sống đúng theo giáo huấn này: đó là mỗi khi chúng con thiếu tôn trọng người thân cận của mình; mỗi khi chúng con truyền bá những tư tưởng sai lầm qua các phương tiện truyền thông xã hội; mỗi khi chúng con cộng tác vào việc phá vỡ sự hài hòa xã hội. Cách xử sự của chúng con đã gây hiểm họa biến thế giới thành một cánh đồng hoang khô cằn không thể trổ sinh công bình cho mọi loại thọ tạo.

Xin Chúa thương xót chúng con.

CĐ: Xin Chúa thương xót chúng con.

CS: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Hát một bài thánh ca phù hợp.

4. Công bố Tin Mừng Mt 6,25-34

"Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

5. Gợi ý suy niệm

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng bận tâm những nhu cầu vật chất của bản thân: “anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?” (Mt 6, 31). Ngài đưa ra hai dẫn chứng: chim trời không gieo, không gặt, không thu tích nhưng Chúa Cha vẫn nuôi chúng; hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo sợi mà Thiên Chúa còn cho mặc đẹp. Ngàimời gọi trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những thứ khác Ngài sẽ thêm cho.

Lời dạy của Chúa Giêsu khi xưa đang được thực thi trong thế giời hôm nay. Quả thực, tại Indonesia, một số giáo xứ lớn đã hỗ trợ về tài chính, con người và giáo dục cho những giáo xứ nhỏ ở vùng nông thôn. Tại Việt Nam, việc sẻ chia này cũng được thể hiện trong những đợt quyên góp Mùa Vọng, Mùa Chay, Khánh Nhật Truyền Giáo, hay trước những nhu cầu cấp bách của xã hội như: lũ lụt, hạn hán… Chính khi không quá bận tâm vun vén tiền của cho chính mình, chúng ta mới dám quảng đại sẻ chia với những người nghèo khổ. Và chính khi quảng đại sẻ chia như thể, chúng ta mới làm cho tình thương yêu hiệp nhất giữa người với người, nhất là giữa các Kitô hữu với nhau ngày càng thêm gắn kết. Và như thế, nơi nào có tình yêu thương hiệp nhất, nơi đó có sự hiện diện của Nươc Trời.

Lời dạy của Chúa Giêsu cho con người năm xưa cũng là lời dạy cho mỗi người chúng ta, những người môn đệ đang bước theo Thầy Giêsu. Trong học tập, việc quá lo lắng bận tâm về điểm số hay nhu cầu khẳng định mình dễ làm cản trở việc chúng ta “bác ái tri thức” với nhau. Trong công việc, việc quá chăm chút cho nhu cầu sức khỏe hay thời gian riêng tư của mình dễ làm cản trở việc chúng ta quan tâm giúp đỡ và đồng cảm với công việc của anh em mình. Trong đời sống chung, việc quá bận tâm lo lắng cho những nhu cầu cá nhân: ăn uống, vui chơi, sinh hoạt,… dễ làm cho bầu khí bớt đầm thắm.

6. Gợi ý hồi tâm

Mỗi người chúng ta đều khao khát sự hiệp nhất yêu thương trong một nhóm hay trong cộng đoàn. Một trong những nguyên nhân gây mất tình hiệp nhất yêu thương là vì chúng ta quá chăm chút cho những nhu cầu của mình. Quá lo lắng cho mình khiến chúng ta chẳng còn nghĩ đến anh chị em mình. Vậy, chúng ta đã từ bỏ những nhu cầu cá nhân đó như thế nào hầu kiến tạo sự hiệp nhất yêu thương?

Chúa Giêsu dạy chúng ta trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Thế nhưng, Nước Thiên Chúa hiện diện khi chúng ta yêu thương nhau. Vậy, chúng ta đã yêu thương anh chị em mình như thế nào?

7. Lời nguyện cam kết

Ý nguyện 1:

Người dẫn 1: “Để chúng được nên một như chúng ta là một” (Ga 17, 22). Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh biết chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi như mẫu gương của sự hiệp nhất, để mỗi ngày biết sống hiệp nhất hơn với nhau.

Người dẫn 2: Chúng ta cùng quyết tâm sống hiệp nhất

Cộng đoàn: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hiệp nhất chúng con trong hành động.

Ý nguyện 2:

Người dẫn 1: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?” (Mt 6, 31). Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta không quá bận tâm đến những nhu cầu cá nhân nhưng biết mở lòng quan tâm đến anh chị em mình.

Người dẫn 2: Chúng ta cùng quyết tâm hãm dẹp nhu cầu cá nhân.

Cộng đoàn: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hiệp nhất chúng con trong hành động.

Ý nguyện 3:

Người dẫn 1: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Mt 6, 33). Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho mỗi anh em chủng sinh chúng ta biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng thái độ quan tâm, yêu thương với hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ, đói rách, vô gia cư đang cần được giúp đỡ.

Người dẫn 2: Chúng ta cùng quyết tâm mang tình yêu đến cho mọi người.

Cộng đoàn: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hiệp nhất chúng con trong hành động.

8. Kinh Lạy Cha

9. Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hằng khao khát chúng con được hiệp nhất nên một như Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin cho chúng con đừng tìm kiếm những nhu cầu cho bản thân mình nhưng luôn biết mở lòng ra để quan tâm đến những người xung quanh, hầu mỗi ngày cộng đoàn chúng con đạt đến sự hiệp nhất như lòng Chúa ước mong. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

(Theo Tài liệu của HĐ Tòa Thánh cổ võ sự hiệp nhất Kitô hữu)