Mối tương đồng giữa thánh Giuse và tổ phụ Giuse

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5637 | Cập nhật lần cuối: 6/11/2017 12:35:07 AM | RSS

Theo truyền thống của Hội Thánh, Cựu Ước là “hình ảnh báo trước” cho những thực tại sẽ được hoàn tất trong thời Tân Ước, nơi Đức Giêsu; hay nói cách khác, chính mầu nhiệm cuộc đời của Đức Giêsu sẽ soi sáng cho chúng ta hiểu về Cựu Ước hơn.[1] Thật vậy, “nhiệm cục Cựu Ước được sắp đặt với mục đích chính yếu là để chuẩn bị cho ngày xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài”.[2] Từ thời xưa, một câu châm ngôn cổ có nói: “Novum in Vetere latet et in Novo Vetus patet”,[3] nghĩa là “Tân Ước được ẩn tàng trong Cựu Ước, còn Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước”.

Quả thế, “Đấng mà sách Luật Môsê và các Ngôn Sứ nói tới... đó là Đức Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth” (Ga 1,45). Nơi Đức Giêsu, Ngài hoàn tất những gì Cựu Ước đã loan báo về Ngài, ví dụ như: Ađam Mới,[4] Môsê Mới,[5] Người Tôi Trung,[6] Con Chiên,[7] Mục Tử Nhân Lành,[8] v.v... Dựa trên nguyên tắc này, Hội Thánh cũng tìm tòi trong Cựu Ước xem những đoạn văn có thể áp dụng cho Hội Thánh (chẳng hạn: đoàn chiên, vườn nho, toà nhà, gia đình, đền thánh...), cho Đức Maria (Evà Mới, Thiếu Nữ Sion...).

Một cách tương tự, Giáo Hội cũng cố gắng đi tìm những đoạn văn Cựu Ước có thể áp dụng cho Thánh Giuse. Tuy có nhiều đường hướng khác nhau, ví dụ những mẫu “người công chính” trong Cựu Ước, nhưng người viết chỉ giới hạn vào một nhân vật cụ thể có cùng tên gọi với Thánh Giuse, đó là Tổ phụ Giuse. Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem giữa Tổ phụ Giuse trong Cựu Ước và Thánh Giuse nơi Tân Ước có những điểm tương đồng nào nhé![9]

1. TÊN GỌI

Giuse theo nguyên ngữ tiếp Hípri là יוֹסֵף [Yôsēp], có nghĩa là “nguyện xin Thiên Chúa tăng thêm” (St 30,22-24; 49,22-26). Đây là lối viết tắt của יְהוֹסֵף [Yәhôsēp] được ghép bởi danh Thiên Chúa יְהוָֹה [YHWH] = “Đức Chúa”, và động từ יָסַף [yāsap] = “tăng thêm, gia tăng” (to add, to do more, to augment, to enrich / donner encore, ajouter, augmenter, enrichir).

Giuse trong tiếng Hylạp là ’Iωσήφ [Iōsēph].

Tổ phụ Giuse được nhắc đến khoảng 200 lần trong Cựu Ước và 8 lần trong Tân Ước.[10] Còn Thánh Giuse được nhắc đến 14 lần trong các Tin Mừng:[11] Mátthêu 7 lần; Luca 5 lần; Gioan 2 lần.[12]

2. NGUỒN GỐC

Thân sinh của cả hai người đều mang tên là Giacóp.[13] Và có lẽ Thánh sử Mátthêu cũng muốn nhắc đến tên gọi của thân mẫu nữa khi trưng dẫn bà Rakhen trong cảnh tàn sát các hài nhi (Mt 2,18).

Tổ phụ Giuse là người con áp út (thứ 11) của ông Giacóp, và là con đầu lòng của bà Rakhen, người vợ được sủng ái của Giacóp. Ông Giuse cùng với em mình là Benjamin đều được ông Giacóp thương yêu hơn các anh (St 30,22-24; 35,16-20; 37,2-36; 42,1—45,28).

Thánh Giuse, “chồng của Đức Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16).

3. NHẬN ĐƯỢC MẠC KHẢI QUA GIẤC MỘNG

Một điểm tương đồng khá nổi bật là: cả hai người đã nhận được mạc khải của Thiên Chúa qua “giấc mộng”. Cả hai đều đã nhận ra được ý định nhiệm mầu của Chúa qua giấc mộng của mình.

Tổ phụ Giuse đã nhận được “giấc mộng” báo trước sự nghiệp của mình. Ông mơ thấy những bó lúa của các anh sụp xuống thờ lạy bó lúa của ông, và mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao cũng sụp xuống thờ lạy ông (St 37,5-11). Điều đó như báo trước sự kiện sau này lúc Giuse đang làm Tể tướng bên Ai Cập, nạn đói xảy ra, các anh của ông từ đất Canaan sang để mua lương thực và họ phải sụp xuống thờ lạy ông (St 42,1-9). Hơn nữa, ông Giuse cũng giải thích giấc mộng của người khác: cho quan chánh chước tửu rằng ba ngày sau ông sẽ được phục chức, còn với quan chánh ngự thiện thì ba ngày sau ông sẽ bị xử tử (St 40,1-23). Ngoài ra, Giuse còn giải thích giấc mộng cho vua Pharaô: vua mơ thấy từ dưới sông xuất hiện bảy con bò gầy còm ăn thịt bảy con bò béo tốt đang gặm cỏ, bảy bông lúa lép nuốt chửng bảy bông lúa mẩy trên đồng như tiên báo bảy năm được mùa và bảy năm đói kém sau đó sẽ xảy ra trên mặt đất. Vua Pharaô đã phong cho Giuse làm Tể tướng cai quản toàn cõi Ai Cập, đặc biệt là việc sản xuất lương thực trong xứ sở (St 41,1-38).

Còn đối với Thánh Giuse, ngài cũng nhận được mạc khải của Thiên Chúa qua các giấc mộng của mình: đừng ngại đón nhận Đức Maria về làm vợ (Mt 1,18-25), đem Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-15), đưa cả gia đình từ Ai Cập trở về Israel và định cư ở Nazareth (Mt 2,19-23).

4. LÁNH NẠN BÊN AI CẬP

Tổ phụ Giuse bị các anh mưu toan ám hại vì sự ghen tức của họ đối với Giuse. Một đàng vì Giuse được Giacóp thương yêu hơn các anh, và đàng khác là vì các giấc chiêm bao của ông. Ban đầu, họ định giết chết Giuse nhưng anh cả Reuben ngăn cản, và họ quyết định ném Giuse xuống giếng rồi bán cho những lái buôn sang Ai Cập (St 37,2-36). Như thế, Giuse phải nếm cảnh lưu vong bên Ai Cập một thời gian.

Còn Thánh Giuse, nhờ lời sứ thần báo mộng, đã đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria đang đêm trốn sang Ai Cập để tránh cuộc tàn sát của bạo chúa Hêrôđê (Mt 2,13-18). Và Thánh Gia đã phải lưu lạc bên Ai Cập mội thời gian cho đến khi vua Hêrôđê băng hà.

5. NHỮNG VIỆC LIÊN QUAN TỚI NHÀ VUA

Khi Hài Nhi Giêsu giáng sinh ở Bêlem, thì có các nhà đạo sĩ từ Đông phương đến Giêrusalem để tìm kiếm Đức Vua dân Do Thái mới sinh. Sự kiện này làm cho vua Hêrôđê bối rối và cả thành Giêrusalem phải xôn xao. Vua bí mật nói với các nhà đạo sĩ sau khi yết kiến vị Tân Vương thì trở lại báo cho vua biết để vua cũng đến bái lạy Người. Nhưng vì các nhà đạo sĩ được báo mộng nên đã tìm lối khác mà về xứ mình. Điều này khiến cho vua Hêrôđê tức giận và vua ra lệnh tàn sát các trẻ sơ sinh dưới hai tuổi ở Bêlem và toàn vùng phụ cận. Nhờ lời sứ thần báo mộng, đang đêm, Thánh Giuse đã đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập để tránh cuộc tàn sát của tên bạo chúa này, và phải chờ đến lúc nhà vua băng hà thì mới trở về quê hương. Thế nhưng khi nghe biết vị vua mới là Arkhêlao đang cai trị miền Giuđê, vua này cũng độc ác không kém gì vua cha là Hêrôđê, nên Thánh Giuse sau khi được báo mộng, đã đem Thánh Gia lui về miền Galilêa, và đến ở tại thành Nazareth (Mt 2,1-23).

Tổ phụ Giuse tuy được lòng vua Pharaô, được vua cất nhắc lên chức vị Tể tướng triều đình, cai quản toàn cõi Ai Cập, nhưng ông Giuse biết trước rằng khi vua Pharaô này qua đời thì dân Israel sẽ bị áp bức làm nô lệ dưới triều vua Pharaô mới (Xh 1,8-14). Và khi ấy Thiên Chúa sẽ giải phóng dân Ngài khỏi đất Ai Cập (St 50,22-26).

6. CON NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Tổ phụ Giuse là người ngay thẳng, công chính nên đã không chiều theo lời dụ dỗ phạm tội. Số là sau khi bị bán sang Ai Cập, Giuse được quan chỉ huy thị vệ nhà vua mua lại, và vì Giuse được ân sủng Đức Chúa ở cùng nên cậu được lòng quan, quan trao cho cậu chức quản gia trông coi tài sản của ông. Bà vợ của quan đem lòng để ý Giuse vì cậu có duyên và đẹp trai, bà muốn dụ dỗ Giuse phạm tội với bà nhưng cậu không chịu. Vì thế, bà đã vu cáo Giuse và cậu phải chịu tống giam vào ngục (St 39,1-20).

Thánh Giuse vì là người công chính, không muốn tố giác Đức Maria vì bà đã có thai trước khi hai người về chung sống, nên Thánh Giuse đã định tâm lìa bỏ Đức Maria cách kín đáo. Nhưng sau khi được sứ thần giải thích trong giấc mộng về việc mang thai lạ lùng của Đức Maria là do quyền năng Chúa Thánh Thần và bảo Giuse đừng ngại đón nhận Đức Maria về làm vợ, đồng thời Giuse cũng có trách nhiệm phải đặt tên cho Con Trẻ sắp sinh là Giêsu, thì Thánh Giuse đã mau mắn làm theo như lời sứ thần Chúa dạy (Mt 1,18-25). Điều này càng minh chứng rằng Thánh Giuse là một con người công chính trước mặt Thiên Chúa.[14]

7. CON NGƯỜI TRÁCH NHIỆM

Tổ phụ Giuse đã được giao phó cho nhiều chức vụ quan trọng: Quản lý ở nhà quan thị vệ Pôtiphar (St 39,1-6), Quản đốc nhà tù (St 39,20-23), Tể tướng triều đình Pharaô và cai quản toàn cõi Ai Cập (St 41,37-45). Và ông Giuse luôn tỏ ra là một con người có trách nhiệm đối với những chức vụ được giao phó, ông thành công trong mọi việc làm vì có ân sủng Đức Chúa ở cùng ông (St 39,2-5.21-23).

Thánh Giuse luôn là người có trách nhiệm đối với Thánh Gia: đón nhận Đức Maria về làm vợ (Mt 1,18-25), đưa vợ mình đang mang thai về Bêlem khai hộ khẩu (Lc 2,1-5), tìm chỗ trọ cho Đức Maria chuẩn bị sinh nở (Lc 2,6-7), đem Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-15), đưa cả gia đình từ Ai Cập trở về Israel và định cư ở Nazareth (Mt 2,19-23), làm lễ cắt bì và đặt tên cho Hài Nhi Giêsu (Lc 2,21), thi hành luật thanh tẩy và tiến dâng Hài Nhi cho Thiên Chúa (Lc 2,22-39), giữ trọn luật hành hương Đền Thờ Giêrusalem dịp lễ Vượt Qua (Lc 2,41), tìm kiếm Con Trẻ Giêsu bị thất lạc trong Đền thờ (Lc 2,42-49), chăm lo, nuôi dưỡng và dạy dỗ Con Trẻ Giêsu (Lc 2,40.51-52). Thánh Giuse làm nghề thợ mộc để nuôi sống gia đình, và ngài cũng dạy Chúa Giêsu theo nghề thợ mộc của mình (Mc 6,3; Mt 13,55).

Mối tương đồng giữa thánh Giuse và tổ phụ Giuse

Tạm kết

Qua những gì vừa trình bày trên đây, chúng ta nhận thấy giữa Tổ phụ Giuse trong Cựu Ước và Thánh Giuse nơi Tân Ước có tất cả bảy điểm tương đồng. Hẳn là chúng ta sẽ tự hỏi: “Tại sao lại là con số bảy mà không phải là con số nào khác?”. Thưa, bởi vì theo ý nghĩa biểu tượng của Kinh Thánh, con số bảy là con số chỉ sự trọn vẹn, tuyệt hảo.[15] Như thế, người viết muốn làm nổi bật gương mặt của cả hai vị Tổ phụ Giuse và Thánh Giuse trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho Dân Ngài.

Vâng, Thánh Giuse – Người Công Chính là mẫu gương vâng phục trong đức tin[16], nhờ đó, thánh nhân đã “tự do tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, bằng việc phó thác trọn vẹn lý trí và ý chí cho Thiên Chúa, Đấng mạc khải’, và sẵn sàng tin nhận điều Thiên Chúa mạc khải cho mình”.[17] Thật vậy, “cùng với Mẹ Maria, Thánh Giuse là người gìn giữ đầu tiên mầu nhiệm thần linh của Thiên Chúa”: mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. “Cùng với Mẹ Maria, và trong tương quan với Mẹ Maria, Thánh Giuse đã cộng tác vào giai đoạn tự mạc khải cuối cùng của Thiên Chúa trong Đức Kitô, và thánh nhân đã cộng tác như thế ngay từ buổi đầu”.[18]

Như thế, chúng ta thấy rằng Thánh Giuse quả thật xứng đáng với danh hiệu là “Redemptoris Custos”[19] – “Người gìn giữ Đấng Cứu Thế”. Vì chưng mang trong mình toàn bộ gia sản của Cựu Ước, Thánh Giuse cũng được đưa vào “giai đoạn đầu” của Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu trong Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Nhập Thể:[20] Thánh Giuse là người công chính được Thiên Chúa chọn làm Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Trời; thánh nhân là tôi tớ trung thành và khôn ngoan được Thiên Chúa trao phó cho trách nhiệm coi sóc Thánh Gia và gìn giữ Đấng Cứu Thế. [21]

Chính vì dựa vào Tin Mừng, mà các Giáo Phụ từ những thế kỷ đầu đã nhấn mạnh rằng, “như Thánh Giuse đã thương yêu chăm sóc Mẹ Maria và vui vẻ tận tuỵ nuôi dưỡng Đức Giêsu Kitô thế nào, thì thánh nhân cũng coi sóc và bảo vệ Nhiệm Thể của Đức Kitô, là Giáo Hội thể ấy”.[22] Bởi đó mà nhiều vị Giáo Hoàng gần đây đã tôn kính Thánh Cả Giuse với tước hiệu “Đấng Bảo Trợ Giáo Hội” và là “Vị Quan Thầy của Giáo Hội hoàn vũ”.[23] Thế lực bầu cử của Thánh Giuse trước toà Thiên Chúa dựa theo câu nói được trích từ Kinh Thánh: “Ite ad Ioseph”[24] – “Hãy đến cùng Giuse” (St 41,55).

Lạy Thánh Giuse, xin nhớ đến chúng con và cầu thay nguyện giúp cho chúng con bên toà Đức Kitô là Dưỡng Tử của ngài. Xin kêu cầu Bạn Trăm Năm của ngài là Đức Trinh Nữ Maria rất thánh dủ lòng thương xót chúng con, người là Thân Mẫu Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.[25]

Micae Nguyễn Tiến Bình


[1] X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, nn. 128-129, bản dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGM Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, 2010, (viết tắt GLHTCG).

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, (18/11/1965), n. 15, bản dịch của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGM Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, 2010.

[3] T. Augustinô, Quaestiones in Heptateucum, II, 73: PL 34, 623. X. GLHTCG 129; Dei Verbum 16.

[4] X. Rm 15,12-21; 1Cr 15,21-22.45-49. Thánh Phaolô so sánh Đức Kitô với Ađam và cho thấy Đức Kitô trổi vượt Ađam. Ađam là căn nguyên của tội lỗi, Đức Kitô-Ađam Mới là nguồn mạch sự sống và ơn được nên công chính. X. Kinh Thánh (ấn bản 2011), bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV, Nxb. Tôn Giáo, 2011, p. 2493, chú thích d.

[5] Hình ảnh Chúa Giêsu - Môsê Mới là một trong những nét đặc trưng của Mátthêu về Kitô học. Chúa Giêsu chính là vị Ngôn Sứ cao cả Thiên Chúa hứa từ thời Xuất Hành (x. Đnl 18,18). Thánh Mátthêu chia Tin Mừng làm năm phần, dưới hình thức năm Bài Giảng, để ngụ ý Chúa Giêsu là Môsê thứ hai, Đấng sáng lập Giao Ước Mới, điều chỉnh và kiện toàn Luật cũ (x. Mt 5,17-48). Môsê thứ nhất đã công bố Giao Ước Sinai, được coi là tác giả bộ Luật năm cuốn (Ngũ Thư) và năm diễn từ trước khi qua đời, được ghi trong sách Đệ Nhị Luật. Điều này cũng đã được thánh sử Mátthêu đề cập đến ngay trong trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu (ch. 1–2), gợi lên những trình thuật và truyền thuyết về thời thơ ấu của Môsê, qua việc đưa ra năm sự việc cùng với năm lời tiên báo của các ngôn sứ Cựu Ước. X. Kinh Thánh (ấn bản 2011), sđd, p. 2117-2123, “Dẫn nhập Tin Mừng Mátthêu”.

[6] Bốn bài ca về Người Tôi Trung của Isaia đệ nhị (Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11; 52,13–53,12) đã được Tân Ước áp dụng vào Chúa Giêsu từ biến cố Phép Rửa cho tới Cuộc Thương Khó của Ngài. Thật vậy, “ngay từ lúc khởi đầu đời sống công khai, lúc chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu là ‘Người Tôi Trung’ đã hoàn toàn hiến dâng cho công trình cứu độ, sẽ được hoàn tất trong ‘Phép Rửa’ là Cuộc Khổ Nạn của Người” (GLHTCG 565).

[7] X. Xh 12,3-14; Gr 11,19; Is 53,7; Ga 1,29.36; 1Cr 5,7.

[8] X. Is 40,11; Ed 34,11-31; Ga 10,1-18; 1Pr 5,4.

[9] Trong bài viết này, người viết tham khảo các tác giả:

1/ Giuse Phan Tấn Thành, O.P., Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kitô và Hội Thánh, Rôma, 2007, pp. 47-50;

2/ J. Nguyễn, O.P., Tìm hiểu Kinh Thánh, Nxb. Tôn giáo, 2010, pp. 397-398;

3/ E.P. Blair, “Joseph husband of Mary”, and O.S. Wintermute, “Joseph son of Jacob”, in The Interpreter’s Dictionary of the Bible, George A. Buttrick et als., vol. 2 (E-J), Abingdon Press, New York - Nashville, 1962, pp. 979-980, 981-986.

[10] X. Ga 4,5; Cv 7,9.13.14.18; Dt 11,21.22; Kh 7,8. Để khảo sát, người viết sử dụng phần mềm BibleWorks [CD], version 8.0, Copyright 2009.

[11] X. Mt 1,16.18.19.20.24; 2,13.19; Lc 1,27; 2,4.16; 3,23; 4,22; Ga 1,45; 6,42. Để khảo sát, người viết sử dụng phần mềm BibleWorks 8.0.

[12] Trong Kinh Thánh còn có nhiều nhân vật cùng mang tên gọi GIUSE (Joseph/ Josech):

1/ Ông Giuse cha của Igaal, thuộc chi tộc Issachar trong 12 chi tộc Israel, được Môsê cử đi do thám vùng đất Canaan (x. Ds 13,7).

2/ Ông Giuse một thầy Lêvi, đóng vai trò một nhạc công trong Đền thờ, con của Asaph (x. 1Sb 25,2.9).

3/ Ông Giuse con của Zakkai, một trong những tư tế đã lấy vợ là dân ngoại. Theo sắc lệnh của Tư tế Ezras, tất cả những tư tế đã lấy vợ ngoại giáo, đều tuyên bố rẫy vợ và dâng lễ vật đền tội (x. Er 10,42).

4/ Ông Giuse một thầy tư tế đứng đầu gia tộc Shevaniah, thời thượng tế Joyakim (x. Nkm 12,14).

5/ Ông Giuse con của Zacharias, một thủ lãnh quân sự dưới thời Giuđa Maccabê. Ông Giuđa đã để ông Giuse và ông Azarias ở lại trấn giữ thành Giuđêa trong khi ông Giuđa đem quân tiến đánh Galaad. Ông Giuse và ông Azarias được lệnh của ông Giuđa là không được đi giao chiến với kẻ thù, nhưng họ đã không nghe theo mà lại đem quân đánh chiến. Kết quả là họ đã chuốc lấy thảm bại (x. 1Mcb 5,18-20.55-62).

6/ Ông Giuse tổ tiên của bà Giuđitha (x. Gđt 8,1).

7/ Ông Giuse tổ tiên đời thứ 7 trước Đức Giêsu, tên ông thuộc danh sách gia phả theo Tin Mừng thánh Luca (x. Lc 3,24).

8/ Ông Giuse tổ tiên đời thứ 16 trước Đức Giêsu, tên ông thuộc danh sách gia phả theo Tin Mừng thánh Luca (x. Lc 3,26).

9/ Một ông Giuse khác tổ tiên đời thứ 35 trước Đức Giêsu, tên tên ông thuộc danh sách gia phả theo Tin Mừng thánh Luca (x. Lc 3,30). Ông sống vào khoảng từ thời vua Đavid làm vua Israel đến thời Zerubbabel làm thủ hiến xứ Giuđa sau thời lưu đày Babylon.

10/ Ông Giuse một trong những anh em của Đức Giêsu Kitô theo Tin Mừng Matthêu (x. Mt 13,55).

11/ Ông Giuse anh em của ông Giacabê Thứ (x. Mc 15,40; Mt 27,56).

12/ Ông Giuse người Arimathêa, một người giàu có, là thành viên có thế giá của Thượng Hội Đồng Dothái. Ông là một người ngay thẳng và công chính, vẫn mong chờ Nước Thiên Chúa. Ông cũng là môn đệ Chúa Giêsu nhưng là môn đệ cách “kín đáo”, cũng như ông Nicôđêmô. Cả hai ông này đã tẩn liệm và an táng thi hài Chúa Giêsu trong ngôi mộ của chính ông Giuse Arimathêa (Mc 15,42-46; Mt 27,57-60; Lc 23,50-54; Ga 19,38-42).

13/ Ông Giuse, cũng gọi là Barsaba hay Justus (Người Công Chính), được chọn đề cử để thay thế chỗ trống của Giuđa Iscariôt giữa hàng mười một Tông Đồ. Nhưng người được chọn lại mang một tên khác, đó là Mátthia (x. Cv 1,15-26).

14/ Ông Giuse, biệt danh là Barnaba, một thầy Lêvi quê ở đảo Cyprus (Sýp). Ông đã bán thửa đất của mình và lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ (x. Cv 4,36). Chính ông Giuse Barnaba đã đứng ra bảo lãnh và giới thiệu ông Saolô (tức Phaolô) cho các Tông Đồ (x. Cv 9,27-28).

X. B.T. Dahlberg, “Joseph”, and H.C. Kee, “Joseph of Arimathea”, in The Interpreter’s Dictionary of the Bible, sđd, pp. 979-981; Geofrey Wigoder, Từ điển Kinh Thánh Anh-Việt, Nxb. Từ điển Bách Khoa, 2013, pp. 586-589.

[13] Theo Mt 1,16 thì thánh Giuse là con của ông Giacóp. Còn theo Lc 3,23 thì thánh Giuse là con của ông Êli.

[14] Để giải thích về sự công chính của Thánh Giuse (Mt 1,18-25), chúng ta có thể tham khảo “Bài chia sẻ trong Tam Nhật kính Thánh Giuse” của cha Giuse Đỗ Quang Khang, nhân dịp mừng lễ Quan thầy Đại Chủng viện Saigon, 2011.

Theo Tin Mừng Luca 1,6 thì người công chính là người tuân giữ Lề Luật, “sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa”. Còn theo Thánh vịnh 1,2 thì người công chính “vui thoả với Lề Luật Chúa, và nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày”. Vậy nếu nếu sự “công chính” của Thánh Giuse hiểu theo nghĩa này, thì lý ra, chiếu theo Luật Môsê, Thánh Giuse phải làm như luật đã ghi trong sách Lêvi 20,10: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử”; hay ít ra, căn cứ theo sách Đệ nhị luật 24,1: “Nếu một người đàn ông... thấy nơi vợ mình có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà”. Thế nhưng chúng ta thấy Thánh Giuse đâu có làm giống như Luật Môsê đã dạy. Vậy, Thánh Giuse là “người công chính” phải được hiểu theo nghĩa nào?

Trong toàn bộ Tin Mừng Mátthêu, ngoài Thánh Giuse ra chúng ta không hề thấy Thánh sử Mátthêu đề cập đến một người cụ thể nào khác được gọi là “công chính” giống như thế. Tuy nhiên, nếu lần giở lại Cựu Ước, chúng ta thấy có một nhân vật cũng được Thiên Chúa gọi là “công chính”, đó là Abraham. Thật vậy, sách Sáng Thế 15,6 ghi rằng: “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính”. Như vậy, Abraham được Thiên Chúa gọi là “người công chính” chỉ vì một điều: đó là “ông đã tin”. Ông tin vào lời hứa của Thiên Chúa là Đấng sẽ cho ông trở nên Tổ phụ của một dân tộc lớn, dầu ông đã ở tuổi 100 khi Isaac, con ông, được sinh ra (x. St 21,5). Rồi ông cũng không mảy may nghi ngờ về lời hứa trên khi vâng lệnh Thiên Chúa đem giết Isaac, đứa con duy nhất theo lời hứa, để làm tế lễ cho Thiên Chúa (x. St 22,1-18). Và để diễn tả tâm trạng của Abraham khi phải đối diện với thử thách của niềm tin vào lời Chúa hứa, Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Rôma có nói về Abraham rằng: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18a). “Không còn gì để trông cậy” nghĩa là gì nếu không phải là một cách nói khác của “tuyệt vọng”. Thế nên cha Nguyễn Thế Thuấn đã chuyển dịch ý tưởng sâu sắc này bằng một giọng văn mạnh mẽ hơn: “Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông”. Vì lẽ đó, Thánh Phaolô viết tiếp, Abraham “đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4,18b). Như thế, chính bởi niềm tin son sắt vào Thiên Chúa mà Abraham đã được Chúa gọi là “công chính”. Chính khi tưởng chừng như “không còn gì để hy vọng” mà ông vẫn cứ “một lòng cậy trông” nên ông xứng đáng là “Cha của những kẻ tin”.

Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông” không phải chỉ là thái độ của riêng một mình Abraham, nhưng đó cũng chính là thái độ của tất cả những ai dám đặt cược đời mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa. “Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông” cũng chính là thái độ của một con người khác, sống sau Abraham gần 2000 năm: đó là Thánh Giuse. Chính ngài có lúc cũng đã muốn rũ bỏ tất cả, thậm chí đã rơi vào tận cùng của cơn khủng hoảng đến nỗi đã muốn “ly dị” vợ mình là Đức Maria, vì không thể lý giải được tác giả của bào thai trong bụng vợ mình là bởi đâu! Dù vậy, Giuse đã tin và vẫn tin. Cho nên thật có lý khi Thánh sử Mátthêu thêm vào liền sau danh xưng Giuse, tước hiệu “Người Công Chính”.

[15] X. Xavier Léon-Dufour (ed.), Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, (Vocabulaire de Théologie Biblique, Cerf, Paris, 1970/1971), Quyển IV, bản dịch của Phân khoa Thần học thuộc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt, 1976, p. 391.

[16] X. Rm 16,26.

[17] Dei Verbum 5. X. Gioan Phaolô II, Tông huấn “Người gìn giữ Đấng Cứu Thế”, Redemptoris Custos (15/8/1989), n. 4c.

Tông huấn Redemptoris Custos bàn về “con người và sứ mạng của Thánh Giuse trong đời sống Đức Kitô và Giáo Hội”. Tông huấn này được ban hành nhân dịp kỷ niệm 100 năm Thông điệp “Quamquam Pluries” của Đức Lêô XIII bàn về “lòng sùng kính đối với Thánh Giuse”.

[18] Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos, n. 5b.

[19] Trong tiếng Latinh, “Redemptoris” có nghĩa là “Đấng Cứu Độ”; “Custos” có nghĩa là “người bảo vệ, người bảo hộ, người trông nom, người che chở, người gìn giữ”.

[20] X. T. Bernarđinô Siêna, Bài giảng về Thánh Giuse (Sermo 2, de S. Ioseph): Opera 7, 16. 27-30. Bài đọc 2 giờ Kinh Sách lễ trọng Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria, ngày 19/3.

[21] Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng lễ Thánh Giuse.

[22] Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos, n. 1a.

[23] Những văn kiện Huấn Quyền của các Đức Giáo Hoàng gần đây về việc sùng kính đối với Thánh Cả Giuse, chúng ta có thể kể đến:

1/ Sắc lệnh Quemadmodum Deus (08/12/1870) của Đức Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Hội Thánh và truyền lễ mừng kính Thánh Giuse vào ngày 19/3 hàng năm.

2/ Thông điệp Quamquam Pluries (15/8/1889) của Đức Lêô XIII về việc sùng kính Thánh Giuse.

3/ Tông thư Le Voci (19/3/1961) của Đức Gioan XXIII đặt Thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ của Công Đồng Vaticanô II.

4/ Sắc lệnh của Bộ Nghi Lễ đã được Đức Gioan XXIII phê chuẩn (13/11/1962) quyết định thêm tên Thánh Giuse vào Lễ Quy Rôma.

5/ Tông huấn Redemptoris Custos (15/8/1989) của Đức Gioan Phaolô II về con người và sứ mạng của Thánh Giuse trong đời sống Đức Kitô và Giáo Hội.

6/ Sắc lệnh của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã được Đức Phanxicô phê chuẩn (01/5/2013) quyết định thêm tên Thánh Giuse vào Kinh Nguyện Thánh Thể II, III và IV hiện nay.

X. Giuse Phan Tấn Thành, O.P., Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kitô và Hội Thánh, sđd, pp. 80-84; Oblates of St. Joseph, “St. Joseph in Magisterium”, <http://osjusa.org/st-joseph/magisterium>, truy cập 16/3/2014.

[24]Go to Joseph” (NJB), “Allez à Joseph” (FBJ). Trích dẫn từ BibleWorks [CD], version 8.0, Copyright 2009.

[25] X. T. Bernarđinô Siêna, Bài giảng về thánh Giuse (Sermo 2, de S. Ioseph): Opera 7, 16. 27-30. Bài đọc 2 giờ Kinh Sách lễ trọng Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria, ngày 19/3.