Suy niệm Tin Mừng - Mt 4, 12-23 - CN III Thường niên A

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 543 | Cập nhật lần cuối: 3/2/2023 9:58:04 AM | RSS

TIN MỪNG - Mt 4, 12-23

Alleluia, alleluia

Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng nước Trời,
và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân
- Alleluia!

12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê.

13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li,

14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói:

15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!

16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.

19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."

20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.

22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

23 Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Chúng ta đang ở trong chương 4 Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu; hẳn các bạn còn nhớ ba chương đầu: trước hết, một gia phả dài, đặt Chúa Giêsu vào lịch sử dân Ngài, và đặc biệt vào dòng dõi vua Đa-vít; kế đến, là việc Thiên Thần Chúa loan báo cho Thánh Cả Giu-se, bằng lời tiên tri Isaia: "Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen." (Is 7, 14), và Phúc Âm còn nói rõ: "Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ" (Mt 21, 4), dường như để nói cho chúng ta: «Rốt cuộc các lời hứa được thực hiện, cuối cùng Đấng Mêsia mọi người mong đợi đứng trước mặt ta đây."

Tất cả những đoạn sau, mỗi đọan một cách, đều nói lên sứ điệp, sự kiện Lời Chúa được hoàn tất: cuộc viếng thăm các vị chiêm tinh, sự kiện phải lẩn trốn qua Ai-cập, trẻ thơ bị giết hại ở Bêlem; từ Ai-cập trở về, gia đình Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu Hài Đồng về cư ngụ tại Na-da-rét vùng Ga-li-lê… việc rao giảng của ông Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu chịu phép rửa, và sau cùng Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Tất cả những tường thuật ấy đều được trích dẫn bằng vô số Lời Chúa và những ngụ ý từ Thánh Kinh.

Bây giờ chúng ta sẵn sàng nghe bài hôm nay; bài này cũng có đầy dãy những ngụ ý, và ngay từ đầu, Thánh Mátthêu trích sách tiên tri Isaia, để xác định rõ ràng tầm quan trọng việc Chúa Giêsu dời qua Ca-phác-na-um.

Thành phố Ca-phác-na-um thuộc về Galilê, trên bờ Biển Hồ, ai cũng biết. Thế tại sao Thánh Mátthêu thấy cần phải nói rõ, thành này thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li? Hai địa danh này thuộc về hai chi tộc của quá khứ xa xưa, ít ai nói tới hai tên này! Thế tại sao lại nói đến hai tên Dơ-vu-lun và Náp-ta-li? Khi ta đọc về cách chia lãnh thổ của các chi tộc trong sách Giô-suê, chúng ta thấy rõ việc chia đất ở Pa-lét-tin giữa các chi tộc, có nguyên tắc là phân chia lãnh thổ rõ ràng từng chi tộc: một thành phố không thể thuộc về một lúc hai chi tộc. Điều này minh chứng rằng, điều Thánh Mátthêu quan tâm không phải về địa lý; ngài muốn chúng ta khám phá điều gì đó quan trọng hơn: vâng, cuối cùng, ánh sáng chiếu rọi xuống Ít-ra-en và toàn nhân loại. Xứ Ga-li-lê, điểm gặp của nhiều con đường từ muôn dân, người ta thường nói là cửa mở ra cho thế giới: từ đây ơn cứu độ Thiên Chúa, từ Đấng Mêsia chiếu rọi xuống cho muôn dân.

Đồng thời trong chỉ vài chữ, Thánh Mátthêu đã loan báo diễn biến những sự kiện sẽ xảy ra sau này. Việc Thánh Mátthêu kể Chúa bắt đầu về Ga-li-lê, sau khi ông Gioan Tẩy Giả bị bắt, thánh sử muốn nói cho chúng ta hai điều. Thứ nhất, cả đời Chúa Giêsu bị đánh dấu bằng sự bách hại… Nhưng điều thứ hai là Chúa vinh thắng trên sự dữ: sở dĩ Chúa Giêsu trốn bách hại thật đấy, nhưng làm như thế, Ngài đem Tin Mừng đi xa hơn. Từ sự dữ, Chúa làm nảy sinh điều lành… Phần cuối, Tin Mừng sẽ mặc khải cho chúng ta, từ đau khổ và sự chết, Chúa làm nảy sinh Sự Sống.

Giờ đây, Chúa đang ở Ca-phác-na-um, và Thánh Mátthêu dùng một công thức có vẻ tầm thường: "Từ lúc đó". Thế nhưng, ngài chỉ dùng một lần nữa ở chương 16: không phải ngẫu nhiên, cả hai lần đều nói lên khúc quanh quan trọng. Ở đây, trong bài này: "Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần"; còn ở chương 16 là: "Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Mt 16, 21)

Thật vậy, giai đoạn ngày hôm nay, thuật lại cho chúng ta phần đầu cuộc đời công khai của Chúa, chúng ta đang chứng kiến một khúc quanh quan trọng; với sự ẩn lánh đi của Gioan Tẩy Giả, và bước đầu cuộc rao giảng của Chúa Giêsu, nhân loại bước qua một giai đọan quyết định: từ thời của lời hứa, chúng ta bước qua thời lời hứa ấy được chu toàn. Nước Trời đây rồi, giữa chúng ta không phải bằng lời mà bằng hành động. Đoạn cuối của bài là cả một chương trình: "Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân".

Lời tiên tri Isaia (Bài đọc 1) được thể hiện hoàn toàn, và Thánh Mátthêu nhấn mạnh rõ ràng. Chúa Giêsu loan báo: «Nước Trời đã đến gần». Liền sau đó, Ngài loan báo: để rao giảng Tin Mừng, Ngài trông cậy vào những chứng nhân, những người Ngài chọn như những cộng tác viên. Cách hành xử của Chúa rất có ý nghĩa, Chúa Giêsu không lao vào chu toàn sứ vụ đơn thân độc mã: Ngài ban cho những người bình thường, vinh dự cộng tác với Ngài; Chúa chọn những cộng tác viên làm nghề đánh cá, Ngài ban cho danh hiệu "những kẻ lưới người như lưới cá": nếu lưới kéo cá ra khỏi môi trường tự nhiên, cá sẽ chết, còn kéo người từ biển lên, tránh cho họ chết chìm, là cứu họ. Chúa kết hợp các tông đồ vào sứ vụ cứu độ của Ngài.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân