Thừa hưởng Đức Tin từ cộng đoàn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 948 | Cập nhật lần cuối: 8/8/2018 9:10:37 AM | RSS

Đức tin của chúng ta là đức tin dựa trên nền tảng bằng chứng đức tin của các Tông đồ. Nhưng đức tin ấy không chỉ dựa trên chứng từ cá nhân của từng vị mà trên một cộng đoàn, tức Tông đồ đoàn. Niềm tin Phục sinh không chỉ là một kinh nghiệm gặp gỡ nội tâm của cá nhân với Chúa nhưng còn là kinh nghiệm gặp Chúa qua cộng đoàn và trong cộng đoàn hội thánh.

Đoạn Tin mừng của Chúa nhật II Phục sinh chúng ta vừa nghe cho thấy điều đó. Thật vậy, trong ngày Phục sinh Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ khi các ông qui tụ trong căn phòng đóng kín vì sợ và hoang mang, chơi vơi. Các ông sợ liên lụy với Đức Giêsu, mà người Do thái đã bắt và hành hình dã man cách đó ít bữa. Các ông chơi vơi vì như rắn mất đầu, bối rối hoang mang vì thấy Mộ Người trống, xác không còn, lại còn nghe những người phụ nữ trong nhóm môn đệ nói họ đã gặp Người phục sinh hiện ra với họ.

Chúa phục sinh hiện ra với họ với thân xác thương tích của chính kẻ đã bị đóng đinh trên thập giá. Đấng phục sinh hiện ra cũng chính là Đấng bị đóng đinh. “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người” (c.20). Các ông vui mừng vì được thấy Chúa. Đây là kinh nghiệm gặp gỡ Chúa phục sinh của một tập thể, một cộng đoàn, chứ không phải là kinh nghiệm nội giới của một cá nhân. Ngày hôm đó không có Tôma, cũng gọi là Điđymô. Các môn đệ kể lại cho Tôma “chúng tôi đã được thấy Chúa” nhưng ông không tin, nói: “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (c.25). Tám ngày sau, các môn đệ có cả Tôma lại tụ nhau trong nhà, cửa đóng kín, Đức Giêsu lại đến giữa các ông và chúc Bình an, Người nói với Tôma: “hãy đặt ngón tay vào đây và nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (c.27). Kinh ngạc và vui mừng Tôma đã thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Một lời tuyên xưng đức tin của kẻ cứng tin khi đã gặp Đấng phục sinh còn mạnh thế hơn! Chúa nói: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (c.29). Cũng có thể nói vì Tôma đã ở cùng anh em mình nên đã được gặp Đấng phục sinh. Niềm tin của chúng ta dựa vào đức tin của tập thể các Tông đồ còn được củng cố thêm nhờ chứng từ của Tôma. Lời tuyên xưng của Tôma là đỉnh cao của lời loan báo Phúc âm, tuyên xưng đức tin của Hội Thánh.

Đức tin không mâu thuẫn với khoa học nhưng không phải là khoa học, vì đức tin liên hệ đến thực tại ở bên kia thế giới nhờ giác quan ta có thể kinh nghiệm được, và vén mở cho ai mở lòng mở trí đón nhận điều mà khoa học không thể chứng minh. Thiên Chúa Đấng giàu lòng thương xót luôn nâng đỡ những ai tìm kiếm Người chân thành không định kiến ban cho họ những lí do để tin. Những dấu chỉ, những chỉ dẫn hữu hình quanh ta vẫn có đó dẫn họ đến gặp gỡ Người.

Các môn đệ được ban Thánh Thần của Đấng phục sinh được biến đổi. Biến đổi con tim và trí óc, các ngài, từ những con người thất vọng, sợ hãi, khép kín thành những người can đảm, hân hoan tràn trề hi vọng. Biến đổi cuộc sống, các ngài bung cửa đi ra loan báo Tin mừng phục sinh thực hiện lệnh truyền của Chúa: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (c.21). Bao nhiêu con người đã ra đi rao giảng Tin mừng mặc cho những bách hại, chống đối dai dẳng, làm chứng bằng chính cuộc sống và cái chết của mình như Thầy và Chúa của họ. Máu của các thánh tử đạo đổ ra làm trổ sinh các Kitô hữu.

Một lí do ý nghĩa nữa có tính nền tảng cho niềm tin, đó là sự hiện diện sống động yêu thương hiệp nhất, của Hội Thánh Chúa, giữa bao thăng trầm. Bấy giờ số những người tin nghe theo gia tăng đông đảo nhanh chóng, như sách Công vụ Tông đồ nói. Những người tin nhờ nghe và thấy chứng từ của các Tông đồ, vừa trực tiếp vừa gián tiếp, họ nghe và thấy chứng từ hoan hỉ của các cộng đoàn tín hữu sơ khai. “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32). Cho dẫu có những lúc lầm lạc, chia rẽ, có những bóng tối tội lỗi của những thành viên có lúc tưởng chừng phủ rợp dầy đặc trên lịch sử Giáo hội, nhưng rồi lại có hoán cải trở về yêu thương hiệp nhất. Hai ngàn năm qua, Hội Thánh đã gặp thấy bao ý thức hệ thù địch, bao quyền lực xem ra vô địch chống đối, cuối cùng đã rơi đài, tan rã. Hội Thánh không sức mạnh quân đội, hay kinh tế, càng không được lãnh đạo bởi những thủ lãnh siêu sao, đúng hơn Hội Thánh về phương diện phàm nhân, trên mỗi bước đường xem ra mỏng manh, yếu đuối. Thế mà Hội Thánh vẫn tồn tại cho thấy chỉ một lí do duy nhất đó là ý muốn của Đấng thần linh đã sáng lập nên mình. “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 5,4)

Nơi nào, thời nào, Hội Thánh Tông truyền ấy thể hiện “một lòng một ý” sống yêu thương nhau, như các cộng đoàn tín hữu tiên khởi, ở đó hoa trái của công cuộc Loan báo Tin mừng càng nở rộ phong phú. Hội Thánh hiệp thông với Chúa phục sinh, hiệp thông với nhau trong san sẻ huynh đệ “không ai thiếu thốn điều gì” (Cv 4,34) là chứng từ loan báo Tin mừng phục sinh hiệu quả nhất. “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời”.


Gm. Luy Nguyễn Anh Tuấn

Chia sẻ trong Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót

-------------------------------

Hình ảnh: Đại lễ kính Lòng Chúa thương xót 2018

TTMV: Đại lễ kính Lòng Chúa thương xót 2018