Tưởng nhớ một người Cha: TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2188 | Cập nhật lần cuối: 7/2/2015 2:06:45 PM | RSS

Đức Tổng Giám mục PhaoLô Nguyễn Văn Bình

(1910-1995)

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình được gọi về với Chúa (1.7.1995-2015), BBT WTTMV xin gửi đến quý độc giả những bài viết và tâm tình của những người con TGP đối với Đức cố Tổng Giám mục Phaolô.

TIỂU SỬ ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ

Tưởng nhớ một người Cha: TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995)- Sinh ngày 1.9.1910 tại Sài Gòn.

Năm 1922 học tại Tiểu chủng viện Sài Gòn, sau đó được gửi sang học tại trường Truyền Giáo

- 27.3.1937: Thụ phong linh mục tại Rôma.

- Năm 1943: giáo sư Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, tuyên úy cho các sư huynh Lasan Sài Gòn.

- Năm 1948, chánh xứ họ Cầu Đất - Đà Lạt.

- 20.9.1955: Được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa giáo phận Cần Thơ

- 30.11.1955: Thụ phong Giám mục tại Sài Gòn.

- 24.11.1960: Được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn

- 1.7.1995: từ trần tại thành phố Hồ Chí Minh.

*

Cách đây mười năm, ngày Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình về Nhà Cha (1.7.1995), chúng tôi còn đang là đại chủng sinh của Chủng viện thánh Giuse thành phố Hồ Chí Minh. Đại Chủng viện rất vinh dự được Đức Tổng chọn làm nơi an dưỡng trong những năm cuối đời. Đặc biệt hơn, sau khi tạ thế, Đức Tổng còn gởi lại thân xác của mình trong nhà nguyện Đại Chủng viện. Những kỷ niệm mà Đức Tổng để lại trong thời gian an dưỡng tại Đại Chủng viện, dù đã mười năm qua, chúng tôi vẫn còn nhớ như in. Chúng tôi muốn ghi lại những kỷ niệm ấy như một lá thơ gởi đến Người Cha Chung của giáo phận sau mười năm xa cách. Đó cũng là tâm tình biết ơn dâng kính Đức Tổng mà mỗi chủng sinh ngày ấy, và linh mục hôm nay, muốn thể hiện.

Cuộc chia tay nào cũng để lại sự bùi ngùi tiếc nhớ. Cha ra đi để lại nơi mỗi chúng con niềm thương nhớ lớn lao.

Mỗi lần có dịp về thăm mái nhà Chủng viện, chúng con như còn thấy đâu đây những dấu vết của người cha khả kính. Bởi vậy mà niềm thương nhớ của chúng con sâu lắng và da diết hơn.

Chúng con nhớ, hồi sức khỏe cha còn khá, dù bận rộn với nhiều công việc của giáo phận, cha đã không ít lần đến thăm chúng con. Giữa cuộc sống đầy bon chen vụ lợi, cha dạy chúng con: “Các anh phải biết yêu thương chân thành”. Trong lòng cuộc sống đó, mỗi người đều có những ngày vui, những ngày hạnh phúc, hay những ngày đau khổ, những ngày bất an, cha dạy chúng con”Các anh phải cầu nguyện, các anh phải thấy cuộc đời mình thuộc về Chúa”.

Sau này, khi sức khỏe trở nên yếu nhiều, nhất là sau những cơn đau ngặt nghèo, cha thường ra Vũng Tàu nghỉ ngơi. Sau những lần trở về thành phố, vào những buổi chiều, khi sức khỏe khá hơn, cha đều vào thăm chúng con. Có khi là những giờ giải trí, cha ngồi nhìn chúng con chơi thể thao. Vốn là người yêu thích thể thao, Cha như vui lây với chúng con trong từng đường banh, từng cú đập bóng chuyền vừa mạnh vừa dứt khoát của chúng con. Có khi cha vào thăm chúng con qua những lần huấn đức, hay những buổi chuyện trò...

Chúng con còn nhớ rất rõ một trong những lần huấn đức ấy. Đó là chiều ngày 4.12.1993. Những lời căn dặn chân thành của một người cha, lời dạy nghiêm túc của một người thầy ngày ấy, rất cần cho đời sống linh mục của chúng con hôm nay, khiến chúng con nhớ mãi. Ngày hôm ấy, cha nêu lên cho chúng con hình ảnh thánh Gioan Tiền hô, người dọn đường của Chúa Cứu Thế. Để tiến đến chức linh mục, người chủng sinh phải “dọn đường” bằng tu rèn đạo đức, tri thức… Những chủng sinh của cha ngày ấy, bây giờ đã là linh mục, nhưng tất cả đều hiểu rằng, không chỉ chủng sinh mới “dọn đường”. Người linh mục càng cần phải “dọn đường” nhiều hơn để luôn đánh thức mình, để đừng bao giờ ngủ vùi trong sự tự mãn, trong an phận mà không cần cố gắng, không cần làm giàu kinh nghiệm đạo đức, kinh nghiệm mục tử của mình.

Cũng buổi chiều hôm ấy, cha còn dùng chính tấm gương mục tử của Chúa Giêsu để dạy chúng con: Người mục tử phải biết yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ đàn chiên. Con chiên nào lạc bầy, người mục tử nhân lành không những đi tìm chúng, nhưng khi tìm được rồi, còn vác chiên lên vai trở về trong niềm vui lớn lao (Lc 15, 5). Cha còn căn dặn chúng con dứt khoát không vướng víu với tiền bạc: “Một linh mục ham tiền không phải là mục tử tốt lành”. Lời của cha còn đó, âm vang mãi trong lòng chúng con.

Khoảng thời gian gần hai năm cuối đời, vì biết sức khỏe mình đã yếu, cha vào ở hẳn trong Đại Chủng viện để được gần gũi với chúng con. Chúng con không thể quên đêm 24.12.1994, trước khi cử hành thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh, cha ngồi trên xe lăn và chúng con đưa cha đi xem hang đá, xem cách trang hoàng chủng viện của chúng con. Và trong giờ canh thức Giáng sinh, chính cha đã ban huấn từ khai mạc.

Chúng con nhớ mãi ngày hội thao chào mừng lễ thánh Cả Giuse, bổn mạng Chủng viện, 20.3.1995, do chính tay cha cắt băng khai mạc.

Sáu ngày sau đó, 26.3.1995, chúng con lại kéo nhau đến chúc mừng tuổi linh mục của cha tròn 58 năm. Lần này cha chia sẻ với chúng con về tình yêu Thiên Chúa mà cha cảm nhận. Chính Chúa đã gìn giữ cha, đã dìu dắt cha suốt 58 năm trong sứ vụ tông đồ. Và cha kêu gọi chúng con cùng cảm tạ Chúa với cha.

Còn biết bao nhiêu kỷ niệm mà cha đã để lại nơi tâm hồn của mỗi chúng con. Chúng con nhớ từng nụ cười, nhớ từng lời nói, nhớ từng bước đi của cha. Chúng con, những chủng sinh ngày ấy, không quên những tiếng ho nặng nhọc của cha mỗi buổi sáng trên dãy hành lang vào nhà nguyện… Dù sức khỏe đã quá mỏi mòn, vậy mà ngày nào cha cũng dâng thánh lễ với chúng con. Sự hiện diện của cha trong nhà nguyện nhắc nhở chúng con về bổn phận đạo đức, về đời sống cầu nguyện mà mỗi chủng sinh và cả linh mục nữa, phải thủ đắc làm hành trang cho đời tu của mình.

Chúng con vẫn biết cuộc ly biệt nào cũng để lại nơi lòng người ở lại những trống vắng và niềm tiếc thương. Sự ra đi của cha ngày ấy, đã làm rất nhiều trái tim rung cảm. Chúng con còn nhớ, trong lễ tang của cha, rất nhiều người đã xúc động và rơi lệ. Nhưng dẫu tiếc thương, người đời chỉ còn biết buông lời cảm thán: thế là hết! Nhưng chúng con cảm nhận rõ ràng chưa hết. Dù đã mười năm, sự hiện diện sinh động của cha như còn phảng phất đâu đây, trong tâm hồn của mỗi chúng con, những chủng sinh ngày ấy… Chúng con xin mượn cách nói của cha mà nói rằng, cha yêu nhất Chủng viện… Hình bóng của cha không phai mờ trong chúng con, bởi cha đã yêu chúng con trước, cha yêu nhất kia mà…

Thực tế có đau lòng, nhưng trong niềm tin vững chắc vào sự sống đời sau, chúng con cảm nhận một niềm an ủi lớn lao: giờ đây cha đang yểm trợ Giáo Hội, đang bảo vệ đoàn chiên và đang cầu bàu cho chúng con. Chúa đã sai cha ra đi, và Chúa đã gọi cha trở về. Cha đã trung thành với ơn gọi, “đã chạy hết chặng đường và đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4, 7).

Vâng, thưa cha, hạt lúa mì gieo vào lòng đất phải mục thối đi mới sinh nhiều hoa trái. Cha đã khuất. nhưng hoa trái của lòng tin do cha gieo vãi vẫn còn đó và lớn lên. Một lần nữa, nhân kỷ niệm mười năm cha xa cách chúng con, chúng con cúi mình kính chào cha. Mãi mãi chúng con thương nhớ cha, thương nhớ một người cha khả ái, vô cùng khả kính của chúng con. Xin tạm biệt cha. Hẹn gặp cha trên quê trời. Cha nhớ cầu nguyện cho chúng con với.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH (2005)

-------------------------

Hình ảnh: Tang lễ TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình (7/1995)

Video: Giã biệt một người Cha: TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình

Bài liên quan:

TGM. Phaolô Nguyễn Văn Bình: Một con người hiền hoà

Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, người kiến tạo hòa bình

Chân dung một vị mục tử - Lm. Inhaxiô Hồ Văn Xuân