Đại hội Uỷ Ban Thánh Nhạc toàn quốc lần 35

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1884 | Cập nhật lần cuối: 10/18/2014 10:22:22 PM | RSS

Sau bài hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần”, linh mục nhạc sư Phêrô Kim Long đã đi ngay vào chủ đề hội thảo, ngài chia sẻ “Mấy cảm nghiệm về Bình ca khi sáng tác Thánh ca”. Đây là những trải nghiệm trên 50 năm sáng tác của cha Phêrô, một người đã tìm hiểu và học hỏi về bình ca tại Rôma những năm 1969 đến 1973, đã sống với bình ca, đã dạy bình ca, và là cây đại thụ trong giới sáng tác Thánh ca Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều tinh thần nhạc bình ca.

Đại hội Uỷ Ban Thánh Nhạc toàn quốc lần 35

Trước hết, cha Phêrô đã giới thiệu đôi nét về thời kỳ học bình ca và đề tài tốt nghiệp là “Những mầu sắc bình ca trong nhạc Việt”, ngài nêu lên ba yếu tố có sự gặp gỡ giữa bình ca và nhạc Việt, đó là: Giai điệu, Tiết tấu, và Âm thể. Ngài cũng nói lên quan điểm: Học bình ca không phải để viết bình ca, mà tiêm nhiễm tinh thần của bình ca để sáng tác nhạc Thánh ca Việt Nam.

Ngài đã dùng những bài Thánh ca do chính ngài sáng tác năm 1968, trước khi đi học về bình ca, để diễn giải, phân tích những điểm chưa phù hợp giữa giai điệu và lời, cần phải sửa đổi. Giai điệu phải diễn tả được lời, cần chú ý dấu nhấn và vai trò của từng chữ.

Trong bình ca không có nhịp mà chỉ có tiết tấu, được hình thành bởi những âm: Cao độ: trầm lắng, thứ tự, xây dựng chính trên chuyển động liền. Trường độ: xây dựng trên phách cơ bản, qui ước tương đương với một nốt móc. Cường độ: nhịp nhàng, đều đều, không có đảo phách, nghịch phách. Qua đó, chúng ta thấy nhạc bình ca trầm lắng, tạo nên sự trang nghiêm.

Đại hội Uỷ Ban Thánh Nhạc toàn quốc lần 35

Ngài tiếp tục chia sẻ về Thể: trong bình ca có bốn nốt RE – MI – FA – SOL làm trụ. Không có cảm âm.

Trong diễn giải, ngài đã hát nhiều đoạn nhạc để minh họa.

Ngài cũng giải thích một số vấn đề liên quan đến thánh nhạc, như: lịch sử của Thánh nhạc không phải là lịch sử của bình ca.

Đại hội Uỷ Ban Thánh Nhạc toàn quốc lần 35

Sau khi chia sẻ, nhiều người có những đóng góp và thắc mắc về bình ca. Tất cả đã được cha giáo Phêrô giải đáp thoả đáng, càng làm cho các tham dự viên biết và biết rõ hơn về bình ca trong sáng tác nhạc Việt, như Đức Giám mục chủ tịch UBTN nói: “Con cảm nhận được ngày hôm nay tất cả mọi tham dự viên được cảm thấy bị đánh động, vì cha không trình bày lý thuyết về bình ca, nhưng cha trình bày cảm nghiệm của cha hơn 50 năm sống với bình ca, dạy bình ca, khi cha hát lên những đoạn mẫu tại sao phải lên, tại sao phải xuống, khi cha nhận định bộ Seraphim là đúng theo tinh thần bình ca nhưng lại không đúng với thẩm mỹ bình ca, tự nhiên anh em chúng con cảm thấy có cái gì đó mới mẻ mà chúng con chưa thể tìm thấy ở nơi khác.” Qua đó giúp cho nhiều nhạc sĩ, những anh chị em có trách nhiệm về Thánh nhạc trong các giáo phận, dòng tu biết diễn tả những bài hát tiếng Việt theo tinh thần bình ca, lại còn muốn cha giáo chấp nhận một lần chia sẻ khác về đề tài này, sẵn sàng làm thành video clip để truyền bá rộng hơn và để lại cho kho tàng Thánh Nhạc một tư liệu quý giá.

Đại hội Uỷ Ban Thánh Nhạc toàn quốc lần 35

Trước khi kết thúc Buổi Hội thảo, Đức Giám mục chủ tịch UBTN cám ơn cha giáo Phêrô, các nhạc sĩ, ca trưởng đã về tham dự đại hội, nhắc nhở các cha có trách nhiệm thánh nhạc trong các giáo phận, dòng tu liên hệ đăng ký và nhận bản “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc” để phổ biến cách rộng rãi. Đức Giám mục còn gợi ý tiếp tục mở rộng đề tài này vào kỳ đại hội Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 36, tại TTMV.TGP vào ngày thứ Ba 21/4/2015.

Đức cha chủ tịch dâng lời cầu nguyện kết thúc đại hội vào lúc 11g30.


Nguồn: tgpsaigon.net