Cây thánh giá của người phong

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1588 | Cập nhật lần cuối: 5/7/2015 10:00:00 AM | RSS

Cây thánh giá của người phongTôi đang mải miết dọn đồ lễ, chợt nghe tiếng của sơ Thủy từ phía cuối gian phòng chật hẹp dùng làm nhà nguyện:

- Đồ lễ để đó con soạn cho, nhờ thầy sang phòng 108 giúp ông Trí qua đây giùm con.

Đó là lần đầu tiên tôi tới làng phong Quỳnh Lập. Tôi đi cùng các cha và chủng sinh đoàn chủng viện Vinh-Thanh nhân dịp mùa chay. Tôi gõ nhẹ và mở cửa phòng 108, trước mắt tôi là một bệnh nhân, một ông cụ đã khoảng hơn 60 tuổi. Tôi chào ông, ông nhìn tôi với ánh mắt ấm áp và một nụ cười hiền từ. Ông đưa cánh tay đã cụt lên đến tận khuỷu chỉ vào góc phòng. Tôi vội đẩy ngay chiếc xe từ trong góc lại cạnh giường. Thấy ông vẫn ngồi yên, tôi kéo chiếc chăn mỏng đang đắp lên chân ông và tôi giật mình bồi hồi. Đôi chân nhỏ của ông đã cụt lên quá đầu gối… Theo ý ông, tôi đẩy chiếc xe lăn đến thật gần cung thánh rồi cố định bánh xe. Đang định hỏi thăm ông thêm vài câu, chợt thấy ông đưa cánh tay tật nguyền lên trán. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một người cụt tay lại làm dấu với một thái độ sốt mến đến lạ.

Suốt thánh lễ ngày hôm ấy, tôi chìm sâu trong suy nghĩ về sự đau khổ khi trước mắt tôi là những hiện thân rất thật, rất ghê gớm của sự dữ và khổ đau. Vốn lâu nay tôi chỉ chấp nhận một cách nông cạn rằng đó là một mầu nhiệm bất khả thấu đạt. Lễ xong, tôi định đưa ông cụ trở về phòng nhưng thấy ông vẫn nhắm mắt như đang đắm sâu trong nguyện cầu nên tôi tới dọn bàn thờ. Một lúc sau, các anh em trong đoàn đã bắt đầu đi thăm những bệnh nhân xung quanh đó, tôi đưa ông cụ về phòng, thấy trong phòng điện sáng, chăn chiếu đã được thay mới.

Sơ Thủy bước vào phòng với một ly sữa trên tay, sơ nhẹ nhàng:

- Hôm nay gặp Chúa hay sao mà cầu nguyện lâu quá vậy?

- Tôi cầu nguyện cho các cha, các thầy. Công việc, học hành vất vả mà vẫn ra thăm chúng ta.

- Sơ Thủy ra bộ giận dỗi: Con ở đây quanh năm mà ông không cầu nguyện lại cầu nguyện cho người mới đến.

Ông không đáp, chỉ mỉm cười hiền lành và tôi giúp ông uống sữa.

Sơ Thủy lại lên tiếng: Ông có định kể cho thầy nghe về cuộc hành trình trở về với Chúa không? Thầy này là bạn học của con từ thuở nhỏ, thầy đến đây lần đầu đó.

- Thì sơ kể cho thầy nghe đi.

Tay quét nhà, sơ Thủy kể:

Hai năm trước, Thủy tới đây lần đầu với chị em trong lớp tập hai của mình. Giờ lễ mà thấy cửa phòng này vẫn đóng im ỉm tưởng không có người. Lễ xong, thấy bên trong có ánh điện, Thủy gõ cửa nhưng một chị y tá chạy lại. Sơ gì ơi, không được đâu. Sao vậy ạ? Sơ mặc áo dòng như vậy mà vào là bị ông đuổi ngay. Ông có nỗi uất hận gì đó. Thủy im lặng đi thăm các phòng khác nhưng trong lòng vẫn thấy trăn trở, băn khoăn. Vài tháng sau, Thủy khấn xong và xin bề trên cho ra phục vụ ở đây. Vì là “người của nhà thờ” nên phải mất hơn một tháng ông mới nói câu đầu tiên với Thủy nhưng lại là câu: “Cô về với ông Chúa, ông cha độc ác của cô đi”. Thủy đáp lại nghẹn ngào nhưng rất cương quyết và xác tín: “Thiên Chúa không độc ác, Ngài yêu thương tất cả mọi người”. Sau không biết bao nhiêu lần bị đuổi, cuối cùng ông đã chịu nói chuyện với Thủy một cách hòa bình. Một lần, Thủy đẩy xe đưa ông đi dạo và làm liều đẩy vào nhà nguyện, chỉ lên thánh giá và nói: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài làm người, chịu đau khổ và chết đau thương như thế đó. Ngài có thể cảm thông mọi nỗi đau khổ của con người”. Ông không nói gì mà chỉ gục đầu xuống hồi lâu, Thủy đã thấy nhưng giọt nước mắt từ đôi mắt có lẽ đã khô cằn từ lâu lắm. Từ hôm đó, ông bắt đầu thích nghe Thủy nói về đạo, về Chúa, giáo lý. Lễ Phục Sinh năm ngoái ông được chịu phéo rửa tội.

Tôi xen vào:

- Thế là ông sắp được mừng sinh nhật một tuổi làm con Chúa rồi nhỉ!

Ông nói:

- Sơ Thủy kể nhanh quá không có đoạn tôi đọc thơ, làm quen với Hàn Mạc Tử, cùng bệnh, cùng tên Trí như tôi và nhất là tôi chọn tên thánh Phanxicô như nhà thơ nữa.

- Còn gì nữa ông kể cho thầy nghe luôn đi, để con đi lấy cơm cho ông nhé, đến giờ cơm rồi.

Sơ Thủy đi rồi, ông nói:

- Thầy ạ, tôi có tội nhiều lắm. Tôi đã được Chúa thương cho học đạo khi mới 23 tuổi để lấy vợ người Công Giáo, tôi học xong nhưng chưa được rửa tội vì tôi chưa thuộc hết kinh và giáo lý. Chỉ còn mấy ngày nữa thì một trận bom năm 1973 cướp mất người vợ chưa cưới của tôi. Từ đó, tôi hận Chúa, hận nhà thờ, tôi sống lang thang, bất cần rồi nhiễm bệnh. Đau đớn, cô độc, ghê tởm chính mình vì lở lói, hôi thối. tôi hận tất cả…- Ông nghẹn giọng khi nói đến đó.

Sơ Thủy bước vào:

- Nhờ thầy giúp ông ăn cơm, Thủy đi đưa cơm cho mấy người nữa.

Ông cụ vui vẻ trở lại, tôi xúc từng thìa cơm nhỏ giúp ông ăn. Nhìn vào cổ ông cụ tôi nói: Ông có cây thánh giá đẹp quá, mà sao chỉ có thánh giá mà không có Chúa Giêsu trên đó?

Nuốt miếng cơm ông nói:

- Cái này là của sơ Thủy tặng tôi hồi năm ngoái. Sơ nói rằng thánh giá không cũng được tôi cứ tưởng tượng thân xác đau khổ của tôi đóng đinh vào đó để kết hợp với những đau khổ của Chúa.

Thêm một thìa cơm cho ông, tôi nói:

- Thập giá mà không có Chúa Giêsu thì chỉ là đau khổ tột độ, cùng cực và tuyệt vọng. Chỉ nhờ Ngài, thập giá mới có sức cứu độ nhân loại đau khổ này.

- Đúng vậy đó thầy, từ một năm nay tôi cảm thấy được phần nào ý nghĩa cuộc sống, những đau khổ bớt được phần tàn phá kinh hồn của nó. - Bất chợt ông ngẩng lên và nói- Cây thánh giá thầy mang có Chúa Giêsu đẹp quá.

- Ông có thích không? Con đổi cho ông nha?

- Thế thì còn gì bằng! Cám ơn thầy!

Tôi và ông đổi cây thánh giá đang mang cho nhau, ông nở nụ cười mãn nguyện và đưa tay lên vuốt cây thánh giá có tượng Chúa Giêsu đó.

- Thầy lỗ rồi, cây thánh giá này của thầy to hơn, đẹp hơn.

Tôi nói:

- Nhưng ông lại phải vác thánh giá nặng hơn con nhiều.

- Không chắc đã hơn đâu thầy, thánh giá đời tu cũng sẽ nặng lắm đó thầy ơi!

Ông cụ ăn xong nằm nghỉ, tôi cùng mấy anh em đi ra phía sau ngắm biển. Biển Quỳnh những ngày cuối xuân xanh trong, êm ả, từng đợt sóng nhè nhẹ xô bờ. Tôi đang thả hồn đi dọc bờ biển nghe những hạt cát mịn mơn man dưới chân. Tôi nghĩ về cô bạn nhỏ hiền lành của tôi đang nơi đây! Thủy là bạn học từ năm cấp hai với tôi, Thủy rất hiền lành nên thường bị chúng tôi bắt nạt. Trong lớp tôi ngồi cạnh Thủy và thường tìm đủ mọi lý do để rồi lấy thước kẻ đánh cô ấy. Thông thường nhất có lẽ là vạch chia chỗ ngồi trên bàn và đánh mỗi khi Thủy vô ý chạm vào vạch kẻ… Thủy đáp lại tất cả bằng sự im lặng hiền lành.

Sơ Thủy từ đằng sau nói:

- Không ngờ thuở học trò ngồi chung lớp bây giờ chung chí hướng thầy nhỉ!

Tôi quay lại:

- Mình rất vui và bất ngờ khi gặp Thủy ở đây. Thủy ở đây mà vẫn văn thơ lai láng nhỉ!

Thủy đáp:

- Sống ở đây, chứng kiến quá nhiều cảnh tượng đau lòng của kiếp nhân sinh, có lẽ Thủy đã rắn rỏi hơn ít nhiều nhưng vẫn phải luôn cảnh giác để khỏi lòng nên lạnh lùng chai đá, để luôn có thể đồng cảm với họ. Thực ra, Thủy không phải giúp họ sống mà là giúp họ vui sống.

- Chà! Thủy ăn nói còn “triết” hơn cả chủng sinh ban triết nhỉ!- Tôi nói.

Thủy đáp lại:

- Có triết gì đâu, cái lẽ nhân sinh trần trụi ra như thế mà!

Tôi chuyển dần chủ đề:

- Mình phục Thủy về việc đưa ông Trí về với Chúa đó!

Thủy trầm tĩnh:

- Không phải chỉ có mình đâu, là công lao của nhiều người lắm. Họ đau khổ cùng cực quá độ nên họ đóng lòng lại, không dễ gì để mở ra đâu. Đối với những người đau khổ ấy mình khó mà rao giảng bằng lời được. Phải âm thầm, kiên trì hiện diện với họ, chăm sóc họ và quan trọng nhất là cầu nguyện. Mình tin, với thời gian và ơn Chúa họ sẽ mềm lòng và cởi mở tâm hồn để đón nhận Chúa, đón nhận đức tin. Cậu nhớ cầu nguyện cho họ và cho mình với nha!

- Uh! Mình sẽ cầu nguyện, mình tin Thủy sẽ làm được nhiều việc hơn nữa!

Thủy tiếp tục trầm giọng:

- Ở đây, vẫn còn nhiều người chưa đón nhận đức tin lắm, họ không chỉ đau đớn thể xác, điều đáng sợ hơn nhiều là sự tuyệt vọng. họ như muốn chết mà không chết được, không dám chết. Họ phải có đức tin, phải biết có Thiên Chúa yêu thương họ, để họ không những được cứu rỗi mà đời này họ muốn sống hơn, cuộc sống của họ, đau khổ của họ có ý nghĩa hơn vì có niềm hy vọng.

Tôi đồng cảm đáp lại:

- Thủy nói đúng, họ phải có đức tin, phải nhận biết Chúa.

- Nhưng ước muốn là vậy, Thủy vẫn thấy mình nhỏ bé, bất lực quá. Thủy nhỏ nhẹ.

Tôi động viên:

- Không đâu, luôn có nhiều người trợ giúp cách này cách khác, rồi bề trên sẽ gửi thêm người tới đây nữa chứ. Vẫn luôn có những tấm lòng quảng đại, sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng chung vai gánh vác những việc đó với Thủy nữa… Hãy vững tin lên nhé!

Chúng tôi lên xe trở về chủng viện. Với tôi, chuyến này tôi nhận được nhiều hơn là cho đi. Lòng dâng đầy những băn khoăn, trăn trở. Trang sách “Lạy Chúa! Tại sao Ngài im lặng” tôi mới đọc lại trở về trong trí tôi:

Hình ảnh sức mạnh lòng can đảm, sự khoan dung nhân từ và tình yêu của Thiên Chúa tiềm tàng trong mỗi con người. Tiếng kêu bi thương của những người thánh thiện hiền lành rên siết van nài Chúa cứu giúp vẫn đang vang vọng không ngừng. Thiên Chúa buồn lắm! Ngài không im lặng, vì Ngài đã trao phó trách nhiệm rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và hành động cho tất cả chúng ta. Hỏi rằng chúng ta phải trả lời như thế nào nếu Ngài thầm thì bên tai mỗi người chúng ta:

"Này con, tại sao con im lặng???... "

Bài dự thi Mã số: 15-052

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 05