Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (5)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1804 | Cập nhật lần cuối: 10/16/2019 11:37:05 PM | RSS

Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

(tiếp theo)

V. Tham dự vào các đau khổ của Chúa Kitô

19. Các câu tiếp theo trong bài ca về Người Tôi tớ đau khổ sẽ giúp chúng ta tiếp tục suy tư theo chiều hướng câu hỏi và lời đáp trên:

“Nhưng khi đã hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ có kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ Người, chương trình của Chúa sẽ được thành tựu.

Qua cơn thống khổ, Người sẽ được giác ngộ và thỏa mãn.

Vì đã biết mùi đau khổ,

Người Công chính, Tôi trung của Ta,

Sẽ làm cho muôn người lên công chính, và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Vì thế, Ta sẽ ban muôn dân cho Người làm gia sản,

Và chiến lợi phẩm của Người,

Sẽ là ứng triệu sinh linh,

Bởi vì Người đã hiến thân chịu chết,

Đã bị liệt vào hàng phạm nhân,

Nhưng thật ra Người đã mang lấy tội muôn dân,

Và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”

(Is 53,10-12)

Có thể nói, với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, mọi đau khổ của con người đã đi vào một tình trạng mới. Tình trạng này dường như ông Gióp đã linh cảm: “Tôi biết, vâng, tôi biết Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống…” (G 19,25). Và có lẽ ông đã hướng chính đau khổ của bản thân ông đến tình trạng mới này, vì nếu không có ơn cứu độ, thì ông không thể nào hiểu được ý nghĩa sung mãn của đau khổ. Nơi Thập Giá Đức Kitô, không những ơn cứu độ được thực hiện bằng đau khổ, mà hơn nữa, chính sự đau khổ của con người cũng đã được cứu chuộc. Đức Kitô, Đấng chẳng hề phạm tội, đã gánh lấy toàn bộ sự dữ do tội. Kinh nghiệm về sự dữ đó đã xác định mức độ vô song của sự đau khổ nơi Đức Kitô, và nỗi đau khổ đó đã trở thành giá cứu độ. Đó là điều mà bài ca về Người Tôi tớ đau khổ trong Isiaa đã nói tới. Về sau, các chứng nhân Giao Ước mới, giao ước ký kết trong máu Đức Kitô, cũng lặp lại điều đó.

Trong thư thứ nhất, Thánh Phêrô diễn tả như sau:

“Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được giải thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại, nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô” (1P 1,18-19)

Trong thư Galata, Thánh Phaolô cũng viết:

“Để cứu chúng ta thoát khỏi thế gian xấu xa hiện tại, Đức Giêsu Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa, là Cha chúng ta” (Gl 1, 4)

Trong thư 1 Côrintô, Người viết:

“Vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em, vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6, 20)

Với những lời lẽ như thế hay những kiểu nói tương tự, các chứng nhân Tân Ước đã diễn tả sự cao cả của công trình cứu độ được thực hiện nhờ đau khổ của Đức Kitô, Đấng Cứu Thế đã chịu đau khổ thay cho con người và vì con người. Mọi người cách này hay cách khác đều tham dự vào công trình cứu độ. Mỗi người cũng được mời gọi tham dự vào sự đau khổ, nhờ đó công cuộc cứu độ được hoàn tất. Họ được mời gọi tham dự vào sự đau khổ mà nhờ đó mọi khổ đau của con người cũng được cứu chuộc. Khi thực hiện ơn cứu độ bằng đau khổ, Đức Kitô đồng thời cũng nâng cao đau khổ của con người đến nỗi thông ban cho nó một giá trị cứu độ. Như vậy, qua đau khổ của mình, mọi người đều có thể tham dự vào đau khổ cứu độ của Đức Kitô.

20. Nhiều đoạn văn Tân Ước đã diễn tả tư tưởng đó. Thánh Phaolô viết trong thư 2 Côrintô:

“Chúng tôi bị dồn ép tứ bề, nhưng không hề bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang trong thân mình cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi… Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy cùng với Đức Giêsu” (2Cr 4,8-11.14).

Thánh Phaolô nói tới những đau khổ khác nhau, và nhất là những đau khổ mà các Kitô hữu đầu tiên phải chịu “vì Đức Giêsu”. Qua những đau khổ đó, độc giả Côrintô có thể tham dự vào công cuộc cứu độ được thể hiện nhờ đau khổ và sự chết của Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, sức thuyết phục của Thập Giá và của sự chết còn được bổ túc nhờ sự Phục Sinh. Con người tìm thấy trong sự Phục Sinh một ánh sáng hoàn toàn mới mẻ, giúp mở ra được một lối đi xuyên qua bóng tối dày đặc của những sỉ nhục, nghi ngờ, thất vọng và bách hại. Do đó Thánh Phaolô cũng viết:

“Vì chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi đau khổ của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (2 Cr 1, 5)

Trong thư 2 Thêxalônica, Người khích lệ:

“Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Kitô” (2 Tx 3, 5)

Trong thư Rôma, Người viết:

“Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, nên tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12, 1)

Qua kiểu nói trên, ta thấy chính việc tham dự vào đau khổ của Đức Kitô mang hai chiều kích: nếu con người được tham dự vào các đau khổ của Đức Kitô, đó là vì Người đã mở rộng đau khổ của Người cho nhân loại, vì chính Người, trong đau khổ cứu độ, đã tham dự cách nào đó vào tất cả các thống khổ của loài người. Khi nhận ra sự đau khổ cứu độ của Đức Kitô nhờ niềm tin, con người đồng thời cũng khám phá ra trong đó các đau khổ của bản thân mình, và cũng nhờ niềm tin, con người nhận ra rằng đau khổ của mình mang một nội dung và một ý nghĩa mới.

Khám phá đó đã gợi hứng cho Thánh Phaolô viết lên những lời lẽ quyết liệt trong thư Galata:

“Tôi chịu đóng đinh vào thập giá cùng với Đức Kitô. Thế nên tôi có sống thì không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp con người của tôi trong niềm tin vào Con Thiên Chúa là Đấng đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gl 2,19-20)

Đức tin đã giúp tác giả nhận ra rằng chính tình yêu đã dẫn đưa Đức Kitô đến với thập giá. Và nếu như Đức Kitô đã yêu thương đến nỗi chịu đau khổ và chịu chết, thì cũng chính với sự đau khổ và cái chết đó, Người đang sống nơi những kẻ Người thương yêu, nơi con người, nơi Phaolô. Và đang khi sống nơi con người Phaolô - theo mức độ ý thức điều đó nhờ đức tin mà đáp lại tình yêu của Người - thì Đức Kitô cũng kết hiệp một cách đặc biệt với con người, với Phaolô, nhờ thập giá. Sự kết hiệp đó đã thôi thúc Thánh Phaolô viết trong thư Galat những lời không kém quyết liệt như sau:

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoại trừ thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ thập giá đó, thế gian đã chết đối với tôi, và tôi cũng đã chết đối với thế gian” (Gl 6, 14)

21. Thập giá Đức Kitô cũng tỏa ánh sáng cứu độ rạng ngời như thế trên đời sống con người và nhất là trên nỗi đau khổ của con người, bởi vì nhờ đức tin mà thập giá gặp gỡ con người cùng lúc với sự Phục Sinh. Mầu nhiệm khổ nạn được hàm chứa trong mầu nhiệm Phục Sinh. Các chứng nhân trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô cũng là chứng nhân sự Phục Sinh của Người. Thánh Phaolô viết:

“Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ cõi chết” (Pl 3,10-11)

Thánh Phaolô thật sự đã cảm nghiệm được “quyền năng Phục Sinh” của Đức Kitô trên đường đi Đamas, và chỉ sau đó, dưới ánh sáng Phục Sinh, Người mới thông phần những đau khổ của Đức Kitô, như Người đã viết trong thư Galata. Con đường của Thánh Phaolô rõ ràng là con đường của mầu nhiệm Phục Sinh: sự tham dự vào thập giá Chúa Kitô được thực hiện qua kinh nghiệm về Đấng đã phục sinh, tức là nhờ một sự tham dự đặc biệt vào cuộc Phục Sinh. Vì thế trong các kiểu nói của Thánh Phaolô về đề tài đau khổ, chúng ta rất thường gặp thấy ý tưởng vinh quang nhờ thập giá Đức Kitô.

Các chứng nhân Thập Giá và Phục Sinh đều xác tín rằng: “Ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Chúa” (Cv 14, 22). Và Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu ở Thêxalônica như sau:

“Bởi thế, chúng tôi hãnh diện về anh em trước mặt các hội thánh của Thiên Chúa, vì anh em kiên nhẫn và có lòng tin mỗi khi bị bắt bớ hay gặp cảnh gian truân. Đó là dấu cho thấy Thiên Chúa xét xử công minh: anh em sẽ được coi là xứng đáng tham dự Nước Thiên Chúa, chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ” (2Tx 1,4-5)

Như thế, thông hiệp với đau khổ của Đức Kitô đồng thời cũng là đau khổ vì Nước Thiên Chúa. Dưới cái nhìn của Thiên Chúa công minh, và theo phán quyết của Người, tất cả những ai thông hiệp vào các đau khổ của Đức Kitô, cũng đều trở nên xứng đáng với nước Thiên Chúa. Nhờ chịu đau khổ, họ có thể tái lập - theo một nghĩa nào đó - cái giá vô biên của cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô, Đấng đã trở thành giá cứu chuộc chúng ta. Với giá đó, Nước Thiên Chúa lại được củng cố trong lịch sử loài người, bằng cách trở nên hướng đi dứt khoát cho cuộc sống con người trên trần gian. Đức Kitô đã đưa chúng ta vào vương quốc đó nhờ cuộc khổ nạn của Người. Và cũng chính nhờ đau khổ, những con người đã được dìm vào mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô sẽ trở nên trưởng thành đối với Người.

22. Viễn tượng về Nước Thiên Chúa gắn liền với niềm hy vọng vinh quang bắt nguồn từ thập giá Đức Kitô. Phục Sinh đã mặc khải cho thấy vinh quang đó - vinh quang cánh chung - mặc dù, nơi thập giá Đức Kitô, vinh quang ấy vẫn còn hoàn toàn mờ tối bởi vì vẫn còn đầy dẫy đau khổ. Những ai thông hiệp với các đau khổ của Đức Kitô cũng được mời gọi thông hiệp vào vinh quang nhờ các đau khổ của họ. Thánh Phaolô đã nhiều lần nhắc đến điều đó. Trong thư Rôma, Người viết:

“Chúng ta là… những người đồng thừa kế với Đức Kitô, vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,17-18)

Và trong thư 2 Côrintô, chúng ta đọc thấy:

Vì một chút gian truân tạm thời, trong hiện tại, mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Quả thế, chúng ta là những người không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình” (2Cr 4,17-18).

Trong thư thứ nhất, Thánh Phêrô diễn tả chân lý ấy như sau:

“Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng phấn khởi” (1P 4,13)

Tư tưởng của sự đau khổ và vinh quang hoàn toàn có tính chất Tin Mừng. Tính chất này được soi sáng nhờ quy chiếu về mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh. Trước tiên, Phục Sinh là sự tỏ hiện vinh quang, tương ứng với việc Đức Kitô được siêu tôn nhờ Thập Giá. Quả vậy, nếu dưới mắt loài người, Thập Giá tiêu biểu cho tình trạng Đức Kitô bị tước bỏ, thì đó lại là sự siêu tôn đối với Thiên Chúa. Trên Thập Giá, Đức Kitô đã đạt tới và thực hiện sứ vụ của Người đến mức sung mãn khi thi hành thánh ý Chúa Cha, đồng thời Người cũng thể hiện bản thân. Trong sự yếu đuối, Người đã tỏ bày quyền năng, và trong sự tự hạ, Người đã tỏ mình là Đấng Messia cao cả. Những lời Người thốt lên trong cơn hấp hối trên Núi Sọ và nhất là những lời cầu xin cho các lý hình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34) lại chẳng là bằng chứng về sự cao cả đó sao? Những lời ấy là tấm gương tuyệt vời cho những ai thông hiệp vào các đau khổ của Đức Kitô. Đau khổ cũng là lời mời gọi biểu lộ nét cao đẹp tinh thần của con người, tức là sự trưởng thành thiêng liêng của mình. Các Thánh tử đạo và hiển tu thuộc mọi thời đại đã chứng minh điều đó, vì các ngài trung thành với lời: “Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm hại được linh hồn” (Mt 10,28). Sự Phục Sinh của Đức Kitô đã mặc khải vinh quang mai sau, đồng thời đã củng cố việc suy tôn trên Thập Giá. Vinh quang tương lai đó đã bao gồm trong chính đau khổ của Đức Kitô, như thường thấy phản ánh và sẽ còn được phản ánh nơi đau khổ của nhân loại. Đau khổ này biểu lộ sự cao cả tinh thần của con người. Ta phải thừa nhận vinh quang không những nơi các chứng nhân đức tin, mà còn nơi rất nhiều người khác, có khi họ không tin vào Đức Kitô, nhưng đang chịu đau khổ và hiến mạng sống mình cho chân lý hoặc cho chính nghĩa. Phẩm giá cao cả của con người được khẳng định một cách đặc biệt nơi những đau khổ của họ.

23. Quả thật, đau khổ bao giờ cũng là một thử thách, đôi khi quá nặng nề, mà con người phải chịu. Trong các thư Thánh Phaolô, chúng ta thường ngạc nhiên, trước nghịch lý Tin Mừng về sự yếu đuối và sức mạnh mà Thánh Phaolô đã cảm nghiệm một cách đặc biệt, và cùng với Người, tất cả những ai đang thông hiệp vào khổ đau của Đức Kitô, cũng cảm nghiệm được. Trong thư 2 Côrintô, Thánh Phaolô viết:

“Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh Đức Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr 12, 9)

Trong thư thứ 2 của Timôthêu, ta đọc thấy:

“Chính vì lý do đó mà tôi phải chịu những đau khổ này, nhưng tôi không hổ thẹn, vì tôi biết tôi tin vào ai” (2Tm 1, 12)

Trong thư tín hữu Philíp, Người viết:

“Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể chịu được hết” (Pl 4, 13)

Những ai thông hiệp với đau khổ của Đức Kitô đều nhìn thấy mầu nhiệm vượt qua của Thập Giá và Phục Sinh, trong đó Đức Kitô khởi đầu đã hạ mình xuống, đến tận cùng sự yếu đuối và bất lực của con người: Người chịu đóng đinh vào Thập Giá. Nhưng nếu trong sự yếu đuối đó, Người được tôn vinh, sự tôn vinh được xác nhận bởi sức mạnh Phục Sinh, thì điều đó có nghĩa là những yếu đuối trong mọi đau khổ của con người đều có thể được quyền năng Thiên Chúa bao phủ. Quyền năng này được tỏ hiện nơi Thập Giá Đức Kitô. Theo quan niệm đó, chịu đau khổ có nghĩa là trở nên hết sức sẵn lòng đón nhận, đặc biệt mở rộng trước tác động của những năng lực cứu độ nơi Thiên Chúa, được thông ban cho nhân loại qua Đức Kitô. Và Thiên Chúa đã xác định rằng Người muốn hành động nơi con người, nhất là qua sự đau khổ, tức là sự yếu đuối và trơ trụi của chính họ, và chính trong sự yếu đuối và trơ trụi đó mà Người muốn bày tỏ quyền năng của Người. Như vậy ta cũng có thể hiểu được lời căn dặn của Thánh Phêrô:

“Nếu có phải chịu đau khổ vì tin vào Đức Kitô thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó” (1Pr 4, 16)

Trong thư gởi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô quảng diễn rộng hơn về đề tài “sức mạnh phát xuất từ sự yếu đuối”, đề tài về sự canh tân năng lực thiêng liêng của con người giữa các thử thách và gian truân; cuộc canh tân đó là ơn gọi đặc biệt của những ai thông phần vào đau khổ Đức Kitô:

“Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng, ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên, ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,3-5)

Đau khổ chứa đựng một lời mời gọi đặc biệt hướng về nhân đức mà con người phải thực hành, đó là trung kiên đón nhận những phiền hà và khổ đau. Khi chịu đựng như vậy, con người củng cố thêm niềm trông cậy, và nhờ đó họ mãi mãi xác tín rằng đau khổ sẽ không thắng được họ, không tước đoạt được phẩm giá của riêng con người ý thức về ý nghĩa của đời mình. Ý nghĩa cuộc đời được tỏ hiện cùng với công trình của tình yêu Thiên Chúa, tức là ơn cao trọng nhất của Chúa Thánh Linh. Càng tham dự vào lòng mến đó, con người càng tìm lại được chính mình cho dù đang đau khổ tột cùng, tìm lại được tâm hồn mà họ tưởng là đã đánh mất (x. Mc 8, 35; Lc 9, 24; Ga 12, 25).

24. Nhờ tham dự vào các đau khổ của Đức Kitô, Thánh Phaolô còn có những kinh nghiệm sâu sắc hơn nữa. Trong thư gởi tín hữu Côlôsê có một câu nói đến giai đoạn cao nhất trong hành trình thiêng liêng liên quan đến đau khổ. Thánh Phaolô viết:

“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Như thế là vì lợi ích cho thân thể Người, là Hội Thánh” (Cl 1,24)

Và trong thư 1 Côrintô, Người đặt câu hỏi:

“Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?” (1Cr 6,15).

Qua mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Kitô đã khởi sự kết hợp với con người trong cộng đoàn Giáo Hội. Mầu nhiệm Giáo Hội được diễn tả qua sự kiện là từ bí tích Thánh Tẩy - làm cho ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô - cho đến hy tế Đức Kitô - diễn lại trong Thánh Thể theo cách bí tích - Giáo Hội không ngừng tự kiến tạo một cách thiêng liêng để trở nên Thân Mình Đức Kitô. Trong Thân Mình này, Đức Kitô muốn được kết hiệp với mọi người, và Người được kết hiệp cách đặc biệt với những ai đang chịu đau khổ. Những lời trong thư Côlôsê được trích dẫn trên đây xác nhận tính cách đặc biệt của sự kết hiệp đó. Quả thật, người đau khổ mà kết hiệp với Đức Kitô - như Thánh Phaolô trải qua những “gian truân” trong sự kết hiệp với Đức Kitô - thì họ không những múc lấy nơi Đức Kitô sức mạnh mà chúng ta đã nói tới trên kia, nhưng còn nhờ đau khổ của mình mà “bù đắp” những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu. Trong cái nhìn của Tin Mừng như thế, nổi bật lên sự thật về tính sáng tạo của đau khổ. Đau khổ của Đức Kitô đã phát sinh một điều thiện hảo: đó là công trình cứu độ thế giới. Thiện hảo đó tự nó dồi dào khôn cùng. Không ai có thể thêm gì vào công trình đó nữa. Nhưng đồng thời, trong mầu nhiệm Giáo Hội là Thân Mình Đức Kitô, có thể nói Đức Kitô đã mở rộng đau khổ cứu độ của Người đến mọi đau khổ của con người. Ở bất cứ nơi nào, thời nào, con người càng thông phần vào đau khổ của Đức Kitô, thì họ càng bù đắp, theo cách thức của mình, vào đau khổ mà nhờ đó Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu độ trần gian.

Như thế phải chăng công trình cứu độ của Đức Kitô là chưa đầy đủ? Không phải thế. Điều đó chỉ có nghĩa là công trình cứu độ - được thực hiện nhờ năng lực của tình yêu đền bù - vẫn mãi mãi rộng mở để đón nhận mọi tình yêu được diễn tả qua đau khổ của con người. Trong chiều kích đó, chiều kích tình yêu, có thể nói ơn cứu độ đã được thực hiện trọn vẹn, nhưng vẫn còn đang được hoàn tất liên lỷ. Đức Kitô đã thực hiện trọn vẹn công trình cứu độ và cho đến tận cùng, nhưng Người không đặt dấu chấm kết thúc trong sự đau khổ cứu độ - nhờ đó thế giới được cứu thoát - ngay từ đầu. Đức Kitô đã mở ra và Người vẫn mãi mãi mở rộng để đón nhận mọi đau khổ con người. Thật vậy, đòi hỏi luôn được bổ túc hình như cũng là thành phần trong yếu tính đau khổ cứu độ của Đức Kitô.

Như thế, chính trong sự rộng mở đối với mọi đau khổ của con người mà Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu độ qua đau khổ của Người. Quả vậy, ơn cứu độ, mặc dù đã được thực hiện một cách sung mãn nhờ đau khổ của Đức Kitô, vẫn đang diễn tiến và phát triển trong lịch sử loài người theo một cách thức khác. Ơn cứu độ đang được thực hiện và phát triển như Thân Mình Đức Kitô là Giáo Hội, và trong chiều kích đó, mọi đau khổ của con người, nhờ kết hiệp với Đức Kitô trong tình yêu, đều bổ túc cho sự đau khổ của Đức Kitô; đau khổ của con người bổ túc cho đau khổ của Đức Kitô, tương tự như Giáo Hội bổ túc công trình cứu độ của Đức Kitô vậy. Mầu nhiệm Giáo Hội, tức nhiệm thể, đang tự bổ túc nơi chính mình cho thân thể bị đóng đinh Thập Giá và Phục Sinh của Đức Kitô, xác định một khoảng trống để đau khổ của con người bổ túc đau khổ của Đức Kitô. Chỉ ở trong lãnh vực này - trong chiều kích Giáo Hội như Thân Mình Đức Kitô, không ngừng phát triển trong không gian và thời gian - ta mới có thể nói tới những gì còn thiếu nơi các gian truân thử thách Đức Kitô phải chịu. Quả thật, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh điều đó khi nhắc đến “những gì còn thiếu nơi các gian nan thử thách mà Đức Kitô phải chịu vì thân thể Người, tức là Giáo Hội”.

Giáo Hội không ngừng kín múc từ nguồn mạch vô tận, để đem ơn cứu độ đến cho nhân loại, như vậy rõ ràng Giáo Hội là một chiều kích, trong đó đau khổ cứu độ của Đức Kitô luôn luôn được bổ túc nhờ đau khổ của con người. Ý nghĩa đó làm nổi bật bản chất của Giáo Hội, là vừa có tính nhân trần. Một cách nào đó, dường như đau khổ làm nổi bật những đặc tính ấy. Cũng vì thế, Giáo Hội nhìn nhận đau khổ có một giá trị đặc biệt. Đau khổ là một thiện hảo mà Giáo Hội nghiêng mình tôn kính trong niềm tin sâu xa vào ơn cứu độ. Giáo Hội cũng tôn kính trong niềm tin sâu xa nhờ đó Giáo Hội đón nhận mầu nhiệm khôn tả của thân mình Đức Kitô.

(còn tiếp)

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô.

Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu Triều đại Giáo Hoàng của tôi
GIOAN PHAOLÔ II

--------------------------------

Bài liên quan

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (2)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (3)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (4)