Ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và thế giới (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3363 | Cật nhập lần cuối: 11/18/2014 6:56:12 PM | RSS

Giáo huấn của Công đồng (và các Giáo hoàng kế tiếp) về ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và thế giới [1].

I. Vài dòng về lịch sử người giáo dân [2]

Người giáo dân đã có mặt ngay từ buổi đầu của lịch sử Giáo hội và chắc chắn sẽ còn luôn có mặt trong suốt những chặng đường lịch sử của Giáo hội trên đường hướng về ngày Cánh Chung. Tuy nhiên, vị thế của người giáo dân trong dòng lịch sử đó không phải lúc nào cũng được công nhận như một thành phần thiết yếu và chủ động, và cũng không phải lúc nào cũng xếp vào hạng "những con chiên ngoan ngoãn, thụ động, chỉ có nghĩa vụ để người khác hướng dẫn mình và theo các chủ chăn mình như đàn cừu dễ bảo".

Chúng ta cũng nhìn lại những bước "thăng trầm" đó.

1. Giáo dân trong Kinh Thánh và trong Giáo hội sơ khai

Trong Kinh Thánh không có từ ngữ "giáo dân". Nhưng Kinh Thánh dùng nhiều từ khác để chỉ chung một cộng đoàn thuộc về Thiên Chúa như: Giáo hội Chúa (Chúa Kitô), Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô. Các phần tử các dân tộc trong cộng đoàn đó thì được gọi là: "những người được chọn", "các thánh", "các môn đệ", nhất là từ ngữ "anh em".

Qua tất cả những từ ngữ Thánh kinh đó, người ta đọc được những ý nghĩa chung :

- Đây là một dân cánh chung, được Thiên Chúa kêu gọi để tiến vào vương quốc của Ngài, thừa hưởng đời sống vĩnh cửu của Chúa trong Đức Kitô.

- Họ là những người đáp lại lời Chúa gọi, gia nhập vào hàng ngũ dân Chúa, được hiệp thông với Đức Kitô và nhờ Đức Kitô được thông hiệp đời sống thần linh của Chúa. Từ đó, họ cũng thông hiệp với nhau nữa.

Như thế, một cộng đoàn Kitô hữu trước tiên và căn bản mang ý nghĩa là một cộng đoàn được thánh hiến cho Thiên Chúa, khác biệt với thế giới chứ không diễn tả một sự phân biệt bên trong giữa giáo sĩ và giáo dân. Tất cả mọi người được Thiên Chúa kêu gọi, được lãnh bí tích Thánh Tẩy đều là những người được thừa kế gia sản Thiên Chúa ban trong Đức Kitô, có sự bình đẳng về phẩm giá và đều lãnh trách nhiệm chung về sứ vụ Chúa giao cho, bởi vì họ được chọn để làm ích cho "nhiều người".

Điều đó không có nghĩa là không có khác biệt nào về vai trò của các thành phần : "Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách là vì ích chung" (1 Cr 12,7 tt).

* Từ ngữ “giáo dân” xuất hiện

Dần dần các công đoàn Kitô hữu phát triển rộng lớn hơn, người ta cảm thấy cần phải củng cố tổ chức để điều hành sinh hoạt của cộng đoàn, cần phải xác định vai trò đặt tên cho mỗi thành phần riêng biệt cũng như cần chỉ định rõ công tác của mỗi thành phần trong các buổi cử hành phụng vụ. Thế là từ ngữ "giáo dân" xuất hiện, trước tiên, trong thư của thánh Clement (năm 95), để chỉ một người tín hữu bình thường, phân biệt với phó tế và linh mục; sau đó, trong thư thánh Justin, để chỉ những người đối đáp với vị chủ tế trong phụng vụ Thánh Thể.

2. Giáo dân trong Giáo hội thời tử đạo

Trong thời kỳ Giáo hội bị bách hại, có hai luồng tư tưởng chính vẫn tồn tại song song hoặc nhiều khi đối nghịch nhau:

- Một đàng khi phải chịu bách hại khổ đau, Giáo hội ý thức mãnh liệt mình là dân Cánh chung tha thiết mong chờ Chúa đến để giải thoát và hoàn tất công trình cứu độ của Ngài. Tất cả mọi thành phần trong Giáo hội, giáo sĩ cũng như giáo dân, đều có một nỗi mong chờ chung và đều gấp rút thi hành sứ vụ Chúa trao cho, nỗ lực rao giảng Tin Mừng để chuẩn bị đón Ngày Chúa Quang Lâm mà họ tưởng chừng như đã sắp tới. Trong tình hình như thế, Giáo hội ý thức mạnh mẽ về một sự khác biệt, một sự đối kháng giữa mình với thế giới.

- Đàng khác, vì Giáo hội vẫn phải tồn tại, vẫn phát triển và vẫn phải tổ chức đời sống của những cộng đoàn, nên không thể không chú tâm tới việc sắp xếp, tổ chức một phẩm trật để điều hành, để quyết định nhiều vấn đề trong cộng đoàn. Hơn nữa, thời đó, ảnh hưởng của tư tưởng Platon đang lan rộng, nhiều giáo phụ coi phẩm trật trong Giáo hội như là phản ảnh của trật tự của thiên quốc, các chức vụ trong Giáo hội không chỉ là sự khác biệt cần phải có trong cách tổ chức một cộng đoàn, nhưng còn là những trách vụ đại diện đặc biệt của Thiên Chúa, của Đức Kitô.

Từ đó, dần dần hình thành một cơ cấu phẩm trật trong Giáo hội, cơ cấu này vì chưa có được một nền tảng thần học vững chắc nên thường nặng về tính cách pháp lý nhiều hơn.

3. Giáo dân trong Giáo hội thời Trung cổ

Với chiếu chỉ Milan 313, vua Constantinô đã mở màn cho một giai đoạn mới trong lịch sử Giáo hội. Giáo hội được sống tự do, an bình, được công khai sống đạo và truyền đạo. Đó quả thật là một hạnh phúc lớn lao của cả Giáo hội cũng như của mọi Kitô hữu sau bao năm bị cấm cách. Tuy nhiên điều đó không phải là không kéo theo những hậu quả làm thay đổi sâu xa bộ mặt của Giáo hội.

Cuộc sống an bình làm cho ý thức về một Giáo hội Cánh Chung càng ngày càng giảm bớt, đồng thời củng cố thêm nhu cầu cần phải tăng cường cơ cấu tổ chức. Ngay sau khi hết thời bách hại, khuynh hướng quyền bính đã phát triển mạnh mẽ và người giáo dân càng ngày càng trở thành những người cấp dưới trong Giáo hội. Cuối thế kỷ IV cuốn sách mang tên "Giáo huấn các Tông Đồ" đã viết : "Người giáo dân chỉ là những đứa con nít phải canh chừng".

Hơn thế nữa, trong lòng đế quốc Roma, Giáo hội càng ngày càng phát triển có thêm nhiều đặc quyền và trở thành một thế lực bao trùm hầu hết thế giới tây phương. Giáo hội và trần thế ban đầu thì nương tựa, hỗ trợ mật thiết cho nhau, sau đó gần như đồng nhất thành một. Sự khác biệt, đối lập giữa Giáo hội và thế giới biến mất và thay thế vào đó là sự phân biệt, đôi khi sự đối kháng ngay trong lòng Giáo hội. Người ta bắt đầu sắp xếp các thứ bậc, phân biệt các cách sống đạo, đặt ra mỗi ngày mỗi nhiều thêm chức tước...

Theo dòng thời gian và cùng nhịp độ với hoàn cảnh xã hội, chính trị thuận lợi cho cho Giáo hội, khoảng cách giữa hàng giáo sĩ, tu sĩ và người giáo dân càng ngày càng rộng thêm hơn :

- Khoảng đầu thế kỷ V, các linh mục có y phục riêng.

- Khoảng cuối thế kỷ V, chức "cắt tóc" được thiết lập để đánh dấu những người của Giáo hội.

- Từ thế kỷ thứ VII, với phụng vụ bằng tiếng La tinh, giáo dân càng ngày càng thụ động hơn và càng có thêm những khoảng cách trong cộng đoàn phụng vụ: phần lễ quy được đọc thầm, các lời nguyện linh mục đọc ở ngôi thứ nhất số ít (con, tôi) thay vì là chúng con (chúng tôi).

Những sự phân biệt về phương diện tổ chức như thế đương nhiên kéo theo những hậu quả về phương diện phẩm giá và quan niệm tu đức. Trong một thế giới (Tây phương) hầu như toàn tòng, sứ mệnh truyền giáo mất dần ý nghĩa, thay vào đó là nỗ lực sống đời sống luân lý. Mức độ của đời sống trọn lành cũng được đánh giá ăn khớp theo tổ chức phẩm trật: trước hết là giáo sĩ đến tu sĩ rồi giáo dân.

Ban đầu người ta gọi các tu sĩ là những "con người thiêng liêng" sau cũng áp dụng cho cả các giáo sĩ triều, đối ngược lại với những "con người xác thịt", tức là người giáo dân. Giáo sĩ và tu sĩ được ví như bên phải và giáo dân như bên trái trong một thân thể. Nền tảng của phẩm giá người Kitô hữu không còn là bí tích Thánh Tẩy nhưng là bí tích Truyền Chức, lời khấn dòng, bí tích Hôn nhân. Trọng tâm của đời sống Kitô hữu không còn là trung thành và phát triển gia sản chung mà mọi người được thừa hưởng khi được Thánh Tẩy, mà là nỗ lực từ bỏ ma quỷ, thế gian và xác thịt....

Tóm lại, Giáo hội dần dần biến từ một Giáo hội Cánh chung, nghĩa là một Giáo hội lữ hành qua trần gian để tiến về vương quốc Thiên Chúa trong ngày cánh chung, để trở thành Giáo hội luân lý, đóng chốt trong trần gian và nỗ lực thiêng liêng hóa trần gian.

Tuy nhiên, trong thời kỳ này, dù bị đánh giá thấp so với các "bậc" khác trong Giáo hội, người giáo dân khá hăng say nhiệt thành; họ cố gắng nên thánh trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều hội đoàn được thành lập để liên kết với nhau, giúp đỡ nhau sống đời sống Kitô giáo tốt đẹp, thánh hóa đời sống hôn nhân, nghề nghiệp, của cải và đời sống binh nghiệp. Những hội đoàn này hoạt động khá sầm uất, họ có thánh quan thày riêng, cờ hiệu và đồng phục riêng. Trong đó đặc biệt phải kể đến các tổ chức dòng ba. Những tổ chức này đã phát triển rộng rãi và vẫn còn tồn tại mãi đến ngày nay.

Cũng vào thời kỳ này, Giáo hội ý thức được một khía cạnh chưa hề có trong thời Giáo hội chịu bách hại: đó là sứ vụ trần thế của người giáo dân. Giáo hội muốn hướng đời sống trần thế trực tiếp quy hướng vào việc phụng thờ Thiên Chúa, hướng tới ơn cứu độ, tới đời sống luân lý theo tinh thần Kitô giáo. Tất cả đời sống trần thế được đóng khung trong khuôn khổ tôn giáo và theo những luật lệ của Giáo hội. Tuy nhiên, sứ vụ này mới chỉ được hiểu về phương diện chính trị mà thôi, và cũng chỉ mới được áp dụng cho các ông hoàng, là những người giáo dân ưu tuyển. Giáo hội chăm chút đến đời sống đạo đức của các ông hoàng, nêu lên ý nghĩa đạo đức trong trách vụ cai quản quốc gia, chức tước của các ông cũng được thánh hóa với nhiều nghi thức gần như là chức thánh. Sở dĩ như vậy, là vì khi đó Giáo hội tin tưởng rằng một ông hoàng đạo đức, biết xử dụng tốt luật pháp và quyền hành chính trị thì có thể bảo đảm cho một dân chúng tốt.

4. Giáo dân trong thời cận đại

Từ thế kỷ XVI đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới. Những biến chuyển trong giai đoạn này của thế giới tây phương không chỉ liên đến tây phương, nhưng có nhiều liên lụy với toàn thế giới. Những yếu tố chính trong khúc ngoặt lịch sử này là :

- Trào lưu nhân bản thuyết nhấn mạnh tính cách tự lập và cao qúi của con người.

- Những khám phá mới về khoa học, kỹ thuật có ảnh hưởng sâu rộng: máy in, máy hơi nước, la bàn....

- Những cuộc khám phá và những mối liên lạc giao thương với các lục địa khác với châu Âu, có những nền văn hóa và tôn giáo không phải là Kitô giáo.

- Cuộc cách mạng Pháp 1789 khởi đầu một phong trào cách mạng khắp nơi, muốn tách rời Giáo hội và nhà nước.

- Trào lưu vô thần phát triển ngay trong lòng châu Âu Kitô giáo.

- Cuộc cải cách Tin lành và các trào lưu cải cách trong Giáo hội Công giáo (các dòng tu mới, công đồng Trente....). Nhiều yếu tố lớn trong Giáo hội và xã hội như vậy đưa đến một tiến trình tước đoạt, giảm thiểu ảnh hưởng của Giáo hội mỗi ngày mỗi mạnh hơn. Nhiều lãnh vực trước kia nằm trong tay Giáo hội nay tìm cách giữ sự độc lập riêng, trước tiên là về phương diện chính trị sau đó là văn hóa, khoa học, kỹ thuật, giáo dục cho đến cả lãnh vực bác ái và luân lý nữa.

Thế là sau hơn 10 thế kỷ, Giáo hội một lần nữa lại cảm thấy mình chỉ là một nhóm nhỏ giữa dòng một thế giới "trần tục" bao la. Sự phân biệt, đối kháng giữa Giáo hội và thế giới lại xuất hiện như trước kia và như một thách thức nghiêm trọng. Cũng từ đó mối hiệp nhất trong lòng Giáo hội lại bắt đầu hình thành, địa vị của người giáo dân được khôi phục lại dần dần.

Trước hết phải kể đến cuộc cải cách Tin Lành. Trào lưu này đưa tới một sự phân ly đau đớn cho Giáo hội, nhưng không phải là không có một số nét góp phần thúc bách cải tổ Giáo hội và đánh giá lại vị thế, vai trò của người giáo dân trong Giáo hội. Một số nét tích cực của phong trào cải cách Tin Lành là :

- Ý thức được tình trạng "chưa được Phúc Âm Hóa" ở nhiều miền, đặc biệt các vùng nông thôn, phong trào tin lành đã phát khởi một trào lưu rao giảng Tin mừng, làm rõ bản chất của Giáo hội trước hết là để phục vụ Tin Mừng.

- Đề cao việc đọc trực tiếp Kinh Thánh, dịch Kinh Thánh ra tiếng địa phương để người giáo dân không biết tiếng La tinh có thể đọc được.

- Khôi phục lại giá trị chức tư tế cộng đồng. Luther viết : "Chính phép Thánh Tẩy, việc loan báo Tin mừng và đức tin là những yếu tố duy nhất tạo nên tình trạng Giáo hội và thiết lập dân Kitô giáo".

Đáng tiếc là Luther đã đi quá xa khi đề cao chức tư tế cộng đồng để chống lại chức tư tế thừa tác và hàng giáo phẩm. Phản ứng chống lại những quá đáng của Tin lành, công đồng Trentô nhấn mạnh đến tính cách đặc biệt của chức linh mục thừa tác và không nói đến chức tư tế cộng đồng của người giáo dân. Tuy nhiên, trong đời sống, các nhà cải cách Công giáo không hề quên rằng bất cứ ai đã chịu phép rửa tội đều có trách nhiệm đối với sức sống của Giáo hội. Chẳng hạn vào cuối thế kỷ XVI, Philippê Nêri khi bắt đầu công cuộc tông đồ ở Roma cũng mới chỉ là một người đã chịu Thánh Tẩy. Tại Pháp, bà Acarie, đã biến nhà mình thành một trong những trung tâm tích cực nhất của cuộc cải cách Công giáo. Cả những nhà cải cách thuộc hàng giáo sĩ cũng nhắm đến mục tiêu "canh tân đời sống Kitô giáo" dựa trên việc khám phá lại ơn gọi do bí tích Thánh Tẩy (Jean Jacques Olier).

Ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo hội và thế giới (1)

5. Giáo dân trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX

Cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã đưa đến một trào lưu không thể nào cưỡng lại được nữa: các quốc gia dần dần tách khỏi bàn tay của Giáo hội để biến thành những xã hội hoàn toàn tục hóa. Ban đầu nỗ lực của các vị Giáo hoàng là tìm cách khôi phục lại một xã hội Kitô giáo như xưa, và không có cách nào khác lại phải cậy nhờ đến sự đóng góp của người giáo dân. Thế là hàng rào giới hạn sức lực của người giáo dân được mở ra, nhiều giáo dân nhiệt thành hăng hái lao vào cuộc, rồi các hiệp hội được thành lập nhằm tới các mục tiêu bác ái (chẳng hạn: Hội Thánh Vinh Sơn Phaolô) hoặc mục tiêu tông đồ (chẳng hạn: Hiệp hội Thanh Niên Công giáo Pháp ra đời năm 1886).

Thế nhưng, trào lưu thế tục hóa không vì thế mà suy giảm; các vị Giáo hoàng nhận ra là không thể quay ngược lại dòng lịch sử. Từ đó, ý thức tông đồ của Giáo hội cũng dần dần biến chuyển đến chỗ: phải làm chứng cho Chúa Kitô ở giữa lòng đời, làm chứng cho những gì căn bản và thuần khiết nhất của Kitô giáo, làm chứng bằng chứng tá của chính đời sống tràn đầy tình bác ái, đầy lòng tin, cậy, mến, chứ không phải bằng cách thiết lập một thế giới Kitô giáo như xưa. Ý thức mới này, may mắn thay lại mở màn cho một cuộc canh tân sâu xa hơn nhiều: canh tân ý thức đức tin, canh tân ý thức về đòi hỏi của Tin Mừng, canh tân phụng vụ, canh tân ý thức sứ vụ về những phương pháp tông đồ trong lòng xã hội trần tục.

Kết quả là một số phong trào Công giáo tiến hành được hình thành và hoạt động tích cực. Khởi đầu là phong trào Thanh Lao Công do linh mục Cardjin lập năm 1924 và được Đức Thánh Cha Piô XI hỗ trợ.

Về phần mình, Giáo hội tìm lại được sự thống nhất các thành phần, ý thức được tầm quan trọng của một chi thể mà lâu nay không được nhìn nhận đúng mức; nhất là Giáo hội sống lại tinh thần Cánh chung, là tính cách cốt yếu của Giáo hội.

Các người giáo dân trong thời đại này cũng tìm lại được phẩm giá của mình trong Giáo hội, ý thức mạnh mẽ sứ vụ được Chúa trao cho giữa trần gian. Trong lãnh vực tông đồ rõ ràng người giáo dân có nhiều điều kiện thuận lợi hơn tu sĩ và giáo sĩ. Nhất là sứ vụ trần thế được làm cho sáng tỏ hơn lúc nào hết. Khi thi hành công việc "làm đẹp bộ mặt thế giới" người giáo dân không chỉ mang tinh thần "để sống cho qua ngày", nhưng ý thức được ý nghĩa công việc đó là tiếp tục công trình sáng tạo của Chúa, là sắp xếp các sự vật cho thích hợp và hướng tất cả theo ý định ngàn đời của Thiên Chúa.

(còn tiếp)

Nguyễn Trọng Viễn, O.P.

CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình

------------------------------------

[1] Bài nói chuyện tại TTMV này đã được đăng trong tập san Về Nguồn I của Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh; rồi được đưa vào tập chương trình tiến cấp, Tuyên Hứa Tạm, của Huynh Đoàn. Để có một cái nhìn toàn diện hơn về giáo dân, xin coi toàn bộ 5 bài viết trong các tài liệu nêu trên: 1) Người giáo dân qua dòng lịch sử. 2) Tiến đến một nền thần học giáo dân. 30 Linh đạo giáo dân.4) Giáo dân trong Giáo hội hiệp thông. 5) Giáo dân và ơn gọi làm tông đồ.

[2] Phần này viết dựa theo A. Barrufo, đề mục Laic, Dictionaire de la Vie spirituelle, Les Éditions du Cerf, Paris 1987.