Vấn đề đào tạo giáo dân của Giáo hội ngày nay (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3234 | Cật nhập lần cuối: 12/14/2014 9:26:13 PM | RSS

(tiếp theo)

IV. PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO GIÁO DÂN

Giáo hội luôn quan tâm tới những khám phá và tiến bộ của con người trong mọi lãnh vực, nhất là lãnh vực giáo dục, nên Giáo hội hết sức chú trọng đến việc đem các tiến bộ tốt đẹp ấy ứng dụng vào trong công việc giáo dục của mình. Vì thế mà trong công cuộc đào tạo giáo dân, Giáo hội xử dụng nhiều phương pháp thích hợp và có giá trị, như:

1. Trau đồi kiến thức phải đi đôi với thực hành,

2. Giúp giáo dân tự đào tạo mình,

3. Đào tạo giáo dân qua cử hành Phụng vụ, Bí tích,

4. Đào tạo giáo dân bằng các Lớp, các Khóa học hỏi ngắn và dài ngày,

5. Đào tạo giáo dân qua các Hội đoàn Công giáo Tiến hành,

6. Đào tạo giáo dân qua các Phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, sách sở, phim ảnh, website…

7. Đào tạo giáo dân qua các Hội nghị, các đợt Tĩnh Tâm.

V. THỜI GIAN VÀ MÔI TRƯỜNG ĐÀO TẠO GIÁO DÂN

Hẳn nhiên là công cuộc đào tạo giáo dân như thế thì không thể có điểm dừng, nghĩa là không bao giờ có thể nói là đã hoàn thành. Từ bé tới lớn, từ trẻ tới già luôn luôn là thời gian đào tạo.

Còn môi trường đào tạo thì chính là trong Giáo hội từ gia đình cho đến giáo xứ, giáo phận, cho đến Giáo hội toàn cầu. Trong các môi trường ấy phải kể đến các trường Công giáo (từ tiểu đến trung và đại học) và các môi trường hội đoàn (x. Người Kitô hữu giáo dân, số 61-62).

VI. NHỮNG NGƯỜI CÓ TRÁCH NHIỆM ĐÀO TẠO GIÁO DÂN

Nói cho cùng, thì chính Thiên Chúa là Đấng đào tạo các Kitô hữu giáo dân cũng như giáo sĩ. Và chỉ một mình Đức Giêsu Kitô là Thầy, là Sư Phụ dậy dỗ và rèn luyện mọi người nên con cái Thiên Chúa, nên giống Ngài, để “Thầy nào trò nấy” (Người Kitô hữu giáo dân, số 61). Nhưng Thiên Chúa và Đức Kitô cũng đã giao trách nhiệm đào tạo ấy cho các Tông đồ và đặc biệt là Tông đồ trưởng Phêrô. Vì thế Đức giáo hoàng và các Đức giám mục là những người được Thiên Chúa giao phó công việc giáo dục đào tạo mọi thành phần Dân Chúa trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình: Đức giáo hoàng thì trong phạm vi Giáo hội toàn cầu, các giám mục thì trong phạm vi Giáo hội địa phương là giáo phận. Tông huấn Người Kitô hữu giáo dân khẳng định:

“Công cuộc giáo dục trước hết là công việc của Giáo hội toàn cầu. Đức Giáo hoàng giữ vai trò người giáo dục đầu tiên của giáo dân. Là người kế vị thánh Phêrô, ngài cũng có sứ mệnh “củng cố anh em mình trong đức Tin” bằng cách dạy dỗ tất cả mọi tín hữu những yếu tố thiết yếu trong ơn gọi cũng như sứ vụ của Kitô giáo và Giáo hội. Không chỉ những lời do chính ngài đã loan báo, nhưng cả những gì được trình bày trong các văn kiện của các cơ quan khác nhau của Toà thánh đều cần được người giáo dân lắng nghe với lòng tuân phục kính yêu” (Người Kitô hữu giáo dân, số 61).

“Tại mỗi Giáo hội địa phương vị Giám mục có một trách nhiệm cá nhân đối với giáo dân. Ngài phải huấn luyện họ bằng cách loan báo Lời Chúa, cử hành Phụng vụ Thánh Thể và các Bí tích, làm sinh động và hướng dẫn đời sống Kitô hữu” (Người Kitô hữu giáo dân, số 61).

Trên thực tế, các Giám mục thực hiện công việc quan trọng ấy bằng nhiều cách: thăm viếng, khuyên nhủ, giảng dạy trực tiếp hay gián tiếp tức qua các phương tiện truyền thông xã hội như thư từ, báo chí, sách vở, tài liệu và qua các cộng tác viên sống động là các linh mục. Cho nên, sau Giám mục thì các linh mục, nhất là các linh mục chánh xứ, là người có trách nhiệm chính trong việc đào tạo huấn luyện giáo dân, vì như Tông huấn Người Ki-tô hữu giáo dân xác định: “Giáo xứ giữ một vai trò thiết yếu trong việc huấn luyện cách trực tiếp hơn với từng giáo dân. Thực vậy giáo xứ có điều kiện dễ dàng để đến với riêng từng người, từng nhóm nên giáo xứ được kêu gọi đào tạo các phần tử của mình biết lắng nghe Lời Chúa, biết đối thoại với Chúa trong cử hành phụng vụ cũng như cầu nguyện riêng, biết sống bác ái huynh đệ, và đồng thời giáo xứ còn phải cho họ thấy được một cách trực tiếp và cụ thể, ý nghĩa của sự hiệp thông trong Giáo hội và của trách vụ Truyền Giáo” (Người Kitô hữu giáo dân, số 61).

Các tu sĩ cũng có trách nhiệm tham gia một cách nào đó vào công việc đào tạo này, vì tu sĩ cũng là thành phần Dân Chúa, mà đã là thành phần Dân Chúa thì không ai không có trách nhiệm xây dựng Thân Thể huyền nhiệm của Chúa Kitô là Giáo hội.

Sau cùng việc đào tạo hàng giáo dân trưởng thành còn là trách nhiệm của chính người giáo dân, nhất là của những người làm cha làm mẹ, làm huynh trưởng các phong trào giáo dân, các bậc đàn anh đàn chị trong các hội đoàn, tổ chức Công giáo tiến hành. Trong một số trường hợp thiếu linh mục hoặc các linh mục qúa bận với công việc mục vụ, hoặc các linh mục lơ là với việc đào tạo giáo dân, thì trách nhiệm đào tạo giáo dân của hàng giáo dân càng nặng nề và cấp bách hơn.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

----------------------------

Bài liên quan:

Vấn đề đào tạo giáo dân của Giáo hội ngày nay (1)