Suy niệm BĐ1 Vọng Phục sinh - Sáng Thế (1, 1-2, 2) - Thiên Chúa làm mọi sự thật tốt đẹp

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 40 | Cập nhật lần cuối: 4/29/2024 7:44:38 PM | RSS

Dẫn nhập chung 7 bài đọc Vọng Phục Sinh

Phụng vụ đề nghị chúng ta Bài Đọc I gồm 7 đoạn cách nhau bằng những Thánh Vịnh và Thánh Ca của Cựu Ước. Liên kết các bài đọc này có ý nghĩa gì với nhau ?

Dĩ nhiên cần nắm bắt chìa khóa để hiểu phải tìm ở Lễ Vượt Qua Do Thái. Thế nhưng bản dịch Targum (bản dịch Can-đê sách Ngũ Thư – lời người dẫn: Giáo Hội Nestorius) lễ Vượt Qua gồm một bài thơ gọi là thư «Bốn Đêm» miêu tả một bích hoạ vĩ đại dự án Thiên Chúa dành cho nhân loại. Bài bắt đầu như sau: «bốn đêm được viết trong sách hồi ký». Bốn đêm, tức là đêm tạo dựng, đêm thử thách ông Áp-ra-ham dâng hiến I-sa-ác, đêm thoát khỏi Ai Cập, và đêm cánh chung.

Sau đây là trực tiếp bảy bài đọc. Trước hết là ba bài thuộc về ba đêm đầu: bài thơ Tạo Dựng (St 1), thử thách ông Áp-ra-ham (St 22) và giải thoát khỏi Ai-cập (Xh 14). Tất cả bốn bài đọc kia gồm chung một đêm thứ tư «khi thế gian đến ngày khánh tận», tức là khi giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại đến hồi viên mãn: Tiên Tri I-sa-i-a miêu tả như một đám cưới: «Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi» (Is 54, 5)}và như lúc của cải đầy dư (Is 55, 1 «Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! ; sau đó sách Ba-rúc chỉ con đường đến hạnh phúc, đó là khi trung thành với lề luật «Ai gắn bó với Lề Luật thì sẽ được sống …» (Br 4, 1); sau cùng sách Tiên Tri Ê-dê-ki-en loan báo nhân loại mới sẽ không còn "tim bằng đá" nữa: «Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.» (Ed 36, 26)

Như thế, Giáo hội mặc khải qua mầu nhiệm Phục sinh, dự án giao ước giữa Thiên Chúa với nhân loại được hoàn tất. Giáo hội đề nghị chúng ta suốt buổi Lễ Vọng Phục Sinh sống lại cuộc hành trình lịch sử này.

BÀI ĐỌC 1

Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm thật tốt đẹp

Trích sách Sáng Thế (1, 1-2, 2)

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.

3 Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng.4 Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối.5 Thiên Chúa gọi ánh sáng là "ngày", bóng tối là "đêm". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.

6 Thiên Chúa phán: "Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước."7 Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy.8 Thiên Chúa gọi vòm đó là "trời". Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.

9 Thiên Chúa phán: "Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra." Liền có như vậy.10 Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất", khối nước tụ lại là "biển". Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.

11 Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống." Liền có như vậy.12 Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.13 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.

14 Thiên Chúa phán: "Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm.15 Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất." Liền có như vậy.16 Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao.17 Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất,18 để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.19 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.

20 Thiên Chúa phán: "Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời."21 Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.22 Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất."23 Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.

24 Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại." Liền có như vậy.25 Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.

26 Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."

27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.

28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất."29 Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy."31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.

1 Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất.

2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.

Đoạn Kinh thánh rất hay trên được xem như một bài thuộc nguồn tư tưởng «tư tế» (vào thế kỷ thứ VI, trong lúc lưu đày Babylon), nói lên tình trạng hiểu biết và những mối âu lo của xã hội lúc ấy.

Bài chẳng phải là một mẫu truyện, cũng không phải bài nhà báo tường thuật, càng không có tham vọng mang tính khoa học, vì thế không nên hiểu sai những từ đầu tiên: «Lúc khởi đầu». Tác giả không có tham vọng miêu tả một sự kiện lịch sử nhưng muốn chuyển tải một sứ điệp thần học cao siêu. Đây chỉ là bài suy niệm về tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đối với tác giả, nguồn gốc (lúc khởi đầu) của mọi sự là Thiên Chúa: đây là tiếng nói của một thi sĩ, đúng hơn là một tín hữu chứ không phải một nhà thông thái.

Một khi nói đến Babylon là nói đến lưu đày, bách hại, bầu khí thờ phượng bụt thần: ở đấy, hằng năm, đến ngày lễ thần Mardouk, họ đọc bài thơ Enouma Elish (bài thơ Babylon về tạo dựng) kể lại buổi đầu tạo dựng trời đất và nhân loại. Các tư tế Ítraen (được xem như nhóm tư tưởng «tư tế») cố gắng duy trì lòng tin của dân bị lưu đày và giữ ngày Sabát. Họ sáng tác các bài thơ tạo dựng nhằm tạo sự khác biệt với các bài của dân Babylon để giữ đức tin nơi Thiên Chúa độc nhất.

Có ít là bốn điểm chính yếu. Thứ nhất, Thiên Chúa của Thánh kinh là độc nhất. Ngài là Đấng tạo dựng vũ trụ; Ngài không phải là một thành phần của sự tạo dựng. Ví dụ như mặt trời và mặt trăng chỉ được xem như những «đèn thắp sáng», để nói rõ chúng chỉ là những tạo vật được dựng nên nhằm thi hành một nhiệm vụ do Đấng Tạo Dựng quyết định. Bài còn nhấn mạnh ở lời nói (Chúa tạo dựng chín lần bằng lời Ngài: «Chúa nói») dĩ nhiên đó là một điểm nổi bật chống lại bụt thần. Bởi vì bụt thần chỉ là những tượng câm, Thánh kinh luôn lặp lại: «Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.» (Tv 115, 6). Trái lại, trước khi chúng hiện hữu, Thiên Chúa đã nói! Chúa luôn đi trước. Điều này nói lên chỉ có Thiên Chúa mới biết nguồn gốc của chúng ta và muôn vật. Tuy thế, công hiệu của lời Chúa không phải điều đặc thù nơi đức tin của Ítraen. Ở Ai Cập và Mêsôpôtamia, họ cũng tin sự tạo dựng xuất phát từ lời nói của thần linh. Thế nhưng điều đặc thù nơi Ítraen, lời nói ở đây là «lời tốt đẹp» như vua Salômôn nói: Chúa chúng ta là Thiên Chúa nói để mặc khải cho chúng ta và ban sự sống và hạnh phúc cho con cái Ngài. (x. Is 55, 11)

Điểm thứ hai của bài thơ Thánh Kinh là: Sự tạo dựng là một công trình tình yêu. Câu «Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp» được lặp lại bảy lần như một điệp khúc. Trong ấy từ «tov» có nghĩa tốt, hay, hạnh phúc. Chúng ta không ngẫu nhiên được tạo thành, nhưng trong bàn tay của Cha. Điều này làm cho dân Ítraen khác biệt với các dân tộc chung quanh: ngược lại với bài thơ tạo dựng của dân Babylon cơ bản lẫn lộn tạo vật xấu, tốt với nhau.

Điểm thứ ba: Nhân loại là hình ảnh của Thiên Chúa, và hình ảnh này có hai mặt. Nhân loại gồm hai giới là hình ảnh Thiên Chúa: «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ» (St 1, 27). Điều này giải thích tại sao Ítraen cấm mọi hình thức biểu hiện Thiên Chúa (Xh 20, 4; Xh 32): con người được tạo dựng bởi Thiên Chúa là hình ảnh duy nhất của Ngài. Điều này giúp chúng ta hiểu vì sao các ngôn sứ rao giảng phải tôn trọng con người.

Thế nhưng con người giống hình ảnh Thiên Chúa như thế nào? Hình như ở chỗ con người chủ động hoàn tất chương trình tạo dựng: «Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.» (St 1, 26) Sau đó Thiên Chúa ra lệnh, điều này nói lên sứ vụ con người: «Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.» (St 1, 28). Con người trong bối cảnh nhất định, không thể điều khiển thời gian và tinh tú, nhưng thống trị trái đất.

Điều này nhân loại có trách nhiệm trong tạo dựng: con người là đỉnh cao của tạo dựng và có sứ vụ thống trị tạo vật, giống hình ảnh Thiên Chúa. Đối với dân Mêsôpôtamia thì trái lại, họ tin rằng con người được tạo dựng để phục vụ các thần thánh vì các thần thánh không muốn phải tự phục vụ mình. Sứ vụ được Thiên Chúa chỉ định là một cuộc phiêu lưu trong tương lai. Mọi sự chưa thành, ở đây không phải như mua cái xe được «giao luôn chìa khóa»: bảy ngày tất sẽ có ngày thứ tám.

Suy niệm Bài đọc 2 - Trích sách Sáng Thế (St 22, 1-13; 15-18)

Suy niệm Bài đọc 3 - Trích sách Xuất Hành 14 - 15,1

Suy niệm Bài đọc 4 - Trích sách Isaia 54, 5 - 14

Suy niệm Bài đọc 5 - Trích sách Isaia 55, 1-15

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân