Suy niệm BĐ2 Vọng Phục sinh - Sáng Thế (22, 1-13; 15-18) - Nhìn bằng đức tin

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 38 | Cập nhật lần cuối: 4/27/2024 7:47:23 PM | RSS

Hiến lễ của Ápraham tổ phụ chúng ta

BÀI ĐỌC 2

Trích sách Sáng Thế (St 22, 1-13; 15-18)

1 Sau các việc đó, Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người gọi ông: "Áp-ra-ham! " Ông thưa: "Dạ, con đây! "

2 Người phán: "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho."

3 Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là I-xa-ác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo.

4 Sang ngày thứ ba, ông Áp-ra-ham ngước mắt lên, thấy nơi đó ở đàng xa.

5 Ông Áp-ra-ham bảo đầy tớ: "Các anh ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên tận đàng kia; chúng tôi làm việc thờ phượng, rồi sẽ trở lại với các anh."

6 Ông Áp-ra-ham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai I-xa-ác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi.

7 I-xa-ác thưa với cha là ông Áp-ra-ham: "Cha! "

8 Ông Áp-ra-ham đáp: "Cha đây con! " Cậu nói: "Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu? " Ông Áp-ra-ham đáp: "Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ." Rồi cả hai cùng đi.

9 Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói I-xa-ác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi.

10 Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.

11 Nhưng sứ thần của ĐỨC CHÚA từ trời gọi ông: "Áp-ra-ham! Áp-ra-ham! " Ông thưa: "Dạ, con đây! "

12 Người nói: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc! "

13 Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.

15 Sứ thần của ĐỨC CHÚA từ trời gọi ông Áp-ra-ham một lần nữa

16 và nói: "Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi,

17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch.

18 Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta."

Điều tệ hại của bài này là có hai cách đọc! Điều khủng khiếp nhất là tưởng tượng Chúa ra lệnh để đùa xem ông Ápraham có vâng lời hay không… để sau cùng cho lệnh ngưng… «Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó» thật đúng lúc. Và cũng trong cách nhìn đó, tại vì ông Ápraham tuân lệnh làm bất cứ gì Chúa nói (bằng cách trả lời hai lần «Lạy Chúa con đây») Chúa mới hứa trời hứa biển cho ông. Nhưng nhìn như thế, tôi xin lỗi, là đọc như người ngoại đạo! Một thiên chúa chờ đợi chúng ta ở ngõ quanh để thưởng, để phạt một cách độc đoán như một vị vua độc tài… một thiên chúa mà thỉnh thoảng chúng ta mường tượng như thế, chứ không phải Thiên Chúa thật.

Đọc với đức tin thì khác hẳn. Cũng như ta nói khi ta nhìn người mình yêu thì nhìn «với cặp mắt yêu thương», thì cũng như thế, có những «cặp mắt đức tin». Hơn nữa nếu chúng ta có thời gian đọc trọn cả bài, như Thánh kinh kể lại (ở đây phụng vụ chỉ đề nghị một đoạn ngắn gọn) chúng ta sẽ nhận thấy đề tài «cách nhìn» được thể hiện rất nhiều trong tất cả các chương. Các từ như Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu (c. 13) được trở lại nhiều lần. Từ "Mo-ti-va" cũng là cách chơi chữ động từ "nhìn": điều này có nghĩa là "Chúa nhìn thấy" và "nhìn thấy Chúa". Một cách nói lòng tin như cặp mắt kính, mang vào để thấy Chúa và thế gian.

Chúng ta thử đọc với đức tin sự kiện này.

Thứ nhất, khi bài này được viết cách đây ít là 1000 năm, ai cũng biết Ixaác không bị Ápraham giết, nhưng sau đó đã sống rất lâu. Tác giả không đề nghị chúng ta xem như một phim hồi hộp. Nhưng chúng ta nhận thấy nhiều tranh ảnh vẽ cảnh hiến dâng Ixaác nhấn mạnh đến khía cạnh hồi hộp này.

Điều thứ hai, khi bài này được viết (800 năm trước CN, trong lúc ông Ápraham sống khoảng năm 1850 trước CN), ai cũng biết Thiên Chúa nhất quyết từ chối việc dâng mạng người! Từ trước đến giờ đều như thế. Và chúng ta cũng biết rất khó vâng theo điều cấm này trong lúc các dân tộc chung quanh đều thực hành việc hiến dâng mạng người. Điều này đòi hỏi thay đổi cách nhìn của con người về Thiên Chúa. Vì lẽ ấy con cái Ápraham đọc bài này như một tường thuật sự thay đổi cách nhìn của Ápraham về Thiên Chúa. Dường như Chúa nói với ông: “Khi Ta đòi hỏi ngươi một sự hiến tế, ngươi thấy Ta như thế nào? Ngươi có thể nào tưởng tượng Thiên Chúa muốn con ngươi phải chết? Nếu nghĩ như thế thì ngươi đã lầm! Mặc dù Ta đã làm mọi sự để nhắc ngươi, Ta hứa cho ngươi một dòng dõi, chính từ đứa con ấy của ngươi.”

Lời hứa bất hủ ấy chúng ta đã đọc trong sách Sáng Thế: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng,… Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc… Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi nhiều như bụi trên mặt đất;… Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Người lại phán: Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!...chính nhờ I-xa-ác mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi.’” (Chúng ta thấy tất cả các lời hứa ấy trong sách Sáng Thế từ chương 12 đến 21)

Tất cả bắt đầu bằng từ đầu tiên «Áp-ra-ham». Chúa không gọi bằng tên - Ápram - của ông nhưng bằng tên Ngài đặt cho ông từ ngày lập giao ước với ông – Áp-ra-ham có nghĩa là «tổ tiên một dòng dõi đông đúc».

«Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác…». Trong cách đọc như dân ngoại, người ta sẽ nói: chẳng những Thiên Chúa đòi hỏi một điều ghê tởm mà còn đùa như xoáy gươm vào vết thương… Cách đọc khác là: sở dĩ Chúa nhấn mạnh: «Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác… » đó là cách Chúa nói: Ta không quên lời hứa của Ta, Ta không quên tất cả hy vọng đều dựa vào chính Ixaác… Tên nó có nghĩa «đứa con của tiếng cười»: này Ápraham, hãy nhớ, ngươi đã cười khi Ta hứa nó cho ngươi; và Sara cũng cười… Ngươi không tin nó sẽ được sinh ra khi ngươi đã cao niên, và nó đã được sinh ra vì Ta đã hứa như thế. Đứa con một của ngươi, từ nó và chỉ từ nó mà thôi, lời hứa của Ta được thực hiện, từ đó con cháu dòng dõi ngươi được sinh ra… Một dòng dõi đông đúc như bụi trên mặt đất (St 13) đông như sao trên trời (St 15).

«Tất cả hy vọng của chúng ta dựa vào I-xa-ác…» chúng ta dám nói như thế. Hai cách đọc, như người ngoại và như người có đức tin khác nhau ở chỗ này: người ngoại ngờ vực Thiên Chúa không quan tâm, trong lúc người có lòng tin được mặc khải, niềm hy vọng của con người và hy vọng của Thiên Chúa là một, vì lẽ ấy Thiên Chúa đã cam kết vào cuộc phiêu lưu giao ước. Tin, tức là không bao giờ quên, mặc cho những gì có thể xảy ra, kế hoạch của Thiên Chúa là kế hoạch yêu thương! Chính vì thế, ông Ápraham có lòng tin như thế; tin đến nỗi - vì lý do gì đó mà ông không biết nhưng chắc chắn như thế - Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài cho ông một dòng dõi, từ Ixaác chứ không từ ai khác. Vì lẽ ấy ông Ápraham được xem như một mẫu gương cho con cái về sau; và cũng vì lẽ ấy Chúa có thể thử thách lòng tin của ông. Bất chợt, nhờ đức tin không có gì thắng nổi, sự kiện này đánh dấu khúc quanh duy nhất, có tính cách quyết định trong lịch sử mặc khải. Ông Ápraham khám phá ra khi Chúa nói hãy «hy sinh» không có nghĩa là «giết» như thể máu làm cho Chúa vui! Chúa đã truyền cho Ápraham «hãy dâng con ngươi làm lễ toàn thiêu» và Ápraham được mặc khải điều này «hãy để cho nó sống, nhưng đừng quên chính Ta ban nó cho ngươi». Kể từ nay ở Ítraen người ta biết Thiên Chúa không bao giờ muốn con người phải chết, bất cứ vì lý do gì.

Vì thế, ông Ápraham chẳng bao giờ bỏ lòng tin, ông có thể nghe lại lời hứa, một lời hứa ông không bao giờ nghi ngờ: «17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. 18 Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.» (c. 17.18)

Nhưng cho đến ngày nay, các lời hứa đó vẫn chưa hoàn toàn được thực hiện, dòng dõi đông đúc thì thật sự đã có, thế nhưng nguồn của muôn dân chúc phúc, bắt đầu bằng chính dân Itraen thì chưa hẳn đã có, còn chưa đến! Thật vậy khi ta nhìn con cái của dòng dõi này xung đột mãnh liệt với nhau như thế nào!...

Từ nay những ai tin thì xứng đáng được gọi là “con cháu Ápraham” vì họ tin rằng lời hứa của Thiên Chúa sẽ được thực hiện chỉ vì chính Ngài đã hứa và Ngài luôn trung tín. Thật ra tất cả những ai tin vào lời hứa ấy và hết lòng hành động cho lời hứa ấy được thực hiện, đều xứng đáng được gọi là «con cháu Ápraham».

Suy niệm Bài đọc 1 - Trích sách Sáng Thế (1, 1-2, 2)

Suy niệm Bài đọc 3 - Trích sách Xuất Hành (14 - 15,1)

Suy niệm Bài đọc 4 - Trích sách Isaia 54, 5 - 14

Suy nim Bài đc 5 - Trích sách Isaia 55, 1-15

Tác giả: Marie-Noëll Thabut
Nguồn: L’ intelligence des Ecritures, Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân